Márai Sándor viết về nghề viết

Trong hai tập tản văn nổi tiếng - "Bốn mùa" và "Trời và Đất"*, Márai Sándor dành khá nhiều chữ để viết về bạn viết, nghề viết, và tâm trạng của người cầm bút. Tia Sáng xin giới thiệu một số đoạn tản thú vị đó của nhà văn mà tên ông được đặt cho năm văn hóa 2010 ở Hungary.

Âm hai mươi

Lạnh lẽo bắn liên thanh vào thành phố. Đi trong nghĩa địa nghe như tiếng xương cốt những người đã khuất gãy lắc rắc dưới lòng đất băng giá. Lũ chó ép mình sát những bức tường nhà, như đàn sói vụng trộm mò vào thành phố, và giờ đây chúng sẵn sàng đón thức ăn từ lòng bàn tay con người, nhỏ nước mắt cá sấu, ngoan ngoãn giả tạo; có khi ăn cả một chút bánh mì làm bằng bột chưa rây. Những biên tập viên của các tờ báo kinh tế cũng chầu chực trước cửa các ngân hàng với dáng vẻ như thế, trong áo choàng lông thú, mũi ửng đỏ, hy vọng một chút trợ cấp, nom như lũ hươu vây quanh người sắp cho chúng ăn.

Tôi ngồi trong phòng, hai hàm răng va vào nhau lập bập, giữa những cuốn sách không  bao giờ còn làm tôi đủ ấm. Sức mạnh của tư duy bất lực trước thực tại, tôi nghĩ. Những ý tưởng trong căn phòng này là sản phẩm của một thời tiết ấm áp. Giờ đây khi thế cân bằng đã bị phá vỡ, trong cái lạnh hai mươi độ âm này thì Goethe cũng vô nghĩa như chàng Byron nhiệt huyết hay Rostand  bay bổng. Nhiệt độ của văn chương là 18o C. Dưới và trên nhiệt độ ấy chẳng ai thực sự cần đến nó.

Độc giả

Một thiếu nữ ngồi trên ghế dài ven lối dạo chơi và đọc sách, gió nâng chiếc khăn quàng cổ màu xám nhạt của nàng bay lất phất. Tôi đi qua, và nhìn gương mặt dễ thương, thánh thiện, trẻ trung, nhìn ngấn cổ mịn màng, đôi chân thon thả của nàng đầy thiện cảm. Tôi chợt nhận ra cuốn sách nàng cầm trên một tay và đang chăm chú đọc có vẻ quen quen. Chính là một tác phẩm của tôi.

Một phát hiện như thế làm mỗi nhà văn hết sức hồi hộp và vui sướng. Ta viết và gần như không dám tin rằng cuốn sách trở thành một sản phẩm, một ấn tượng vật thể, có thể nhét trong ngăn kéo, rồi một ngày kia một thiếu nữ mang ra lối đi dạo và đọc nó như một văn phẩm nhẹ nhàng, tiêu khiển. Quan hệ của nhà văn và tác phẩm với thế giới không thân thiện, tử tế như thế. Nhà văn viết vì không thể làm khác, anh muốn thành công, nếu không muốn thế anh sẽ trở thành ác quỷ, vì anh có chút gì đó vừa là người thợ và cũng vừa là doanh nhân, vì nếu khác đi anh sẽ trở thành kẻ ngốc và bị giẫm nát – nhưng ngoài điều đó ra, anh không tin vào “sản phẩm” mà anh làm ra, và nếu gặp người tiêu dùng, anh sẽ kinh ngạc và né tránh. Vì thế mà tôi rảo bước nhanh hơn, và không ngoái đầu nhìn lại.


Tang tóc

Khi Z., một chính khách và một người bạn lớn qua đời, tôi đến tiễn biệt ông. Ông nằm trong phòng làm việc, trên một trường kỷ đặt trước bàn viết, giữa tủ sách và những giá chất đầy giấy tờ và báo chí. Tôi đứng lặng trước linh cữu và cúi đầu. Lúc đó một cảm giác, một sự thôi thúc mạnh hơn tất cả buộc tôi bắt đầu tìm trên các giá sách những tác phẩm của mình. Lúc đầu tôi còn e ngại và kín đáo, nhưng sau đó tôi lướt tìm lộ liễu và vội vàng. Tôi thấy vẻn vẹn có một cuốn, một cuốn tiểu thuyết bụi bặm nằm giữa hai cuốn sách luật học. Lúc ấy một điều gì đó bóp nghẹt trái tim tôi, và tôi cảm thấy một nỗi tang tóc vô hạn.

Bản thảo

Từ nhà in, sau khi sắp chữ xong, người ta gửi trả lại bản thảo. Giờ đây nom nó như một kẻ bỏ trốn đi lang thang trở về. Hư hỏng và nhem nhuốc, đầy những chỗ gấp góc, những vết ngón tay dầu mỡ, những dấu bút chì xanh đỏ. Như một gã vừa làm chuyến phiêu lưu vào cuộc đời, vào đời sống văn chương, cũng không kém phần hiểm nguy và mạo hiểm hơn cuộc đời các thủy thủ, những người thợ săn hay thợ nề.

Lúc này tôi ít liên quan đến nó. Tôi chỉ có trách nhiệm với nó ở mức như cha mẹ với đứa con đã thành niên. Có thể nó làm tôi hổ danh. Nhưng tôi không thể làm gì hơn cho nó. Nó có thân phận, số mệnh và tính cách riêng.

Tôi đã dành cho nó một năm của cuộc đời ngắn ngủi. Một năm, ngày và đêm. Giờ đây khi đã xuất giang, nó đã hơi hư hỏng, cũ nát. Thân mình nó đầy những dấu hiệu bí ẩn. Có vẻ văn chương cũng đáng ngờ. Chẳng khác gì nó vừa lên sở cẩm, để người ta xét hỏi, dò xem, lấy vân tay nó vậy.

Tôi đặt bản thảo vào ngăn kéo, và chờ cảnh sát đến.


Ngay lập tức

Tôi phải làm gì đây, ngay lúc này?… Viết một cuốn tiểu thuyết mà tôi đã chuẩn bị cả hai chục năm nay – và giữa chừng tôi đã viết hai tá sách khác để trì hoãn việc ấy, – đi Trung Quốc và Grönland, lập gia đình và có ít nhất ba đứa con, và trong khi đó phải sống độc lập như Robinson và Casanova, đọc ba bốn nghìn cuốn sách mà nếu không có những kiến thức trong đó tôi không thể biết gì chắc chắn về quá khứ và hiện tại của con người, kiếm tiền để trở nên độc lập, và từ bỏ mọi nhu cầu về vật chất để trở nên độc lập hơn nữa, làm bạn với cái chết và yêu cuộc sống… Đó là tất cả những gì cần thực hiện, không thể trì hoãn hơn nữa, không làm được hay thiếu chúng, sống sẽ là vô nghĩa và thừa, đó là tất cả nghĩa vụ và nhu cầu của tôi, càng thực hiện sớm càng hay. Khi cái chết đến gần, người ta bắt đầu cuống quýt, như một khách lữ hành chỉ năm phút trước giờ lên đường mới nhận ra mình không còn đủ thời gian để gói ghém đồ đạc. Nhanh lên, hãy sắp xếp cuộc đời, càng sớm càng hay.

Thám tử

Tôi chán truyện trinh thám, vì nó quá chi tiết, chi ly. Cốt lõi của nó xét cho cùng tất cả chỉ là: nhân vật đã sống, đã sống giữa mọi người và vì là một con người, vậy nên hắn phải chết. Thế thì cần gì đến dấu chân, tàn thuốc xì gà và sợi tóc… Chỉ riêng lời văn mộc mạc cũng đủ làm người ta lạnh sống lưng.

Căn phòng

Buổi tối tôi vào phòng một thi sĩ đã quá cố. Chỉ vào trong chốc lát; ai đó bật điện lên, chỉ trỏ, giải thích một điều gì đó, rồi tôi đi qua căn phòng mà thi nhân đã sống và làm việc.

Ông mất nửa năm rồi. Căn phòng đã hơi lộn xộn. Người ta đã lục lọi trên vài giá sách. Chiếc giường nhỏ đã được đẩy sang chỗ khác. Trên bàn viết, giữa những đồ vật nghèo nàn thảm hại của nghề viết có một chiếc cân, mà – với sự cẩn trọng của một thương gia –  ông thường cân thư từ, bưu phẩm hàng ngày. Có lần ông đặt bản thảo một tập thơ lên cân. “Nhẹ bẫng,” – ông tự giễu.

Căn phòng đã cũ nát, nhưng vẫn đầy sự lan tỏa của cuộc đời nhọc nhằn và khôn nguôi trăn trở. Mùi của nó cũng như mùi một một phòng hóa nghiệm mà hàng chục năm người ta đã ngào trộn các chất liệu nguy hiểm, khổ đau màu xanh, hận thù màu xanh nhạt, với làn hơi màu đen của cái chết. Trên tường có chân dung Freud, bút tích của Arany.

Tất cả những thứ đó tôi chỉ thấy thoáng qua. Tôi tưởng tượng, nếu thấy tôi ở đây, ông sẽ phá lên cười, xúc động, “trong căn phòng mồ côi của thi nhân”. Chiếc bút mực của ông vẫn nằm trên bàn, như ông đã vứt lại, khi người ta mang ông đi khỏi đây để chết. Từ bậc cửa tôi ngoái nhìn lại cây bút. Nếu đôi khi nó lại viết một điều gì đó, thì tôi cũng không ngạc nhiên.


An ủi

Những ngày hoang mang này, khi tất cả những gì tôi đã viết trở nên đáng ngờ, khi không thể mường tượng được liệu tôi có còn bao giờ viết nổi những dòng văn mạnh mẽ, chân thực và tử tế nữa hay không, khi không còn dám mở tờ báo hôm đó có đăng bài viết của mình, khi biết chắc rằng mình không có bạn, và những địch thủ đến giờ chưa xé xác mình chỉ vì họ thờ ơ và quên bẵng đi mà thôi: những ngày như thế, chỉ riêng việc tay thợ cạo, trong lúc quết xà phòng, cúi gần tôi và thân mật bảo: “Tôi đã đọc bài viết của ông về cái chợ mới, ông biên tập viên ạ,” – và anh ta kể về một bài báo hôm đó của tay bạn tôi mới viết, là tôi đã thấy được an ủi.

Câu hỏi

Tôi đi dưới những cây cọ trên bờ biển, và phía sau một đứa bé hỏi mẹ bằng một câu tiếng Hung. Vì sao lần nào nghe tiếng con trẻ nói tiếng Hung ở nơi đất khách, tôi cũng bị xâm chiếm bởi một nỗi buồn không thể cưỡng nổi, phải vội vàng rẽ vào một phố vắng  để lau nước mắt và tránh không để những người xa lạ nhìn thấy.

Những chi tiết

Tôi nằm phơi nắng và ngắm biển. Một cô gái trẻ đang tắm biển, có bóng hòn đảo và ngọn núi in hình trên mặt nước. Thân hình cô gái, ngọn núi và biển cả bỗng tách rời nhau, tồn tại riêng rẽ trong một khoảnh khắc, hệt như thiên nhiên tan ra từng chi tiết, từng từ ngữ cấu thành giản đơn của một công thức cổ xưa. Tôi đánh vần những từ ngữ ấy, trong tâm trạng lâng lâng như say nắng, như người đầu tiên ghép vần thế giới.

Rồi có ai đó cất tiếng, và tất cả lại trở thành một bức tranh phong cảnh.

Krúdy (1)

Theo thời gian, càng lùi xa những kỷ niệm về con người ông, ta càng thấy những ngày, đúng hơn là những giờ ông không viết, càng trở nên bí ẩn và khó hiểu. Tất nhiên là ông ngồi quán rượu, rồi ông đến các tòa soạn, như một người Anh đi đày biệt xứ, ông nghiêng mái đầu bạc và lịch thiệp sang một bên, im lặng ngồi chờ trước bàn của những thư ký, hay trong phòng chờ của các ngài biên tập. Sau đó ông ra các quán cà phê ngoại thành, ngồi giữa những gã đua ngựa, uống bia, rượu trắng và cà phê đen. Ông không mất nhiều thời gian cho đàn bà. Ông có đọc, nhưng chỉ như người chơi trò sắp quân bài một mình. Ông làm việc nhiều, nhưng không để tâm đến những tác phẩm cấu thành từ những chất liệu cao quý nhất của mình; ông viết như một quý ông trong khi rỗi rãi. Vậy thì, trong đời ông đã làm những gì? Giờ đây cuộc đời ông, qua lớp sương mù huyền ảo của những tác phẩm, bí ẩn một cách Á Đông. Tôi nhớ một buổi chiều, khi chúng tôi ngồi yên lặng hàng giờ liền trong tiệm cà phê của khách sạn “London”, tôi đọc báo, Krúdy mượn một chiếc kéo cắt móng tay của người coi nhà vệ sinh, và thận trọng cắt bỏ những sợi chỉ tở ra trên ống tay chiếc sơ mi lụa giặt nhiều đã bạc phếch của ông.

Khiêm tốn

Không, chắc hẳn tôi không phải là một kẻ khiêm tốn. (Khi người ta khen trước mặt ông một nhà văn trẻ là khiêm tốn, O. nghiêm khắc hỏi “Khiêm tốn vì cái gì?…” ) Ta sẽ hết khiêm tốn trong giây phút ta bắt đầu hoài nghi giá trị, chất lượng tác phẩm của mình, khi ta so sánh, và nhận thấy mình yếu hơn, cẩu thả hơn, kém mạnh mẽ hơn những người mà ta muốn giống họ. Con người sẽ không còn khiêm tốn khi ngước nhìn lên. Chỉ nhìn xuống là dễ trở nên khiêm tốn hơn. Tôi cúi rạp mình, ngả mũ cúi chào trước người thợ vụng. Tôi nhìn trực diện với Shakespeare suốt cuộc đời. Đúng là giữa chừng, tôi lim dim nhìn xuống, như người nhìn mặt trời mà trong tay chỉ có chiếc đèn pin.   

Thất bại

Trong một thất bại lớn, thực sự có một điều gì đó nâng bổng ta lên và trấn an ta. Một buổi sớm anh thức dậy và biết rằng cuốn sách, vở kịch, hay một hoạt động tinh thần hay vật chất  của anh đã thất bại. Anh không biết điều đó từ mục phê bình của các báo, cũng không từ cột báo thông báo phá sản. Thất bại quá rõ ràng. Anh đi trên đường phố và cây cối cũng quay đi, trong các cửa sổ đèn bỗng tắt. Những kẻ ở đậu ăn nhờ và suốt đời vay nợ cũng quay mặt đi, nhổ bọt khi thấy anh lại gần. Anh nghĩ tới mai sau cũng vô ích; không có niềm an ủi. Khôn ngoan nhất là phẩy tay cho qua những ám chỉ thoáng qua, những lời động viên nhẹ nhàng và rụt rè của gia đình, người thân, bè bạn. Không cần tới mai sau, không cần tới cao dán. Thất bại này, một trạng thái cổ xưa, một thứ gì đó trong sáng, chân thực và mạnh mẽ. Thất bại không phải điều tồi tệ; ta cảm thấy mình đã làm điều gì đó và xảy ra một điều gì đó trên thế gian này. Chỉ người muốn một điều gì đó mới thất bại: nhưng điều đó cũng không là niềm an ủi. Không còn sự lầm tưởng nữa. Hãy bình tâm đứng lại, nhìn trực diện vào bóng tối! Anh đã thất bại.  


Năm dòng, mười dòng

Tôi chỉ còn sống vì vài dòng này nữa, vì năm dòng hay mười dòng mà tôi sẽ viết lúc mặt trời lặn vào cuốn vở này hay vào nhật ký, như một người lính bị thương nằm yên lặng suốt ngày trên bãi chiến trường, mê man vì vết thương, trong máu và trong những hồi tưởng, và tối đến, khi những đồng đội của anh – lần mò giữa những tử thi và bờ bụi – đến bên anh, bằng một cử chỉ yếu ớt anh giơ tay lên và ra hiệu mình còn sống.

Anh ta vẫn còn sống, và có lẽ chưa bao giờ anh đã sống mãnh liệt, đầy đủ như trong những giờ câm lặng ấy, giữa trời và đất, giữa sự sống và cái chết, và có lẽ chưa khi nào anh diễn đạt với sức mạnh hoang dã như thế, rằng anh còn sống bằng động tác yếu ớt kia. Quanh tôi không còn “công xưởng” và cuộc sống văn chương ồn ã nữa. Tôi viết năm và mười dòng như người ra hiệu, không phải cho thế giới, cũng không phải cho những đồng ngũ, chỉ cho chính bản thân mình. Tôi không còn muốn viết những tác phẩm để được người ta vỗ tay tán thưởng. Tôi chỉ còn muốn viết sự thật, không một điều gì khác. Và cũng như ở Bungari, người ta phải ép hàng ngàn đóa hoa hồng để nhỏ xuống duy nhất một giọt dầu hoa hồng, và cũng như phải yêu để từ cơ thể con người phun ra một chút tinh dịch – hiện thân của sự sống và cái chết, và cũng như phải cảm thấy hết sự đau đớn để từ trái tim và đôi mắt con người nhỏ ra một giọt lệ, phải sống, chờ đợi, lưu tâm, nhìn vào bản thân ta và thế giới, phải đọc, phải chơi, phải cười, phải lẩm bẩm một mình và hồi tưởng như thế để viết ra năm hay mười dòng. Tôi không còn muốn viết gì khác. Xin chào tất cả, những cạnh tranh văn chương, những tham vọng hư danh, những cuộc giao đấu nảy lửa… Các người cứ tiếp tục, nhưng vắng ta. Tôi chỉ muốn viết năm dòng, vào chập tối, khi trước cửa sổ kia những bông hồng quanh lăng mộ Gül Baba(2)  còn hít thở một lần nữa; năm dòng, có thể mươi dòng.


Ngươi là ai?

Hãy nhìn xung quanh và tạ ơn Trời, và hãy bình tâm! Ngươi là ai và là gì? Ngươi là một văn sĩ Hungary, loại nhà văn không biết viết gì khác, ngoài những gì ngươi thích, nghĩa là một kẻ hành khất, đôi khi là hành khất chơi sang, đôi khi là một gã ăn mày tư sản, nhưng luôn luôn là kẻ chịu ơn sở thích đỏng đảnh, khó chiều của một đất nước nghèo nàn và buồn tẻ. Ngươi không phải là nhu cầu thiết yếu hàng đầu của dân tộc. Trường hợp may mắn nhất – nếu người ta còn chịu đựng ngươi… Ngươi là văn sĩ Hungary, nghĩa là vị hôn phu của đói nghèo, nghĩa là ngươi lê la trên lưng hay bên lề xã hội, như những người Digan, thi thoảng mới có người tử tế và quyền thế – những người có nhà cửa, danh tước và phẩm hàm –  bắt chuyện và vỗ vai ngươi, thường xuyên hơn là họ chỉ ném vào đĩa cho ngươi vài xu bố thí nếu ngươi đàn hay hát ngọt.

Ngươi là một văn sĩ Hungary, ngươi đại diện cho sự nghiệp của một dân tộc trên thế giới này, ngay cả khi dân tộc không muốn biết tới điều đó. Hãy hướng con tim về phía những người cùng khổ. Tất cả những thứ khác chỉ là trò bịp, phù hoa, xảo trá. Tất cả chỉ có thế.

Phê bình

Tôi phải xem lại các bài phê bình những tác phẩm của mình theo yêu cầu của một nhà xuất bản. Tôi thấy hàng trăm, hàng ngàn bài phê bình đóng thành từng tập, những bản án chết người trên những trang giấy gấp góc, những bài ca ngợi vồn vã, những lời thô lỗ láo xược.

Tôi thong thả lật giở những mẩu báo cũ, và nghĩ: “Xét cho cùng, mình còn sống là một điều kỳ diệu. Theo những quy luật của chân lý và luận lý thì từ lâu tôi đã treo lủng lẳng trên cành một cây sồi ở đâu đó trong rừng Kamara, trong gió thu, với những lá thư tuyệt mệnh trong túi. Theo đúng lẽ – đặc biệt là theo lẽ của những bài phê bình này – lẽ ra tôi đã tự treo cổ mình từ lâu mới phải. Sao tôi chưa làm chuyện đó?… Có lẽ vì bài phê bình hay nhất, đúng nhất cũng chưa tác động đến tôi thật sự, cũng như bài viết đê tiện nhất. Không thể xúc phạm nổi một nhà văn dày dạn. Có thể gây phiền nhiễu cho nhà văn, có thể cướp đi bánh mì, tự do, đôi khi cả cuộc đời họ, chỉ không thể cướp đi nổi cảm hứng bí ẩn và cay đắng của nhà văn. Chỉ nhà văn có thể tự tước bỏ cảm hứng của mình. Và tôi đang làm việc đó.”

Thi ca

Có lẽ đến một ngày ta sẽ trở thành nhà thơ thực sự, khi tất cả những gì thuộc về con người và siêu nhân trên thế gian – không khí oi bức của một buổi tối cuối tháng Chín, tiếng đàn dương cầm, một mùi hương hoa quả hoặc đồ vật của một người đã khuất – tác động đến ta gần gũi và mạnh mẽ đến nỗi ta không muốn diễn đạt nó thành lời. Những thi sĩ lớn, vĩ đại cũng chỉ làm thơ. Thi ca rộng lớn hơn các bài thơ. Đến một ngày ta im lặng trước thế giới, và lim dim đôi mắt. Đó là giây phút ta thật sự là thi sĩ.


Thời gian chín

Tôi đang viết những trang cuối của một cuốn sách, nó đã sống, đã ăn ngủ cùng tôi sáu tháng nay. Những lúc như thế này ta đã thù ghét công việc, chán ngấy đến tận cổ, chẳng thiết tha gì nữa.

Nhưng ban đêm tôi tìm thấy trong ngăn kéo các phác thảo đầu tiên của cuốn sách: một vở kịch một màn, viết từ mười chín năm trước – ở Berlin, khi còn chưa thạo cả tiếng Hung lẫn tiếng Đức -, và mấy tờ giấy xé ra từ một cuốn sổ ghi chép, cách đây đã tám năm, ghi ở London. Trong cả hai tôi đều cố thử ghi lại nội dung cuốn sách mà cuối cùng, sau sự trì hoãn và chuẩn bị suốt mười chín năm và tám năm, tới nay tôi đã viết. Khi làm việc, tôi đã quên khuấy những ghi chép và thử nghiệm ấy; khi viết tôi cảm thấy đề tài có vẻ hoàn toàn mới, nó đã chinh phục và cuốn hút tôi; và bây giờ tôi mới thấy, mười chín năm trước mình đã khảo sát rất chi tiết đề tài, tám năm trước tôi đã tập hợp những ghi chép về nó, rồi sau đó tôi luôn luôn lẩn tránh nó vì tôi cảm thấy chưa đủ tự tin để viết. Cuối cùng sau hai thập kỷ ấp ủ, tôi đã viết cuốn sách như một việc phải như thế.

Không thể rút ngắn thời gian ấp ủ, thời gian chín muồi. Nhà văn không thể viết tác phẩm của mình sớm hơn một ngày, chỉ khi đề tài đã thật chín muồi. Con người cần chín tháng để chuẩn bị chào đời, giống voi cần một năm rưỡi, một cuốn sách có khi cần hai mươi hay bốn mươi năm. Không cần vội, cũng không thể vội. Phải chờ, phải xem xét. Điều phải đến sẽ đến, sách cũng thế.

* Dịch giả: Giáp Văn Chung, NXB Văn học và Công ty Văn hóa&Truyền thông Nhã Nam
ấn hành tháng 8/2010.

(1) Krúdy Gyula (1878-1933): nhà văn, nhà báo Hungary, cũng là bậc thầy xuất sắc của văn xuôi Hungary đầu thế kỷ 20.

(2) Gül Baba: tên một tu sĩ Hồi giáo, còn gọi là Cha của Hoa Hồng (Rózsák Atyja), người đã theo quân Thổ tiến vào chiếm Buda năm 1541, và chết đúng ngày lễ Tạ ơn 2 tháng Chín năm 1541. Lăng mộ ông được xây trên đồi Hoa Hồng (Budapest), nay trở thành nơi hành hương của những người theo đạo Hồi và khách du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.

 

 

Tác giả