Lò sát sinh số 5: Trí tuệ thằng hề

Năm 1969, một năm đầy ký ức. Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên của loài người lên Mặt trăng. Lễ hội âm nhạc Woodstock diễn ra với hơn 400.000 người “hành hương”, như một sự bừng cháy của phong trào phản văn hóa chống chiến tranh của những người hippie. The Beatles thu âm album cuối cùng Abbey Road và tổ chức buổi biểu diễn cuối cùng trên một mái nhà ở London trước khi tan rã. Và đó cũng là năm Kurt Vonnegut, khi đó 46 tuổi, chật vật và nghèo khổ, thường “bị” xếp vào loại văn sĩ viết truyện khoa học viễn tưởng, các tác phẩm gần như đều bị công chúng ngó lơ đến mức nhiều lúc ông đã nghiêm túc cân nhắc từ bỏ nghiệp viết lách bởi “tôi đã phá sản, đình bản và nheo nhóc con cái” - đó cũng là năm Vonnegut cho xuất bản tiểu thuyết bán tự truyện Slaughterhouse-Five (Lò sát sinh số 5).


Tiểu thuyết bán tự truyện Slaughterhouse-Five (Lò sát sinh số 5) của Kurt Vonnegut.

Trong bài phỏng vấn cuối cùng của đời mình, Vonnegut được hỏi ông mong muốn người đọc sẽ trải nghiệm điều gì sau khi đọc những cuốn sách của ông. Ông phá lên cười và nói: “Chà, tôi mong những chàng trai – hoặc những cô gái – sẽ đặt sách xuống và nghĩ rằng, “Đây là người đàn ông vĩ đại nhất từng tồn tại.” Kurt Vonnegut có thật sự là người “vĩ đại nhất từng tồn tại” hay không, chắc là không, nhưng vĩ đại thì có, và ông vĩ đại bởi ông là một thằng hề. Chỉ một thằng hề mới có thể, hậu thảm kịch Dresden, viết rằng “Mọi thứ đều tươi đẹp và không có gì gây thương tổn”. Ông là thằng hề, là kẻ tỉnh táo, là kẻ giác ngộ những tri thức tối cao, là kẻ cười khoái trá trước mọi sự.

Sau 50 năm nhìn lại, câu chuyện về Bill Pilgrim, một tù nhân chiến tranh sống sót sau trận đánh bom Dresden thời thế chiến đã giết đi 130.000 người – tức là nhiều hơn cả vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, một kẻ du hành bất đắc dĩ giữa dòng chảy thời gian, một kẻ bị người ngoài hành tinh bắt cóc, một bác sĩ nhãn khoa, một kẻ gần như thuộc về hư vô chủ nghĩa, một bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phân liệt, vẫn đứng vững như một trong những tác phẩm phản chiến vĩ đại nhất, bất chấp chỉ trong nửa thế kỷ, có ít nhất 18 lần người ta cấm cuốn tiểu thuyết của Kurt Vonnegut. Lần cấm đầu tiên là trong các trường công lập ở hạt Oakland, bang Michigan, với lí do cuốn sách là một tác phẩm “đồi bại, vô đạo đức, loạn thần, thô tục, và phản Kitô”. Một lệnh cấm khác ở New York thì viện cớ Lò sát sinh số 5 “chống lại nước Mỹ, chống lại Kitô giáo, chống lại Do Thái, rặt bẩn thỉu”.

Lò sát sinh số 5 phức tạp không? Có. Và nó đơn giản không? Có. Nó có một kết cấu phức tạp bởi nó lộn tùng phèo thời gian, hay đúng hơn, nó vô hiệu hóa thời gian, biến thời gian trở thành một kẻ ngốc, như tất cả những con người xuất hiện trong tác phẩm. Nhưng cùng lúc, nó được kể bằng thứ ngôn ngữ tinh lược đến bàng hoàng, với những câu đơn nối tiếp nhau, những từ ngữ khô khan và tỉnh rụi, không ẩn dụ, không màu mè, không lớp lang, một học sinh tiểu học cũng có thể đọc hiểu dễ dàng.

Với Vonnegut, những chủ đề lớn nên được kể bằng ngôn ngữ nhỏ. Như “to be or not to be” (Tồn tại hay không tồn tại?) của William Shakespeare, hay như James Joyce, người mà Vonnegut đã bình luận rằng: “khi ông ấy nghịch ngợm, ông ấy có thể hành văn thành một câu cầu kỳ và lóng lánh như chuỗi hạt của nàng Cleopatra, nhưng câu văn của ông mà tôi yêu thích hơn cả trong truyện ngắn Eveline chính là câu này: “Nàng thấy mệt.” Thời điểm đó của câu chuyện, không từ ngữ nào có thể làm tan vỡ con tim độc giả hơn ba tiếng đó.” Và trong Lò sát sinh số 5, “to be not to be” của Vonnegut, “nàng thấy mệt” của Vonnegut, chẳng là gì khác hơn ngoài ba từ: “So it goes”, theo bản dịch tiếng Việt của Quân Khuê: Đời là thế.

Có tổng cộng 106 lần “So it goes” xuất hiện trong Lò sát sinh số 5. Dù sau này những ca sĩ nổi tiếng như Billy Joel hay Taylor Swift có viết “So it goes” trong các bài hát của họ, nhưng “So it goes” đã, và mãi, được đóng đinh vào Kurt Vonnegut. Có hẳn một cuốn sách tiểu sử về Vonnegut mang tên “And so it goes” (Và đời là thế). Thậm chí khi một cây bút bình luận của New York Times bàn về cuốn sách ấy và cho rằng “So it goes” biểu thị một cái nhún vai, một sự thờ ơ, vô cảm, bất cần trước những gì cuộc đời đem lại, thì ngay lập tức rất nhiều độc giả, biên tập viên, cả bè bạn của Vonnegut biên thư tới cho tờ báo, phản đối lỗi diễn giải vô trách nhiệm ấy. “Nếu Vonnegut biết cụm từ của ông đã bị giản lược và tầm thường hóa trở thành một cái nhún vai, ông hẳn sẽ khiếp đảm. Thực là, ta có thể tưởng tượng ông đang lăn lộn dưới ngôi mộ của mình. Đời là thế.”, một thầy giáo viết, dưới thư là chữ ký của ông và của một loạt học sinh.

Lần đầu tiên, cụm từ trên xuất hiện trong Lò sát sinh số 5: “Mẹ anh bị thiêu chết trong trận bão lửa Dresden. Đời là thế.” Còn lần sau chót: “Ông bị bắt vì tội trộm cắp. Ông bị xét xử và bị bắn. Đời là thế.” 104 lần còn lại cũng theo cùng một công thức rất gần. Ai đó, hoặc con gì đó, chết, hoặc thậm chí là tiểu thuyết chết, và theo sau ngữ cảnh ấy sẽ là ba từ: “Đời là thế.” Trong cuốn sách của Vonnegut, mọi thứ đều chết. Cái chết đến dễ dàng và ngẫu nhiên, không quy luật, hoặc nếu có quy luật, thì đó là tất cả đều chết, cả nhân vật chính cũng nhìn thấy cái chết của mình, đến cả Jesus cũng chết và “chết một cách khủng khiếp”, phải, cả Jesus cũng khốn khổ và đáng thương hại, số phận của Ngài bình đẳng như tất cả những đứa con của Thượng đế.

Và nếu như “tồn tại hay không tồn tại” của Shakespeare là băn khoăn vĩ đại của việc làm người, “nàng thấy mệt” của Joyce là trạng huống tuyệt vọng của việc làm người, thì “đời là thế” của Vonnegut là sự phi lý của việc làm người, sự bất lực của việc làm người, sự phù du đến mức phù phiếm của việc làm người, sự thảm bại trên tư cách một con người, và trên hết, cái nhếch mép cười trước thực hành làm người. “Nếu tôi có bao giờ chết, Chúa ngăn cấm điều đó, tôi mong bạn sẽ nói rằng “Kurt giờ đang trên Thiên đường rồi.” Đó là chuyện tếu tôi ưng nhất.”, Vonnegut từng nói, ngoài đời. Với Vonnegut, sự sống và cái chết luôn là nghĩa đen và nghĩa bóng của một trò đùa.

Nhưng trò đùa dường như là phương cách duy nhất để chống cự với một thế giới hư vô nơi cái chết phủ định tất cả nhưng đến lượt nó, cái chết cũng không có ý nghĩa gì. Vonnegut không để nhân vật chính tỏ ra đau khổ sau những biến động ghê gớm của cuộc đời. Thay vì thế, một ngày nọ, Bill bảo rằng anh ta từng bị người ngoài hành tinh bắt cóc, và những người Tralfamadore là những con chiên của thuyết định mệnh (fatalism), họ đã nhìn thấu quá khứ hiện tại tương lai, cả cách vũ trụ sẽ nổ tung nhưng họ vẫn bình thản, bởi với họ, một khoảnh khắc đã diễn ra thì sẽ luôn ở đấy vĩnh hằng. Luận điểm của người Tralfamadore, nó vừa là chân lí mà cũng vừa là một trò đùa (chân lí cũng có thể là trò đùa chứ!), nó được đặt vào  như cách Shakespeare đặt thằng hề vào những bi kịch kiểu Vua Lear, Timon thành Athens, Macbeth và Hamlet. Trớ trêu thay, chỉ có thằng hề là người tỉnh táo và khôn ngoan duy nhất, còn “thế gian là thằng điên duy nhất, lớn nhất” (Die Welt ein einzig grosser Tor – theo Goethe).

Hình ảnh Bill Pilgrim bị đánh bầm giập mà mặt vẫn cười hềnh hệch là đỉnh Olympus của sự nhận thức. Và bằng cách cười vào cuộc đời, Bill Pilgrim/Kurt Vonnegut đã đứng trên cuộc đời. Nhưng ngay cả người đứng trên cuộc đời thì rồi cũng chết. Bill Pilgrim bị bắn chết, trong tư thế đã chuẩn bị sẵn sàng. Đời là thế. Kurt Vonnegut chết vì chấn thương sọ não, ông chết ở tuổi 84. Đời là thế. □

Tác giả

(Visited 102 times, 3 visits today)