Mâu thuẫn của bảo tồn

30 năm trước, nhà nước đã không thể hỗ trợ người dân ở Bao Vinh giữ lại ngôi nhà của tổ tiên họ. Bây giờ, khi đã có đề án và chi phí để trùng tu khu phố cổ này, người dân lại phản đối.

Phố cổ Bao Vinh hiện tại.

Bao Vinh có một mối quan hệ chặt chẽ tới thương cảng Thanh Hà, cách cửa biển Thuận An 10 km và kinh thành Huế bốn km về phía Đông Bắc. Đây là một trung tâm giao lưu trao đổi hàng hóa sầm uất nhất xứ Đàng Trong suốt thế kỉ 17 đến thế kỉ 19. Góp phần quan trọng hình thành nên sự sôi động và nhộn nhịp của Thanh Hà là những người thương nhân Hoa kiều đặt chân tới đây sau cuộc chạy trốn khỏi nội chiến giữa nhà Minh và nhà Thanh vào thế kỉ 17. Chúa Nguyễn đã cho họ định cư và thành lập xóm Minh Hương để buôn bán bên bến cảng này.

Nhưng sự bồi lở của sông Hương theo thời gian khiến các thuyền khó cập bến đã dẫn đến sự tàn lụi của cảng Thanh Hà. Con cháu của những người Hoa kiều năm nào đã tìm đến một nơi cách đó không xa và thành lập nên phố mới Bao Vinh. Có thể nói Bao Vinh là hình ảnh phản chiếu của một Thanh Hà vang bóng một thời với những bản sắc kiến trúc riêng biệt.

Bao Vinh là vùng đô thị cổ nhất của Huế hiện nay. Trong lòng đô thị này chỉ có một con phố duy nhất dài 300m. Một bên đường là dãy nhà gỗ hình ống, vừa giống nhà rường Huế nhưng cũng vừa được biến thể linh hoạt về thiết kế mặt tiền, chiều cao và không gian để vừa ở, vừa buôn bán, vừa là kho chứa hàng hóa, vừa phòng tránh lũ lụt. Nội thất trang trí đơn giản, không có sân trước hay vườn như nhà rường truyền thống Huế.

Bên kia đường là dãy nhà tứ giác, tựa vào sông Hương. Đây là một kiểu kiến trúc do người Pháp đề xuất vào thế kỉ 20 để duy trì và tiếp nối hào quang thương mại của Thanh Hà – Bao Vinh. Nhà tứ giác được xây trên một dải đất hẹp giữa bờ sông và đường, hoàn toàn bằng gạch đặc, gồm hai tầng với hai chức năng: tầng một để buôn bán, tầng hai để làm kho chứa hàng hóa.

Di sản mất mát

Khoảng thời gian năm 1985, gia đình ông Phan Gia Đắc (72 tuổi) xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế) làm ăn liên tiếp gặp thất bại, ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng. Lúc đó, có rất nhiều đoàn ở cấp Trung ương cùng với UBND tỉnh về kiểm tra, khảo sát Bao Vinh. Thấy các đoàn về, ông khấp khởi mừng. Trong các cuộc nói chuyện, ông Đắc đã mở lời: Tôi rất muốn giữ lại nếp nhà xưa của ông bà tổ tiên, nhưng giờ không có khả năng nên rất mong nhà nước nếu có điều kiện thì giúp chúng tôi. Nhưng hy vọng đã chuyển thành thất vọng khi chính quyền Bao Vinh và Huế không thể hỗ trợ gì cho ông trong việc sửa chữa căn nhà.

Để cho người dân tự mình xoay sở với nhà cổ Bao Vinh đồng nghĩa với việc nhìn những công trình cổ hàng trăm năm tuổi lần lượt bị mất đi và kéo theo đó là cả bản sắc của vùng thương cảng xưa kia.

Kết quả của cuộc khảo sát vào năm 1991 cho thấy Bao Vinh còn lại 39 căn nhà cổ. Nhưng điều kiện những căn nhà này như ngọn đèn trước gió. Chúng đều rệu rạo sau nhiều trận lũ, bão lớn nhưng chỉ được gia cố bằng cách chắp vá tạm bợ. Cuối những năm 1990 là thời điểm các ngôi nhà cổ ở Bao Vinh “rơi rụng” nhiều nhất. Nguyên nhân một phần là do đói nghèo nên người dân tự gỡ nhà mình rồi “khi thì bán bộ cửa, khi các bộ phận khác trong nhà. Dần dần họ bán nguyên căn” – một người ở đây kể lại. Nguyên nhân khác, đó là nhà cổ ở Bao Vinh không phải là một kiến trúc tiện nghi với đời sống hiện đại. Các công trình này vốn dựa trên mẫu nhà rường Huế, theo các nhà nghiên cứu, hợp để tiếp khách và thờ tự hơn là để ở. Duy trì căn nhà cũng hết sức tốn kém. Được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, chịu ảnh hưởng của khí hậu nóng ẩm, mưa lũ triền miên ở Huế, nhà cổ Bao Vinh đòi hỏi phải chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên để chống mối mọt.

Để cho người dân tự mình xoay sở với nhà cổ Bao Vinh đồng nghĩa với việc nhìn những công trình cổ hàng trăm năm tuổi lần lượt bị mất đi và kéo theo đó là cả bản sắc của vùng thương cảng xưa kia. Kể cả những người dân tâm huyết nhất với việc giữ lại, họ cũng không thể bảo tồn theo đúng nghĩa. Vật liệu sửa nhà không chỉ đắt đỏ mà còn khó kiếm và công thợ cao do những nghệ nhân làm nhà rường đã dần mai một. Chính ông Đắc cũng không tìm mua nổi gỗ để sửa nhà, dù đã đi nhiều nơi, nghe nơi nào có bán gỗ làm nhà rường là ông tìm đến. Mái nhà rường được lợp bằng ngói liệt – một loại ngói hình chữ nhật mỏng, phẳng và rất nhẹ nhưng ông cũng không có nguồn mua, đành phải dỡ hết ngói cũ và dùng ngói móc thông dụng (loại ngói có mấu để móc vào hàng kèo mái). Cuối cùng, căn nhà rường của ông Đắc từ 200m2 giờ chỉ còn khoảng 30m2, với phần nhà rường phía trước là giữ lại. Phần phía sau ông đã tháo dỡ lúc gia cảnh khó khăn và giờ dựng lên một căn bằng bê tông để tiện cho gia đình ăn ở, sinh hoạt.

Theo báo cáo năm 2014 của Ủy ban Nhân dân thị xã Hương Trà, Huế, Bao Vinh chỉ còn lại 15 ngôi nhà cổ nằm lọt thỏm giữa các ngôi nhà cao tầng. Về mặt “giấy tờ” thì Bao Vinh là khu phố cổ nhưng diện mạo thực tế của nó đã bị hiện đại hóa nhiều phần.

Hình ảnh Bao Vinh một thời tấp nập ghe thuyền của các thương nhân đến mua bán, trao đổi hàng hóa. (Ảnh tư liệu chụp lại)

Nỗ lực bảo tồn dai dẳng và tuyệt vọng

Không phải UBND Thừa Thiên Huế đứng ngoài cuộc trước sự mất mát của Bao Vinh. Như đã nói ở trên, tỉnh này đã thực hiện cuộc khảo sát năm 1991 và nhiều cuộc trước đó để đánh giá hiện trạng và có phương án quy hoạch nhằm giữ lại khu phố cổ này. Ngoài ra, trong quyết định phê duyệt điều chỉnh chung thành phố Huế đến năm 2020 do Thủ tướng Phan Văn Khải kí vào ngày 10/8/1999, khu phố cổ Bao Vinh được liệt vào khu vực II – có thể được hiểu như một “vùng lõi” di tích lịch sử cần được bảo vệ.

Tuy nhiên, từ hành động đánh giá trên giấy tờ đến việc thực thi ngoài thực tế quá muộn màng. Mãi đến năm 2003, khi các ngôi nhà cổ đã biến mất gần một nửa, UBND Thừa Thiên Huế mới ban hành quyết định triển khai quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh. Trong quyết định này, họ đưa ra quy hoạch chi tiết toàn bộ khu phố cổ Bao Vinh với diện tích 8 ha. Theo đó, ai muốn sửa chữa nhà cổ đều phải làm đơn xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Nói cách khác, một khi đã có quy hoạch chi tiết Bao Vinh như một di tích, di sản thì người dân không có quyền tự quyết với ngôi nhà của mình nữa.

Có thể quy định này là cần thiết để bảo tồn nguyên trạng khu phố cổ nhưng vấn đề nảy sinh khi “sự cứng rắn” này kéo dài đến tận…20 năm. Từ năm 2003 đến nay, chính quyền Thừa Thiên Huế vẫn chưa xây dựng gì theo quy hoạch này. Còn người dân Bao Vinh thì không đủ kiên nhẫn để xoay sở mãi trong vòng kim cô: vừa chịu đựng sống trong ngôi nhà ngày một tàn tạ hỏng hóc, vừa mòn mỏi chờ đợi các cấp phê duyệt để sửa chữa nó.

“Xin thay mái ngói để sống qua mùa mưa mà cũng phải chờ đợi rất lâu” – Anh Nguyễn Ngọc Thương (37 tuổi), là một trong những thế hệ trẻ tiếp nối căn nhà cổ từ bố mình, nói. Để thay được mái ngói bị dột đó, anh phải mất một tháng kể từ lúc làm đơn cho đến khi nhận được sự đồng ý của chính quyền. Nhưng không phải ai cũng may mắn được đồng ý sửa chữa như vậy. Ông Nguyễn Ngọc Vân (74 tuổi), sống trong ngôi nhà tứ giác tiền thân là ki-ốt thời Pháp đang phải chịu cảnh tường nghiêng lún, nứt nẻ, sàn nhà xuống cấp nhưng sau khi làm đơn xin sửa chữa, qua nhiều năm chỉ nhận được câu trả lời từ phường là: Phải chờ. Mấy lần lên phường hỏi không có kết quả, ông đành để vậy. Cứ đến mùa mưa lũ, gia đình ông phải di tản đi nơi khác. Ông sợ nước về căn nhà đổ ụp xuống sông lúc nào không hay.

Năm 2018, trong một buổi tiếp xúc cử tri tại xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã hứa với người dân phố cổ Bao Vinh “sẽ trao đổi với lãnh đạo tỉnh xem có giải pháp gì để bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ ở Bao Vinh. Về phía Bộ, sẽ nghiên cứu xem có nguồn kinh phí nào phù hợp cho vấn đề này”.

Những kết cấu của tường, đòn tay, mái ngói xuống cấp nghiêm trọng.

Có tiền cũng không cần?

Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành một đề án bảo tồn Bao Vinh với nguồn kinh phí 10 tỷ đồng. Ở Bao Vinh ngoài 15 ngôi nhà cổ trong thống kê vào năm 2014 được xếp loại I – các ngôi nhà hầu như còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc, cảnh quan, chưa sửa chữa lớn, còn có 6 nhà loại II – các ngôi nhà đã bị sửa xen lẫn nét hiện đại nhưng vẫn giữ được đặc trưng kiến trúc cũ.  Các ngôi nhà này sẽ được đầu tư trùng tu. Các nhà nằm mép bờ sông Hương không thuộc hai loại trên sẽ được di dời, định cư nơi ở mới.

Với đề án này, các ngôi nhà cổ được trùng tu sẽ đón khách tham quan; bến đò Bao Vinh chỉnh trang lại sẽ mang đến một diện mạo mới. Những người ra đề án đang vạch kế hoạch sẽ nắn một con đường để hạn chế xe cộ qua lại vùng lõi của khu phố cổ. Và, họ hy vọng nơi đây sẽ mở được một tuyến phố đi bộ hấp dẫn du khách.

Người dân hầu như không mặn mà với những gì đề án này hứa hẹn. Sự bức bối của quy hoạch năm 2003 khiến họ cảnh giác, e rằng đề án này cũng chỉ là một vòng kim cô mới. Nhiều người không muốn ngôi nhà của mình đang ở sẽ bị ràng buộc nào đó về mặt pháp lí.

Ông Lê Quang Chất (76 tuổi) là một trong những người từng nhận được sự hỗ trợ trong một dự án hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Thượng viện Pháp để trùng tu ngôi nhà của mình. Số tiền lúc đó, theo ông nhớ là khoảng 150 triệu đồng. Khi đồng ý nhận hỗ trợ để trùng tu, ông Chất đã nói thẳng “nếu trùng tu mà không kèm một điều kiện gì thì tôi đồng ý”. “Ngôi nhà là tài sản của mình, họ bỏ vào chút ít để trùng tu, rồi ra điều kiện phải thế này thế khác thì ai mà chịu. Thà chấp nhận nhà xuống cấp, dột nát”, ông Chất nói thêm.

Cùng quan điểm với ông Chất, ông Đắc chia sẻ: “Bảo tồn là cái quý, nhưng trong cái bảo tồn đó phải như thế nào. Có thích hợp, hài hòa không. Bảo tồn mà gây ức chế cho người ta quá thì ai mà chịu”. Ông cũng khẳng định luôn, bây giờ chính quyền có hỗ trợ để sửa, trùng tu nhà thì gia đình cũng không đồng ý, bởi lý do khi cấp thiết nhất ông đã cầu cứu và bị ngó lơ. Bây giờ qua giai đoạn đó rồi thì ông không cần ai quan tâm nữa. “Kể từ nay trở đi, nói hỗ trợ tiền mà để sửa chữa ngôi nhà này là đừng bao giờ nhắc đến tôi nữa”.

Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành một đề án bảo tồn Bao Vinh với nguồn kinh phí 10 tỷ đồng. Với đề án này, các ngôi nhà cổ được trùng tu sẽ đón khách tham quan. Người dân hầu như không mặn mà gì với những gì đề án này hứa hẹn. Nhiều người không muốn ngôi nhà của mình đang ở sẽ bị ràng buộc nào đó về mặt pháp lí.

Nhiều người cũng không muốn khi nhận tiền sửa chữa nhà xong thì bắt buộc phải luôn mở cửa đón khách, các đoàn tham quan. “Cứ bỏ vào ít tiền sửa nhà, rồi mai sau cứ hễ có việc gì lại gọi điện báo, có đoàn này về, đoàn kia về mở cửa tiếp đón giúp, ràng buộc vậy ai mà chịu được. Cứ như hiện tại, mình thích thì cho vào, còn không thì thôi”.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, nếu muốn người dân cùng hợp tác với chính quyền trong việc bảo tồn, trùng tu nhà cổ thì phải cam kết thêm quyền lợi cho dân.

Những ngôi nhà rường cổ nằm xen lẫn bên cạnh các ngôi nhà với kiến trúc hiện đại. Bao Vinh bây giờ là một sự lộn xộn giữa kiến trúc mới và cũ.

Theo ông Hằng, trùng tu, bảo tồn xong mà làm du lịch thì người dân trong những bối cảnh này không phải là người làm dịch vụ. Việc khai thác du lịch thì sẽ có một công ty, đơn vị đứng ra làm.

“Tôi ví dụ, một nhà có đoàn khách vào thăm quan, chỉ cần chủ nhà pha mời ly nước chè, nước trà thì một du khách như vậy chủ nhà có 10 nghìn đồng. Một tháng mà gia đình đó đón 10 khách, thì cuối tháng công ty du lịch bắt buộc phải trả cho họ 100 nghìn đồng. Phải làm như vậy, khi đó họ có quyền lợi, chứ tự dưng ngôi nhà vậy mà khách cứ ưa vào là vào, ưa ra thì ra, ai mà chấp nhận. Quyền lợi không có mà đòi hỏi họ phải có trách nhiệm, ai mà chịu”, ông Trần Đình Hằng góp ý.□

—–

Phố cổ Bao Vinh luôn xuất hiện trên mạng xã hội với các hình ảnh lung linh, mê hoặc. Nhưng, thực tế bên ngoài nó hoàn toàn ngược lại: đường sá lồi lõm đóng vũng mỗi khi mưa; bến nước đầy rác thải sinh hoạt, nhếch nhác. Lâu lâu có một vài đoàn du khách Tây đi dọc tuyến đường ngó nghiêng, chụp hình rồi lại quay trở về trung tâm thành phố.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)