KTS Hoàng Thúc Hào nói về công trình mới ở Bhutan
Không phải kiến trúc sư (KTS) nào cũng có cơ hội để lại dấu ấn nghề nghiệp của mình ở một quốc gia khác, nhưng cơ hội này đã đến với Hoàng Thúc Hào, KTS trưởng Văn phòng Kiến trúc 1+1>2, khi anh được mời thiết kế Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia (GNH Center) của Bhutan. 
Năm 2008, Bhutan trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn đo GNH (Gross National Happiness – Tổng hạnh phúc quốc gia) để đánh giá những yếu tố mang lại giá trị cho đời sống, thay cho chuẩn đo GDP. Nhân sự kiện này, Hoàng gia và Chính phủ Bhutan bày tỏ mong muốn thành lập một trung tâm nơi mọi người từ khắp thế giới có thể đến tìm hiểu về triết lý sống hạnh phúc của người Bhutan thông qua thực hành thiền và học cách trở nên hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, tiêu dùng. Thiết kế khóa học ở đây là TS Hà Vĩnh Thọ, một người Pháp gốc Việt. Ông tình cờ biết Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 của chúng tôi qua hai công trình nhà cộng đồng Suối Rè và Tả Phìn, và ông đã tiến cử chúng tôi, bên cạnh một công ty kiến trúc Nhật Bản.
Đầu bài họ ra cho anh như thế nào?
Hai trong bốn trụ cột của chuẩn đo GNH là bảo tồn môi trường, bảo tồn và phát huy văn hóa. Bởi vậy họ muốn công trình thân thiện với môi trường và thể hiện bản sắc địa phương qua vật liệu, màu sắc, họa tiết nhưng phải cách điệu và hiện đại hóa. Quần thể gồm phòng hội nghị 100 chỗ, phòng tập thiền 60 người, nhà hành chính, nhà bếp, nhà ăn tập thể, cùng tám – chín nhà lưu trú nhỏ cho sáu đến tám người mỗi nhà. Các khu nhà nằm rải rác trên triền núi ven sông lớn ở tỉnh Bumthang, đông bắc Bhutan.
Công trình do chúng tôi thiết kế có tường dầy nửa mét, xây đá kết hợp trình đất, bảo đảm giữ nhiệt trong mùa đông giá lạnh; vì kèo bằng tre và gỗ; sử dụng nước trên nguồn và năng lượng mặt trời. Nhà có mái dốc, hình kỷ hà đặc trưng theo truyền thống Bhutan, mặt quay ra sông, lưng tựa núi.
Công trình có cho anh nhiều cảm hứng không?
Không phải kiến trúc sư nào cũng có cơ hội để lại dấu ấn ở nước ngoài, nhất là với một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, nơi sẽ tụ họp người từ nhiều quốc tịch trên thế giới.
Mặt khác, đây là công trình nhiều thách đố, kích thích suy nghĩ – địa thế của nó bất lợi (nằm trên triền dốc), lại ở trong vùng thời tiết khắc nghiệt. Thêm nữa, tôi là người đến từ nền văn hóa khác, giờ đây phải đối mặt với một nền văn hóa đậm đặc, phải làm sao để công trình không rơi vào kiểu sao chép khéo tay… Ở đây cần cách xử lý chừng mực song mạnh dạn, mộc nhưng tinh, thể hiện đan xen giữa tính chuyên nghiệp hàn lâm với cái nôm na bản địa thuần Bhutan. Có thể nói đó là “huyệt” mà kiến trúc sư phải khai mở.
Tinh thần nào mà công trình của anh cố gắng đạt tới?
Tôi muốn công trình như cuộc đối thoại giữa đất – đá – gỗ, giữa không gian bên trong và bên ngoài, giữa triền đất và bờ sông, là sự hài hòa giữa tri thức hàn lâm và kinh nghiệm dân gian.
Phòng tập thiền đủ chỗ cho 60 người
Kiến trúc xanh đã có tiền đề ở Việt Nam
Nhân tiện, xin được hỏi kiến trúc xanh có phải là thế mạnh của Văn phòng Kiến trúc 1+1>2?
Văn phòng chúng tôi theo đuổi kiến trúc xanh từ nhiều năm nay, đã có một vài giải thưởng quốc tế cho nhà cộng đồng Suối Rè, Tả Phìn, hay công trình cải tạo nhà kho bên Hồ Tây thành nhà ở – không đập đi xây lại để tiết kiệm nguyên vật liệu cũng là một khía cạnh của kiến trúc xanh.
Kiến trúc xanh đã trở thành môn học chính thức ở các trường xây dựng, kiến trúc của Việt Nam chưa, thưa anh?
Môn học kiến trúc xanh sắp hình thành cả ở ĐH Kiến trúc và ĐH Xây dựng, nhưng những bài giảng hoặc chuyên đề thì lâu nay vẫn có. Hiện kiến trúc xanh đang được khuyến khích ở Việt Nam. Cách đây ba-bốn tháng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã ban hành tiêu chí đánh giá kiến trúc xanh và giải thưởng Kiến trúc xanh của Hội cũng được trao từ mấy năm nay rồi.
Qua các đơn đặt hàng, anh nhận thấy mức độ quan tâm đến kiến trúc xanh của những người chủ công trình như thế nào?
Nhìn chung nhận thức về kiến trúc xanh của các chủ đầu tư có thay đổi nhưng vẫn rất chậm. Cơ bản kiến trúc sư phải chủ động đặt vấn đề.
Theo anh, trình độ của các kiến trúc sư Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc xanh ở tầm mức nào so với thế giới?
Các kiến trúc sư Việt Nam có kỹ năng tương đối khá, đặc biệt thế hệ 7X rất cập nhật. Nói câu này có thể hồ đồ nhưng cũng không sai mấy: Nếu nhà cao tầng ở Việt Nam xuất hiện chậm so với thế giới khoảng 100 năm, kiến trúc hiện đại Việt Nam chậm khoảng 70 năm thì kiến trúc xanh chỉ chậm so với thế giới 10 năm.
Trong quá khứ, kiến trúc truyền thống Việt chính là kiến trúc xanh, từ vật liệu (tre, lá, đất, đá) đến cấu trúc không gian vườn – ao – chuồng hay nhà – sân – vườn đều mang tính sinh thái. Có thể nói, chúng ta đã có tiền đề phát triển kiến trúc xanh, chỉ cần đổi mới phát huy.
Vậy vì sao kiến trúc xanh vẫn chưa thật phổ biến trong đời sống?
Bên cạnh tiền đề sẵn có, cần sự điều tiết vĩ mô phù hợp và những điển hình tốt để tinh thần kiến trúc xanh lan tỏa.
Mặt khác, xét về công nghệ, đầu vào kiến trúc xanh khá đắt: pin mặt trời, thiết bị địa nhiệt, kính cách nhiệt hai lớp, gạch không nung, gạch nhẹ, cho đến những thứ nho nhỏ như đèn led đều đắt hơn vật liệu thông thường… Nhưng xét đầu ra và khấu hao lâu dài thì kiến trúc xanh lại rẻ vì nó bền và không tiêu tốn năng lượng. Đó là chưa kể những tác động tích cực với môi trường.
Tuy nhiên, để giảm chi phí, một cách hết sức đơn giản, chúng ta có thể vận dụng bài học của người xưa, là tổ chức không gian tự thân xanh. Mới đây, ở công trình nhà cộng đồng Cẩm Thanh, Hội An, chúng tôi đang áp dụng những cách xử lý ít tốn kém như thiết kế mái nhà có chức năng thu nước mưa và dẫn nước vào bể lộ thiên đúng hướng gió vào nhà – gió thổi qua mặt nước sẽ mang theo hơi mát. Nhà làm chủ yếu bằng vật liệu hữu cơ, vốn có độ dẫn nhiệt thấp. Một dàn cây rộng 700m2 bao trùm toàn bộ mái nhà, giảm bức xạ nắng nóng miền trung. Cây dầu chính là trụ đỡ dàn cây, còn cây leo sẽ là loại cho thu hoạch.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, chúng tôi xin dành câu chuyện thú vị về nhà cộng đồng Hội An cho lần gặp tới, khi ngôi nhà hoàn thành và thật sự có đời sống.
TT thực hiện
Ảnh do Công ty Kiến trúc 1+1>2 cung cấp