Krystian Zimerman: Khắt khe với mọi bản thu âm

Bốn năm sau khi thu âm bản piano concerto của nhà soạn nhạc Ba Lan Lutoslawski, nghệ sĩ piano Krystian Zimerman mới có bản thu âm tiếp theo với hãng Deutsche Gramophone – các sonata của Schubert. Nhân dịp phát hành album này, ông đã trao đổi với tạp chí âm nhạc Limelight (Úc) về quan điểm nghệ thuật của mình và mặt trái của công nghệ.


Krystian Zimerman (trái) và nhạc trưởng Simon Rattle trình diễntác phẩm “The Age of Anxiety” (tạm dịch: Thời đại Âu lo) của Bernstein. Nguồn: Berlin Philharmonic.

Trong lúc nhiều nghệ sỹ trên thế giới đều đặn thu âm và ra album thì ông lại có xu hướng ngược lại, vì sao vậy?

Tôi có vài lý do. Thứ nhất, tôi không hoàn toàn tin vào quan điểm coi âm nhạc chỉ dành cho thu âm là đúng đắn. Bạn thấy đấy, trong thế kỷ 19 – thời kỳ của các nhà soạn nhạc như Liszt, Schubert và Chopin, bạn có thể luôn nhìn thấy nghệ sỹ biểu diễn. Trong mỗi buổi hòa nhạc, thính giả không chỉ được lắng nghe các tác phẩm âm nhạc mà còn thưởng thức màn biểu diễn của các nghệ sỹ… Do chúng ta đã phát triển các công nghệ thu âm nên chúng ta bắt đầu thu âm nhạc như một thứ âm thanh. Còn bản thân tôi, tôi không tin rằng âm nhạc chỉ là âm thanh, âm nhạc thực sự chính là thời gian.

Lý do thứ hai là đã có nhiều đĩa CD trên thị trường và tôi chỉ không cảm thấy mình có thể thêm bất cứ thứ gì của mình vào đấy. Tôi có thói quen khắt khe với các bản thu âm của mình, và đơn giản là tôi không thấy thích bản nào. Vậy rồi tôi nghĩ, “OK, cái này đưa ra thị trường cũng được”.

Vì sao ông chọn các piano sonata số 20 và 21 của Schubert cho album mới này? Có lý do nào đặc biệt không?

Tôi luôn gặp vấn đề với câu hỏi này. Có một câu chuyện cười về sự lựa chọn: một người bà tặng cậu cháu trai của mình hai chiếc cà vạt nhân ngày sinh nhật. Cậu muốn tỏ ra ngoan ngoãn với bà nên đi lên gác và ngay lập tức đeo một trong hai chiếc cà vạt. Khi cậu đi xuống người bà bảo: “Ồ! Cháu không thích chiếc kia ư?” [Cười] Vì vậy, điều tôi muốn nói là bạn chỉ có thể chơi 90 phút trong buổi hòa nhạc và khó nói tại sao bạn quyết định chơi tác phẩm này.

Tôi rất gắn bó với Schubert. Nhưng ông cũng chỉ là một trong nhiều nhà soạn nhạc viết cho piano, và tôi không muốn mình trở thành chuyên gia của bất kỳ thứ âm nhạc nào. Thâm tâm tôi luôn phản đối điều này. Sau khi thắng một cuộc thi Beethoven, tôi không muốn trở thành một nghệ sĩ piano chuyên chơi Beethoven. Sau cuộc thi Chopin cũng vậy, tôi không muốn trở thành một nghệ sĩ piano chuyên chơi Chopin. Hay sau khi thắng một cuộc thi ở Nga thì tôi cũng không muốn chuyên chơi Rachmaninov hay Prokofiev.

Tuy nhiên hai bản sonata của Schubert rất đặc biệt đối với tôi. Tôi cho là nếu Schubert không viết hai tác phẩm này, có lẽ ông sẽ không được xem là một trong những nhà soạn nhạc như Schumann, Beethoven hay Brahms. Chúng là hai tác phẩm rất quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông và đưa ông lên một trình độ đặc biệt trong sáng tác. Theo tôi, tầm vóc của ông đã được nhân lên khi viết hai bản sonata này.

Tôi nghe người ta nói rằng ông là người luôn cầu toàn?

Tôi thực hiện các công việc cần thiết để chuẩn bị cho một buổi hòa nhạc, tôi thu âm chương trình, nghe lại nó và trong buổi hòa nhạc tiếp theo, tôi cố gắng cải thiện những vấn đề mắc phải trong buổi hòa nhạc trước. Một số người không thích việc đó và gọi đó là sự cầu toàn. Họ chỉ thích tôi chơi giống nhau trong mọi buổi hòa nhạc, không phá vỡ nó và mọi thứ sẽ ổn [cười]. Chính khoảnh khắc muốn cải thiện cái gì đó trong buổi hòa nhạc để chuẩn bị cho buổi tiếp theo, bạn được gọi là người cầu toàn. Điều đó hoàn toàn vô nghĩa vì tôi không bao giờ đòi hỏi sự hoàn hảo đến như vậy bởi tôi không tin có sự hoàn hảo trong nghệ thuật. Không có thứ như vậy. Nhưng tất nhiên, tôi đang cố gắng làm việc của mình tốt nhất có thể. Và khi tôi thấy khả năng có thể làm tốt hơn những gì đã có thì tôi cố gắng khám phá những khả năng đó.

Ở thời điểm này, ông đã nghĩ đến những tác phẩm khác ngoài hai sonata của Schubert trong album mới của mình chưa?

Tôi đã không chơi Schubert ít nhất một năm nay rồi và tôi đã tập luyện các tác phẩm của những nhà soạn nhạc khác. Thường thì vào lúc bản thu ra mắt, bạn đã thay đổi vốn tiết mục từ lâu rồi. [cười] Đó là chuyện của ngày hôm qua.

Vậy những tác phẩm mà ông đang tập luyện là gì?

Không. Danh mục tập luyện luôn là bí mật bởi tôi thường thông báo các chương trình của mình rất muộn. Thông thường, tôi tiến hành rất nhiều thử nghiệm và rồi từ những thử nghiệm đó có lẽ tôi chỉ lựa chọn ra 10 % số tác phẩm. Dẫu vậy, tôi có những kế hoạch rất chính xác cho công việc biểu diễn.

Ngày nay, sự nghiệp của một nghệ sỹ đôi khi lại phụ thuộc vào những loại hình công nghệ mới như trang web YouTube, hay thậm chí cả điện thoại thông minh. Vậy ông nghĩ gì về điều này?

Phải thú thật là tôi đã gặp rất nhiều rắc rối với sự tiến bộ của công nghệ. Bởi vì khi tạo ra các công nghệ tiên tiến với những thành tựu thật đáng kinh ngạc, chúng ta chưa thể lường trước những hậu quả có thể tới để có thể hạn chế sự rủi ro của nó. YouTube là một ví dụ, nó là một nền tảng chia sẻ âm nhạc trực tuyến hấp dẫn, tôi cũng xem nhiều video trên YouTube mỗi ngày. Nhưng rút cục, nó lại trở thành một vấn đề lớn đối với âm nhạc, thậm chí đe dọa nó.

Với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, người ta có thể “sao chép” các buổi biểu diễn bằng cả hình ảnh và âm thanh và tải lên các trang như YouTube. Có hai vấn đề xảy ra ở đây: thứ nhất nó ảnh hưởng đến nghệ sỹ khi anh cứ muốn trở thành “người khác” theo quan điểm của số đông, điều này rất nguy hiểm bởi vì nghệ sĩ không thể phát triển cái riêng của mình; thứ hai là những người thu âm các buổi hòa nhạc một cách bất hợp pháp.

Tôi rất phản đối việc này vì tôi cũng là một nạn nhân. Tại Liên hoan Edinburgh, tôi đặt máy ghi âm của mình trong cây đàn piano, ghi lại màn trình diễn nhằm nghe ra những sai sót mà mình đã mắc phải. BBC cũng ở trong phòng hòa nhạc để cài đặt các micro cho một buổi hòa nhạc khác, có thể là của Pollini. Họ nói rằng họ có thể thu âm buổi hòa nhạc cho tôi, tôi trả lời nói: “Được rồi, tại sao các bạn không làm điều đó.”

Trong phòng hòa nhạc còn có người thu âm thứ ba, một kẻ xâm phạm tác quyền đang ngồi ở hàng ghế cuối và rút cục, anh ta bị tóm. Người ta tịch thu băng ghi âm của anh ta và đưa nó cho tôi. Vì vậy, buổi tối trong khách sạn, tôi bỗng nhiên có những ba cuốn băng ghi âm của cùng một buổi hòa nhạc. Băng của tôi nghe có vẻ rất “kinh viện”, vì âm thanh chưa được hiệu chỉnh [các tạp âm] trong cây đàn piano, nên nghe hoàn toàn sai lệch, nhưng tôi biết cách nghe cuốn băng này và học được rất nhiều từ nó. Cuốn băng của BBC thì hoàn hảo, họ ghi âm rất tốt. Cuốn băng của kẻ xâm phạm tác quyền là tồi tệ nhất. Vì anh ta ngồi ở hàng ghế cuối cùng nên âm thanh dường như quá nhanh, mọi thứ bỗng trở nên vội vã đến mức không thể nghe nổi. Bạn thực sự không thể hiểu nghệ sĩ piano đang chơi gì. Và buổi hòa nhạc nghe thật khủng khiếp. Thứ âm thanh được lọc ra ở đây dường như đã bị tước đi hơi thở của nó. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có một nghề gọi là nhà sản xuất âm thanh. Thứ nghề mà bạn phải học trong nhiều năm để biết thu âm tiếng đàn piano một cách đúng đắn. Và nếu đặt micro sai vị trí, bản thu âm sẽ tồi tệ. Và nghệ sĩ piano phải trả giá vì điều đó.

Ngày nay với YouTube, chúng ta có rất nhiều clip của những người không có khái niệm về thu âm. Họ chỉ có một chiếc điện thoại mới, thế là họ cũng bắt đầu thu âm, họ muốn chơi trò Thượng đế và đưa nó lên YouTube. Điều này rất ngạo mạn và sai trái bởi bản thu âm này thường không hề giống với màn biểu diễn thực sự của các nghệ sĩ. Do đó, họ đang phá hoại sự nghiệp biểu diễn  của các nghệ sĩ. Tôi đã có một kinh nghiệm như vậy ở Đông Nam Á và bị tổn thương bởi điều này đến nỗi sau đó tôi không lên kế hoạch cho các buổi hòa nhạc ở quốc gia này nữa.

Nhưng điều tôi suy nghĩ nhiều nhất là chúng ta sáng tạo ra công nghệ nhưng không tạo ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho công nghệ ấy. YouTube đang giả vờ ngốc nghếch khi nói rằng họ chỉ cung cấp nền tảng công nghệ cho mọi người tham gia, đó là một lời dối trá. Tôi không hiểu tại sao các chính trị gia lại chấp nhận lời giải thích của YouTube. Thực ra, rất dễ tạo ra những rào cản pháp lý, ví dụ khi ai đó muốn đăng một buổi hòa nhạc của ông Zimerman ngay lập tức trên YouTube sẽ phải có một thủ tục liên quan như hỏi ông Zimerman liệu ông có muốn buổi hòa nhạc này được đăng lên hay không. Điều đó rất đơn giản để áp dụng.

Bạn biết đấy, [một] ý tưởng như YouTube thật dị thường. Đó thực sự là một trong những thứ thiên tài nhất. Nhưng cách nó giờ đây đang vờn quanh các thủ tục pháp lý trong xã hội chúng ta thật đáng sợ. Tôi nghĩ điều đó sai trái và nên được mọi chính phủ giải quyết.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.limelightmagazine.com.au/features/krystian-zimerman-cds-schubert-youtube/

Với Krystian Zimerman, âm nhạc là những xúc cảm được hình thành theo thời gian. Màn thể hiện các tác phẩm của các nhà soạn nhạc từ Beethoven, Chopin đến Schubert và Szymanowski đều bộc lộ sự tinh tế dường như vô hạn và sự trong trẻo đến tận những lớp sâu thẳm của những câu chuyện âm nhạc. Zimerman được coi là một trong những nghệ sỹ piano xuất sắc nhất hiện nay bởi sự tươi tắn và độc đáo trong lối chơi, luôn luôn thể hiện cái riêng đầy mãnh liệt và được chuẩn bị tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ông thường nghiên cứu về một tác phẩm trong nhiều thập kỷ, khám phá từng khía cạnh và nghiền ngẫm ý nghĩa của nó trước khi đưa tác phẩm vào chương trình độc tấu hoặc chuẩn bị thu âm. Ông từng chia sẻ, “cuối cùng nghệ thuật được tạo ra trong quá trình biểu diễn tại phòng hòa nhạc”.
Đột phá đầu tiên trong sự nghiệp của Zimerman là giải nhất cuộc thi Chopin năm 1975. Năm 1976, nghệ sỹ huyền thoại Artur Rubinstein mời Zimerman tới Paris, người đã truyền thụ cho ông chất nghệ sỹ Pháp và sự thấu hiểu về tâm lý người nghe. Không chỉ Rubinstein, Zimerman còn được học hỏi nhiều nghệ sỹ xuất sắc bậc nhất thế kỷ 20 như Claudio Arrau, Emil Gilels, Sviatoslav Richter, Arturo Benedetti Michelangeli…
Trong 4 thập kỷ qua, Krystian Zimerman đã hợp tác với nhiều nghệ sỹ hàng đầu thế giới như biểu diễn âm nhạc thính phòng với các nghệ sỹ violin Gidon Kremer, Kyung-Wha Chung, Yehudi Menuhin và biểu diễn các bản piano concerto với nhiều nhạc trưởng như Leonard Bernstein, Pierre Boulez, Bernard Haitink, Herbert von Karajan, Zubin Mehta, Riccardo Muti, André Previn, Seiji Ozawa, Sir Simon Rattle và Stanisław Skrowaczewski. Kể từ năm 1977 đến nay, Zimerman là nghệ sỹ thu âm độc quyền của Deutsche Gramophone, với các bản thu âm các bản piano concerto, các tác phẩm thính phòng của các nhà soạn nhạc từ Beethoven, Brahms, Grieg, Schumann, Schubert, Chopin, Liszt đến Debussy, Ravel, Lutosławski, Grażyna Bacewicz, Bartók…
Không giống như nhiều nghệ sỹ khác, nghệ thuật của Krystian Zimerman còn gắn bó với cây đàn một cách chặt chẽ với những hiểu biết về cơ học và cấu trúc của nhạc cụ này. Những kỹ năng riêng biệt về kỹ thuật đàn piano của ông đã có “đất” sử dụng khi ông thiết lập mối hợp tác với hãng Steinway & Sons tại Hamburg.
Nguồn: https://www.deutschegrammophon.com/en/artist/zimerman/pressquotes

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)