Lê Thiết Cương: Phải tự giáo dục mình

Dẫu đã kết thúc vai trò ông chủ gallery phi lợi nhuận được gần một năm, họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn chưa thể kìm nén “nhu cầu” được nói, được chia sẻ về những giá trị văn hóa và nghệ thuật cốt lõi mà anh luôn nặng lòng.  

Lê Thiết Cương từng đồng hành với Cà phê Trung Nguyên ba năm qua trong vai trò tư vấn và tổ chức một số triển lãm tranh, ảnh ở Hà Nội. Gallery 39A Lý Quốc Sư (Hà Nội) do anh tổ chức hoạt động phi lợi nhuận trong suốt sáu năm đã thực hiện thành công hơn 25 triển lãm tranh, điêu khắc cho các họa sĩ tên tuổi nên khi đóng cửa vào cuối năm 2011 đã để lại bao tiếc nuối cho cả nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật.

Làm thế nào để công chúng hướng tới nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, hội họa nhiều hơn nữa? Cần những điều kiện gì để tranh Việt mới có khách hàng Việt?

Muốn thưởng thức bất kể điều gì thì phải hiểu biết về điều đó, mà muốn hiểu biết thì phải học. Kiến thức không phải là tờ vé số, ai đó có thể bỗng dưng trúng số nhưng tri thức thì không thể có chuyện hôm trước còn rỗng tuếch, hôm sau đã tràn trề được.

Lửa sáng tạo nó cháy bằng tình yêu của mình với nó. Mình yêu vẽ, ngọn lửa ấy cháy tự nhiên, muốn nó tắt cũng chả xong, có gì mà phải giữ.

Ngay cả ăn còn phải học, gói mở còn phải học huống hồ thưởng thức nghệ thuật, thưởng thức hội họa. Cái sự giáo dục ở nhà trường chỉ là một phần, người ta phải tự giáo dục mình, tự học về nghệ thuật để hiểu về nghệ thuật. Điều kiện bây giờ đã quá dễ dàng so với thời trước, từ sách vở, thư viện, interrnet, bảo tàng. Cái chính là người ta có muốn hay không thôi.

Tự học hỏi nghệ thuật để hiểu biết và thưởng thức được nghệ thuật, trước tiên là để làm giàu cho đời sống tinh thần của chính mình, làm đẹp cho tâm hồn mình (chứ có làm đẹp hộ cho ai đâu). Cứ tưởng đó là một nhu cầu tự thân, một lẽ đương nhiên nhưng những gì diễn ra hiện nay thì không phải như vậy. Cả một xã hội chen lấn xô đẩy, chạy theo vật chất, tôn sùng vật chất, lấy vật chất làm thước đo cho mọi giá trị. Sự nguy hiểm của tình trạng chênh lệch giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy nhưng ít ai thấy sự nguy hiểm của tình trạng chênh lệch giữa phát triển kinh tế và văn hóa.

Để trả lời làm sao cho người tiêu dùng Việt có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, để có thể nghe được ca trù, xem được chèo, nghe được âm nhạc cổ điển châu Âu, biết thưởng thức hội họa thì rất dễ nhưng làm mới khó. Nói ngắn gọn là khi xã hội biết đề cao những giá trị văn hóa, khi mọi người đều có nhu cầu tự học hỏi, tìm hiểu nghệ thuật, biết tôn vinh những giá trị nghệ thuật… dễ nói nhưng khó làm. Kiếm tiền đã khó nhưng dứt khoát kiếm văn hóa còn khó hơn nhiều. Để có văn hóa thì đòi hỏi phải có một quá  trình. Ít nhất năm mươi năm nữa mới hy vọng về một thị trường nghệ thuật Việt của người Việt.

Phần lớn các họa sĩ VN hiện nay đều sống nhờ những nguồn thu nhập khác, thu nhập được từ tranh lại rất ít. Theo anh, nguyên nhân do đâu mà họa sĩ không sống được bằng nghề chính của mình?

Ở đâu cũng vậy chứ không phải ở VN, phần lớn họa sĩ đều sống nhờ hành nghề vẽ, làm trang trí, làm nội thất, thiết kế đồ dùng, sách báo, quảng cáo tức là nghề mỹ thuật ứng dụng sẽ có nhiều công ăn việc làm hơn và thực tế hơn là mỹ thuật hiểu là tranh vẽ. Tách bạch mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng sẽ thấy họa sĩ đều sống được bằng nghề. Những họa sĩ nào không sống được bằng nghề vì họ không có nghề mỹ thuật ứng dụng, họ chỉ biết vẽ mà vẽ lại chưa đẹp.

Anh có sống được bằng nghề không, hay cũng tùy giai đoạn? Làm thế nào để luôn giữ được ngọn lửa sáng tạo?

Tôi sống được bằng nghề chứ, vì ngoài vẽ và vẽ ứng dụng, tôi cũng chả biết làm gì, không biết kinh doanh, không biết mua nhà để cho thuê, không biết buôn đất buôn cát. Tranh cho dù là nghệ thuật nhưng đã là buôn bán thì tranh cũng là một mặt hàng. Lúc thì ế sưng, lúc thì “tôm tươi” tùy từng giai đoạn, chả biết thế nào mà lần, giả sử mà biết được thì… nói làm gì. Ba năm nay chả bán được nửa cái tranh nào nhưng vẫn là sống được, sống được bằng nghề, sống được bằng tiền bán tranh của giai đoạn trước. Thế nào mà chả sống được?

Lửa sáng tạo nó cháy bằng tình yêu của mình với nó. Mình yêu vẽ, ngọn lửa ấy cháy tự nhiên, muốn nó tắt cũng chả xong, có gì mà phải giữ.

Lời khuyên cho các họa sĩ trẻ mới bước vào nghề?

Khi đã làm họa sĩ thì một họa sĩ chân chính nên đồng thời là trí thức, đừng chỉ vẽ bằng tay, bằng mắt mặc dù hội họa là nghệ thuật thị giác; phải vẽ bằng sự hiểu biết, bằng trải nghiệm sống.

Một họa sĩ chuyên nghiệp không phải là người vẽ nhiều hay ít, sống được bằng bán tranh hay không (vẫn có nhiều họa sĩ vẽ xấu mà bán chạy). Họa sĩ chuyên nghiệp là người cả đời từ khi cầm bút vẽ đến khi chui vào quan tài luôn luôn đau đáu một việc vẽ thế nào chứ không phải vẽ gì. Tức là luôn luôn vật vã với tất cả các “gạch đầu dòng” của phạm trù hình thức, nào là màu, hình, bố cục, nào là bút pháp, chất liệu, đậm nhạt, kích thước…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)