Lưu truyền học
Ai lắc "king coong" cái chuông cũ kĩ treo ngoài cổng... Đây rồi, ông Pháp Đàn, tươi tắn, một tay túi rượu, một tay nhành hoa, hiện ra.
***
Trời thoáng đãng, mấy chú cá nom sắc nét hơn hẳn trong bể nước cỏn con, mấy tia nắng chực ngả màu vàng. Vườn cây nhà hàng xóm mọi khi che um cả khoảng trời, nay đã thưa lá đi… Tất cả chờ chực đón gió heo may về.
Ông Pháp Đàn kể một lô những câu chuyện của đợt du hí vừa rồi, nhất là những truyền thống văn hóa ở các xứ sở mà ông đã chạm vào được. Rồi ông bảo cái trường nhạc của ông có thể cũng sẽ có thêm được những trao đổi, hợp tác gì đó tới đây với họ, tuy điều này không phải là dễ dàng gì trong cái hoàn cảnh thế giới đang ỉu xìu về tiền bạc, chả còn hiểu vì sao.
Nghe nói đến trường nhạc, bất chợt Cụ Hinh hỏi “tại sao lại gọi nó là ‘conservatoire’ nhỉ?”
Ông Pháp Đàn nghiêm khựng hẳn lại.
Trầm ngâm.
“Chữ trường nhạc, được, nhưng chưa thật rõ nghĩa. Bản nhạc viết thật ra không chứa ‘nhạc’ ở bên trong. Sự lưu giữ, bảo tồn, truyền tải các ‘tinh anh’ là một việc khó khăn, tốn kém, nhưng đầy giá trị. Không chỉ những giá trị âm nhạc, mà cả những giá trị văn hóa nói chung, và ngay cả những giá trị của giới tự nhiên đang bị đe dọa… bao nhiêu thứ đó cần phải được chăm chút, nếu không, tất cả còn lại sẽ chỉ là những sa mạc. Tôi đã đi, đã thấy, biết bao nhiêu con người của các nền văn minh xưa đang bơ vơ, lạc lõng, mồ côi trên chính mảnh đất của mình, họ đã mất sợi dây nuôi dưỡng của tinh anh, họ mồ côi chính nền văn hóa của mình trong khi họ đang đứng trên đó.”
“Cho nên chữ ‘conservatoire’ phải được ngẫm nghĩ và thực hành, để trước hết lưu giữ, và truyền tải được những giá trị văn hóa từng sống sót qua thời gian đến với mọi người, nay, và mai, và tiếp đến là để phát triển văn hóa từ đó lên.”
Cụ Hinh cố căng tai lãnh hội. Rồi cũng cố góp chuyện.
“Gọi chúng là những ‘Lưu truyền viện’, cũng hay nhỉ? Những bảo tàng sống động, nơi đó người ta tiếp tục học hỏi, phát triển, đi lên, nhưng phải gìn giữ được các gốc rễ của chúng, vật thể và phi vật thể…”
“Có lẽ như thế đấy. Không chỉ âm nhạc. Đủ mọi lĩnh vực. Từ các bảo tàng nguyên sinh về giới tự nhiên, qua các học viện nghệ thuật như âm nhạc, múa, nhà hát, hội họa, phim ảnh, rồi cả các lĩnh vực như các thực thể âm thanh, các công nghệ, các kiến trúc…”
Câu chuyện chảy tràn ra mãi. Ông Pháp Đàn nom cứ như bức tượng “người băn khoăn” về việc lưu truyền như thế nào đây những giá trị vật thể và phi vật thể cho những thế hệ tiếp theo.
Cụ Hinh tán thêm vào câu chuyện.
“Chắc không chỉ cho những thế hệ mai sau đâu. Cho ngay cả chúng ta nữa.
Tôi kể cho ông nghe nhé. Những món ăn rất bình dị ở xứ Việt, thế mà ngày hôm nay bị mất đi rất nhanh. Hương vị món bún ốc nóng mùa đông, món bún ốc mát mùa hè ngày nào, mà hầu như không tìm lại được nữa. Tôi không nói rằng nhiều món bún hôm nay kém ngon hơn, không, không phải như thế, nhưng chúng đã khác. Và những cái gu ấy, một khi mất đi, thì chúng hết sạch dấu vết. Sách nấu ăn không chép được món ăn, cũng đúng như ông nói, bản nhạc không chép được âm nhạc. Chỉ nền kinh tế thị trường hoành hành không thôi, thì nó sẽ như một cơn lũ, nó sẽ quét sạch những gì không ra tiền ở vào một thời đoạn nào đó. Và nếu thời đoạn đó đủ để dài qua một vài thế hệ, thì trí nhớ tập thể về những của nả không ra tiền đó sẽ ra đi hoàn toàn, không có cách gì mà quay trở lại. Phải cần cả những học viện về bếp núc, để nuôi dưỡng những món ăn nọ qua thời gian, nuôi cả những thứ rau thơm, nuôi cả những loại gia vị, nuôi cả những thức mắm muối vốn dành cho những món ăn ấy. Tôi đã thấy những cửa hàng ăn bán dăm bảy lại súp mà chỉ với cùng một nồi nước dùng! À ha! Kẻo rồi ngành công nghiệp ‘bột ngọt học’ sẽ tráng một lớp nhựa lên toàn bộ lưỡi, vòm miệng, và rồi vỏ não của toàn nhân loại.”
Ông Pháp Đàn ngắm Cụ Hinh lạ hoắc…
Rồi ông nhấc chai rượu từ trong túi ra, lắc đầu.
“Thôi, thôi, ta nâng cốc thôi, kẻo mùa thu lại buồn tủi thầm khóc một mình!”
Chữ “conservatoire” quen được dịch ở tiếng Việt là “nhạc viện”. Không đủ nghĩa. Âm nhạc chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực vận hành của các conservatoires.
“Conservatoire” là sở nghiệp, là thiết chế xã hội, công cộng hoặc tư nhân, nhằm gìn giữ, chuyển tải các di sản văn hóa, khoa học, công nghệ, và cả các di sản quí hiếm của thiên nhiên. Từ đó, có thể phát triển tiếp lên các giá trị của các di sản. “Conservatoires” là những “bảo tàng sống”, đang phát triển, có thể tạm gọi là “Lưu truyền viện”. |