Kiểm duyệt và quản lý văn hóa ở phương Tây

Nói đến quản lí văn hóa, khó có thể bỏ qua sự kiểm duyệt. Không chỉ ở các nước phương Đông, nơi mà sách vở và những sản phẩm tinh thần luôn chịu một sự quản lí nghiêm ngặt, nơi mà những "án văn tự" có thể làm nguy hại đến cả tính mạng của trí thức, văn nghệ sĩ mà ngay cả ở phương Tây, kiểm duyệt cũng vẫn luôn luôn hiện diện với tư cách là một hình thức thực thi quyền lực từ phía nhà nước để kiểm soát, hạn chế, thậm chí xóa bỏ quyền tự do trình bày ý kiến.

Kiểm duyệt – xưa như trái đất.
Nếu quan niệm như vậy thì kiểm duyệt đã có một lịch sử lâu đời. Những nạn nhân đầu tiên của kiểm duyệt trong lịch sử phương Tây chính là những hiền triết. Ở Hy Lạp thời cổ đại, Socrate là người đã bị tử hình bằng hình thức buộc uống thuốc độc vì những tư tưởng của ông bị coi là có tính cách báng bổ niềm tin tôn giáo của xã hội Athène. Trước ông, Anaxagore và Protagonas cũng từng bị lưu đày vì “vạ miệng”. So với xã hội Hy Lạp, xã hội La mã có vẻ khoan dung hơn với quyền tự do tư tưởng. Điều này một phần cũng do đế quốc La Mã trải dài trên một vùng lãnh thổ rộng lớn với một thành phần dân cư đa dạng về tôn giáo và văn hóa. Dẫu vậy thì ở thời La Mã, vẫn cứ có vài nhà thơ (Ovide là một ví dụ) hay chính trị gia bị “tai bay vạ gió”.


Bìa cuốn “Ác hoa” của Baudelaire

Thời Trung cổ chính là một giai đoạn hoàng kim của kiểm duyệt. Nhân danh tôn giáo nhiều cuốn sách đã bị kết tội báng bổ, bị đốt và tác giả bị trừng phạt khủng khiếp. Đến thế kỉ XIII, tòa án dị giáo được thành lập ở Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Nó là công cụ đắc lực trong tay thần quyền để tiến hành kiểm duyệt với nhiều hành vi tàn ác. Bắt đầu từ 1557, danh mục các sách cấm được lập và làm mới hàng năm. Việc lập bản “danh mục đen” này kéo dài cho đến tận năm 1966. Những nạn nhân danh tiếng nhất của chế độ kiểm duyệt là Copernic và Galilée. Cũng trong một thời gian dài, trường Đại học Paris là đơn vị được ủy quyền kiểm duyệt trong giới đại học. Dẫu vậy, cho đến thế kỉ XVII, kiểm duyệt về cơ bản vẫn là “trò” của thần quyền. Chính vì vậy nên mới có chuyện vua Pháp thì vẫn cho diễn nhiều vở kịch của Molière, kể cả Tartuffe, trong khi đó thì thần quyền –  không đội trời chung với nhà viết kịch và vở kịch này – đã sử dụng “bàn tay sắt” của mình.
Chỉ sang đến giai đoạn chế độ quân chủ chuyên chế hành chính thì kiểm duyệt chính trị từ phía nhà nước mới song hành cùng với kiểm duyệt tôn giáo. Thời Richelieu, ông này đã nghĩ ra cái gọi là “ân huệ của vua”, một thứ giấy phép quyết định việc cuốn sách hay các sản phẩm tinh thần có được lưu hành hay không. Dưới thời Louis XIV, kiểm duyệt được củng cố. Sở kiểm duyệt dưới thời ông này có tới 79 công chức mẫn cán, thuộc tất cả các lĩnh vực từ thần học, luật học, luật học hàng hải, lịch sử tự nhiên và hóa học, toán học, giải phẫu cho đến kiến trúc, hội họa điêu khắc và mỹ văn (35 vị đặc trách, đông nhất), địa lí, bản đồ… nghĩa là kiểm duyệt tuốt tuột. Chính vì tình hình này mà không khí tư tưởng của nước Pháp cho đến Cách mạng không kém phần “đáng sợ”. Diderot từng phải “nếm mùi” ba tháng trong nhà ngục Vincennes (khá đáng sợ, dù không khét tiếng như ngục Bastille) vì “mồm miệng”. Voltaire, Rousseau hay Montesquieu đều bị kiểm duyệt đe dọa. Sách phải mang sang Hà Lan, Thụy Sĩ hay Anh cát lợi mới in được. Mấy nơi này không khí tư tưởng tương đối “thoáng” (vì theo đạo Cải cách chăng?). Beaumarchais thì phải “nhờ vả” bà hoàng Marie Antoinette mới có thể cho công diễn Người thợ cạo thành Séville và Đám cưới Figaro. Ở những xứ châu Âu khác, không khí cũng không dễ thở gì hơn. Ở Nga, đại thi hào Pouchkine từng nhiều phen “ngậm đắng nuốt cay” với hệ thống kiểm duyệt thuộc sở 3, Cảnh sát chính trị với ông trùm Bekendorff khét tiếng.
 

Sự kiện nước Hoa Kỳ được thành lập và sau đó, Đại cách mạng Pháp đã mở sang trang mới cho chế độ kiểm duyệt. Ít nhất, về nguyên tắc quyền tự do tư tưởng được thừa nhận. Nhưng cũng khoan vội nghĩ rằng vì thế mà “trời mỗi ngày một sáng”. Các nhà cách mạng cũng nhân danh cách mạng để kiểm duyệt những thứ phản cách mạng. Rồi những biến động của chính trị cũng ủng hộ sự tồn tại dai dẳng của kiểm duyệt. Napoléon là một nhân vật rất “ưa  chuộng” kiểm duyệt. Dưới thời ông này, cuốn Về nước Đức của Mme De Stael đã bị thu hồi và hủy. Nhưng dẫu sao thì vào năm 1815, sau khi trở về từ đảo Elbe, ông này cũng thừa nhận kiểm duyệt là một sai lầm và huỷ bỏ hệ thống này.
Vậy là sau Cách mạng, chế độ kiểm duyệt vẫn cứ tiếp tục dai dẳng tồn tại. Dẫu vậy, cũng phải ghi nhận hai thay đổi của hệ thống này. Thứ nhất, những giá trị mới để người ta dựa vào đó mà kiểm duyệt. Lí do chính trị vẫn tồn tại, lí do tôn giáo thì chấm dứt nhưng không hẳn là “Chúa chết rồi, muốn làm gì thì làm”, một chuẩn mực mới bắt đầu ló dạng : thuần phong mĩ tục. Chính vì chuẩn mực này nên mới có chuyện cuốn Ác hoa của Charles Baudelaire  và cuốn Bà Bauvary của Gustave Flaubert phải hầu tòa trong cùng một năm. Hình thức kiểm duyệt cũng thay đổi, nó bớt phần độc đoán hơn. Bắt đầu xuất hiện vai trò của Sở cảnh sát và Tòa án. Và dù sao có tòa án thì nhà văn cũng còn được tự bào chế. Vậy là so với thời Trung cổ hay thời chuyên chế thì “trời” cũng có “sáng” hơn.

Kiểm duyệt ngày nay.
Sang thế kỉ XX, ngoại trừ trong hai cuộc thế chiến, tình hình kiểm duyệt gần như là đã dễ thở hơn rất nhiều so với thế kỉ trước. Thế nhưng, khoan hãy vội nghĩ rằng xã hội phương Tây là tự do tuyệt đối theo kiểu “rừng rú”. Vẫn phải có những chuẩn mực và những sự kiểm soát. Tất nhiên, vẫn có những giai đoạn có phần “trung cổ” chẳng hạn như những năm 40,50 ở Mỹ với cuộc “thánh chiến” của ông nghị chống Cộng Mac Cathy. Thời đó, một danh sách đen những nhân vật trong giới điện ảnh “có vấn đề” được lập và ai đã bị rơi vào danh sách này chắc chắn sẽ khó kiếm được công việc. Tất nhiên, sau đó, trước sức ép của công luận, những chính sách của ông nghị này đã bị bãi bỏ. Nhìn chung thì sang thế kỉ XX, hệ chuẩn mực của kiểm soát văn hóa đã khác. Nó hướng đến trật tự xã hội, sự tôn trọng pháp luật, thuần phong mĩ tục, tính đa dạng và sự bao dung văn hóa (thế nên mới có câu chuyện văn sĩ Houellebeq phải hầu tòa vì bị coi là phỉ báng Hồi giáo) và đặc biệt, hướng đến việc bảo vệ thanh thiếu niên. Các lĩnh vực chịu quản lí cũng không đồng nhất. Báo chí, sách, tranh, nghệ thuật tạo hình tương đối dễ thở. Nhưng không phải là “thả nổi” hoàn toàn. Ví như ở Pháp, từ năm 1949 liên tục có những quy định liên quan đến việc kiểm soát sách dành cho thanh niên và trẻ vị thành niên. Bán “truyện bậy bạ” co thanh thiếu niên cũng bị coi là không có tội như bán rượu hay thuốc lá. Thế nên có nhà sách vì bán truyện Arsene Lupin cho trẻ nhỏ mà đã phải “đáo pháp đình”. Lĩnh vực được kiểm duyệt “chăm chú” nhất là “điện ảnh”. Một phần cũng là vì tính đại chúng của loại hình giải trí này.
Quyền kiểm duyệt phim ảnh thường nằm trong tay cảnh sát và các giới chức địa phương. Và ngay từ 1906, khi điện ảnh bắt đầu bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, vấn đề kiểm duyệt điện ảnh đã được đặt ra. Năm 1909, người Mỹ thành lập sở kiểm duyệt phim ảnh quốc gia và người Anh thành lập cơ quan này vào năm 1912. Dẫu vậy là tùy từng địa phương, cách đánh giá phim ảnh có thể khác nhau. Đối phó với tình trạng này, năm 1922 Hiệp hội những nhà sản xuất và phân phối phim Hoa Kỳ được thành lập dưới quyền chỉ huy của Will Hays. Một bản nguyên tắc rất nghiêm khắc mang tên ông này được xây dựng. Bản nguyên tắc này được duy trì đến tận năm 1966. Ngày nay, ở Mỹ, vẫn có một hệ thống phân loại phim ảnh rất nghiêm khắc nhằm phân loại không cho thanh niên và trẻ vị thành niên tiếp cận với những cuốn phim không thích hợp. Nước Anh hiện nay cũng đang theo mô hình của nước Mỹ.
Phạm Xuân Thạch
(Tổng hợp từ tài liệu nước ngoài)
Phân loại phim ảnh ở Pháp
Tại Pháp, tất cả các sản phẩm nghe nhìn trước khi đưa vào thị trường đều phải có một giấy phép khai thác (visa d’exploitation) do Bộ trưởng văn hóa cấp. Giấy phép này được áp dụng cho cả tác phẩm điện ảnh lẫn những trích đoạn quảng cáo, chủ yếu thể hiện đối tượng công chúng được phép tiếp cận với tác phẩm. Nó chia các phim phát hành trên thị trường thành hai loại : được phổ biến không hạn chế (tous publics) và bị hạn chế (cấm những người dưới 12,16 và 18 tuổi). Theo một đạo nghị định được ban hành từ năm 1990 những phim cấm người dưới 18 tuổi bao gồm cả những phim có “cảnh tình dục thực và có những hành vi bạo lực nghiêm trọng mà nghệ thuật quay và chủ đề phim cũng không thể biện minh cho việc đưa những cảnh này vào trong phim” – những phim được đóng nhãn X. Khái niệm này được hình thành vào năm 1975. Những phim này bị buộc phải chiếu trong những không gian đặc biệt, không được hưởng trợ cấp và phải đóng thuế rất nặng. Ngoài hình thức phân loại thành những nhóm như trên, pháp luật cũng báo trước việc đối với một số phim nhất định, ngoài việc phân loại còn phải ghi thêm những cảnh báo và định hướng ở bên ngoài phòng chiếu. Dẫu vậy, cả Ủy ban lẫn Bộ trưởng đều phải tôn trọng quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ bằng việc không được đòi hỏi thay đổi hay cắt bỏ tác phẩm.
Bộ trưởng văn hóa là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc phân loại phim dựa vào báo cáo của một Ủy ban phân loại phim (Commission de classification). Ủy ban này bao gồm 28 thành viên chính thức và 55 thành viên dự bị với lãnh đạo là một nhân vật do Thủ tướng chỉ định. Thành phần của nhóm này bao gồm bốn nhóm chính :
– Các quan chức chính phủ bao gồm đại diện của Bộ nội vụ, Bộ tư pháp, Bộ giáo dục quốc gia, thanh niên và gia đình.
– Những người hành nghề trong lĩnh vực điện ảnh được Bộ trưởng lựa chọn dựa trên tư vấn của các hiệp hội và tổ chức nghề nghiệp và các nhà phê bình điện ảnh.
– Các chuyên gia bao gồm đại diện của giới y tế cũng như những nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học nhân văn có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên chuyên gia của Bộ tư pháp, đại diện của Hội đồng tối cao về nghe nhìn, Hội liên hiệp các gia đình toàn quốc, Liên hiệp các thị trưởng, Hội bảo vệ trẻ em.
– Thanh niên tuổi từ 18 đến 24.
Các thành viên này được chia thành một Ủy ban chính thức và một Ủy ban sơ thẩm. Ủy ban sở thẩm gồm 61  thành viên thuộc đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội và giới tính. Hình thức phân loại phim là qua hai vòng: vòng một do Ủy ban sơ thẩm phụ trách và vòng hai của Ủy ban chính thức gồm 28 thành viên. Tại vòng một, phim sẽ được chiếu cho từng nhóm sáu người. Nhóm này sẽ xem và viết báo cáo. Họ giống như một cái phin lọc. Nếu ý kiến của họ là thuận lợi, phim sẽ được cho phép lưu hành lập tức. Nếu không, nó sẽ phải trải qua vòng hai. Vòng hai là vòng quyết định những giải pháp hạn chế phát hành và trình lên Bộ trưởng. Ông này sẽ là người đưa ra quyết định. Như vậy, qua cơ chế phân loại như trên, có thể thấy đây là một cơ chế vừa tôn trọng tự do sáng tạo của nghệ sĩ, vừa tôn trọng quan điểm của cộng đồng. Nó không “giao khoán” việc đánh giá phim cho một nhóm người đại diện cho một nhóm lợi ích hẹp mà là một nhóm đại diện cho rất nhiều thành phần xã hội. Điều này đảm bảo tính khách quan cao nhất có thể của sự đánh giá. Đây rõ ràng là một cơ chế tương đối hợp lí đáng tham khảo.
———

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)