“Mong manh hoa tuyết”: Chao ôi nhớ mãi hoa đào năm nao!

Tháng 10 năm 1944, Tanizaki Junichiro viết mấy vần thơ ấy trong tập nhật ký của mình. Trong bản gốc tiếng Nhật, động từ “đứng” (tachisi) được dùng ở thì quá khứ thay vì hiện tại – như gợi ý một niềm cảm hoài không thể giấu giếm.

Dưới mái hiên rực lửa,

của tán anh đào rủ,

có hai chị em gái

đứng kề sát hai vai.

Tháng 10 năm 1944, Tanizaki Junichiro viết mấy vần thơ ấy trong tập nhật ký của mình. Trong bản gốc tiếng Nhật, động từ “đứng” (tachisi) được dùng ở thì quá khứ thay vì hiện tại – như gợi ý một niềm cảm hoài không thể giấu giếm. Đó cũng là khoảng thời gian ông đang viết tập hai của cuốn tiểu thuyết Sasame-yuki – Mong manh hoa tuyết. Bản dịch tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết này có một cái tên giản dị hơn, theo đúng phong cách đặt tên cho nhiều tác phẩm Tây phương cổ điển kiểu Oliver Twist, Jane Eyre, Anh em nhà Karamazov,Chị em nhà Makioka, một cái tên không tồi, nhưng như một tấm nylon mỏng căng cứng phủ lên những đóa anh đào trong gió vậy. Và, nói thêm rằng, thời điểm Tanizaki Junichiro viết Mong manh hoa tuyết cũng là những khoảnh khắc dương quang cuối cùng còn sót lại trước khi nước Nhật hoàn toàn bại trận trong Thế Chiến thứ hai và bị phủ lên bóng đêm hậu chiến rầu rĩ và âm u, tàn tạ và vô vọng.

Dù là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tanizaki, Mong manh hoa tuyết lại không hề Tanizaki một chút nào. Có lẽ bộ phim chuyển thể mà Kon Ichikawa dựng lên sau này còn sát hơn với Tanizaki mà ta biết – Tanizaki của những áng văn ăn chơi trác táng, suy đồi vô luân và ngọn lửa dục vọng bừng bừng, Tanizaki coi đạo đức chỉ là một tờ giấy lộn đáng vứt vào sọt rác, Tanizaki mà đến cả thời đại này đọc lại cũng còn phải choáng váng vì trí tưởng tượng đạt đến độ biến thái nơi ông, Tanizaki với tác phẩm Tình khờ mà có người nói so với nó, Lolita của Nabokov chỉ là một hiện tượng được thổi phồng.

Nhà văn Jun’ichirō Tanizaki. Nguồn: NYT

Mong manh hoa tuyết thì khác. Như cái tên, không giật gân, không mưu chước, không vờn bắt, nó đơn giản chỉ là một trận mưa hoa – đẹp trong sự tan tác và tàn lụi. Sau khi người cha qua đời, gia đình Makioka danh môn một thời nay ngày càng sa sút, để lại bốn cô con gái loay hoay giữa nếp nhà và thời cuộc, giữa phẩm giá và hạnh phúc, giữa khứ niệm và hiện tại. Phần lớn thời gian, câu chuyện diễn ra chậm rãi như một người đàn bà trong tà áo kimono nhón bước đi trên đôi guốc gỗ, ngay cả khi sự biến xảy ra người đàn bà đài các ấy cũng không thể chạy mà chỉ có thể lết quết tiến về phía trước, nhưng, trong nét thư thả thanh tao ấy đã vương nỗi âm ỉ chông chênh; hoặc là, nó gợi nhắc ta về những thước phim cuối cùng u nhã song đã thấm màu đen tối và bi kịch của Yasujiro Ozu vậy.

Thế giới bên ngoài với cuộc chiến tranh đang đến hồi leo thang có thấp thoáng trên những tờ báo, những cuộc hội thoại và trong những lá thư gửi từ bạn bè ngoại quốc, nhưng mối bận tâm chính của bốn chị em nhà Makioka vẫn giữ thói thản nhiên của những qu‎ý tộc muốn lờ đi sự thật rằng thời đại của họ đã chấm dứt. Họ băn khoăn tìm một tấm chồng cho cô chị ba Yukiko nay đã quá tuổi xuân thì, hào hứng tổ chức một buổi biểu diễn múa truyền thống Osaka, lo lắng cho một vết nám trên mặt cô em gái, phấn khởi xếp lịch đi thưởng anh đào nở muộn ở Omuro, thong dong đi ngắm núi Phú Sĩ và hồ Kawaguchi cho một buổi trăng mật lần hai, còn khi quyết liệt, thì họ chỉ quyết liệt cản ngăn một cuộc tình không môn đăng hộ đối.

Có lẽ Tanizaki đang viết lời ai điếu cho sự cùng tận của một thời đại, một thời đại nơi những cô tiểu thư danh gia vọng tộc còn có thể đắm mình một cách thơ ngây vào những thứ rất mực phù phiếm như hoa mơ trân châu và danh dự gia đình và những con búp bê và cả tình yêu nữa, không biết rằng rồi sẽ có một ngày sẽ không còn gì nữa ngoài lối xưa, xe ngựa, hồn thu thảo, nền cũ, lầu đài, bóng tịch dương.

Yukiko trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể của Kon Ichikawa được thêm thắt để hé lộ nội tâm phản kháng ngay từ cảnh đầu tiên khi cô tròn môi ăn như một geisha. Nhưng Yukiko trong nguyên tác thì ẩn mình kỹ càng như loài chồn tanuki trong folklore (văn hóa dân gian) Nhật Bản, chỉ hiện nguyên hình vào những dòng sau chót, khi cô mặt ủ mày chau nhìn bộ đồ cưới mà cô ước sao không phải của mình. Đến lúc này, ta mới ngờ ngợ phải chăng vết nám thoắt ẩn thoắt hiện dưới đôi mắt Yukiko cũng giống như vết bớt màu đen trên ngực vị sư phụ trà đạo Chikako trong Ngàn cánh hạc của Kawabata? Nếu vết bớt của Chikako không chỉ là sự phát ban sinh học mà còn là nọc độc của sự cay nghiệt thì vết nám của Yukiko cũng không chỉ dừng lại là sự nổi loạn của những hắc sắc tố mà còn là sự nổi loạn của bản ngã.

Khác với hai người chị lớn, cả Taeko và Yukiko đều có những hoạt cảnh “biến hình”, như khi Taeko nằm trên giường bệnh và khi Yukiko thấy chiếc kimono cưới đặt trong gian bếp. Họ làm tôi nghĩ đến yokai, những sinh vật siêu nhiên bí ẩn có khả năng hóa người, nhưng nếu tạm so Taeko như loài hồ ly tinh kitsune hủy hoại những người đàn ông dây dưa với mình, thì Yukiko là loài chồn tanuki vậy. Kitsune có 7 hóa trang, nhưng tanuki thì có 8 – một thành ngữ để nói về vượt trội của loài tanuki so với kitsune, hay ở đây, Yukiko so với Taeko. Yukiko giấu mình kín đáo đến kinh ngạc. Và không giống như loài hồ ly biến hóa để hớp hồn người. tanuki biến hóa để khiến con người trở thành trò lỡm, kiểu như căn bệnh tiêu chảy của Yukiko đúng ngày vu quy là sự phá bĩnh cuối cùng đối với kỳ vọng của quá khứ.

Đến đây, lại xin nói về nghệ thuật chuyển thể. Kon Ichikawa khi dựng Mong manh hoa tuyết đã cố tình xáo trộn nội dung để “điện ảnh hóa” nỗi lòng Yukiko bằng cách tạo ra một cuộc tình loạn luân giữa Yukiko và người anh rể Teinosuke – một nhân vật trung dung, tử tế, sốt sắng thương em trong tiểu thuyết gốc. Sự phóng tác ấy là một sự liều lĩnh, bởi việc thêm thắt tình tiết gây sốc qua tay một đạo diễn tầm thường sẽ chỉ trở thành một chiêu trò bèo bọt phản cảm rẻ rúng (như ta đã thấy nhiều lắm rồi). Nhưng Kon Ichikawa chưa bao giờ là một đạo diễn tầm thường. Và qua tay ông, cuộc tình giữa Yukiko và Teinosuke thậm chí nắm bắt trọn vẹn niềm hoài cố khôn nguôi của Tanizaki về một Nhật Bản dẫu còn đây nhưng đã xa khơi. Đó là cảnh cuối khi Yukiko đi lấy chồng, Teinosuke một mình bước vào quán rượu nhìn ra khung cửa tuyết trắng rơi, và khi nhìn thật sâu vào những bông tuyết đang lả tả, anh nhớ về mùa xuân năm ngoái, dưới tán anh đào hồng rực, bốn chị em gái nhà Makioka đi ngắm hoa – một lớp sương mờ dâng lên và gương mặt xinh đẹp của họ như đến từ một cõi nào khác: tinh khôi, bí ẩn, cuốn ta vào nhưng ta không thể nào với tới, bởi, tất cả, đã qua rồi.

“Dẫu cho ngày tháng phôi pha / Chao ôi nhớ mãi hoa đào năm nao!”

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)