Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Giá trị sống và giá trị di sản

Giữa những vỉa tầng trầm tích chồng chập theo không gian và thời gian ở Hà Nội, di sản kiến trúc thời bao cấp đang phải vật lộn để được ghi nhận, hay nói đúng hơn là để không bị chìm khuất và lãng quên. Có nên quan tâm đến di sản này và nếu có thì nên theo cách nào?

Cung thiếu nhi Hà Nội là một công trình kiến trúc tiêu biểu thời bao cấp ở Hà Nội.

Bề dày nghìn năm tuổi của Hà Nội khiến người ngoài dễ liên tưởng thành phố này với những cụm từ “cổ kính”, “truyền thống”, “trầm lắng”, “bảo thủ”… nhưng trên thực tế, như nhiều nơi khác, Hà Nội là một thành phố năng động, không ngừng đổi thay và không ngừng tiếp nhận những thứ mới mẻ. Trong một không gian đã được định hình, dấu ấn từng thời kỳ lịch sử có ở hầu khắp các khu vực, ngõ phố, thậm chí đậm đặc, chồng chồng lớp lớp để tạo ra một bề dày văn hóa đặc biệt cho Hà Nội. Theo dòng chảy thời gian, có phải rồi tất cả sẽ đều được ghi nhận, tất cả sẽ không bị xóa nhòa? 

May mắn không đến với mọi di sản. Trong khi kiến trúc Đông dương được ngưỡng mộ, kiến trúc truyền thống đem lại sự tự hào, kiến trúc đương đại gây ngạc nhiên thì kiến trúc XHCN lại phải ngậm ngùi. Tại tọa đàm “Hà Nội thời bao cấp: Ký ức qua di sản kiến trúc”, diễn ra ở Không gian sáng tạo Trung Nguyên vào ngày 11/10/2024, KTS. Vũ Hiệp (trường ĐH Giao thông Vận tải) kể về kết quả một khảo sát thế hệ sinh sau năm 1986 nghĩ gì về kiến trúc thời bao cấp: “Hầu như các bạn không có khái niệm gì về kiến trúc thời bao cấp”.

Với những người sinh sau cột mốc Đổi mới, kiến trúc XHCN, hay còn được gọi là kiến trúc thời bao cấp, đã trở thành một khái niệm gần như xa lạ. Nguyên nhân là vì “không có khái niệm, không có hiểu biết và cũng không có tài liệu tham khảo nên các bạn cũng không biết đến nó và khi nhìn nó cũng không hiểu có giá trị lịch sử gì’, anh lý giải. Tuy nhiên, trong con mắt những người từng cảm nhận rất rõ thời bao cấp như một số bạn bè là kỹ sư xây dựng của anh thì thứ di sản này cũng không được đánh giá cao, “thậm chí còn cho rằng ‘Kiến trúc thời này thì giữ làm gì, đập nó đi, thời bao cấp nó có gì đâu, mấy cái nhà xấu kinh lên được’”.

Có thật thế chăng? Những nhận định như vậy đủ làm day dứt lòng người. “Rất nhiều thứ để [người ta có thể] nhớ về cái thời đó, nhưng có một thứ hình như đã bị lãng quên. Đó là di sản kiến trúc. Chưa thấy ai nhận diện nó, và xem xét xem nên ứng xử với nó như thế nào cho phải lẽ”, bà Nguyễn Thị Trâm, một thành viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học và là người trải nghiệm trọn vẹn thời kỳ bao cấp ở Hà Nội, viết trên facebook sau tọa đàm.

Người Hà Nội, lẽ nào, lại vô tình lãng quên một khối di sản được sản sinh trong một giai đoạn lịch sử đáng nhớ.

Một kiến trúc được lập trình 

Kiến trúc của một thành phố ẩn chứa trong lòng nó nhiều giá trị không dễ nhận biết. “Việc xây dựng một thành phố bao hàm mọi khía cạnh tồn tại của con người. Nó pha trộn kinh tế với chính trị, xã hội với văn hóa thành sự biểu hiện vật chất của các xu hướng và nguồn lực trừu tượng khác”, câu nói của Blair Ruble, nhà nghiên cứu đô thị so sánh người Mỹ, được trích dẫn rất nhiều mỗi khi đề cập tới đô thị 1. Kiến trúc thời bao cấp ở Hà Nội, vì vậy, không thuần túy là những khu tập thể, nhà máy, trường học và những cơ sở hạ tầng thiết yếu khác mà là một cách tạo dựng các giá trị mới của một quốc gia độc lập. “Chúng ta nên nhớ cột mốc lịch sử ngày 10/10/1954 khi bộ đội tiếp quản Thủ đô. Từ năm đó, chúng ta đã bắt đầu xây dựng những công trình mới thể hiện những giá trị mới của xã hội, bên cạnh tái sử dụng một số công trình của người Pháp”, KTS. Vũ Hiệp nói.

Công cuộc xây dựng thủ đô của một quốc gia mới được tái định hình trên bản đồ thế giới sau Hiệp định Genève 1954, mang theo nhiều ước mơ về một nền công nghiệp hiện đại, tự chủ, có khả năng đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của xã hội. Vì vậy, trên nền tảng tiếp quản tám nhà máy của người Pháp, một loạt các nhà máy quan trọng đã được thiết kế và xây dựng ở Hà Nội như nhà máy Diêm Thống Nhất (1956), nhà máy Thuốc lá Thăng Long (1957), nhà máy Cơ khí Hà Nội, nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (1958), nhà máy Dệt kim Đông xuân (1959), nhà máy Cao su Sao Vàng, nhà máy Xà phòng Hà Nội, nhà máy Xe đạp Thống Nhất, xí nghiệp Cơ khí Mai Động (1960), nhà máy Dệt 8-3, xí nghiệp Điện khí Thống Nhất (1965)… Không khí xây dựng cơ sở vật chất công nghiệp XHCN đã khơi gợi cho nhạc sĩ Phạm Tuyên sau này viết những lời ca phản ánh sức sống mãnh liệt, vươn lên trong bối cảnh chiến tranh “Giữa ngày chống Mỹ, nhịp kiến thiết dâng đêm ngày/Còi tàu vang đâu đây, khói nhà máy in trời mây” (Từ một ngã tư đường phố). 

Sự tồn tại của cụm khu công nghiệp đặt tại Thanh Xuân, mang cái tên rút gọn quá đỗi thân thuộc Cao – Xà – Lá, như ký ức sống động về ước mơ “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” thời kỳ bắt đầu tạo dựng nền công nghiệp. “Các di sản công nghiệp thời kỳ này như khu Cao – Xà – Lá, khu công nghiệp Gỗ Diêm, khu bê tông Chèm… có giá trị rất quan trọng đối với Hà Nội. Bởi vì trước đó, Hà Nội là thành phố tiêu thụ nhưng sau khi xây dựng hàng loạt nhà máy như thế, Hà Nội đã trở thành thành phố sản xuất, tính tự chủ tăng lên rất nhiều. Nếu xét về mặt kinh tế và nguồn lực thì đây là những cơ sở rất quan trọng cho Hà Nội nói riêng và cả miền Bắc nói chung phát triển”, KTS. Vũ Hiệp trao đổi. 

Kiến trúc thời bao cấp ở Hà Nội, vì vậy, không thuần túy là những khu tập thể, nhà máy, trường học và những cơ sở hạ tầng thiết yếu khác mà là một cách tạo dựng các giá trị mới của một quốc gia độc lập.

Không chỉ có các nhà máy sản xuất để tạo ra hàng hóa thiết yếu của đời sống xã hội, công cuộc xây dựng một đời sống mới giai đoạn này ở Hà Nội còn gắn liền với những công trình công cộng quan trọng như trường học, công viên, sân vận động… Năm 1958 đến năm 1961, trên mảnh đất bùn lầy hoang hóa và đầy rác bên ngoài trung tâm, một công viên mới mang tên Thống Nhất ra đời từ sự đóng góp lao động theo hình thức “ngày thứ bảy cộng sản”, một không gian xanh mới cho Hà Nội, thành phố mà giờ đây vẫn có mật độ không gian xanh trên đầu người thấp bậc nhất các thành phố lớn trên thế giới. Cách đó không xa là ĐH Bách khoa Hà Nội, được hình thành trong năm 1961-1965, do hai KTS E. S. Budnik và P. Kuznetsov dẫn dắt một nhóm các kiến trúc sư Xô viết thiết kế. “Sự kết hợp các yếu tố của phong cách Quốc tế 2 và các yếu tố phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, biểu hiện trong kết cấu của công trình và việc sử dụng các hành lang, các tấm chắn nắng và mưa đem lại một đặc điểm riêng biệt cho khu phức hợp đại học này”, giáo sư William Logan (ĐH Deakin) và PGS. KTS Nguyễn Hồng Thục (ĐH Kiến trúc HN) nhận xét 3. Các trường đại học được xây dựng sau đó, phần nhiều do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, nhưng đều có ảnh hưởng của kiến trúc Xô viết.

“Trong giai đoạn 1954-1965, bắt đầu xuất hiện phong cách kiến trúc XHCN, trong đó thể hiện đậm nét ở hai công trình do Liên Xô tài trợ cho Việt Nam là ĐH Bách khoa và SVĐ Hàng Đẫy. Nhìn vào đây có thể thấy các công trình này rất khác biệt, một cách tạo hình mới ngay cả với Liên Xô thời kỳ ấy. Nguyên nhân là vì khi kế nhiệm Joseph Stalin, Nikita Khrushchev đã tiến hành đổi mới kiến trúc Liên Xô và kiến trúc theo phong cách mới còn chưa nhiều ở Liên Xô nhưng đã bắt đầu xuất hiện trên một số công trình ở Việt Nam”, KTS. Vũ Hiệp cho biết. 

Kế hoạch xây dựng ở Hà Nội không diễn ra một cách liền mạch, bởi “từ năm 1965 đến năm 1972 là cao điểm Mỹ bắn phá miền Bắc, chúng ta không xây dựng được nhiều”, theo KTS Vũ Hiệp. “Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chúng ta lại bắt đầu công cuộc tái thiết Hà Nội sau chiến tranh và ở giai đoạn này, kiến trúc XHCN được phát triển đến mức đỉnh cao, ví dụ như Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội, Bưu điện Hà Nội”. 

Việc thiết kế các công trình kiến trúc lớn ấy đã góp phần tạo dựng thành phố trung tâm của một đất nước mới trỗi dậy từ chiến tranh và sau chiến tranh, một Việt Nam sẵn sàng cho sự phát triển. Như GS. Mariusz Czepczyński (ĐH Gdańskiego, Ba Lan) từng nói “một trong những điều cơ bản của kiến trúc XHCN là ý chí thay đổi xã hội bằng, hoặc thông qua kiến trúc, thiết kế và cảnh quan văn hóa” 4

Kiến trúc tái lập trình con người

Ý tưởng về một thành phố XHCN kiểu mới đã được định hình bằng những quy hoạch thành phố. Trong một cuộc tranh luận giữa các kiến trúc sư Xô viết vào năm 1946, có một ý kiến cho rằng “thành phố XHCN được hình thành dựa trên một bộ quy tắc hoàn toàn khác biệt: sự bình đẳng trong xã hội Xô viết; không có bóc lột và thất nghiệp; loại trừ sở hữu tư nhân về đất đai, một hệ thống kinh tế kế hoạch nhà nước và nhu cầu về điều kiện sống tốt nhất cho số đông… CHXH đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống trong các đô thị” 5

Ở đây, kiến trúc được coi như một cách thức giúp hình thành một dạng tập thể kiểu mới: các tập thể cùng sống, cùng sản xuất, cùng lao động trí óc cũng như tập thể tạo ra những giá trị sống mới. Giá trị được các đô thị mới ấy tạo ra, rút cục, tác động trở lại con người. Khi đề cập đến khía cạnh này, các nhà nghiên cứu di sản văn hóa và nhân học đô thị thường trích dẫn một câu trong tác phẩm A városalapító (Người xây thành phố) của nhà xã hội học, nhà văn Hungary György Konrád “Chúng ta đã lập trình nên một hệ thống và hệ thống này, đến lượt mình, tái lập trình chúng ta”.

Khu tập thể ở đường Trần Quý Cáp, Hà Nội. Nguồn: Shutterstock

Điều này có xảy ra ở Hà Nội không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng nhìn vào các không gian sống được tạo dựng bên các không gian kiến trúc công viên, sân vận động, trường học, nhà thiếu nhi, nhà máy… “Một trong những di sản kiến trúc XHCN chính là các khu tập thể (KTT). Đó cũng chính là không gian mơ ước cho một cuộc sống ổn định và hiện đại của người Hà Nội thời kỳ đó”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy, người từng thực hiện cuộc trưng bày về cuộc sống xã hội thời bao cấp vào năm 2006 và chủ trì nghiên cứu từ năm 2020 “Văn hóa, sinh kế và những thỏa hiệp mang tính cộng đồng trong khu tập thể ở Hà Nội” (NAFOSTED), chia sẻ. 

Công cuộc xây dựng một thành phố công nghiệp hiện đại làm gia tăng nhu cầu về lực lượng lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Đó là một phần lý do những dòng người đổ về Hà Nội tìm việc làm ở các cơ sở công nghiệp. Chỉ tính riêng năm 1959, số công nhân viên làm việc ở 60 nhà máy đã lên tới 15.699 người, gấp 810,9% so với năm 1955 6. Một làn sóng các KTT được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, đặc biệt có một số từ trước năm 1954, là để tạo dựng một cuộc sống ổn định, “an cư lạc nghiệp” cho họ và những người khác. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có 1.516 khu tập thể có quy mô từ 2 đến 5 tầng 7. Những KTT tiêu biểu của thời kỳ đầu xây dựng, như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ…, được xây dựng với sự tư vấn và thiết kế của các kiến trúc sư Liên Xô, Triều Tiên. “Các kiến trúc sư đã nghĩ, họ thiết kế ra một căn hộ cho người Việt Nam có thể sống đầy đủ, khi mỗi gia đình đều có từ hai đến ba buồng, có toilet, bếp riêng”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đề cập đến những thiết kế ban đầu của các KTT kiểu mẫu.

Có lẽ, thật không khó hình dung tâm trạng phơi phới ước mơ của mọi người khi được phân nhà “Từ bao mái nhà, đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng/Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu, nghe máu trong tim hòa niềm vui” (“Những ánh sao đêm”, Phan Huỳnh Điểu năm 1962). Tuy nhiên từ ước mơ đến hiện thực có một khoảng cách mà chính sách không giải quyết được triệt để. “Ở trong các KTT, người ta xây dựng các căn hộ lớn, đầy đủ công trình tiện nghi nhưng vấn đề phân phối rất phức tạp”, PGS Nguyễn Văn Huy nhớ lại. Nhu cầu nhà ở thì lớn nhưng số lượng căn hộ ở các KTT thì có hạn nên “chỉ cán bộ nhà nước mới được ưu ái cấp cho căn hộ hoặc phòng ở KTT, hầu hết cán bộ trẻ mới làm việc thì sống như kiểu tầm gửi, cơm niêu nước lọ, nhiều người làm ở cơ quan xong thì tối đến kê bàn làm giường, sáng hôm sau lại trả lại nguyên trạng cho văn phòng”, GS. TS Nguyễn Văn Chính (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn HN) chia sẻ ký ức khó phai về thời bao cấp. 

“Một trong những di sản kiến trúc XHCN chính là các khu tập thể (KTT). Đó cũng chính là không gian mơ ước cho một cuộc sống ổn định và hiện đại của người Hà Nội thời kỳ đó”.  (PGS. TS Nguyễn Văn Huy)

Chính sách nhà ở khi đó, theo PGS. Nguyễn Văn Huy, là dựa trên “tư tưởng bình quân của nhà nước, không thể phân cả một căn hộ cho một cán bộ, để một gia đình có thể ở hai, ba buồng mà người khác lại không được”. Do chính sách này mà “từ năm 1973 cho đến kết thúc thời kỳ bao cấp, các KTT đều được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn phân phối tùy theo vị trí”, PGS. TS Trần Thanh Bình, một kiến trúc sư tham gia thiết kế nhiều công trình lớn thời kỳ đó, chia sẻ tại tọa đàm. Nhưng tư tưởng bình quân chủ nghĩa hóa ra lại không đồng đều giữa các cấp bậc. Điều này cũng được PGS. Nguyễn Văn Huy đồng tình “Với cán bộ cấp vụ trở lên được sống đàng hoàng. KTT Nguyễn Công Trứ có những nhà dành cho cán bộ trung cao cấp họ ở đúng căn hộ người ta xây, tùy theo lương và cấp bậc”. 

Với tuyệt đại đa số, giải pháp phân phối nhà ở thường là “một căn hộ có thể được phân cho vài ba gia đình, thậm chí có những căn 8, 9 người thuộc ba, bốn thế hệ khác nhau cùng sinh sống”. Việc một căn hộ được thiết kế cho một gia đình trở thành nơi cư ngụ của nhiều gia đình đã dẫn đến một hệ quả là “cái gì cũng phải dùng chung mà cái khủng khiếp nhất là chung khu phụ”, PGS. TS Trần Thanh Bình nói. 

Biết bao sức chịu đựng của con người được cô nén giữa không gian chật chội và phi cá nhân của các KTT, trong vòng mấy chục năm. Ký ức về các KTT từng được sống lại trong cuộc trưng bày năm 2006. Ông nhớ lại “Hàng nghìn lượt người đã tới dự. Cuộc sống thời bao cấp của những người sống ở các KTT có nhiều câu chuyện xúc động, buồn cười và nhiều nghịch cảnh. Tuy nhiên cũng phải nói là với nhiều người, ít nhất họ cũng được sống trong một ngôi nhà xây. Có còn hơn không là tâm lý thời đó”.

Ứng xử thế nào với di sản kiến trúc thời bao cấp?

Những công trình kiến trúc và những không gian được hình thành dưới thời bao cấp không thuần túy là nơi để sống, để học tập và làm việc, đó còn là một phần ký ức lịch sử và bản sắc của thành phố. Nhưng liệu thành phố có mất mát đi một phần ký ức và bản sắc không, nếu để các công trình như vậy xuống cấp, mai một và chìm vào quên lãng? Liệu các di sản đó có xứng đáng được bảo tồn? liệu chúng ta có tô hồng kiến trúc XHCN và đem lại cho nó một ‘hương xa’?… Những câu hỏi như vậy không chỉ được khuôn vùng trong phạm vi của những nhà nghiên cứu kiến trúc đô thị và nhân học văn hóa mà mở rộng ra, chạm đến cả sự tò mò, và hơn nữa cả sự quan tâm của thế hệ nếm trải thời bao cấp cũng như sinh sau thời bao cấp. 

“Tôi phải khẳng định là Hà Nội rất tự tin về giá trị của kiến trúc XHCN cả về mặt thẩm mĩ lẫn về mặt lịch sử”. (KTS. Vũ Hiệp)

Việc lật đi lật lại một vấn đề, nhìn sâu vào nó ở đủ mọi khía cạnh, rút cục cũng chỉ để đi tìm cái bản chất của nó. Với khối kiến trúc XHCN ở Hà Nội, chúng ta có nên coi là di sản? KTS. Vũ Hiệp cho rằng, đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi ở các quốc gia Đông Âu khi nhận thức lại di sản XHCN mà người ta gọi là ‘di sản bất hòa’. “Tuy nhiên, tôi phải khẳng định là Hà Nội rất tự tin về giá trị của kiến trúc XHCN cả về mặt thẩm mỹ lẫn về mặt lịch sử”, anh nói. Về thẩm mỹ, các công trình đều được tạo hình theo nguyên lý kiến trúc hiện đại, hạn chế chi tiết trang trí như kiến trúc thời Pháp, qua đó củng cố thêm bản sắc kiến trúc Việt Nam. “Chúng ta có thể thấy những công trình như Cung Thiếu nhi Hà Nội sử dụng một nguyên lý hiện đại nhưng vẫn tìm cách thích ứng với truyền thống và khí hậu Việt Nam với những tường hoa gió nổi tiếng, thông gió và chống nắng/nóng. Về công năng, Cung thiếu nhi đã vượt qua Ấu Trĩ viên từ thời Pháp về quy mô và phạm vi, mở rộng cho trẻ em của bất kể gia đình nào cũng được học năng khiếu… Tôi phải nói rằng đó là cái tốt đẹp”. Có giá trị như vậy tại sao kiến trúc XHCN vẫn khiến người ta nghi ngờ về giá trị? “Tôi cũng khảo sát rồi trao đổi với chuyên gia và được lý giải: thứ nhất, giai đoạn đó đất nước khó khăn nên kiến trúc thiếu tính hoành tráng; thứ hai, ký ức về thời kỳ đó khá phức tạp, dù hào hùng chiến thắng, phơi phới xây dựng XHCN nhưng cũng đầy khó khăn, đói kém nên nhiều người thực sự muốn quên đi”.

Việc nhận diện một khối di sản kiến trúc trong bối cảnh lịch sử và bối cảnh tâm lý phức tạp có bao giờ dễ dàng. Tuy nhiên, nếu lãng quên di sản ấy, chúng ta sẽ mất mát cả những điều mình vẫn còn chưa biết rõ. “Các kiến trúc sư thời kỳ đầu của chúng ta đều là những người được đào tạo ở trường Mỹ thuật Đông Dương và đi theo cách mạng. Khi từ chiến khu trở về, mặc dù có ảnh hưởng của Pháp nhưng các cụ rất có ý thức xây dựng nền kiến trúc mới của nước Việt Nam độc lập”, PGS. TS Trần Thanh Bình nói. Tình yêu nước và ý thức về một nền kiến trúc mới cũng khiến cho các kiến trúc sư thế hệ sau, dù nhiều người đã học tập ở Liên Xô và Đông Âu nhưng vẫn cố gắng học hỏi. “Đặc biệt kể từ năm 1973, miền Bắc đã bắt đầu tái thiết và xây dựng các công trình mới thì các kiến trúc sư cũng học hỏi được nhiều từ khối các quốc gia tư bản chủ nghĩa (TBCN), mang về từ nước ngoài những xuất bản phương Tây và cũng chính vì thế nên rõ ràng có ảnh hưởng ít nhiều. Thế hệ ấy đã nằm lòng các nguyên tắc kiến trúc cơ bản của Le Corbusier”, ông nhớ lại. 

Bản thân việc trao đổi công việc giữa các kiến trúc sư Việt Nam và các đồng nghiệp Đông Âu cũng ở thế rất tích cực học hỏi, không hề thụ động. Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh từng chia sẻ “Về tổng thể, quan điểm của chúng tôi là học hỏi một cách khiêm tốn. Nhưng việc xem xét vấn đề và trên hết là việc vận dụng văn hóa và thẩm mỹ Ba Lan phải được nhìn nhận với tinh thần phê phán”. Trong bối cảnh một quốc gia còn kém phát triển, ông cũng chứng tỏ quan điểm chủ động trong trao đổi hiểu biết với đồng nghiệp Đông Âu. Ông muốn trao đổi với các đồng nghiệp Ba Lan để giới thiệu “di sản kiến trúc Việt Nam và thu được những bài học để giúp chúng ta tạo dựng nền kiến trúc mới, phát triển một đời sống mới, một kỹ thuật mới” 8

Nếu chỉ đánh giá trên bề mặt hiện tượng, ắt hẳn người ta thường gán cho các kiến trúc sư cái lỗi thiết kế ra những KTT thiếu công năng mà không biết rằng, chính các kiến trúc sư đã tạo ra “một cuộc cách mạng bếp – xí – tắm” như cách gọi của PGS. Nguyễn Văn Huy. “Sau năm năm nếm trải ở KTT Văn Chương, KTS. Trương Tùng thấy được nỗi khổ nên kiên quyết thiết kế để tạo ra căn hộ nhỏ với đầy đủ khu phụ. May mắn là quá trình đi học ở Liên Xô về, ông đã sưu tầm được 21 bản vẽ thiết kế các căn hộ ở châu Âu, mang đi thuyết phục lãnh đạo để thấy được cái phong cách sống của xã hội đương đại”. KTS Trương Tùng là người đầu tiên phá tình thế éo le của các KTT bằng việc “gặp cả TBT Đỗ Mười, gặp Bộ trưởng Bộ Xây dựng để đề xuất việc tạo ra khu phụ riêng, tất cả chỉ có 6 mét”, PGS. Nguyễn Văn Huy kể. 

Nhiều thập niên đã trôi qua, đã có nhiều công trình của khối di sản kiến trúc thời bao cấp bắt đầu xuống cấp, thay đổi công năng hoặc vĩnh viễn bị phá hủy và thay thế. Vậy chúng ta nên ứng xử với khối di sản còn lại như thế nào? “Vấn đề hôm nay đưa ra quan trọng ở chỗ chúng ta coi tất cả các công trình đó không thể bỏ qua, và phải nhận được những ưu tiên nào đó”, KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Xây dựng) nhận xét. “Nhưng bảo tồn đến đâu thì chúng ta phải nhìn lại tổng hòa của một quá trình dài và nhớ rằng đất nước vẫn còn những công trình cần bảo tồn khác nữa, như các kiến trúc truyền thống, thời Pháp thuộc”. Là một chuyên gia từng thực hiện nhiều dự án về bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích như Thánh địa Mỹ Sơn, khu phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Đền Hùng, Yên Tử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp, Đình Chu Quyến…, ông chia sẻ góc nhìn “Trước hết có một vấn đề rất lớn, đó là mâu thuẫn giữa sự thống nhất bảo tồn và phát triển. Luôn luôn là giằng xé, luôn luôn là một cuộc tranh luận bất tận. Nhưng xã hội lúc nào cũng phải như thế, trong sự phát triển vẫn phải giữ lại cái gì đó, thay thế cái gì đó và làm mới cái gì đó”. 

Việc bảo tồn các di tích sẽ cần phải trải qua một bước quan trọng là xếp hạng và đánh giá, một công việc đòi hỏi rất nhiều cẩn trọng. “Anh Huy nói ở cuộc tọa đàm nào đó là việc xếp hạng đôi khi lại có hại bởi vì khi đã xếp hạng thì có sự phân biệt đối xử, người ta sẽ ưu tiên những thứ được xếp hạng trong khi những thứ không được xếp hạng lại có giá trị theo tiêu chí khác, và rồi người ta sẽ bỏ quên nó. Nó có mặt trái của vấn đề”, KTS Lê Thành Vinh lưu ý.

Kiến trúc trong thành phố không thuần túy là những thực thể công trình mà còn là nơi nuôi nấng, lưu giữ các mối quan hệ xã hội, và cả ước mơ của những người sống ở đó. Một phần lịch sử được gói ghém trong những công trình đó. Thế mà giờ đây, những công trình kiến trúc, chứng nhân lịch sử một thời đang phải đối mặt với thách thức muôn hình vạn trạng, trong đó có cả sự lãng quên. Vì vậy, ông cho rằng việc ứng xử như thế nào với di sản này sẽ là một chính sách quản lý song hành với nghiên cứu và thảo luận của xã hội. “Xã hội luôn luôn như vậy thôi, thời bao cấp đói khổ quá, khi cái mới vào thì gần như người ta muốn phá bỏ nó. Phải dần dần đến một lúc nào đó thì người ta mới nhìn nhận lại nó được. Giờ di sản ấy đang trở lại, cần được nhìn nhận đúng hơn và khi nhìn nhận đúng hơn thì chúng ta sẽ có đường hướng bảo tồn nó”.□

———————————————————

  1. Alexander C. Diener, Joshua Hagen “From socialist to post-socialist cities: Narrating the nation through urban space”. Nationalities Papers: The Journal of Nationalism and Ethnicity.
  2. Một phong cách kiến trúc xuất hiện ở Tây Âu vào những năm 1920 và thống trị kiến trúc hiện đại cho đến những năm 1970; đặc trưng của nó là các hình thức mô-đun, hình chữ nhật, bề mặt phẳng không trang trí, nội thất mở và thoáng mát hòa hợp với bên ngoài, sử dụng kính, thép và bê tông.
  3. William Logan, Nguyen Hong Thuc. “University Planning and Design under Confucianism, Colonialism, Communism and Capitalism: the Vietnamese Experience”. Planning models and the culture of cities, Universitat Politecnica de Catalunya.
  4. Mikhail Ilchenko (2020): “Working with the past, re-discovering cities of Central and Eastern Europe: cultural urbanism and new representations of modernist urban areas”, Eurasian Geography and Economics.
  5. Murawski, Michał. (2018). “Actually-Existing Success: Economics, Aesthetics, and the Specificity of (Still-)Socialist Urbanism”. Comparative Studies in Society and History.
  6. “Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghiệp Hà nội”. Tạp chí Công thương.
  7. “Hà Nội lên kế hoạch cải tạo nhiều khu tập thể cũ”. Báo Tin tức. 2021
  8. Nguyen Van Huy and Nguyen Vu Hoang. “Soviet-Style Apartment Complexes in Hanoi An Intellectual Exchange in Architecture”. An Anthropology of Intellectual Exchange. Interactions, Transactions and Ethics in Asia and Beyond.

Bài đăng Tia Sáng số 20/2024

Tác giả

(Visited 504 times, 1 visits today)