Mái chùa
Có thể nói tính cách tân kỳ của ca khúc Trịnh Công Sơn nằm ở chỗ trong khi chuyển ý niệm sắc không vào âm nhạc, Sơn đã làm mềm chúng bằng cách dựa vào giai từng cơ bản đối đãi giữa giải thoát và cõi trần cát bụi, trong tương quan chuyền qua đối lại giữa đục - thanh, trầm - bổng của mõ và chuông, từ đó tùy tâm mà chuyển đổi và ứng dụng tất cả những phương tiện khác của âm nhạc.
Thế rồi bóng nắng mời gọi, hoa trái trong vườn mời gọi, cỏ cây trong sân mời gọi là chân bước theo chân, mắt đưa theo mắt, tai chìu theo tai, ngẩn ngơ trong vườn sắn, vườn chè, rừng cây cổ thụ, nơi hồ sen, nơi tiếng ve kêu, nơi chùm khế sây trái, dừng lại nơi lá xanh reo, nơi suối róc rách, nơi hoa sen nở, nơi hoa mộc thơm hương – dù chỉ một vài giây vô niệm, không chủ ý – nhưng cũng đủ để thể nghiệm sự tĩnh lặng thường còn trong vạn vật, ở đó thong dong đi về không còn ngăn cách là thấy và nghe, cảm và nghĩ, xúc giác và khứu giác trong một toàn thể bao hàm tất cả những mâu thuẫn của sự trôi đi và dừng lại…
Buổi dừng chân có thể chỉ đủ để bóng nắng nghiêng trên triền đồi hay cơn mưa vừa tạnh hạt, nhưng cũng có thể để ngả lưng đợi giờ tắt cơn nắng gắt hay cơn mưa dai dẳng chưa dứt, để thấy hơn một lần hư không là nắng và vô thường là mưa.
Hay nhiều khi có thể lưu lại chùa vào một đêm trăng sáng, nghe tiếng hòa điệu rộn ràng của trăm thức hương lồng bóng nguyệt hay cảm được tiếng kinh Phổ Môn cầu an tẩm ướt ánh trăng thấm đượm thân thể như giọt nưóc cành dương, rồi bỗng chiêm nghiệm được trong khoảnh khắc tiếng yêu đương và tiếng yêu người cũng chỉ là một, “yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”.
Có lẽ trong tất cả những người thanh niên trẻ của thế hệ chúng tôi, Trịnh Công Sơn là người đã bắt gặp được sự đốn ngộ bất ngờ ấy sớm hơn ai cả, không phải nghĩa “sớm” của “trước sau” mà là đã “từ bao giờ” không ai hay – trong vòng tay của người mẹ mộ đạo Phật ru đứa con đầu lòng, của gia đình thành tâm thương Phật anh em có nhau khắng khít, của cả mấy đời người Huế thương chùa, của cả mảnh đất thần kinh thâm u miệt mài hai chữ tu tâm – nên đến bây giờ, chỉ cần một chút “run rẩy” của lá là đã chuyển động “Phật tâm viên tròn thể tánh” trong ý nghĩa đơn giản nhất: chứng ngộ, thấy được chữ “thương ai” (ta và người= từ bi) viết đậm nét trên chiếc lá “hư không”.
Mỗi ca khúc của Sơn vì thế – như ít có nơi những kẻ đi trước và những người đồng thời với Sơn trên lãnh vực âm nhạc có thể nghe và cảm nhận như những công án thiền về cuộc đời, mà mỗi câu hỏi siêu hình về nó đều bị trả đũa bằng một hay hai điều tầm thường, vớ vẩn trong chính cuộc đời; ở đó chữ nghĩa mất hết tính cách ước lệ, qui luật văn phạm,sự vô nghĩa nằm sát bên có nghĩa. Có ai không bất ngờ khi nghe câu hỏi đạo đức “Sống trong đời sống phải có một tấm lòng, để làm chi em có biết không?” được Sơn phổ thành bài ca với câu trả lời: “Để gió cuốn đi”, cũng chẳng khác chi công án thiền: “Ý nghĩa thật sự của Bồ Đề Đạt Ma đi về phương Đông là gì?” Trả lời: “Cây trắc bá trong sân!”
Trong bài ca, vô nghĩa đứng cạnh có nghĩa mà vẫn không nghịch lý, người nghe không thấy chõi tai mà ngược lại cảm thấy cảm xúc lăn tròn theo tiếng hát, và trong chuỗi âm thanh theo đuổi nhau, mọi nghịch lý, phi lý làm cho con người nghẹt thở của một Sisyphus hì hục lăn tảng đá cuộc đời đều được giải tỏa bằng một hơi thở dài trút hết ưu phiền của tiếng hát lênh đênh.
Mỗi tiếng mỗi chữ trong các ca khúc trở thành những đơn thể của tâm thức trong tính cách hiện sinh duy nhất, tràn đầy sinh động của chúng đã được Sơn sử dụng một cách sáng tạo như những phương tiện “tiếng vỗ của một bàn tay”(3) nhằm đánh thức âm hưởng nội tâm của mỗi người nghe, từ đó người nghe có thể đưa thêm vào bàn tay của mình để gây âm thanh cho chính cảm xúc của mình. Và tiếng ca, từ những cọng lá khô
không lời, những viên sỏi vô tri im tiếng, bỗng xôn xao “cây lá vào mùa”, bỗng lao xao sóng vỗ bờ xa…
Những ý niệm, những ngôn từ trong đạo Phật – hư vô, hư không, cõi tạm, vô thường, cõi đi về, tiền kiếp, từ bi… thường được xem như những món “cơm chay” khắc khổ, đã được Sơn hóa giải rất tài tình trong lời ca theo nguyên tắc suốt cả 49 năm Phật không thuyết một lời nào, bỏ hết tất cả những chất khô cứng đóng khung của ngôn ngữ dù đó là lời
kinh, chúng được lắng nghe và linh cảm trong bản chất âm giai nội tâm đối đãi nguyên sơ nhất của chúng. “Tôi đã lắng nghe im lặng dòng sông… tôi đã lắng nghe im lặng ngọn đồi… tôi đang lắng nghe im lặng của tôi… tôi đã lắng nghe im lặng thở dài”. Bài hát sâu lắng như một buổi toạ Thiền quán sát hơi thở.
Mỗi ca khúc của Sơn có thể nghe và cảm nhận như những công án thiền về cuộc đời, mà mỗi câu hỏi siêu hình về nó đều bị trả đũa bằng một hay hai điều tầm thường, vớ vẩn trong chính cuộc đời; ở đó chữ nghĩa mất hết tính cách ước lệ, qui luật văn phạm, sự vô nghĩa nằm sát bên có nghĩa. |
Hư vô, cõi tạm do đấy được sử dụng như tiếng thô “đục” của mõ và “thanh” bổng của chuông, hai phương tiện của nghe kinh ngộ đạo đơn sơ nhất, căn cứ vào tầng rung cảm âm thanh bẩm sinh của mỗi con người, nói nôm na là tiếng lòng của mỗi người mà âm vang của tiếng mõ và tiếng chuông có thể làm nở “đoá hoa vô thường”, có thể chở ta ra đi viễn xứ và mang chúng ta trở lại quê nhà.
Có thể nói tính cách tân kỳ của ca khúc Trịnh Công Sơn nằm ở chỗ trong khi Sơn chuyển ý niệm sắc không vào âm nhạc, Sơn đã làm mềm chúng bằng cách dựa vào giai từng cơ bản đối đãi giữa giải thoát và cõi trần cát bụi, trong tương quan chuyền qua đối lại giữa đục – thanh, trầm – bổng của mõ và chuông, từ đó tùy tâm mà chuyển đổi và ứng dụng tất cả những phương tiện khác của âm nhạc – tứ đại cảnh, ru em, hò hay điệu blue buồn hoặc điệu soul của phong trào tân nhạc Âu châu chẳng hạn, để sáng tạo nên thể cách riêng tư của mình.
Trong tất cả dòng chảy của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sự tĩnh lặng thoát ra từ âm thanh “chuông mõ” luôn luôn làm nền tảng cho sự cảm nhận nét nhạc của mỗi bài ca, dù cho bài ấy có dồn dập đến đâu.
Chính nhờ nguyên tắc đối đãi, mà lời và nhạc của Sơn luôn luôn biến chuyển không ngừng, trong nắng hư vô đã thấy tóc em dài, đường xa áo bay, và lời ru của mẹ lời ru cho em thường dẫn ta đi vào cõi đời thường như một cõi đời mộng, để cho mộng thực luân lưu trong nội tâm quyện tròn thành một lời êm dịu như tiếng kinh dỗ dành giấc ngủ.
Có thể so sánh sức mạnh sáng tạo trong thơ nhạc của Trịnh Công Sơn với một công án của Hakuin, thiền sư và họa sĩ ngộ đạo nhất của Nhật Bản: Tay không mà có cầm cán mai; Đi bộ mà ngồi lưng trâu; Người đi qua trên cầu, Cầu trôi, nước chẳng trôi! Cái cầu cố định hóa mềm dưới chân, nỗi ưu tư hóa mềm trong tiếng du ca.
Trong cái nhìn của người nghệ sĩ, năm căn hay lục căn được cởi bỏ mọi giới hạn, để chỉ còn tự do sáng tạo, ở đó nghe là nhìn “đôi khi thấy trong gió bay lời em nói”, ngửi là nghe, vị giác cũng là nghe, “tôi đã lắng nghe im lặng mặt người”, mà Hakuin (Thiền sư Bạch Ẩn) gọi là phạm trù “kikan” của mỗi công án, phạm trù của cơ cấu mềm dẻo và tự do. Trong cái nghe sáng tạo, tiếng rơi thô kệch của hòn đá rớt xuống cành mai bỗng hóa thành tiếng chim ca thánh thót hát khúc qua đời! Đứng dưới mái chùa, Trịnh Công Sơn đã trả lời Sisyphus bằng một công án như thế!