Kiệt sức tìm tình yêu thật trên thế giới ảo

Khảo sát trên The New York Times mới đây cho thấy gần 80% người trưởng thành từ 18 đến 54 tuổi cảm thấy mệt mỏi tinh thần khi sử dụng ứng dụng hẹn hò trực tuyến.

Năm nay là 10 năm Tinder ra đời – ứng dụng hẹn hò tiên phong và nhiều người dùng nhất hiện nay. Chặng đường này một lần nữa nhắc chúng ta rằng, công nghệ làm thay đổi hành vi của con người, kể cả hành vi tìm kiếm một nửa yêu thương. Khi ở khắp mọi nơi, ánh mắt của chúng ta hướng về màn hình điện thoại của mình, nhiều hơn là hướng về khung cảnh và con người xung quanh, chuyện hai ánh mắt tình cờ tìm thấy nhau rồi bắt đầu chuyện trò, đã trở nên dần hiếm. Khi chúng ta mỗi ngày đều nhìn thấy những hồ sơ tiềm năng trên ứng dụng hẹn hò, những cuộc gặp được người thân, bạn bè giới thiệu chẳng còn mấy sức hút. Khi thấy cần một mối quan hệ hẹn hò, thay vì hòa mình vào những môi trường mới, chúng ta có thể ngồi một mình trong căn phòng quen thuộc, mở ứng dụng hẹn hò và bắt đầu bằng những cú quẹt trái, quẹt phải.

Ứng dụng hẹn hò trực tuyến mang lại sự chủ động và cơ hội tìm thấy mẫu hình trong mơ cho những người đang khao khát một mối quan hệ hẹn hò. Nhưng kết quả nhận được lại không như kì vọng.

Vì sao tìm tình yêu trên ứng dụng hẹn hò lại mệt mỏi?

Tìm tình yêu, thấy… tình dục

Có một tỉ lệ khá cao những người sử dụng các ứng dụng hẹn hò là những người tìm kiếm các mối quan hệ nghiêm túc, nhưng cũng không thiếu những người chỉ dùng các ứng dụng này như một phương tiện để tìm tình dục. Mặc dù người dùng có thể sàng lọc được những tin nhắn công khai đề nghị quan hệ tình dục hoặc các hình ảnh nhạy cảm, nhưng họ cũng không phải lúc nào cũng thoát khỏi những lời gợi ý sỗ sàng. Phụ nữ vốn là đối tượng bị quấy rối trên mạng và điều đó càng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn trên các nền tảng hẹn hò. Trong một nghiên cứu vào năm 2020 của Trung tâm nghiên cứu xã hội Pew, Mỹ cho thấy 57% người dùng nữ lứa tuổi 18-34 bị gửi những hình ảnh nhạy cảm. Và những trải nghiệm này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng.

Một số người lạm dụng Tinder mà không ý thức được khó khăn tâm lý trong mình. Càng sử dụng, họ càng kiệt quệ các nguồn lực tâm trí để xây dựng mối quan hệ đúng hướng hơn.

Khi tìm kiếm mối quan hệ, chúng ta thường kì vọng những tin nhắn làm quen là một lời chào, một lời giới thiệu bản thân thiện chí, hỏi thăm về sở thích, về điểm chung giữa hai người. Bởi vậy, nếu một người có động lực sử dụng ứng dụng hẹn hò vì tình yêu, nhận được các hình ảnh và lời nhắn đầu tiên về chủ đề tình dục thì họ không tránh khỏi cảm xúc sợ hãi, bị đe dọa, bị xúc phạm.

Nhưng sự “mệt mỏi” không chỉ đến từ những lời đề nghị về tình dục thẳng thừng ngay từ lần nhắn tin đầu tiên. Trên con đường tìm kiếm tình yêu trên mạng, những người có ý định hẹn hò nghiêm túc còn gặp cả những người “nửa nọ nửa kia”: đan xen cả nhu cầu tìm mối quan hệ và nhu cầu trải nghiệm tình dục. Những người kiểu này bắt đầu nhắn tin với sự hứng thú cảm xúc, nhưng khi gặp mặt, họ quyết định trải nghiệm tình dục và không xây dựng mối quan hệ hẹn hò. Một số người khác còn tìm kiếm một mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng” dù đang kết hôn hoặc đang hẹn hò với người khác. Họ thường lấp lửng về tình trạng mối quan hệ, đánh trống lảng khi được hỏi đến, hoặc không bao giờ dành thời gian buổi tối, cuối tuần cho người đang liên hệ qua ứng dụng hẹn hò với họ. Vào năm 2015, một khảo sát của Công ty Nghiên cứu Global Web Index cho thấy có tới hơn 40% người sử dụng Tinder – ứng dụng hẹn hò trực tuyến nhiều người dùng nhất hiện nay, đã có người yêu/vợ/chồng.

Do đó, những người có ý định hẹn hò nghiêm túc bắt đầu nghi ngờ về môi trường hẹn hò trực tuyến.

Động lực tự tôn và xóa tan buồn chán

Người tham gia ứng dụng hẹn hò trực tuyến không chỉ có động cơ tìm tình yêu hoặc tình dục. Nhóm các nhà nghiên cứu tâm lý học Hungary đã khảo sát đại diện 414 người sử dụng Tinder từ 18 đến 43 tuổi và tìm ra hai dạng động cơ khác. Đó là động cơ tự tôn và động cơ xóa tan buồn chán1. Nếu như không quá khó để phân biệt động cơ vì tình yêu hay tình dục, thì nhận diện hai động cơ này lại lắt léo hơn nhiều.

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu Global Web Index cho thấy có tới hơn 40% người sử dụng Tinder – ứng dụng hẹn hò trực tuyến nhiều người dùng nhất hiện nay, đã có người yêu/vợ/chồng.

Người có động cơ tự tôn có thể rất năng động trong tương tác trực tuyến. Họ chuẩn bị một hồ sơ cuốn hút với hình ảnh cá nhân, mô tả thú vị, gây tò mò về bản thân. Điều họ thực sự tìm kiếm chưa chắc đã là tình yêu, mà là sự ngưỡng mộ từ người khác. Được nhiều người liên lạc hẹn hò, theo đuổi giúp họ đáp ứng được nhu cầu tự tôn. Cần nhấn mạnh rằng nhu cầu này là hợp lý. Tuy nhiên, người đang tìm kiếm mối quan hệ thực sự có thể cảm thấy nỗ lực theo đuổi của mình trở thành vô nghĩa khi tương tác với người thiên về động cơ tự tôn.

Bên cạnh đó, có những người vì buồn chán mà lập hồ sơ hẹn hò trực tuyến. Họ dùng ứng dụng như một hình thức giải trí, kết nối như các mạng xã hội khác. Họ hứng thú với những cuộc nói chuyện hợp cảm xúc của mình, nhưng không có ý định tiến xa hơn trong mối quan hệ.

Nghiên cứu trên cũng đề cập đến sự lạm dụng Tinder. Người lạm dụng Tinder lúc nào cũng nghĩ đến ứng dụng này, thời lượng sử dụng tăng theo thời gian, cảm thấy khó chịu nếu không dùng, hoặc buộc phải dùng Tinder để cải thiện tâm trạng. Sự lạm dụng này xuất phát từ động cơ tự tôn. Trong cuộc sống thực, tương tác cảm xúc, sự gắn bó trong mối quan hệ của họ không chất lượng. Thiếu hụt ấy khiến họ dành nhiều thời gian và năng lượng tâm trí cho Tinder để bù đắp cho cảm xúc an toàn và tự tôn. Thường thì họ cũng không ý thức được về sự thiếu hụt ấy trong mình.

Những trải nghiệm không như ý trên ứng dụng hẹn hò, hay cả những cuộc gặp gỡ trực tiếp, cũng trở thành chất liệu để ta hiểu về nội tâm mình và trí tuệ hơn khi nhìn nhận người khác.

Có thể thấy, không phải ai cũng sử dụng ứng dụng hẹn hò trực tuyến để tìm kiếm tình yêu. Các động cơ khác như tìm kiếm tình dục, tự tôn, xóa tan buồn chán đều hợp lý. Vấn đề là nếu hai người không cùng kiếm tìm tình yêu, khả năng cao là họ sẽ nhận lấy sự tổn thương. Hơn nữa, một số người lạm dụng Tinder mà không ý thức được khó khăn tâm lý trong mình. Càng sử dụng, họ càng kiệt quệ các nguồn lực tâm trí để xây dựng mối quan hệ đúng hướng hơn.

Mệt mỏi khi có quá nhiều

Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác vốn được thiết kế để gây “nghiện”, tạo cho người dùng cảm giác dễ dàng: chỉ cần vài cú quẹt màn hình là có thể tìm được “đối tượng”, chưa cần mất công ra ngoài, xã giao, bộc lộ bản thân với người khác. “Đối tượng” rất nhiều, mỗi người đại diện bằng một tấm ảnh được chăm chút kĩ lưỡng và vài lời giới thiệu bản thân theo mẫu, sẵn sàng chờ được “lựa chọn”. Chưa bao giờ hình ảnh đối tượng hẹn hò nhiều như cá trong đại dương lại trở nên rõ nét đến thế. Nhưng sự dư thừa “ảo” này lại có thể làm người dùng mệt mỏi.

Bởi có quá nhiều, họ có thể đóng lại một kết nối và chuyển sang kết nối khác. Cứ như vậy cho đến khi đã “quẹt”, đã chat với rất nhiều người, nhưng vẫn chưa tìm thấy một nửa. Thực tế thì bất cứ mối quan hệ tình cảm nào cũng cần sự nuôi dưỡng, chứ không phải chỉ dựa vào cảm tính về sự phù hợp qua ảnh đại diện, lời giới thiệu và đôi lời nhắn qua lại.

“Có quá nhiều” đã trở thành một nguồn cơn khủng hoảng. Người dùng mòn mỏi mang niềm tin về “cá trong đại dương” để quẹt màn hình mà có thể quên mất rằng, trong tình cảm, không phải ta là người lựa chọn, mà là hai người cùng chọn nhau. Ta sẽ kiệt sức nếu tin rằng mình đang là người có quyền lựa chọn duy nhất, và mất đi năng lực dừng lại để nuôi dưỡng những tương tác ý nghĩa.

“Liệu người ấy có thật lòng?”

Một số người bắt đầu hẹn hò trực tuyến, xác nhận bản thân mình có tình cảm dành cho đối phương, nhưng luôn hoài nghi sự chân thành của người ấy. Họ tự hỏi, đây là mối quan hệ khỏa lấp chỗ trống hay có ý định nghiêm túc. Họ cũng nghi ngờ, liệu mình là người duy nhất hay chỉ là một trong nhiều lựa chọn đồng thời.

Tinder được thiết kế để gây “nghiện”, hứa hẹn một tình yêu đích thực chỉ cần vài cú quẹt màn hình, không cần bỏ công đi ra ngoài, bộc lộ mình với người khác.

Những người trải nghiệm sự nghi ngờ này thường đang duy trì mối quan hệ hẹn hò trực tuyến có khoảng cách địa lý. Hai người chỉ gặp nhau qua mạng, hoặc rất lâu mới gặp mặt trực tiếp. Khi có những tín hiệu mập mờ như không kết bạn trên các nền tảng mạng xã hội khác, chỉ được kết bạn bằng tài khoản mạng xã hội ảo, không gặp gỡ (trực tuyến hoặc trực tiếp) bạn bè của bạn hẹn hò,… nỗi nghi ngờ càng tăng lên.

Cần nhìn nhận rằng, sự nghi ngờ này không phải là đặc tính riêng của hẹn hò trực tuyến hay yêu xa. Sự nghi ngờ chỉ xuất phát khi không có những dấu hiệu xác tín rằng, hai người đang toàn tâm cho mối quan hệ.

Thế nhưng, với những mối quan hệ mà hai người được gặp gỡ thường xuyên, họ có nhiều cơ hội để làm rõ những nghi ngờ của mình. Còn hai người hẹn hò trực tuyến yêu xa, họ có thể muốn nuôi dưỡng mối quan hệ trên thế giới ảo đến mức chấp nhận vô điều kiện sự mập mờ. Những người như vậy thường mòn mỏi trên môi trường hẹn hò trực tuyến. Họ vừa kiệt sức với nhu cầu được xác tín của bản thân, vừa vui mừng khi duy trì mối quan hệ đủ làm mình ấm áp với những dòng tin và khuôn mặt thân quen qua màn hình.

Thất vọng khi gặp trực tiếp

Có những người mệt mỏi sau mỗi lần mối quan hệ từ màn hình bước ra thế giới thực. Họ cảm thấy vui khi tương tác trực tuyến, nhưng vỡ mộng khi gặp trực tiếp. Càng trải nghiệm nhiều lần như vậy, họ càng cảm thấy mối quan hệ từ ứng dụng hẹn hò không đủ chân thực và gây tốn thời gian. Tuy nhiên, nên phân định rõ hai trường hợp thất vọng.

Trường hợp thứ nhất là chỉ thất vọng với trải nghiệm trực tiếp, còn vẫn hào hứng khi gặp con người đó trên ứng dụng hẹn hò. Trường hợp thứ hai là thất vọng về chính con người mà mình đang gặp gỡ.

Ở trường hợp thứ nhất, sau buổi gặp trực tiếp, hai người vẫn tiếp tục tương tác trực tuyến với nhau và có thiện cảm. Rất có thể, một trong hai người không dễ bộc lộ bản thân trước người khác. May mắn thay có chiếc màn hình làm cầu nối, để sau bàn phím, người đó dễ mở lòng hơn. Theo đó, cần thêm thời gian và cơ hội để hai người xây dựng sự tin tưởng khi gặp gỡ trực tiếp. Trong trường hợp này, nuôi dưỡng mối quan hệ là điều nên làm. Nếu như từ bỏ quá sớm, vì nghĩ rằng còn nhiều đối tượng tiềm năng, chúng ta có thể mất đi một người bạn hẹn hò sẵn sàng xây dựng mối quan hệ với mình.

Ở trường hợp thứ hai, sự thất vọng về chính con người mà mình đang gặp gỡ xảy ra khi sắc thái người ấy khác hẳn so với khi tương tác trực tuyến. Họ vẫn nói những câu họ từng chat, từng video call, nhưng cảm xúc mang lại không giống như trên ứng dụng hẹn hò. Trường hợp này, chúng ta nên đặt hai câu hỏi cho chính mình, hơn là quy gán vấn đề nằm ở người khác: (1) Ta có đang tự tưởng tượng, tô vẽ cho niềm vui khi tương tác trực tuyến không? (2) Thực chất thì điều gì làm ta vui khi tương tác trực tuyến?

Hóa giải hội chứng kiệt sức tìm người yêu

Có những người dùng dừng sử dụng ứng dụng khi nhận thấy việc tìm kiếm mối quan hệ không đạt kết quả. Nhưng có những người tin rằng một vài thất bại ban đầu chỉ là tạm thời, có thể kiên trì đi tiếp trên nền tảng trực tuyến cho đến khi tìm thấy người yêu. Tuy nhiên, nếu họ không thay đổi một số góc nhìn và hành động, sự kiên trì ấy có thể làm họ kiệt sức và bị nhấn chìm trong nỗi thất vọng về hành trình tìm một nửa. Xin hãy lưu ý một vài “chiến lược” để không rơi vào, hoặc vượt qua trạng thái kiệt sức ấy.

Đánh giá động cơ sử dụng ứng dụng hẹn hò

Cần đánh giá động cơ ở chính mình và ở những người mình đang tương tác: tìm tình yêu, tìm tình dục, vì sự tự tôn cá nhân, vì mong muốn xóa tan buồn chán. Cả bốn động cơ đều là hợp lý, với mỗi cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn tìm tình yêu trên ứng dụng trực tuyến, việc ghép đôi với người cũng muốn tìm tình yêu sẽ có tiềm năng hơn. Để góp phần giải quyết vấn đề này, tham gia các ứng dụng trả phí giúp sàng lọc bớt đối tượng. Các chương trình hẹn hò trực tuyến hoặc trực tiếp đòi hỏi người tham gia có nhiều sự cam kết, chính danh thường tập trung nhiều người cùng động cơ tìm tình yêu, tìm mối quan hệ lâu dài hơn.

Bên cạnh đó, nên chân thực với bản thân. Nếu điều ta đang cần là trải nghiệm tự tôn hoặc xóa tan buồn chán thì việc cố gắng tìm tình yêu không giúp giải quyết những bí tắc cảm xúc cá nhân đó. Thay vì tìm tình yêu, ta cần nâng cao lòng tự trọng, làm cuộc sống mình vui tươi hơn bằng các hoạt động thực tế hơn.

Trực tiếp hóa lộ trình hẹn hò

Ứng dụng hẹn hò trực tuyến là một phương tiện giúp việc gặp gỡ dễ dàng hơn. Hãy để ứng dụng làm đúng phần việc đó, và không làm thay các công đoạn tiếp theo của việc hẹn hò. Hai người cần gặp gỡ trực tiếp và tìm hiểu nhau qua các tương tác thực tế.

Hãy hiểu rằng, không có cuộc gặp gỡ trực tiếp để tìm hiểu nhau, nghĩa là không có tín hiệu cho việc xây dựng mối quan hệ. Hai người cần được biết nhau trong những hoạt động sống thường ngày, với môi trường xung quanh là bạn bè (hoặc xa hơn nữa là người thân). Những mô tả tự kể trực tuyến chỉ là một phần nhỏ của con người mà thôi.

Hiểu và trân quý bản thân

Vấn đề nhiều khi không nằm ở phương thức kết nối và hẹn hò, mà nằm ở thái độ sống, thái độ với chính bản thân của người đang tìm kiếm tình yêu. Khi ta hiểu được giá trị sống, điểm mạnh nội tâm, chướng ngại tinh thần, các mẫu hành vi hẹn hò của chính mình, những định kiến cá nhân,… ta dần làm chủ chính mình dù hẹn hò trực tuyến hay trực tiếp.

Với tinh thần như vậy, những trải nghiệm không như ý trên ứng dụng hẹn hò, hay cả những cuộc gặp gỡ trực tiếp, cũng trở thành chất liệu để ta hiểu về nội tâm mình và trí tuệ hơn khi nhìn nhận người khác.

***

Tóm lại, ứng dụng hẹn hò trực tuyến là phương thức hỗ trợ tìm cơ hội gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ. Phương thức luôn có thể thay đổi, còn cá nhân mới là người làm chủ. Người làm chủ sẽ học cách sử dụng phương thức, thay vì bị phương thức đó cuốn mình đi. Khi ấy, sẽ không còn những trải nghiệm kiệt sức tìm tình yêu thật trên thế giới ảo. Sẽ chỉ còn những cảm xúc đa dạng và sự trưởng thành rất thật, trên đường tìm kiếm một nửa của cuộc đời.□

——-

*TS Tâm lý học, là tác giả cuốn sách Một mình tìm một nửa – Tâm lý học về độc thân và tình yêu.

1 Orosz, G., Benyó, M., Berkes, B., Nikoletti, E., Gál, É., Tóth-Király, I., & Bőthe, B (2018). The personality, motivational, and need-based background of problematic Tinder use. Journal of Behavioral Addictions, 1–16. DOI:10.1556/2006.7.2018.21 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)