Mật mã bí ẩn của Beethoven
Vào một buổi tối năm 2013, nghệ sĩ violin Nicholas Kitchen đang ở New Mexico để huấn luyện một nhóm tứ tấu chơi bản số 15 cung La thứ Opus 132 của Beethoven. Ông không nghĩ rằng đây là cuộc chạm trán đầu tiên của mình với mật mã của nhà soạn nhạc thiên tài.
Vào mùa xuân năm 1825, Ludwig van Beethoven bị bệnh đường ruột nặng đến mức ông tưởng mình không thể qua khỏi. Mùa hè năm đó, sau khi bình phục, ông quay trở lại với bản tứ tấu dây mà ông đang viết dở trước khi lâm bệnh – Tứ tấu dây số 15 giọng La thứ, Op. 132 – và bổ sung một đoạn mới lấy cảm hứng từ việc mình sống sót. Cho đến ngày nay, tác phẩm được biết đến với niềm vui kìm nén trải ra chậm rãi ở chương ba, nơi âm nhạc dường như lần theo những bước chân kéo lê của một người bệnh đang hít thở không khí trong lành lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ. Beethoven gọi nó là Heiliger Dankgesang, một “thánh khúc tạ ơn”.
Ông soạn nhạc vào những buổi sáng khi có ánh sáng rõ ràng, trên loại giấy rời đủ dày để ông có thể dùng dao cạo bỏ những lỗi sai. Chữ viết tay của ông khét tiếng là hỗn loạn. Ông không thể vạch một tập hợp các đường song song nếu cuộc sống của ông phụ thuộc vào việc ấy, người ta thường hài hước với nhau như vậy và còn truyền miệng là bậc thầy âm nhạc đã dùng bút chì không chỉ để viết mà còn để cảm nhận sự rung động của đàn piano, bằng cách ấn một đầu cán gỗ vào cây đàn trong khi giữ đầu còn lại giữa hai hàm răng. Đến lúc đó ông đã bị điếc nặng; chưa đầy hai năm nữa ông sẽ qua đời.
Mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, Beethoven sẽ giao bản thảo viết tay cho một người chép nhạc, người này sẽ chép lại toàn bộ một cách rõ ràng. Sau khi Beethoven sửa các lỗi mà người chép nhạc mắc phải – vừa sửa vừa mắng mỏ người này – bản nhạc sẽ được chuyển đến một nhà xuất bản, nơi mà sau những thay đổi vào phút chót của nhà soạn nhạc, một thợ khắc sẽ vạch nó ngược xuôi lên một tấm đồng. Từ đó, bản nhạc sẽ được xuất bản và tái bản, xuất hiện ở dạng gần như y hệt trên các giá nhạc khắp thế giới cho đến tận ngày nay.
Nhưng ngay cả khi không tính đến những sửa đổi cuối cùng đó, Opus 132 mà thế giới biết đến không chính xác là Opus 132 mà Beethoven đã giao cho người chép nhạc của mình. Nhà soạn nhạc đã để rải rác trong tổng phổ gốc những ký hiệu bất thường mà người chép nhạc đơn giản là bỏ qua. Ví dụ như bên dưới một khuông nhạc, Beethoven viết ngoáy “ffmo” – một từ không thuộc ký âm chuẩn mực và không được bất kỳ nhà soạn nhạc lớn nào khác sử dụng. Ở một chỗ khác, ông vẽ một hình kỳ lạ giống như một viên kim cương thon dài, cũng là một ký hiệu không chuẩn. Không cái nào trong số những ký hiệu này tìm được đường vào bản chép sạch đầu tiên, chứ đừng nói đến phiên bản đã xuất bản. Hầu như không ai trông thấy những ký hiệu đó trong gần 200 năm sau khi Beethoven nguệch ngoạc viết chúng ra lần đầu.
Rồi vào một buổi tối năm 2013, nghệ sĩ violin Nicholas Kitchen đang ở New Mexico để huấn luyện một nhóm tứ tấu bằng Opus 132. Kitchen là con người của những ám ảnh; một trong số đó là việc chơi nhạc từ các bản thảo viết tay gốc của một nhà soạn nhạc thay vì bản nhạc in, vì vậy ông đã có sẵn một bản sao. Từ “ffmo” ngoài chuẩn mực đã lọt vào mắt nghệ sĩ cello của nhóm tứ tấu. “Cái gì đây?”, anh này hỏi.
Có cái gì đó lóe lên trong óc Kitchen ngay khi ông nhìn thấy ký hiệu của Beethoven; về sau ông kể với mọi người rằng việc đó giống như thể ai đó đã lật một cỗ bài để lộ ra những mặt quân ẩn sau phần lưng trơn. Đột nhiên, ông có một nỗi ám ảnh mới. Trong vài năm tiếp theo, ông tiến tới tin rằng mình đã khám phá ra mật mã bí ẩn của Beethoven.
Trong phần lớn hai thế kỷ qua, các nghệ sĩ biểu diễn rất khó hoặc không thể tiếp cận các bản thảo viết tay gốc của Beethoven. Rất ít người có đủ điều kiện cho một chuyến đi xem chúng tận mắt tại các kho lưu trữ ở Vienna hoặc Berlin, còn các ấn bản sao chụp thì cực kỳ đắt đỏ. Các học giả đã chẳng bận tâm ngó qua. Lewis Lockwood, giáo sư danh dự của Harvard và đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Beethoven của Đại học Boston, cho biết rằng đến thời điểm âm nhạc học nổi lên như một môn học chuyên ngành, đề tài Beethoven đã bị coi là lỗi thời. Lockwood nói: “Không có đông học giả nghiên cứu về Beethoven. Đó là một lĩnh vực hẹp… terra incognita (vùng đất vô danh)”.
Kitchen chẳng phải là học giả. Là một người đàn ông 57 tuổi có vẻ thơ trẻ với mái tóc bạch kim rậm rạp, ông là một nghệ sĩ đang hành nghề và là giảng viên tại Nhạc viện New England, nơi bố mẹ tôi từng giảng dạy. Giới nhạc cổ điển Boston nhỏ bé thôi – hầu hết những người tôi phỏng vấn cho câu chuyện này đều thân thiện với người mẹ là nghệ sĩ violin và người cha là nghệ sĩ piano của tôi – còn Kitchen nổi tiếng và rất được kính trọng trong giới đó. Trước khi kể lại câu chuyện này, tôi đã nhiều lần nghe ông biểu diễn cùng nhóm tứ tấu của ông, mặc dù tôi không quen biết ông với tư cách cá nhân.
Nghĩa là tôi biết rằng Kitchen có chút tiếng tăm, nếu không phải như một người lập dị thì ít nhất cũng như một nhà cải cách nhiệt tình. Vào khoảng năm 2007, ông đã thuyết phục nhóm hòa tấu mà mình đồng sáng lập, nhóm Tứ tấu Borromeo, chơi nhạc từ tổng phổ thay vì từ các phân phổ, vì ông cảm thấy việc này khiến màn biểu diễn thêm phong phú. Một bản tổng phổ không để vừa giá nhạc thông thường, vì vậy nhóm của ông là một trong những nhóm đầu tiên sử dụng máy tính xách tay và sau này là iPad [để thị tấu] trong buổi biểu diễn.
Cũng khoảng thời gian đó, các bản scan tổng phổ viết tay của Beethoven bắt đầu xuất hiện trên một trang wiki dành cho các nghệ sĩ có tên là International Music Score Library Project. [Dự án thư viện bản nhạc quốc tế]. Kitchen tin rằng cách duy nhất tốt hơn cách chơi nhạc từ tổng phổ là chơi nhạc từ tổng phổ viết tay gốc – cái nhìn gần gũi nhất có thể có với tâm trí đang sáng tác của nhà soạn nhạc. Kitchen nói: “Chỉ cần đọc tổng phổ viết tay, bạn sẽ ngay tức khắc được tiếp cận môn ‘khảo cổ học’ các ý tưởng. Bạn đang lần theo những gì đã bị gạch bỏ – một lựa chọn đã được thử và rồi không được sử dụng, một lựa chọn đã được thử và rồi bị từ chối, rồi sau đó được đưa trở lại – toàn bộ quá trình này hiển thị ngay lập tức.”
Càng chơi nhạc trực tiếp từ nét chữ viết tay hỗn loạn của Beethoven, Kitchen càng tìm thấy nhiều ký hiệu dị thường. Ban đầu, Kitchen không biết phải làm gì với chúng. Ông nói: “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là, ‘Chà, nó có thể tương đương với một chữ viết nguệch ngoạc’”. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu các tổng phổ của Beethoven một cách hệ thống hơn, ông nhận ra mức độ phổ biến – và nhất quán – của nhiều ký hiệu kỳ lạ này trong suốt 25 năm sáng tác của nhà soạn nhạc.
Kitchen bắt đầu phát triển một giả thuyết về những gì ông đang nhìn thấy. Các ký hiệu có vẻ chủ yếu liên quan đến cường độ. Một số dường như biểu thị sự mạnh mẽ hơn: Beethoven sử dụng f và ff chuẩn mực để biểu thị forte, “mạnh” và fortissimo, “rất mạnh” song đôi khi cũng viết ffmo hay fff. Thi thoảng ông gạch chân p hay pp chuẩn mực để biểu thị piano và pianissimo, “nhẹ” và “rất nhẹ”, như thể đang nhấn mạnh chúng.
Kitchen rốt cuộc sẽ nhận dạng được 23 mức cường độ (và vẫn đang đếm tiếp), từ fff – sấm sét đến ppp – thì thầm. Ông đã tìm thấy bốn loại staccato, hai loại gia tăng cường độ, các ký hiệu biểu thị các cách khác nhau để nhóm các nốt lại với nhau, các ký hiệu để tăng cường crescendo [tăng dần cường độ] và diminuendo [giảm dần cường độ]. Kitchen lập luận rằng khi ở bên nhau, những ký hiệu này chung quy là “những chỉ dẫn sống động từ một nghệ sĩ điêu luyện này cho một nghệ sĩ điêu luyện khác”, một ngôn ngữ ẩn giấu phức tạp truyền tải những cấp độ biểu đạt mới – và do vậy cả cảm xúc – trong âm nhạc Beethoven đã bị thất truyền trong nhiều thế kỷ.
Mỗi khi con người cố gắng phát minh ra cách thức viết ra âm nhạc, giải pháp đều không hoàn hảo. Các truyền thống Do Thái, Vệ Đà, Phật giáo và Cơ đốc giáo đều tìm cách giữ cho những giai điệu thiêng liêng khỏi bị biến đổi theo thời gian; cuối cùng mỗi truyền thống đã phát minh ra một bộ biểu tượng để thể hiện các cách miêu tả âm nhạc khác nhau, chúng có tác dụng miễn là bạn đã biết mọi cách miêu tả. Các nền văn hóa khác phát triển ngoài ký âm. Ví dụ, trong cổ nhạc Ấn Độ, màn trình diễn của mỗi nghệ sĩ độc tấu đều mang tính ngẫu hứng và không thể lặp lại.
Tuy nhiên, ở châu Âu, các giá trị âm nhạc bắt đầu nhấn mạnh không phải tính tự phát mà là tính đa âm: hòa thanh và đối âm phức tạp hơn bao giờ hết được trình diễn bởi các nhóm hòa tấu lớn hơn bao giờ hết. Để những nhóm này chơi nhạc cùng nhau, họ cần một kiểu biểu đồ trực quan để điều phối việc ai chơi nhạc cụ gì khi nào. Kết quả đã phát triển thành hệ thống ký âm được sử dụng trên toàn cầu ngày nay – một công nghệ nén không tổn hao thông tin một cách phi thường, độc đáo ở khả năng ghi lại chính xác ngay cả những bản nhạc chưa từng được chơi mà chỉ được tưởng tượng. Các dàn nhạc thời Beethoven cũng như bây giờ chỉ cần bản tổng phổ là có thể chơi một tác phẩm nào đó rất giống với những gì nhà soạn nhạc đã nghe thấy trong đầu. Có lẽ nó gần như khả năng thần giao cách cảm giữa những con người.
Vào thời Beethoven, các nhà soạn nhạc đã phát triển các cách truyền đạt không chỉ cao độ, trường độ và nhịp độ mà còn cả cảm xúc mà họ muốn âm nhạc của mình gợi lên. Các ký hiệu cường độ có hình dạng giống như những chiếc kẹp tóc cho biết khi nào âm nhạc sẽ mạnh lên và khi nào nên nhẹ đi. Một tập hợp các từ tiếng Ý như andante, dolce và vivace đã trở thành thuật ngữ kỹ thuật để hướng dẫn cách biểu diễn cho nhạc công. Tác dụng rất giống với các hệ thống tôn giáo cũ: Nếu bạn đã biết andante phải vang lên như thế nào rồi, thì bạn hẳn biết cách chơi đoạn nhạc nào đó được đánh dấu andante. Nhưng so với phần còn lại của hệ thống ký âm, những mô tả như vậy mang tính chủ quan. Chính xác thì apppassionato là say đắm đến mức nào?
Một người như Beethoven, một người có tâm trạng cực đoan, rất có thể đã bực dọc trước những gò bó này. Không phải là quá đáng để kết luận, như Kitchen đã làm, rằng Beethoven cảm thấy cần chế ra một phương pháp truyền tải hoàn hảo hơn cách chơi ông dự định cho âm nhạc của mình.
Nhưng liệu Kitchen có đúng hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh luận. Jonathan Del Mar, một học giả Beethoven đã nghiên cứu bao quát các bản thảo viết tay của nhà soạn nhạc, nói với tôi trong một email rằng bất kỳ ký hiệu dị thường nào trong các bản thảo viết tay của Beethoven chỉ đơn thuần là “các biến thể mang tính tô điểm” của các ký hiệu tiêu chuẩn. Del Mar giải thích, Beethoven là người chặt chẽ về sự chính xác, nhất là trong âm nhạc của mình, và nếu ông quan tâm đến những ký hiệu này, ông sẽ đảm bảo rằng chúng xuất hiện trong các phiên bản đã xuất bản. Del Mar viết: “Tôi hoàn toàn tin chắc rằng thực sự không có sự khác biệt nào về ý nghĩa được dự kiến.”
Jeremy Yudkin, đồng Giám đốc với Lockwood tại Trung tâm Nghiên cứu Beethoven, ban đầu cũng nhìn Kitchen với thái độ hoài nghi. Yudkin kể với tôi “Lần đầu tiên nói chuyện với anh ấy, tôi đã nghĩ anh ấy bị lẩn thẩn”. Nhưng nghiên cứu chặt chẽ và cẩn trọng của Kitchen đã thuyết phục được ông. Yudkin giờ đây tin rằng Kitchen đã khám phá ra một lớp ý nghĩa chưa từng được biết đến trước đây trong các bản thảo viết tay của Beethoven. Ông nói: “Có những mức độ biểu đạt, một phạm vi biểu đạt rộng lớn mà các học giả âm nhạc và nghệ sĩ biểu diễn phải tính đến.”
Về lý do tại sao các ký hiệu này không bao giờ được đưa vào các bản nhạc in của nhà soạn nhạc, Yudkin cho rằng Beethoven có thể đã chấp nhận rằng những người khác sẽ chẳng dễ dàng giải mã được vốn từ vựng cá nhân rộng lớn gồm các biểu tượng và chữ viết tắt của ông. Yudkin nêu giả thuyết là nhà soạn nhạc đưa các ký hiệu đó vào bản thảo viết tay của mình chỉ đơn giản để thỏa mãn bản thân. Yudkin nói: “Bạn viết mọi thứ vào nhật ký, bởi vì nó mang lại “sự thỏa mãn về tinh thần và sự thỏa mãn về cảm xúc khi có thể bày tỏ điều mà bạn cảm thấy. Và không ai khác phải nhìn thấy nó.”
Trong vài năm qua, Kitchen và Nhóm tứ tấu Borromeo đã trình diễn một loạt buổi hòa nhạc Beethoven được mở đầu bằng các bài thuyết trình ngắn gọn về những phát hiện của ông, nhưng ngoài việc đó và các bài thuyết trình của ông tại Đại học Boston, ông không dành nhiều thời gian để chia sẻ ý tưởng của mình với thế giới. Thay vào đó, ông chuẩn bị bộ tổng phổ Beethoven của riêng mình, sẽ bao gồm tất cả những ký hiệu đã bị sót trong các ấn bản trước đó. Ông muốn các nghệ sĩ khác có thể nhìn thấy chúng một cách dễ dàng mà không cần phải giải mã những chữ viết nguệch ngoạc của Beethoven. Ông nói: “Và rồi mọi người có thể tranh luận về tất cả những ký hiệu đó bao nhiêu tùy thích.”
Khi đang viết về câu chuyện này, tôi đã hỏi cha mình, một nghệ sĩ piano, xem ông nghĩ tại sao ký âm phương Tây đã phát triển đến mức đặc biệt như vậy, thậm chí trước cả thời Beethoven. Ông bảo tôi rằng ông nghĩ đó là do sự thay đổi trong tầm nhìn của các nhà soạn nhạc: Trước đây họ soạn nhạc ẩn danh cho Nhà thờ, khi âm nhạc trở nên thế tục hơn, tên tuổi của các nhà soạn nhạc trở nên nổi bật hơn. Ông nói: “Họ bắt đầu nghĩ về việc người ta sẽ chơi tác phẩm của họ như thế nào sau khi họ qua đời.
Đối với Kitchen, đó chính xác là mục đích của việc nghiên cứu các ký hiệu của Beethoven. Ông nói với tôi rằng nếu ký âm được viết ra có thể mã hóa âm nhạc thì âm nhạc có thể mã hóa cảm xúc của con người. Do đó, âm nhạc được viết ra thực sự có thể cấy ghép “cảm xúc sống động” từ tâm trí này sang tâm trí khác. Đó không chỉ là thần giao cách cảm: Âm nhạc cho phép một phần con người ta bất tử.
Tại thời điểm này, Kitchen tin rằng ông biết mật mã này đủ rõ để có thể nghe thấy nó trong âm nhạc. Một lần nọ tại buổi hòa nhạc ở Hồng Kông, ông đang nghe màn biểu diễn Sonata piano số 23 giọng Fa thứ Op. 57 của Beethoven – bản “Apppassionata”. Ông nhận thấy một hợp âm không ổn định có vẻ đặc biệt bất an và đáng ngại – một khoảnh khắc yên tĩnh nhưng mạnh mẽ về cảm xúc mà Beethoven thường ghi lại bằng một trong những chữ viết tắt riêng của mình.
Kitchen nhớ lại: “Tôi đã nói, tôi cá với anh rằng đó là pianissimo hai gạch chân”. Sau buổi biểu diễn, ông đã kiểm tra lại. Đủ chắc chắn rồi: Được viết nguệch ngoạc dưới nốt trầm rối loạn gây khó chịu cho hợp âm lẽ ra rất thanh bình, Beethoven đã viết một pp với hai gạch chân. Hai trăm năm sau, có lẽ Kitchen cuối cùng cũng hiểu chính xác ngụ ý của Beethoven.□
Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.theatlantic.com/science/archive/2024/04/beethoven-code-dynamics-manuscript/677964/
——
S.I. Rosenbaum là một nhà báo ở Providence, Rhode Island, người chơi cưa nhạc (musical saw) và đã viết cho các tờ The New York Times và Slate.