Mặt không

Mặt là triển lãm điêu khắc cá nhân lần đầu tiên của họa sỹ Lê Thiết Cương sau 20 năm đến với điêu khắc.

Tác phẩm “Chân dung” trong triển lãm

Mặt có 20 tác phẩm, đương nhiên trong đó có “Cầu nguyện”, sáng tác năm 1996 là tác phẩm điêu khắc đầu tiên của anh.

Đường dây ý tưởng của Mặt chính là câu chuyện người, chuyện đời người, cõi người, mình hay ta, ai ai cũng vậy.

Mở đầu là  Sinh thể hiện qua cụm tác phẩm về đề tài âm dương, sinh thực khí. Âm dương là nam nữ, là ngày đêm, thiện ác, vui buồn hoặc được mất… Nếu không có âm dương thì sẽ không Sinh, không có sự sống. Cổ nhân bảo “nhất âm nhất dương chi vị đạo” là vậy.

Tiếp theo là  Tồn, được lý giải bằng các tác phẩm về đề tài hạt gạo. Hạt gạo trước tiên là cái ăn để nuôi sống con người nhưng khi chọn hạt gạo để nói về sinh tồn, tồn tại, sinh sống Lê Thiết Cương muốn qua hạt gạo để làm rõ về nền văn minh hạt gạo, văn minh lúa nước của người Việt. Từ khi có người Việt, nước Việt là đã có hạt gạo. Người Việt và hạt gạo đi cùng nhau suốt chiều dài lịch sử cho đến hôm nay, cứ ngỡ đời sống hiện đại đã “phẳng” hơn nhưng chuyện cốt lõi của người Việt vẫn là chuyện người nông dân, nông nghiệp, nông thôn, chuyện làng chuyện nước.

Di sản, truyền thống, văn hóa nghệ thuật gì của người Việt cũng đều xuất phát ở làng, đình làng, giếng làng, cổng làng, chùa làng; từ rối nước đến chèo sân đình… tất cả đều quay quanh cái trục hạt gạo.

Các tác phẩm về Hạt gạo là chương chính của triển lãm Mặt

Tác phẩm “Hạt gạo”

Sinh ra, tồn tại thì cái đích hướng đến bất luận người nào, dân tộc nào cũng là ý muốn hướng thiện, hướng đến những điều tốt đẹp, hướng đến đạo.

Chương 3 của Mặt  là  Đạo được tác giả thể hiện bằng các tác phẩm về Phật. Chương cuối như một vĩ thanh là hai tác phẩm chân dung. Bởi vì chuyện đời hay đạo, chuyện sinh tồn, sinh tử gì thì cũng vẫn là chuyện người. Nghệ thuật dù là hội họa, điêu khắc hay văn chương thi ca cũng là để nói về chuyện người.

Bốn chương Sinh  – Tồn – Đạo – Người là nội dung. Trong nghệ thuật thì nội dung mới chỉ là nguyên liệu, phần quan trọng nhất của nghệ thuật phải là “cách kể nội dung”, chữ của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến.

Cách kể Mặt là cách kể tối giản. Nếu hiểu phong cách là ADN thì dù Lê Thiết Cương vẽ hay làm gốm, làm đồ họa, hay làm điêu khắc thì cũng vẫn chỉ là tối giản.

Mặt là điêu khắc tối giản.

Xuyên suốt 20 tác phẩm đều thống nhất một “cách kể” tối giản qua việc khai thác các diện, các mặt cắt để mở rộng không gian cho khối, làm cho khối có thêm một chiều nữa là chiều mặt cắt ngoài ba chiều vốn có cao, rộng, sâu. Nhấn mạnh của mặt cắt, của chiều mặt cắt bằng những khoảng hở, khe hở mở hé, trống không hoặc những khối sau khi cắt thì ghép lại, ghép lệch, thậm chí uốn cong mặt để biến mặt phẳng thành khối.

Chất liệu cũng được quan tâm, không chỉ làm với một chất liệu  mà  Mặt có nhiều chất liệu như đồng, sắt, đá… miễn sao chất liệu ấy phải thích hợp để chuyên chở được nội dung . Ví dụ: Bức “Cầu nguyện” thì thếp vàng, bức “Phật” thì bằng gương để người xem có thể soi mình vào đó theo cái ý của nhà Phật: Mọi người đều có Phật tính hoặc một tác phẩm khác về Phật làm bằng kính trong suốt mang hàm ý sắc sắc không không, có có không không của Phật giáo.

Lê Thiết Cương chia sẻ: Tối giản của Mặt chính là “tính không” là có không (có cái sự không, có những khoảng không) chứ tối giản không phải  là ít hay nhiều, hoặc không vẽ, không khắc, không hình khối gì. Mặt chính là tính “như nhất” bởi vì mặt kính, mặt gỗ, mặt gương ấy tuy có hai mặt trên dưới, trước sau nhưng vẫn là một, người ta không thể bóc tách hai mặt đó ra được và bản thân mặt phẳng cũng chính là tối giản rồi.

Triển lãm điêu khắc lần đầu tiên của họa sỹ Lê Thiết Cương trưng bày 16 tác phẩm với nhiều chất liệu như đồng, sắt, composite, gỗ, kính và gương. Các tác phẩm này xoay quay 5 đề tài chính: Hạt gạo, Âm – Dương, Chân dung, Phật và Cầu nguyện

Tác giả