Kỳ 1: Mischa Maisky với Mstislav Rostropovich

Mischa Maisky từng được Rostropovich ca ngợi như "tài năng nổi bật nhất trong thế hệ các cellist trẻ. Lối chơi của Maisky là sự kết hợp giữa chất thơ, sự tinh tế đầy duyên dáng với khí chất tuyệt vời và kỹ thuật sáng chói”. Dưới đây là phần Mischa Maisky nói về những người thầy lớn của mình trong cuộc trả lời phỏng vấn với Tim Janov trên cello.org.

– Ông sinh ra tại Latvia vậy mà tôi cứ nghĩ là ông sinh ra từ Nga.

– Tôi sinh ra ở Latvia nhưng đó chỉ là một lỗi lầm của số phận. Cha mẹ tôi từng ở đó trong một thời gian dài, cha tôi chuyển từ Nga tới Latvia để làm việc sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cả gia đình tôi đều không phải là người Latvia.

Tôi cũng không phải là người Nga, mặc dù người ta đã từng gọi tôi là “nghệ sỹ cello người Nga” khi tôi mới bắt đầu tới Israel. Tôi thấy sự hài hước bởi trong quãng thời gian đầu của cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ được coi là người Nga cả. Tôi là một người Do Thái, điều đó được ghi một cách rõ ràng ở hộ chiếu Soviet: “Dân tộc: Do Thái”. 

Tôi cảm thấy thích thú hơn khi nghĩ về mình như một công dân thế giới. Tôi sinh ra ở Latvia, nước cộng hòa từng có thời gian nằm trong Liên bang Soviet, và tôi đã học tập ở Nga. Sau đó tôi hồi hương về Israel vào năm 1972. Tôi nói “hồi hương” thay vì nói “di cư” bởi vì người ta chưa bao giờ quy tôi vào diện “nhập cư” ở Israel. Phải, chúng tôi đã hồi hương. Israel xem chúng tôi như những người trở về ngôi nhà của mình.

– Vậy cha mẹ ông đều là những nghệ sỹ?

Là người Do Thái sinh ra ở Latvia, học tập ở Nga, sau đó hồi hương về Israel, Mischa Maisky (1948-) đã được đón nhận nồng nhiệt ở mọi trung tâm âm nhạc lớn của thế giới.

Ông đã ký hợp đồng với Deutsche Grammophon trong suốt 25 năm qua, thu âm hơn 30 CD được giới phê bình âm đánh giá cao và nhận những giải thưởng danh giá.

Một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của Mischa Maisky là vào năm 2000, ông thực hiện tour diễn vòng quanh thế giới gồm hơn 100 buổi hòa nhạc các tác phẩm của Bach.

– Không hoàn toàn như thế, họ yêu âm nhạc thì đúng hơn. Họ đã trưởng thành trong thời kỳ sau cách mạng tháng Mười Nga, một quãng thời gian cực kỳ khó khăn, và không có cơ hội để học nhạc. Bố mẹ tôi đều biết rằng mình đã bỏ lỡ những cơ hội đáng tiếc ấy như thế nào, vì thế họ cố gắng tạo mọi điều kiện để cho ba đứa con mình học nhạc. Tôi là con út của gia đình. Chị cả của tôi là một pianist, hiện đang sống ở Israel, anh trai tôi bắt đầu học violin nhưng rồi đột ngột chuyển sang ngành âm nhạc học, nghiên cứu organ, harpsichord bởi những đam mê anh ấy dành cho Bach. Mẹ tôi nói rằng bà muốn có một đứa con bình thường vì có hai đứa con học nhạc là quá đủ, tôi có thể không là gì cả nhưng sẽ là một người bình thường.

– Khi nào thì ông bắt đầu chơi cello?

– Tôi bắt đầu chơi hơi muộn so với tiêu chuẩn của Nga. Đó là vào thời điểm tôi bắt đầu bỏ thuốc.

– Ồ khi nào vậy?

– Khi tôi mới 8 tuổi. Tôi bắt đầu thử hút thuốc khi tôi mới 5 tuổi và bỏ thuốc vào năm lên 8. Kể từ đó chưa bao giờ tôi cầm lại một điếu thuốc nào.

Khi mới 7 tuổi, bố mẹ đã đưa tôi đến một bác sỹ tâm thần bởi vì họ không thể giữ được tôi bình tĩnh. Tôi không thể ngồi yên một chỗ trong vài giây và điều đó đủ kết luận tôi là một đứa trẻ tâm thần. Khi tôi đột ngột thốt lên rằng tôi muốn chơi cello, không ai tin tôi và họ cố gắng thuyết phục tôi rằng đó là một ý tưởng điên rồ. Tôi khóc rống lên: “Không, cháu muốn chơi cello! Cháu muốn chơi cello!” Và bây giờ, sau 51 năm, tôi là một cellist.

– Ông đã học tại Nhạc viện Leningrad?


– Không, tôi học ở một trường nhạc liên kết với Nhạc viện Leningrad. Tôi chuyển tới Leningrad khi 14 tuổi và sống 4 năm ở đó. Rồi tôi tới Nhạc viện Leningrad vào năm 1966 để theo học Rostropovich sau khi tôi tham dự cuộc thi Tchaikovsky.

– Ông đã trình diễn như thế nào tại cuộc thi đó?

– Tôi xếp hạng 6, người đoạt HCV năm đó là Karine Georgian. Tôi là một trong số 5 thí sinh dự thi cello không theo học Rostropovich vào thời gian đó, nhưng ông quyết định nhận tôi vào học ngay sau cuộc thi kết thúc. Sau đó ông nói với tôi rằng ông đã cố gắng làm giảm mọi sự cố gắng của tôi xuống để chắc chắn tôi chỉ nhận được một tờ giấy chứng nhận, được trao cho 4 thí sinh đứng chót trong vòng chung kết gồm 12 người. Rostropovich đã làm điều đó bởi ông muốn rằng tôi lại tham dự cuộc thi này đúng 4 năm sau với hy vọng tôi sẽ đoạt giải nhất, điều tôi không thể thực hiện được nếu tôi ở trong tốp 8. Tôi là thí sinh trẻ tuổi nhất trong cuộc thi này cùng với Nathaniel Rosen – tôi 18 tuổi và cậu ấy 17 tuổi – vì vậy tôi có thể có cơ hội tốt trong tương lai.

Trong mọi trường hợp, kết quả cuộc thi thường được biết trước, ngay cả khi phần lớn các thành viên phương Tây của ban giám khảo như Piatigorsky, Fournier, và đặc biệt là Cassadó, đều cố gắng đem lại cho tôi một giải thưởng cao hơn khả năng của tôi. Cassadó đã tiến cử tôi cho giải nhất, điều đó thật buồn cười. Rostropovich thì nói rằng không có cách nào để tôi lọt được vào tốp ba.

Tôi không có ý định thi tiếp cuộc thi Tchaikovsky. Trên thực thế tôi không đồng tình với ý tưởng của cuộc thi, kể từ đó tôi tin rằng âm nhạc là một lĩnh vực quá chủ quan để xem xét nó như một cuộc thi thể thao, đây cũng là lý do vì sao tôi chưa bao giờ tham dự vào ban giám khảo của bất kỳ cuộc thi âm nhạc nào.

– Ông đã từng kể tại Festival RNCM Cello 2007 rằng Rostropovich đã cho ông rất nhiều tiền khi ông mới mất cha.

– Rostropovich còn cho tôi nhiều thứ hơn cả tiền bạc, ông như người cha thứ hai của tôi. Cha tôi qua đời rất đột ngột, chỉ hai ngày sau khi được chẩn đoán bị ung thư. Tôi rơi vào trạng thái sốc thật sự sau khi đưa tang cha và trở lại St. Petersburg để chuẩn bị cho cuộc thi Toàn liên bang Soviet năm 1966, sẽ diễn ra ba tuần sau đó. Trái tim tôi đau đớn và tôi không muốn tham gia cuộc thi nữa.

Rostropovich đang dạy master class tại St. Petersburg khi tôi trở lại. Ông lắng nghe mọi thông tin về tôi và cũng đã biết cha tôi mất rồi. Rostropovich nhờ ai đó mua một chai vodka. Khi có chai vodka, ông mời tất cả mọi người ra khỏi phòng, trừ tôi. Ông đã uống chai vodka trong vòng một giờ và kể với tôi về cuộc đời mình, rằng cha ông đã mất như thế nào khi ông mới 13 tuổi, và tôi sẽ phải chơi như thế nào trong ký ức về cha tại cuộc thi. Ông đã truyền cảm hứng cho tôi và tôi quyết định sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi. Cuối cùng tôi giành được giải ba.

Rostropovich đã giúp đỡ tôi rất nhiều về tài chính sau khi cuộc thi kết thúc. Điều kiện sống của tôi rất khó khăn khi sống trong trường nội trú với 22 cậu trai khác cùng một phòng. Tôi đã cố gắng phản đối một cách yếu ớt sự hào phóng này, nhưng ông nói: “Ồ không, không, nó từ cha của cậu đấy.” Tôi đã theo học ông và chúng tôi trở thành những người thân thiết, thân thiết hơn cả mối quan hệ bình thường giữa thầy và trò. Tôi cảm thấy ông là người cha thứ hai của mình và một vài năm sau, ông cũng nói đã coi tôi như con trai của ông ấy.

Ông đã nâng tôi lên dưới đôi cánh của mình bởi vì một trong những ao ước mà ông chưa thể hoàn thành là có một đứa con trai. Ông chỉ có hai con gái. Theo lời kể của Rostropovich thì cha của ông là một tài năng cello đáng kinh ngạc, một nhạc trưởng và một nhà soạn nhạc, và Rostropovich muốn có một đứa con trai chơi cello để tiếp tục truyền thống này. Ông thường xuyên bày tỏ sự lo lắng với tôi khi ngắm những bức ảnh con tôi và chú ý đến việc con trai tôi chơi violin: “Điều gì xảy ra thế?! Con trai cậu phải chơi cello chứ!” Tôi đã vất vả thuyết phục ông rằng con gái tôi chơi piano, con trai tôi chơi violin, và tôi sẽ có một tam tấu gia đình nhưng rút cục ông không hài lòng về điều đó. Bây giờ ông hầu như sẽ hạnh phúc nếu biết rằng đứa con trai út của tôi, năm nay mới hai tuổi rưỡi, đã có một cây đàn cello của mình và cố gắng để chơi đàn. Sau rốt, có thể tôi sẽ có một người con là nghệ sỹ cello.

– Vậy ông theo học Rostropovich trong bao nhiêu lâu?

– Tôi theo học ông trong vòng bốn năm. Ông là thần tượng của tôi kể từ khi tôi bắt đầu chơi cello. Như tôi vẫn thường nói, cổ tôi bị thương bởi phải ngước nhìn lên quá cao để ngắm nhìn ông ấy. Giấc mơ được theo học Rostropovich cuối cùng cũng đến một cách thật sự. Tôi đã tới dự rất nhiều cuộc biểu diễn của ông trong khả năng của mình và tôi sưu tầm các bức ảnh, các chương trình, các bản thu âm của ông, và cả những đồ sưu tập linh tinh khác liên quan đến ông. Tôi đã cố gắng để mình được có mặt tại tất cả các master class của ông ở Leningrad. Và một niềm vinh dự lớn lao là được theo học ông tại Nhạc viện Moscow.

Tôi đã bị mê hoặc bởi những bài học của Rostropovich và tôi có ý tưởng ghi âm bài học của ông ấy khi theo học tại Nhạc viện. Tôi đã dùng tiền thưởng từ cuộc thi Tchaikovsky để mua một máy ghi âm Sony cũ và ghi âm trong 4 năm học. Tôi đã cố gắng làm theo cách không ai có thể tin nổi để thu được năng lượng và cả trí tưởng tượng khổng lồ mà ông đã gợi ra. Những bản ghi âm đã giúp tôi trở lại với bài học và lắng nghe ông thêm nhiều lần nữa.

Do bị sử dụng thường xuyên nên máy ghi âm bị hỏng và tôi quyết định tìm mua một chiếc khác. Chính quyền đã lấy cớ tôi sử dụng “đồ lậu” để đưa tôi vào tù, có nghĩa là tôi không thể hoàn tất việc học của mình. Lý do thật sự là chị gái tôi và gia đình của chị ấy đã hồi hương về Israel vào năm 1969, khiến cuộc đời tôi ở bên trong Liên bang Soviet thay đổi đột ngột. Các buổi biểu diễn của tôi bị hủy bỏ sau khi chị ấy rời đi và tất nhiên là tôi không thể ra nước ngoài, vì chính quyền nghi ngờ tôi sẽ theo chị sau khi tốt nghiệp. Đối với tôi, bằng tốt nghiệp không quan trọng bằng việc tiếp tục có cơ hội theo học Rostropovich. Tôi là một sinh viên tốt và có giải thưởng tại cuộc thi Tchaikovsky, vì thế chính quyền không thể đuổi tôi ra khỏi trường. Thay vì điều đó, họ theo dõi và chờ tôi mắc một lỗi nào đó. Tôi đã mất bốn tháng trong nhà giam và 14 tháng xúc xi-măng thay vì chơi cello.

– Rostropovich đã làm gì cho ông khi ông đang ở trong tù?

– Ông đã cố gắng, nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Nếu mọi chuyện diễn ra sớm hơn một năm, thì ông có thể giúp được tôi. Rostropovich giữ một vị trí đặc biệt và có thể liên hệ với Brezhnev hoặc bất cứ ai trong Chính phủ mà không gặp vấn đề gì. Nhưng tôi bị bắt vào mùa hè năm 1970, khi ông cũng đang gặp rắc rối với chính quyền về trường hợp Solzhenitsyn. Có quá nhiều việc ông không thể làm được.

Mặc dù không tốt nghiệp Nhạc viện Moscow, tôi vẫn nhận được nhiều hơn từ những kinh nghiệm trong trường đời. Dù tin hay không, tôi không chút oán giận hay tức tối về quá khứ. Tôi cũng không ân hận về bất cứ điều gì đã xảy ra với bản thân bởi vì tôi tin rằng điều đó rất quan trọng để giúp tôi tìm kiếm những yếu tố xác thực trong kinh nghiệm cuộc sống của tôi, thậm chí kể cả những nỗi đau đớn.

(Đón đọc kỳ sau: Mischa Maisky với Gregor Piatigorsky)


 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)