Mẹ mong gả thiếp về vườn

Miệt Vườn,  theo Sơn Nam trong cuốn “Văn Minh miệt vườn”, là danh từ  “gọi tổng quát những vùng đất cao ráo, có vườn cam, vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ”.  

Quê mẹ  tôi cũng là xứ vườn, nhưng không ở đồng bằng sông Cửu Long, mà ven một con sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Đó là một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn, gọi là sông Búng. Chợ ven sông gọi là chợ Búng. Theo ông bà già xưa nói thì vùng đất đó thấp, nước ngầm “búng” lên, nên kêu là Búng. Chứ không phải “bún”, mặc dù chợ quả thực có bán “bún” rất ngon. 

Dọc theo sông Búng một đoạn là đường 13 cũ, cách chợ Búng vài trăm thước có cầu Bà Hai bắc qua một con rạch tẽ ra từ sông Búng. Con đường dọc theo con rạch đi chừng vài trăm thước thì gặp một con suối (nay đã biến thành cống xả, nhưng đó là chuyện sẽ ở chỗ khác. Tôi đang nhớ về quê tôi thuở là xứ vườn, chứ chưa thành khu công nghiệp).

Con suối này cùng nhiều con suối khác dẫn nước từ trên “gò” xuống, góp phần nuôi dòng chảy sông Sài Gòn. Khi cư dân hai bên bờ suối lập vườn, họ phải khai mương. Hệ thống mương vườn gồm những mương cái cắt vào con suối và những mương con với bề rộng và chiều sâu khác nhau cắt ngang cắt dọc đất vườn thành từng vạt khoảng ngàn thước vuông, được thiết kế tài tình sao cho nước mương lưu thông theo thủy triều của sông Sài Gòn. Khi triều cường, nước sông Sài Gòn đẩy ngược nước suối vô mương vườn. Nước mương mấp mé bờ thì người ta chặn cửa mương lại. Nước sông và phù sa tôm cá ở lại trong mương. Phù sa lắng xuống, tôm cá kiếm những hốc, hố, đìa dưới đáy mương ẩn trú. Thủy triều xuống, người ta nhả nước mương ra suối ra sông, hay cầm nước lại tùy nhu cầu tưới tiêu, tùy mùa khô mùa mưa.

Bảo trì hệ thống mương này là việc quan trọng nhất ở xứ vườn. Phải thường xuyên vét mương, đắp lớp bùn lên gốc cây như một thứ phân bón tự nhiên, đồng thời nâng đất vườn lên theo năm tháng để có được nền đất cao ráo. Và bởi vì ở xứ vườn, vườn nhà này tiếp vườn nhà kia, mương vườn này nối với mương vườn nọ, nước thì chảy theo qui luật của nó. Nếu đoạn mương nào bị trục trặc, không được vét hay bị bịt lại chẳng hạn, cả hệ thống bị ảnh hưởng. Người làm vườn và người sống ở xứ vườn tự động liên kết với nhau, như những thanh tre kết chung một bè, không thể chỉ biết có mình, không thể sống mà không biết tới hàng xóm. Vì vậy căn bản của văn minh xứ vườn là sống hài hòa với thiên nhiên và thuận thảo với xóm giềng.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, theo Sơn Nam thì “kỹ thuật làm vườn khá tinh vi mà người Miên không biết, mà người miền Trung thiếu hoàn cảnh để áp dụng. Giữa hai mương là liếp đất cao, mương đào càng sâu, càng rộng thì đất quăng lên bồi liếp càng nhiều. Nước lớn chảy vào, mang phù sa theo. Phù sa lắng xuống, ở lại đáy mương. Khi nước ngoài sông đã ròng thì nước trong mương rút trở ra; chuyển vào là nước đục, chuyển ra là nước trong. Mớ phù sa dưới mương được quăng lên liếp để đắp gốc cây, người làm vườn không cần mua phân bón”. Không biết bản quyền kỹ thuật khai mương lập vườn này thuộc về miền Đông hay miền Tây. Chắc chắn người làm vườn ở cả hai miền đã hào phóng chia sẻ tri thức và kinh nghiệm với nhau.

Sự thông thương giữa miệt vườn miền Tây và miền Đông khá dễ dàng và có từ lâu. Những lu hũ chum vại sản xuất ở lò gốm làng tôi từ chợ Búng xuống ghe cập bến sông Búng rồi ra sông Sài Gòn rồi theo những đường kênh rạch chằng chịt tỏa vào những nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long. Hồi nhỏ tôi tưởng sông Tiền sông Hậu chắc đâu đó bên kia vườn măng cụt và vườn sầu riêng, vì ít lâu lại thấy người chèo ghe từ Châu Đốc chở mấy hũ mắm lóc mắm sặc lên bán ở chợ Búng.

Cây trái trong vườn miền Đông và vườn miền Tây cũng thể hiện rõ sự giao lưu giữa hai miền. Như quê  tôi ngày xưa nổi tiếng nhờ những vườn cau, măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ, bòn bon, chôm chôm. Trái cây miền Tây nổi tiếng nhờ cam, quít, nhãn, xoài, dừa… Dần dần sầu riêng tiến về miền Tây, xoài tiến lên miền Đông, chôm chôm, nhãn mọc khắp nơi. Vườn trồng thuần một loại cây có vẻ có lợi về kinh tế hơn. Người sống bằng vườn dám đốn hết vườn tạp để trồng toàn nhãn khi nhãn được giá, hay trồng toàn thanh long khi trái này có triển vọng xuất khuất qua Âu Mỹ. Vườn thuần có thể đem lại lợi nhuận cao nếu được mùa được giá. Mảnh vườn trong trường hợp đó cũng giống như miếng ruộng trồng lúa, là phương tiện sản xuất, sử dụng như thế nào đem lại huê lợi cao nhất thì người ta làm. Đôi khi cái lợi gần khiến người ta không nhìn thấy, hay bất chấp cái họa còn xa, như biến ruộng lúa thành đầm nuôi tôm chẳng hạn. Nhưng nói chung làm vườn, về mặt kinh tế, khá hơn làm ruộng. Nhà có vườn, dẫu không khá giả cũng có căn cơ, nề nếp, vì vườn không phải được tạo lập trong năm bảy tháng, hay một hai năm. Thường thì phải vài ba thế hệ vét mương bồi liếp.

Một gia đình khá giả ở xứ vườn thường duy trì cùng lúc hai loại vườn: vườn kinh tế, trồng thuần một loại cây đang được giá trên thị trường, với giống mới (lai hay được điều chỉnh gene) để có phẩm chất đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là nguồn thu nhập chủ lực. Vườn quanh nhà thường là vườn tạp, với vườn kiểng ở sân trước, bụi chuối sau hè,  vườn rau cạnh giàn bếp, vài cây bưởi cây chanh, một cây vú sữa hay mít, đôi ba cây xoài, năm bảy cây dừa, còn cóc, ổi, mận … mỗi thứ một cây. Những cây này thường là giống “xưa”, phẩm chất đặc biệt nhưng có thể không phù hợp thị trường, chẳng hạn cây ổi sẻ trái nhỏ xíu nhưng đặc biệt thơm và ngọt khi chín. Những thứ giống “xưa” ấy thường để trong nhà dùng, làm quà cho con cháu, bà con, lối xóm, chứ ít khi bán, đằng nào cũng khó cạnh tranh với giống “mới”.

Làm vườn cũng vất vả lắm. Tôi nhớ bà ngoại tôi bận bịu từ tinh mơ cho tới tối mịt. Mùa trái chín phải canh chừng rồi kêu mối lái đến hái bán. Có khi tự bà đem trái cây trong vườn ra chợ bán. Mùa khác phải dưỡng cây, vun bón, trừ sâu bệnh… Nhưng không đến nỗi nhọc nhằn như làm ruộng. Cây trồng một lần rồi cho huê lợi hằng năm trong nhiều năm. Nếu không có mười một người con như bà ngoại tôi và sống trong thời chiến (con trai lớn lên đều đi lính) thì đời sống ở vườn của phụ nữ được coi là thong dong nhàn hạ. Thong dong chứ không hẳn giàu có. Nhờ rộng rãi thời giờ, và không đến nỗi khan hiếm vật chất, người xứ vườn chú trọng đời sống lễ nghĩa và đời sống tinh thần, nâng cuộc sống lên mức thưởng ngoạn, chứ không chỉ là mưu sinh. Thậm chí phụ nữ biến nữ công, từ thêu thùa đến nấu nướng, thành nghệ thuật, để thi thố trong những giỗ chạp, tiệc tùng, hay trong các cuộc “đấu xảo”, hội chợ. Trong cuốn Văn Minh Miệt Vườn  Sơn Nam coi  xứ vườn  “tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Cho nên “mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”. Thanh tao hơn những số phận “gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. 

Tác giả