Kiến trúc tôn giáo Chăm, những điều ít được nói đến
Người Chăm có hai loại kiến trúc tôn giáo phổ biến là kiến trúc thánh đường và kiến trúc tháp. Tùy thuộc vào bộ phận Chăm nào mà kiến trúc tôn giáo có những khác biệt.
1. Kiến trúc thánh đường chủ yếu là kiến trúc Sang Mưgik của người Chăm Bà-ni và Masjid hay Surao của người Chăm Islam. Hai kiểu kiến trúc này có sự khác biệt lớn. Masjid mang dáng dấp chung của thánh đường Hồi giáo thế giới, luôn hướng về thánh địa Mecca, trong khi đó cửa chính của Sang Mưgik lại hướng về mặt trời mọc là nơi cư trú của thần linh trong tín ngưỡng Bà-la-môn. Bề ngoài Masjid có mái vòm cao với trăng lưỡi liềm và ngôi sao lớn, Sang Mưgik thì không; còn ngôi sao nếu có thì rất nhỏ, chỉ như để trang trí. Sau rốt, nếu mặt tiền Sang Mưgik viết chữ Chăm truyền thống Akhar thrah đôi khi kèm cả chữ Ả Rập, thì Masjid chỉ có chữ Ả Rập.
2. Riêng kiến trúc tôn giáo Chăm Bà-la-môn thì vẫn là kiến trúc cổ Champa. Ở đây, theo chức năng, có thể chia kiến trúc cổ Chăm làm hai khu vực chính: Từ Phú Yên trở ra, toàn bộ tháp Chăm để thờ các vị thần trong hệ thống Ấn Độ giáo; còn từ Nha Trang vào thì thờ các vị vua, tướng được thần hóa. Người Chăm lấy tên vị vua ấy đặt tên cho cụm tháp mà họ thờ. Tháp Bà ở Nha Trang thờ người sáng lập vương quốc Champa là Po Inư Nưgar; tháp Po Klaung Girai hay tháp Po Rome ở Ninh Thuận thờ hai vị vua này; tháp Po Dam và Tháp Po Sah Inư ở Bình Thuận cũng vậy.
3. Tháp Chăm đến hôm nay vẫn còn phong kín nhiều bí mật. Riêng về chất kết dính gạch tháp, đã có nhiều giả thuyết đưa ra, cả thử nghiệm. Bằng phương pháp loại trừ, chúng ta có thể tìm ra vài bí mật của nó. Giả thuyết về việc xây tháp bằng gạch sống, sau đó đốt lên, bị loại sớm nhất. Bởi thực tế, trong khu vực tháp hiện còn tồn tại rất nhiều “lò gạch”. Tabbok Kiak (Gò Gạch) ở làng Chăm Caklaing – Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận, được cho là địa điểm làm gạch để xây tháp Po Klaung Girai. Truyền thuyết còn kể, người Chăm chuyển gạch bằng cách xếp hàng đưa-nhận theo hệ thống dây chuyền. Từ lò gạch đến đồi tháp Po Klaung Girai, cần cả vạn nhân công.
4. Tháp Chăm có nhiều phong cách khác nhau, thế nhưng dẫu khác nhau đến mấy thì một cụm tháp Chăm chuẩn (Bimong Cham) luôn được bố trí theo sơ đồ nhất định: trước ngôi tháp chính là tiền sảnh mở ra tháp cổng, phía nam là tháp lửa và sau cùng, chếch về đằng sau tháp chính là tháp bia. Bimong được người Chăm định danh cho cả cụm tháp, riêng Kalan là để chỉ ngôi tháp chính.
5. Khác với Sang Mưgik hay Masjid, tháp Chăm được xây dựng ở rất nhiều địa hình khác nhau: giữa ðồng bằng, trong thung lũng kín ðáo, cạnh sông lớn, bên bờ biển, trong hang ðộng, trên sýờn hay trên ðỉnh ðồi/núi cao… Tất cả đều giống nhau ở sự tách biệt với khu dân cư. Tại sao? Bởi sinh hoạt ở bất kì cộng đồng nào luôn xảy ra bao nhiêu chuyện, trong khi tháp là khu vực linh thiêng chỉ dành cho việc thờ phụng. Người Chăm vừa sợ hãi vừa tôn kính tháp. Vài thập niên trước, đi gần khu vực tháp, không người Chăm nào dám nói lời sằng bậy hay chửi thề, là vậy.
6. Tất cả các tháp Chăm đều có 13 vòm trụ, tương ứng với cơ số 13 mà người Chăm dùng trong ngày thường. Đó là con số biểu trưng cho sự vượt quá, nó từ chối sự trung bình, do đó hoặc sẽ rất tốt hoặc sẽ rất xấu.
Trong quá trình lịch sử, Bimong bị bỏ rơi, không được thờ phụng, người Chăm gọi là Bimong bhaw hay Bimong jwa tức tháp hoang; còn các tháp đang được thờ phụng gọi là Bimong diip. Trong các dịp lễ Kate hay Cabbur, người Chăm lên tháp làm lễ mở cửa, cúng tế trời đất và những vị vua có công với non sông đất nước.
Người Chăm không bao giờ mở cửa tháp cho khách tham quan, nếu không nhằm vào ngày lễ.
7. Tại sao người Chăm Bà-ni thờ phụng tháp?
Tháp Chăm là biểu tượng của Ấn Độ giáo, nơi chỉ để thờ các thần linh thuộc tôn giáo này. Cho nên khi có người cho rằng bộ phận người Chăm phi Bà-la-môn giáo (Chăm Bà-ni, Chăm Islam…) không phải thờ phụng tháp, thì không có gì sai. Thế nhưng, nếu nhìn sâu hơn vào tinh thần tôn giáo Chăm và văn hóa Chăm, thì sự thể hoàn toàn khác.
Ngoài các tháp ở vùng văn hóa-lịch sử như Amaravati (Quảng Nam, Đà Nẵng) và Vijaya (Bình Định, Quãng Ngãi) có thể chỉ thờ thần Ấn Độ giáo, thì hầu hết các tháp vùng Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận) đều thờ vua Champa được thần hóa. Vua và tướng tài là ân nhân của cả dân tộc, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng.
Cạnh đó, tháp Ấn Độ giáo khi nhập địa Champa (nhất là vùng Panduranga), ý nghĩa và chức năng của tháp đã hoàn toàn bị chuyển đổi: tháp đã là tháp Chăm đặc trưng, tách biệt khỏi nguồn gốc Ấn Độ của nó; cũng như người Chăm Bà-ni dù từ Islam mà ra, nhưng Islam khi vào Champa đã được bản địa hóa [dân tộc hóa] thành Chăm Bà-ni rất đặc thù, hoàn toàn khác xa với nguồn gốc Islam xưa cũ.
Vào Champa từ thế kỉ XIV, Islam tồn tại và xung đột với cộng đồng và tổ chức xã hội Chăm Bà-la-môn giáo kéo dài suốt hai thế kỉ, mãi đến thời Po Rome (1627-1651), tôn giáo này mới được biến cải thành Hồi giáo cũ (tức Bà-ni).
Ở đây năm cột trụ làm nên nền tảng đức tin Hồi giáo, là: Chahadah: đức tin không có Chúa Trời nào khác ngoài Allah, Salat: cầu nguyện năm lần một ngày, Zakat: bố thí, Sawm: nhịn ăn tháng Ramadan, Hadj: hành hương thánh địa Mecca, đều không còn được người Chăm Bà-ni tuân thủ. Người Chăm Bà-ni bên cạnh đức tin vào Allah, họ còn thờ cả thần Mưa, Biển, Núi… và cúng ông bà tổ tiên; họ không còn nhớ đến việc hành hương Mecca; còn việc cầu nguyện mỗi ngày hay ăn chay vào tháng Chín và bố thí chỉ được thực hiện vào mùa Ramưwan và chỉ dành cho giới tu sĩ; còn ở ngoài đời, người Chăm Bà-ni biến tháng chay tịnh thành ngày lễ: Bbang Muk Kei, dân gian gọi là Ăn “tết” Bà-ni. Cuối cùng, ảnh hưởng chế độ mẫu hệ khiến người Chăm Bà-ni chú trọng lễ karơh dành cho nữ hơn katat của nam; còn đám cưới hay đám tang thì hoàn toàn theo họ mẹ.
So với tôn giáo Islam là vậy, riêng với Bà-la-môn, người Chăm Bà-ni có sự hòa hợp rất đặc biệt. Ở đây, ông bà Chăm đã sáng tạo ra phái Giữa là Mưdwơn để phục vụ lễ bái cho cả đôi bên. Trong vài lễ tục mang tính gia đình hay dòng tộc, người ta thấy giáo sĩ Bà-ni (thầy Acar) vào làng Chăm Bà-la-môn cúng tế. Khi có lễ nghi mang tính khu vực như Pakap Haluw Kraung, giáo sĩ cả hai bên Chăm Bà-la-môn lẫn Chăm Bà-ni cùng phối hợp thực hiện.
Đáp lại, phía cộng đồng Chăm Bà-la-môn ngoài thờ các thần Ấn Độ giáo, các anh hùng liệt nữ được thần hóa, thờ ông bà tổ tiên, họ còn thờ cả Allah của Islam. Bà con lí giải: Allah là đấng sáng tạo vũ trụ, còn Po Inư Nưgar “chỉ” là người tạo lập vương quốc. Ở nhiều cuộc lễ trong cộng đồng Bà-la-môn, người Chăm thuộc hệ tín ngưỡng này mời “thầy Chan” bên Bà-ni làm nghi thức giết gia súc hiến tế để cuộc lễ chính thức được tiến hành. Cũng ở không ít cuộc, người thủ vai chính là giáo sĩ bên Bà-ni chứ không phải ngược lại. Và, trong những ngày Ramưwan, từng hàng phụ nữ Chăm Bà-la-môn từ các palei xa đội ciêt bánh trái vào Sang Mưgik cúng dường thầy Acar. Đó là hình ảnh hòa hợp tôn giáo đẹp nhất, chắc chắn thế.
Từ những chứng cứ chuyển hóa và hòa hợp tôn giáo tín ngưỡng đó, việc cộng đồng người Chăm Bà-ni thờ phụng tháp thiêng là điều đương nhiên; và trong thực tế sinh hoạt tín ngưỡng, bà con Chăm Bà-ni vẫn thờ phụng tháp từ mấy trăm năm qua. Tháp Po Xah Inư hay tháp Po Dam ở Bình Thuận, cả tháp Po Klaung Girai ở Ninh Thuận cũng thế, rất nhiều bà con Chăm Bà-ni lên cúng tế mỗi dịp tế lễ. Thậm chí ở tháp Po Rome (làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), vào dịp lễ Katê hằng năm, người Chăm Bà-ni làng Phước Nhơn đến đây cúng tế có khi còn đông hơn cả bà con Chăm Bà-la-môn làng Hậu Sanh.
Chính những điều đó làm nên đặc trưng thú vị của văn hóa Chăm.