Kí ức lịch sử, kí ức cộng đồng

Mỗi cộng đồng nhỏ hay lớn đều có những kí ức của mình, những thành tố căn bản để bảo dưỡng và phát triển sự cố kết cộng đồng.


Những miền kí ức

Trong một gia đình cổ truyền nhiều thế hệ ở xứ ta, khoảnh khắc khi ông bà ngồi nhặt rau chuyện trò với mấy cô cậu bé nhí thật là đặc biệt. Những kí ức của thế hệ ông bà được tải dần sang mấy cô cậu một cách thật tự nhiên và truyền cảm.

Những kí ức này có thể xem như gồm lẫn hai loại.

“Những kí ức lịch sử”, những kí ức về những sự kiện mà bản thân thế hệ ông bà không trực tiếp trải nghiệm, chúng được truyền lại đến thế hệ ông bà từ các thế hệ trước nữa, kể cả những huyền thoại. Theo một nghĩa nhất định, cả ông bà và những đứa trẻ đều bé em “gần như nhau” trước những kí ức lịch sử của ông bà. Tất cả chúng ta đều là những đứa trẻ thơ trong cái thế giới lịch sử và huyền thoại mà chúng ta chưa từng sống trong đó.

“Những kí ức cộng đồng”, những kí ức sống động của thời ông bà sống đã sống, chúng lại như vừa mới xảy ra đây thôi, đầy hình ảnh và cảm xúc, cùng những bài học đắt giá. Ngày trước các cụ, các ông bà khác, các cô chú bác trong nhà ta như thế nào. Làng xóm phố phường thời ấy ra sao. Cả một năm cả nhà mới ra hiệu chụp ảnh chung một lần, chỉ vài ba chiếc mà bác thợ mất hết cả tiếng đồng hồ như thế nào. Mấy ông mê bóng đá đạp xe đạp từ Hà Nội xuống tận Hải Phòng mùa nắng hè gay gắt để xem cho bằng được một trận bóng đá nảy lửa ra sao, v.v. Rộng lớn hơn lên, những sự kiện tầm quốc gia thời đó… Có những sự kiện gốc rễ của những kí ức này tuy ông bà chỉ gián tiếp thu nhận, nhưng âm hưởng về cách tri nhận, cách cắt nghĩa chúng, cùng các bối cảnh xã hội-văn hóa thời ông bà đã sống cho phép những kí ức này tồn tại như những kí ức sống ở bên trong ông bà. Bọn trẻ con nghe những chuyện này lạ hoắc, trong khi các ông bà thì đang sống lại hừng hực tuổi trẻ của mình… “Những kí ức cộng đồng” đó của ông bà đã là “những kí ức lịch sử” cho bọn trẻ, và nhiều khi các ông bà quên mất điều đó.

Các ký ức lịch sử hay các kí ức cộng đồng đều là những kí ức tập thể, theo cách nhìn nhận của ông Durkheim. Tôi tỏ lòng biết ơn ông Durkheim về các khái niệm này.

Trí nhớ cá nhân về các sự kiện xã hội, thậm chí cả với những sự kiện riêng tư, luôn được hình thành trong một nhóm xã hội, và bị-được rung cảm, cắt nghĩa dưới ảnh hưởng lớn lao của nhóm xã hội của họ. Và sự chuyển tải truyền thống-văn hóa-xã hội thông qua đó mà được thực hành. Một tục ngữ người châu Phi có nói rằng chúng ta tưởng mình chỉ là những đứa con của bố mẹ mình, nhưng thực ra về cơ bản chúng ta là những đứa con của thời đại mình.
Đời sống nhà nông ngày xưa còn đặc biệt nữa, hàng trăm năm ít có thay đổi. Do đó rất nhiều “những kí ức lịch sử” trộn lẫn nhuần nhuyễn với “những kí ức cộng đồng”. Vẫn dòng sông quê đó, vẫn con đò đó tự ngàn xưa. Vẫn cây đa hàng trăm tuổi đó, tỏa bóng xuống đình làng cổ xưa đó. Vẫn cái cày với con trâu, cái cối xay đất với cái cối giã gạo nhẵn bóng. Vẫn niêu đất cơm vùi rơm rạ, với cái vại dưa cà… Miền quê thời xưa là cả một thiên đường cho linh hồn tình cảm vĩnh hằng của con người ở đó!

Sự cố kết cộng đồng thời xưa cực kì giản đơn, cực kì nhỏ bé, nhưng được đan bện sâu lắng bởi các lớp trầm tích kí ức của hàng ngàn năm thấm đẫm vào nhau, đến mức khó mà bóc tách nổi từng lớp đó ra.

Không có gì ngạc nhiên nếu những con người hôm xưa họ cảm xúc, nói năng, suy nghĩ, và hành động thật vô cùng giống nhau, bởi họ cùng được tắm đúc trong cái nền ký ức lịch sử-cộng đồng vô cùng đồng nhất.
—-
Ngày hôm nay, nhất là từ hai chục năm nay, con người xứ sở Việt buộc phải vẫy vùng trong những cơn sóng gió thật là mạnh mẽ của một đời sống xã hội được cuốn ào vào những dòng chảy xiết của thời đại, những cơn sóng gió quá-quá mạnh mẽ nếu so với cái lịch sử lề thói đời sống yên ả vốn dĩ của mình.

Trực quan nhất, cái làng của bạn, cái phố của bạn đã thay đổi đến mức khó mà nhận ra lại được những đường nét và tính cách cổ xưa, vốn dĩ đã tồn tại như thế từ rất lâu đời. Nếu hôm nay chúng ta còn có khả năng bảo trì được một vài cái làng cổ đẹp đẽ, kể cả lề thói làm ăn sinh sống của người dân ở trong đó, thì những làng này xứng đáng được xã hội trợ tiền để được nuôi dưỡng, một cách cấp bách, và dài lâu.

Các công cụ của đời sống cũng đã thay đổi hoàn toàn. Sinh hoạt cũng thế.

Họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp đã khác xưa, chịu nhiều dịch chuyển, thậm chí bạn không còn biết được nhiều người trong số đó nay đang ở đâu, hay đã đi đâu, còn hay mất.

Tất cả thành một mớ bòng bong của thời kì chuyển đổi. Thật, giả, cũ, mới, khó mà lần. Tất cả các cách sống, lối sống, chuẩn mực, các quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội, chúng đang không ngừng biến đổi. Cái thì hợp theo, cái thì hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của bạn…

Vậy thì cố kết cộng đồng như thế nào với cái biển ký ức đang dậy sóng đó, và sẽ còn dậy sóng ngày một mạnh mẽ hơn nữa lên? Lớn tiếng rao giảng phê phán cấp tập đơn thuần, hóa ra đó chỉ là một sự lười nhác tinh thần để định tâm lại và tìm hiểu đời sống hiện đại đầy biến động này.

Bảo dưỡng, phục hồi các kí ức lịch sử

Một công việc xưa nay mà mọi xã hội vẫn phải làm, đó là bảo dưỡng, phục hồi các kí ức lịch sử, vật thể và phi vật thể.

Nhiều kí ức lịch sử bị thất lạc, bị đắm chìm, bị sai lạc, do những hoàn cảnh lịch sử của đời sống.

Kho hiểu biết của chúng ta quá ít ỏi và nghèo nàn về đời sống mọi mặt của một ngàn năm dựng nước lại đây. Thói viết sử xưa thì lại chỉ nghiêng nặng về chép mấy câu chuyện triều chính, khoe khoang, chì triết, và dạy đời, chứ không cố gắng, không đam mê ghi chép thật chuyên nghiệp về toàn diện đời sống xã hội.

Kho hiểu biết của chúng ta lại càng quá ít ỏi và nghèo nàn về đời sống mọi mặt của một ngàn năm trước đó nữa, ngàn năm nước Việt bị Trung Hoa cai trị.

Kho hiểu biết của chúng ta lại chỉ còn là những câu chuyện huyền ảo mờ nhạt về đời sống mọi mặt của xã hội nước Việt ở thời kì trước công nguyên về trước nữa.

Khó khăn của bản thân lịch sử là một chuyện, nhưng lại còn khó khăn do thói ấu trĩ ích kỉ của tư duy triều chính cổ truyền.

Các triều chính cổ truyền, bị ảnh hưởng nặng nề bởi Khổng giáo Trung Hoa, quen nhìn nhận “chỉ có lịch sử triều nhà mình là đáng trọng”. Mỗi nhà, mỗi dòng họ, thậm chí mỗi ông vua lên nắm quyền thì có khi đổi cả tên nước, đổi cả thời lịch (khái niệm “quốc khánh”, cải lịch “năm vua XYZ thứ nhất”…). Lại có khi sao chép lại lịch sử sao cho có lợi cho triều mình, hoặc có khi cố tạo ra những khoảng trống ký ức lịch sử để khỏi bất lợi cho mình.

Đừng chê trách đơn thuần các triều chính, ngay người dân cũng chỉ lo chép gia phả dòng họ của nhà mình, và đóng khuôn tầm nhìn của mình ở trong đó.

Chúng ta cần ý thức lại mình để dần dà vượt qua được thói quen cố hữu này.

Công việc khảo cổ, truy tìm, sưu tầm, bảo trì tư liệu lịch sử hiện vật và phi hiện vật ở xứ Việt là công việc thật khó khăn và đòi hỏi sự bền bỉ vô song.

Và chúng ta cũng phải cố gắng sưu tầm, phục hồi lại được những bức tranh của đời sống xã hội ngay gần đây trong mọi mặt, với thái độ nhìn chúng như là lịch sử của chính mình.

Đời sống xã hội toàn diện của xứ Việt, chính trị-kinh tế-xã hội-văn hóa-con người, trong hơn nửa thế kỉ dưới thời thuộc Pháp ra sao? Xã hội và người Việt đã thay đổi căn bản như thế nào qua giai đoạn đó, khi lần đầu tiên được-bị chà xát, giao lưu, học tập, quản trị, và sinh sống với một nền văn minh phi Khổng giáo đến từ châu Âu? Qua đó xã hội Việt được phi-Khổng giáo hóa đến mức nào, cùng các nguy cơ tái-Khổng giáo hóa?

Đời sống xã hội toàn diện, chính trị-kinh tế-xã hội-văn hóa-con người, ở các tỉnh và thành phố trong nam trong những năm 1945 – 1975 như thế nào?

Muốn hay không muốn, tất cả đó là một phần của lịch sử của chính mình, phải tôn trọng nó. Sự chối từ nhìn nhận chính mình còn nguy hại hơn rất nhiều, nó đẻ ra một thứ triết lý hư vô, bất chấp sự thật đời sống, và tạo ra cả một lớp người đông đảo có lối nghĩ và lối sống hư vô như thế.

Việc nhiều xã hội đưa ra các luật định về giải mã bí mật các sự kiện “mật” sau một thời hạn mấy chục năm cũng nằm trong các cố gắng để khôi phục hoàn chỉnh bức tranh lịch sử, để con người và xã hội có khả năng nhìn lại được đầy đủ hơn về chính mình.

Không thấy rõ được mình là ai, làm sao biết rõ được mình thực sự muốn thành ai? Và làm thế nào để thành ai?

Nâng niu, ươm dựng các kí ức cộng đồng đương đại

Đời sống phẳng lặng êm đềm của xã hội cổ truyền làm người ta khó mà phân biệt được rõ ràng ra đâu là kí ức lịch sử trầm tích, đâu là kí ức cộng đồng sống động. Từ “huyền thoại” cho đến “hôm nay” tưởng như là một mạch liền. Các sĩ phu ngày xưa mở miệng là lôi ông Nghiêu ông Thuấn, ông Khổng ông Lão vào cuộc chuyện của mình một cách rất hồn nhiên, như thể các ông ấy vẫn đang loay hoay đun nước dưới bếp để sắp mang lên pha trà cho mình vậy.

Chính những cơn sóng gió thật là mạnh mẽ của một đời sống xã hội năng động ngày hôm nay làm cho con người chúng ta buộc phải bừng tỉnh, và phải ý thức rõ hơn ra cái sự tách biệt của kí ức cộng đồng sống động khỏi ký ức lịch sử.

Kí ức lịch sử không thôi thì chưa đủ. Còn phải có những ký ức cộng đồng sống động để gia cố cho sự cố kết cộng đồng.

Tại sao hôm nay bạn thấy đủ các loại hội hè “cựu…” ra đời? Vì các thành viên của chúng bị đời sống làm văng đi khắp ngả, và họ cần chia sẻ những kí ức cộng đồng của mình, những kí ức mà chính họ đã sống qua. Ta có đủ các loại hội, từ các hội đồng hương, đến các hội bạn cùng trường cùng lớp, các hội cựu chiến binh, vân vân. Nếu người ta đời đời sống trong một cái làng, chả ai cần lập hội đồng hương!

Nhưng cái gì sẽ xảy ra nếu các ông bà đi dự hội lớp cũ, mà lại mang theo cháu mình đi dự cùng? Nếu đứa trẻ này lại còn hăng hái tham gia chia sẻ các kí ức này, hoặc đứa trẻ này phải “có vấn đề”, hoặc đứa trẻ này đã đạt đến Phật ngộ, nhớ lại được tiền kiếp của mình!

Vậy thì làm sao để cố kết được một cộng đồng rộng lớn nhờ những kí ức cộng đồng sống động? Một cộng đồng quốc gia chẳng hạn?

Sai lầm lớn nhất của nhiều người có khả năng ảnh hưởng, là họ thiếu chăm lo một cách thật hiểu biết về câu chuyện này.

Với các thế hệ mới ra đời và trưởng thành lên, họ có những kí ức cộng đồng riêng của họ.

Thế nhưng nếu xã hội quên đi điều đó, và cứ biểu dương mãi những kí ức cộng đồng chỉ của một thời đã rất lâu trước đó, những kí ức cộng đồng ấy nay chỉ còn là những kí ức cộng đồng sống động của một tầng lớp đã có tuổi, và đã thành ra kí ức lịch sử đối với đa số các thế hệ kế sau đang tồn tại trong xã hội, cái gì sẽ xảy ra?

Khi đó những người biểu dương mãi những kí ức cộng đồng đã xa xôi đó đã làm một điều đi ngược lại với cái kết quả mà chính họ mong đợi : thay vì cố kết thêm được cộng đồng toàn thể, họ đã vô tình “chia rẽ” cộng đồng toàn thể. Những thế hệ sau nhìn nhận những câu chuyện kí ức xưa đó là những câu chuyện không phải của đời sống của họ! Và càng hô hào với cách thức như thế triền miên, vết đứt gãy càng mạnh mẽ và rõ ràng hơn.

Kí ức cá nhân cũng như kí ức tập thể có những điều buồn khổ, đau thương, có những điều tươi vui, hy vọng. Các ký ức cần phải chân thật trước hết, và rồi cần được sử dụng tinh tế để thuận lợi cho sự cố kết và phát triển cộng đồng. Sử dụng một cách thô nhám, vụng về, và ích kỉ các kí ức tập thể là cách tốt nhất để hủy hoại sự cố kết và phát triển cộng đồng.

Các biểu tượng quốc gia không chỉ cần có kí ức lịch sử “vĩnh hằng”, như trống đồng hay cờ xí, mà lại phải có cả những kí ức cộng đồng mới mẻ đương đại “xê dịch” theo thời gian!

Một quảng trường “Nối vòng tay lớn”, với chỉ một bức tượng phỏng lại cây đàn guitar thời trẻ của Trịnh Công Sơn mang chữ kí của chàng, sẽ vang lên được nhiều âm hưởng, để rồi nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật “đường phố” hồn nhiên và ngẫu hứng có thể diễn ra đều đặn ở đó. Đừng ai so tài với Trịnh Công Sơn, vì ở đây đã là kí ức cộng đồng đang đi vào kí ức lịch sử, kí ức về một tâm hồn truyền tải không mệt mỏi tình yêu và sự khát khao yên bình đến mỗi thân phận cá nhân và cho cả dân tộc. Sự so tài ở đây thành ra lạc đề.

Đội bóng xứ Việt vô địch Đông Nam Á 2008 là một sự kiện trọng đại cho ”kí ức cộng đồng” của xứ Việt hôm nay. Cả đội bóng ấy phải được lưu danh, đặc biệt với những tên tuổi như tiền đạo Công Vinh, người ghi bàn ở cái phút 90+3 nghẹt thở, và cả chính ông thày Calisto người Tây(!) – điều này không liên quan gì đến việc nếu sau này Công Vinh có đá kém đi, hay Calisto có chỉ đạo dở đi hay không!

Rất nhiều người không hiểu được giá trị thực sự lớn lao của những kí ức cộng đồng đó, chúng cho phép lại một lần nữa “nối vòng tay lớn” cả cộng đồng quốc gia, chứ đó không phải đó chỉ là “trò chơi bài hát, trò chơi quả bóng, có sinh lợi gì đâu cho cái đất nước còn đang chân lấm tay bùn”! Không phải là điên rồ khi nhiều quốc gia họ đổ công đổ tiền vào những ngành thể thao, nghệ thuật, văn hóa để có được những sự kiện quốc gia mới mẻ tích cực! Chúng ta đã có nhiều cơ hội như thế, mà nhiều người không hiểu và không biết nâng niu, không biết đẩy tới những cơ hội mà năng lượng cộng đồng đã được may mắn tích tụ.

Những sự kiện như thế, không cần và không nên có sự tôn vinh ồn ào, cái đó chỉ làm đẻ ra lòng ganh tị và sự đố kị. Mà cần biến chúng thành những ngày hội của cộng đồng vì chính cộng đồng! Tầm vóc của đội tuyển bóng đá Việt 2008 đó, hay trị giá của các cầu thủ của nó, trên cái thang giá của bóng đá thế giới? Cái đó đâu phải là trọng điểm để mà mấy người mang ra bình phẩm cho tỏ tài hiểu biết thị trường bóng đá thế giới của mình. Trọng điểm, đó là một ký ức dân tộc đẹp đẽ mới mẻ vừa được hình thành, và mọi người hội hè với nó! Khi niềm vui giản dị và chân thành được cả động đồng chia sẻ hồn nhiên, cả cộng đồng sẽ được tiếp nguồn sức mới.

Hãy học trân trọng những kí ức cộng đồng quốc gia mới mẻ!

Một cộng đồng, một đất nước vừa “tự nhiên”, nhưng cũng vừa “rắc rối” là vậy, nó đòi hỏi mỗi con người thành viên biết gây dựng, vun vén, khai thác, nâng hứng, một cách công phu và tinh tế, giản dị và bao dung. Sự thô nhám hay oằn oèo đều phản tác dụng.

Ấy là câu chuyện về ký ức lịch sử, ký ức cộng đồng mà tôi muốn chia sẻ cùng chúng bạn.

Tác giả