Marin Alsop: Nữ nhạc trưởng của những “lần đầu”

Bà là nữ nhạc trưởng đầu tiên ở một dàn nhạc lớn của Mỹ; nhạc trưởng đầu tiên được nhận học bổng danh giá MacAthur (vốn được mệnh danh là học bổng dành cho các thiên tài); và cách đây vài tháng đã trở thành nữ nhạc trưởng đầu tiên xuất hiện trên bục chỉ huy của chương trình Last Night of the Proms1 trong lịch sử gần 120 năm của nó.

Mới nhất, bà vừa được CNN bầu chọn vào danh sách bảy phụ nữ xuất sắc năm 2013 (thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, nghệ thuật, văn học, kinh doanh và luật).

Là nữ nhạc trưởng hàng đầu thế giới, nhưng Marin Alsop lại quyết định chọn một quận tai tiếng ở TP São Paulo, được mệnh danh là “Cracolândia”, tức Crackland – Vùng đất của ma túy, làm nơi sinh sống và làm việc. Và mới đây, bà lại một lần nữa phá lệ, trở thành nữ nhạc trưởng đầu tiên chỉ huy chương trình Last Night of the Proms, hay nói một cách hoa mỹ, trở thành Quý bà đầu tiên của Đêm cuối cùng (First Lady of the Last Night).

“Hết sức vô lý khi bây giờ là năm 2013 rồi mà chúng ta vẫn còn nói về những “lần đầu tiên” của phụ nữ,” bà nói trong cuộc trò chuyện qua điện thoại từ nhà mình ở Brazil. “Khi được đề nghị chỉ huy Last Night, tôi thực sự phấn khích – nhưng phải đến sau này tôi mới nhận thức rõ về ý nghĩa lịch sử của việc này. Tôi chưa bao giờ am tường những vấn đề kiểu như vậy.”

Marin Alsop là phụ nữ duy nhất cho đến nay được trao Giải Koussevitzky về chỉ huy (1989); ngoài ra, bà còn giành các giải Nghệ sĩ của năm do Tạp chí Gramophone bình chọn và Giải Nhạc trưởng của Royal Philhamonic Society, đều trong năm 1989.

Nhạc trưởng Alsop, 56 tuổi, và là người Mỹ, đã chỉ huy nhiều buổi hòa nhạc của Prom nhưng chưa bao giờ chỉ huy chương trình Last Night. Tuy nhiên bà biết rất rõ cảnh tượng nào chờ đợi bà. “Bản chất đây là một chương trình tinh túy của Prom. Tôi đã lên mạng tìm những đoạn ghi hình của nó – tất cả những biểu lộ tình cảm thái quá, âm nhạc nồng nhiệt, sự phấn khích và khán phòng chật cứng. Nó sẽ thật tuyệt vời.”

Vậy mà xém chút nữa điều tuyệt vời đã không xảy ra. Alsop bị gẫy tay vào tháng 7 do trượt chân lên mặt sàn đá hoa cương trong phòng tắm khách sạn, và phải hủy tất cả những chương trình trong tháng của mình. Mặc dù đã làm vật lý trị liệu, nhưng bà vẫn phải mang một chiếc nẹp khi chỉ huy ở chương trình Last Night. “Các nhạc công ai cũng buồn cười vì nó. Hay tôi nên mang một chiếc găng tay trắng lấp lóa, như Michael Jackson. Có khi lại thành thương hiệu của tôi ấy chứ!”

Một chiếc găng tay trắng lấp lóa ư? Những người sành âm nhạc cổ điển có thể sẽ thấy lúng túng. Nhưng Alsop không quá bận tâm về điều đó. “Tôi chưa bao giờ có gì khác ngoài sự ủng hộ của các nhạc công mà tôi chỉ huy. Mà tất cả những gì họ quan tâm là liệu tôi có sẵn sàng, có năng lực và lòng đam mê không.”

Alsop đã tạo cho mình một lớp vỏ bọc cứng rắn để đối phó với những thành kiến phổ biến về giới tính trong giới âm nhạc cổ điển. “Khi tôi bắt đầu sự nghiệp, có những lời bình luận gây sốc, kiểu như ‘Con gái sao mà làm được’. Một nhạc trưởng uy tín có lần bảo tôi: ‘Phụ nữ có thể chỉ huy âm nhạc của Mozart nhưng không thể là âm nhạc của Mahler.’ Tôi chỉ biết cười xòa – hài hước từng là cách tự vệ tốt nhất của tôi. Nhưng tôi nghĩ nếu ngày nay ai nói điều đó với tôi, tôi sẽ tranh luận cho ra nhẽ.”

Alsop sinh ra trong một gia đình âm nhạc. Cha mẹ của bà đều là những nhạc công nhạc cổ điển chuyên nghiệp sống ở New York – cha bà, LaMar, thậm chí còn xây một phòng hòa nhạc thính phòng có sức chứa tới 300 người ngay tại nhà riêng của mình. Giờ đây, ông tự tay chạm trổ tất cả những chiếc đũa chỉ huy của con gái.

Năm 9 tuổi, Marin được xem Leonard Bernstein chỉ huy tại một buổi hòa nhạc trong chuỗi “Young People’s Concerts”. Trải nghiệm này đã mở mắt cho cô bé và khiến cô bé muốn trở thành nhạc trưởng, bất chấp việc thầy dạy violin nói rằng các cô gái không làm nhạc trưởng được. Nhưng cha cô thì lại tặng cho cô một chiếc hộp đựng đũa chỉ huy. “Đó là cách ông muốn nhắn nhủ tôi rằng, con có thể làm bất cứ điều gì, bố mẹ sẽ ủng hộ con.” Trong phòng ngủ của mình hồi đó, bà treo poster của ban nhạc Beatles nhưng còn có một poster to hơn của Bernstein. Sau đó, vị nhạc trưởng lừng danh trở thành thầy dạy của Marin.

Thời điểm Marin Alsop được mời làm nhạc trưởng Baltimore Symphony Orchestra, dàn nhạc đang nợ 16 triệu USD, vé bán chậm và không có bản thu âm nào trong suốt cả một thập kỷ, bởi vậy sự xuất hiện của một nữ nhạc trưởng đã không được chào đón. Nhưng Alsop không nản lòng: phát biểu trước các nhạc công, bà nói họ hãy cho bà cơ hội. Giờ đây, các buổi biểu diễn của dàn nhạc thường kín chỗ đến 80%, đôi khi vé bán hết sạch. Từ lúc Marin đến, dàn nhạc đã có tám bản ghi âm và hợp đồng của Marin đã được gia hạn đến tận năm 2021.

Marin Alsop quan tâm nhiều đến các nhà soạn nhạc hiện đại, đặc biệt là các nhạc sỹ Mỹ như Samuel Barber, Leonard Bernstein, John Corigliano, Jennifer Higdon…

Ngoài ra, bà cũng từng chỉ huy các tác phẩm của Brahms, Mahler, Dvorak, Stravinsky, và Kurt Weill.

“Ông là người tuyệt vời nhất,” bà nói về Bernstein, vị nhạc trưởng qua đời cách đây 23 năm. “Ông luôn luôn khuyến khích tôi hãy để cho bản tính tự nhiên bên trong dẫn dắt – ông là nguồn cảm hứng của tôi, người thầy của tôi”.

Bernstein trở thành một cổ động viên lớn của Alsop, bất chấp việc ông từng có lần nói rằng ông thấy khó hiểu về giới tính của Alsop. Một lần ngồi trong đám khán giả nghe Alsop chỉ huy, ông nhận xét, nếu nhắm mắt lại, ông không dám nói người đang chỉ huy là phụ nữ.

Sau khi làm việc với nhiều dàn nhạc, Alsop trở thành nhạc trưởng chính của Bournemouth Symphony Orchestra từ năm 2002 đến năm 2008, trước khi trở thành giám đốc âm nhạc tại Baltimore Symphony Orchestra, một dàn nhạc giao hưởng lớn của Mỹ và hợp đồng của bà kéo dài đến năm 2021.

Alsop còn là nhạc trưởng khách mời của một số dàn nhạc xuất sắc trên thế giới – Philadelphia Orchestra, Los Angeles Philharmonic, La Scala Philharmonic (nơi bà là nữ nhạc trưởng đầu tiên trong suốt 230 năm tồn tại của dàn nhạc) và Orchestre de Paris. Kể từ năm ngoái, bà trở thành nhạc trưởng chính của dàn nhạc São Paulo Symphony Orchestra, tọa lạc tại một quận tai tiếng, đầy rẫy các hoạt động ma túy và mại dâm của thành phố, được mệnh danh là “Cracolândia” hay Crackland trong tiếng Anh, nghĩa là Vùng đất của ma túy.

“Tôi thực sự không sinh ra để làm người cầm cờ, mà đó là vai trò tôi được kế thừa,” bà nói

Bà tin rằng nhạc trưởng phải có những tố chất nhất định. “Bạn cần phải có những năng khiếu bẩm sinh, như năng khiếu về nhịp điệu. Nhưng bạn cũng cần học phân tích tác phẩm. Đồng thời phải biết cách làm việc với 100 người, bởi vậy ngoài đòi hỏi kỹ năng âm nhạc còn cần đến khả năng lãnh đạo. Việc thấu hiểu cảm xúc của các nghệ sỹ là điều hết sức quan trọng.”

Với mong muốn tạo ra sự cân bằng về giới tính trong giới chỉ huy, Alsop đã lập học bổng Taki Concordia Conducting dành cho các nữ nhạc trưởng trẻ tuổi. “Triết lý của tôi là ‘tôi đã khổ sở vì nó thì tôi phải làm cho nó trở nên dễ dàng hơn đối với bạn’. Đó là một đặc ân khi ở vào vị trí có thể tác động đến cuộc sống của những nữ nhạc trưởng triển vọng. Tôi biết rõ cần làm gì để hỗ những nhạc trưởng đang nổi lên theo đuổi giấc mơ của họ và muốn làm cho đường đi trở nên dễ dàng hơn và thỏa mãn hơn đối với họ.”

“Con đường học tập rất khó khăn, vì vậy chúng tôi cho họ một khoảng không gian để họ có thể mắc lỗi trong một môi trường mang tinh thần khuyến khích, động viên. Bạn cần phải mắc càng nhiều lỗi càng tốt.”

Bà vẫn còn mắc lỗi chứ? “Trước đây tôi từng làm rơi đũa chỉ huy của mình – nhưng ơn trời, không ai bị thương! Tôi thật sự không dễ bị hồi hộp. Tôi chỉ quá tập trung vào dàn nhạc để lấy ra những gì tốt nhất từ bản thân và dàn nhạc. Tôi yêu việc tôi làm và đó thực sự là một đặc ân tuyệt vời.”

Alsop sống với người bạn đời của mình, nữ nghệ sỹ kèn cor Pháp, và con trai của họ, Auden, mới gần 10 tuổi. Nghề nghiệp của bà, như bà nói, “không cảm thấy như công việc”. Trong thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình, bà học tiếng Bồ Đào Nha, nghe nhạc Brazil, cả cổ điển và pop – “có những hạt ngọc thật sự trong đó còn chưa hiển lộ”.

Để chuẩn bị cho việc chỉ huy một tác phẩm âm nhạc, bà thường đọc bao quát về cuộc đời của nhà soạn nhạc để cố gắng hiểu những động cơ sáng tác của họ.

“Cũng hơi giống công việc của thám tử. Vì bạn thật sự muốn chui vào đầu nhà soạn nhạc, nên tôi nghiên cứu rất nhiều chi tiết về tiểu sử của họ, cùng với tình hình kinh tế, xã hội và chính trị vào thời kỳ của họ.”

Tham vọng lớn nhất của bà là gì? “Tôi thực sự không nghĩ về cuộc đời mình theo những khái niệm này. Điều khiến tôi thỏa mãn là tạo dựng các cơ hội và được làm việc trong cộng đồng của mình.”

Ở Baltimore, chẳng hạn, bà đã lập kế hoạch OrchKids để trao cho trẻ em ở những khu nghèo của thành phố nhạc cụ và những giờ học ngoại khóa. Dự án bắt đầu từ năm 2007 chỉ với 25 em; giờ đây đã có hơn 700 em tham gia và tham vọng của Alsop là 85 nghìn học sinh của toàn bộ các trường công ở Baltimore được tham gia chương trình này.

“Đó là điều tuyệt vời đã xảy ra ở Baltimore – lôi kéo công chúng. Tôi thật lòng tin vào sức mạnh biến cải của nghệ thuật, và bạn cũng thấy điều đó ở São Paulo – đó là việc nỗ lực tác động đến bối cảnh đời sống thành phố.”

Bà tìm thấy cảm hứng ở Brazil theo nhiều cách. “São Paulo là một siêu đô thị điên rồ nhưng tôi yêu người dân Brazil với tâm hồn nồng nhiệt và hào phóng. Họ hết sức hào hứng và lạc quan khi nhìn về ngày mai – tôi yêu điều đó.”

“Và thật tuyệt vời họ có cả nữ thủ tướng, và thậm chí chả ai bình luận về điều đó. Thật hào hứng khi sống ở một nơi ôm trong lòng tất cả mọi thứ như vậy,” bà nói.

Nhạc trưởng nam giỏi hơn các đồng nghiệp nữ bởi họ ít bị mất tập trung hơn, Vasily Petrenko – nhạc trưởng chính của National Youth Orchestra và Royal Liverpool Philhamonic của Anh, nhận xét. Vị nhạc trưởng người Nga sinh năm 1976 này lập tức bị chỉ trích là có cái nhìn hẹp hòi khi nói rằng dàn nhạc “phản xạ tốt hơn khi đứng trước họ là một nam nhạc trưởng” và rằng “một cô nàng đáng yêu đứng trên bục chỉ huy sẽ khiến các nhạc công nghĩ vơ vẩn.” Khi nam nhạc trưởng chỉ huy, các nhạc công ít bị phân tán bởi sự gợi tình hơn và nhờ vậy sẽ “tập trung vào âm nhạc”, Vasily Petrenko nói với báo Aftenposten của Na Uy chỉ vài ngày trước khi Marin Alsop bước lên bục chỉ huy chương trình Last Night of the Proms ở Royal Albert Hall. Petrenko cũng là nhạc trưởng chính của Oslo Philhamonic, dàn nhạc đã cùng ông biểu diễn tại Proms năm nay.

Nữ nhạc trưởng người Na Uy Cathetine Winnes nói: “Tôi lấy làm ngạc nhiên là Petrenko có thể phát ngôn những điều như vậy, vì nó không đúng và cả vì cách nhìn như vậy về phụ nữ đã lỗi thời rồi… Petrenko là một nhạc trưởng tuyệt vời và là nhân vật có vai trò lớn. Nhận xét của ông vì vậy càng không thể chấp nhận.”

Sau đó, Petrenko đã biện bạch trên website của Oslo Philhamionic rằng nhận xét của ông chỉ nói về thực trạng ở nước Nga. “Tôi khuyến khích bất kỳ cô gái nào học chỉ huy. Họ thành công đến đâu phụ thuộc vào tài năng và sự thể hiện của họ, chứ chắc chắn không phải do giới tính rồi. Tôi cũng muốn nói thêm rằng bản thân người vợ yêu quý của tôi cũng là chỉ huy dàn hợp xướng.”

Thực tế là vẫn còn sự bất bình đẳng về giới tính trong giới chỉ huy mà rất ít phụ nữ có thể vượt qua để bước lên đỉnh cao.

      Thanh Nhàn tổng hợp

—-

1 Chương trình Last Night thường được tổ chức vào ngày thứ bảy thứ hai của tháng 9, và được truyền hình trực tiếp trên khắp nước Anh.

Một truyền thống của Last Night là cuối buổi diễn, nhạc trưởng thường có bài phát biểu cảm ơn các nhạc sỹ và khán giả, đồng thời đề cập những chủ đề chính của cả mùa diễn, và ghi nhận sự đóng góp của khán giả cho Hội từ thiện âm nhạc. 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)