Montserrat Caballé – Một tượng đài opera

Với cá tính nổi bật, sự đặc trưng trong khí chất mà thế hệ đi sau dường như không thể chạm tới, Montserrat Caballé là một trong những cái tên ưu tú của thế hệ nghệ sĩ danh tiếng trong nửa sau thế kỷ 20. Khi Caballé qua đời vào năm 2018, thế giới opera đã mất đi một tượng đài thực thụ.

Montserrat Caballé.

Chỉ một vài ca sĩ opera hiếm hoi có được sự nổi tiếng nhanh chóng như Caballé. Trước khi thế vai chính cho Marilyn Horne trong vở opera Lucrezia Borgia (Gaetano Donizetti) tại Carnegie Hall vào ngày 20/4/1965, cái tên Caballé hoàn toàn mờ nhạt, chỉ xuất hiện tại một vài nhà hát cấp tỉnh ở châu Âu. Nhưng sau đêm biểu diễn với những tràng pháo tay liên tiếp kéo dài suốt 25 phút, mọi thứ đều đã thay đổi. Đại diện các công ty thu âm lao đến phòng thay đồ để xin chữ ký của bà vào bản hợp đồng còn khán giả thì vẫn ngây ngất. Đã có những người quá khích: “Callas cộng với Tebaldi bằng Caballé”.

Sự cường điệu tuy lắng xuống nhưng sự nghiệp của Caballé đã thăng hoa kể từ giây phút đó và không bao giờ dừng lại.

Người thế vai xuất sắc

María de Montserrat Bibiana Concepción Caballé i Folch sinh ngày 12/4/1933 tại Barcelona trong bối cảnh Tây Ban Nha đang lâm vào nội chiến. Khi lên bốn tuổi, ngôi nhà của gia đình cô từng bị phá hủy vì bom đạn. Caballé sau này nhớ lại, có giai đoạn cô chỉ có duy nhất một chiếc váy và phải mặc nó đến trường trong nhiều ngày liền trước những lời chế giễu của bạn bè. Mặc dù nghèo đói nhưng cha mẹ cô là người yêu âm nhạc và sở hữu một số lượng đĩa hát đáng kể. Montserrat, cái tên được đặt theo Đức mẹ Montserrat, vị thánh bảo trợ thành Catalonia, đã bị mê hoặc ngay lập tức. Mẹ cô bé đã dạy con gái mình những bài học xướng âm đầu tiên. Ca sĩ yêu thích của cha cô, một nhà hóa học, là giọng tenor Miguel Fleta, họ thường nghe nhạc cùng nhau. Khi nghe những nốt cao nhẹ nhàng của Fleta, Montserrat mơ tưởng rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ được như vậy. Caballé hồi tưởng lại quãng thời gian này: “Bất chấp Nội chiến và thời kỳ hậu chiến khó khăn khi không thể biết ổ bánh mỳ tiếp theo đến từ đâu, cha mẹ tôi luôn vui vẻ và lạc quan”. Trong lần hiếm hoi được đến nhà hát Liceo lúc mới bảy tuổi, cô bé được chứng kiến màn hóa thân của danh ca Mercedes Capsir trong Madama Butterfly (Giacomo Puccini) và kể từ giây phút đó trong Montserrat dấy lên mơ ước trở thành ca sĩ opera. Khi trở về nhà, cô bé đã tự học aria Un bel di trong vở opera đó và hát cho gia đình mình nghe.

Mười ba tuổi, Montserrat nhập học tại Conservatorio del Liceo, ban đầu là piano, sau đó là thanh nhạc. Mẹ cô đã phải nâng độ tuổi của con gái mình lên mười lăm (độ tuổi thấp nhấp để có thể theo học tại đây). Cô học kiểm soát hơi thở với Eugenia Kemeny và học những vai diễn opera đầu tiên của mình từ giám đốc nhạc viện Napoleone Annovazi. Sau đó là những bài học với Cochita Badia. Nhờ được đào tạo bài bản, Caballé đã duy trì được sự nghiệp lâu dài mà chất lượng giọng hát của mình hầu như không bị suy giảm. Trong quá trình học, năm 16 tuổi, cha cô bị đổ bệnh, tình hình tài chính trong gia đình không cho phép Montserrat tiếp tục theo học. Cô đã mất một năm làm việc tại nhà máy khăn tay. Thật may mắn, gia đình Bertrands giàu có đồng ý tài trợ cho việc học âm nhạc của cô. Để đổi lại, Montserrat sau này sẽ phải đồng ý hát tại Liceo mỗi mùa. Năm 1953, cô tốt nghiệp nhạc viện với huy chương vàng và bắt đầu tìm kiếm cơ hội của mình tại Ý, cái nôi của nghệ thuật opera. Tuy nhiên mọi việc diễn ra hoàn toàn không suôn sẻ, Montserrat thất bại và có người khuyên cô nên từ bỏ ca hát, trở về quê nhà tìm kiếm một tấm chồng. Không nản lòng, cuối cùng Montserrat cũng được nhận vào hát tại Basel Opera, Thụy Sĩ, nơi cô ra mắt vào ngày 17/11/1956 trong Mimì (La bohème, Puccini), khi thay thế cho một giọng soprano khác. Trong hai năm tiếp theo, Montserrat đã hát trong nhiều vai diễn như Pamina (Die zauberflöte, Wolfgang Amadeus Mozart), Tosca (Tosca, Puccini), Salome (Salome, Richard Strauss)… Ngày 28/2/1959, cô ra mắt tại Vienna State Opera trong Donna Elvira (Don Giovanni, Mozart). Cũng trong năm này, cô chuyển đến làm việc tại Bremen Opera và ở lại đây cho đến năm 1962.

‘Giọng hát của Caballé trong tất cả vẻ đáng yêu thuần khiết của nó đã tỏa sáng lung linh trong khán phòng. Các nốt pianissimo tinh tế, màu sắc trang nhã của từng câu nhạc, những nốt cao lấp lánh luôn mang lại sự hài lòng cho đôi tai của khán giả” (nhà phê bình Raymond Ericson).

Trở về quê nhà vào năm 1962, Caballé có màn ra mắt tại Liceo với vai chính trong Arabella (Richard Strauss). Trong suốt cuộc đời mình, bà luôn quay trở lại đây biểu diễn, với số lượng lên đến khoảng hơn 200 buổi, đúng như lời cam kết trước đó. Bà cũng gặp giọng tenor Bernabé Martí khi họ hát cùng nhau trong Madama Butterfly và hai người kết hôn sau đó vào ngày 14/8/1964. Bất chấp việc từng xuất hiện tại hai nhà hát danh giá và Vienna State Opera và La Scala, thậm chí còn từng hát vai chính trong Salome (một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của bà), tên tuổi của Caballé vẫn còn rất mờ nhạt. Mọi việc chỉ thực sự thay đổi khi Horne mang thai và không thể tham gia buổi hòa nhạc vở opera Lucrezia Borgia tại Carnegie Hall vào ngày 20/4/1965. Caballé được mời thay thế. Bà đã học vai diễn mới này trong mười ngày và có một tuần để tập luyện cùng dàn nhạc. Không ai trông chờ vào một người thế vai ở phút chót. Tuy nhiên, Caballé đã khiến tất cả phải choáng ngợp. Màn trình diễn siêu hạng của bà đã khiến khán giả vỗ tay trong suốt 25 phút. Bà đã trở thành ngôi sao mang tầm vóc quốc tế chỉ sau một đêm. Raymond Ericson đã nhận xét trên New York Times: “Cô Caballé đã hát khúc romanza đầu tiên của mình, một aria điển hình của Donizetti với một giọng hát nhỏ đầy màu sắc, rõ ràng đây là một ca sĩ không chỉ có giọng hát trong trẻo tuyệt vời mà còn sở hữu một phong cách thanh nhạc xuất sắc. Không có gì ngạc nhiên khi ngay từ đầu vở opera, khán giả đã dừng buổi biểu diễn trong năm phút với những tràng pháo tay và cổ vũ nồng nhiệt… Giọng hát khá đẹp một cách ám ảnh, với âm sắc bóng bẩy sẫm màu gần giống như tiếng đàn viola”. Còn John Gruen viết trên New York Herald Tribune: “Khi Caballé bắt đầu aria đầu tiên, có một thay đổi dễ nhận thấy trong bầu không khí. Dường như mọi người đã không thở trong giây lát”.

Bà hoàng của opera

RCA Victor đã nhanh chóng giành được hợp đồng ghi âm với Caballé. Bất chấp việc bà hầu như không hát opera bel canto trước đó, thành công trong Lucrezia Borgia đã mặc định mác tên tuổi Caballé với thể loại opera này. Bà đã ngay lập tức thu âm đĩa nhạc với các trích đoạn của Bellini và Donizetti, sau đó là Verdi và trọn bộ Lucrezia Borgia cùng Alfredo Kraus và Shirley Verrett. Những lời mời biểu diễn cũng tới tấp đến với Caballé.

Montserrat Caballé cùng ca sĩ Freddie Mercury (trái) và George Michael.

Caballé đã có màn ra mắt tại liên hoan Glyndebourne với Rosina (Le nozze de Figaro, Mozart) và lần đầu hát Marschallin (Der rosenkavalier, Richard Strauss). Bà đã khiến nhạc trưởng John Prtichard hoảng hồn vì đến muộn một tuần và hoàn toàn chưa hề biết một nốt nhạc nào cho vai Marschallin. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tuần lễ, mọi việc diễn ra tốt đẹp và đêm diễn đã rất suôn sẻ. Ngày 22/12/1965, Caballé ra mắt khán giả Metropolitan Opera trong Marguerite (Faust, Charles Gounod) dưới sự chỉ huy của Georges Prêtre. Đó cũng là đêm biểu diễn đầu tiên của Sherrill Milnes. Ericson tiếp tục có những bình luận: “Giọng hát của Caballé, với tất cả vẻ đáng yêu thuần khiết của nó, đã tỏa sáng lung linh trong khán phòng. Các nốt pianissimo tinh tế, màu sắc trang nhã của từng câu nhạc, những nốt cao lấp lánh luôn mang lại sự hài lòng cho đôi tai của khán giả”.

So với những soprano đình đám cùng thời kỳ, có lẽ Caballé là ca sĩ có kịch mục đa dạng nhất, lên đến gần 100 vai diễn. Caballé cảm thấy thoải mái với âm nhạc thế kỷ 18 của George Frideric Handel; các tác phẩm ít được dàn dựng của Antonio Salieri hay Gaspare Spontini; các vở opera Đức của Wagner và Richard Strauss; và cả các tác phẩm trong thế kỷ 20 như La fiamma của Ottorino Respighi. Bà cũng là một người cổ vũ tích cực cho việc truyền bá zarzuela (một thể loại âm nhạc có thể coi là opera của người Tây Ban Nha). Tất nhiên, bà vẫn gắn bó rất chặt chẽ với opera Ý, từ bel canto cho tới Verdi và verismo. Là một ngôi sao ở đẳng cấp cao nhất, không có gì ngạc nhiên khi Caballé luôn cộng tác với những nhạc trưởng và các danh ca hàng đầu khác. Trong đó những người bạn diễn thân thiết nhất của bà là những tenor đồng hương Plácido Domingo và Jose Carreras – người mà bà đã dìu dắt từ những ngày đầu ông khởi đầu sự nghiệp. Carreras luôn dành cho Caballé sự kính trọng sâu sắc.

Mặc dù trở nên nổi tiếng với một vở opera bel canto nhưng về bản chất, giọng hát của Caballé là trữ tình chứ không phải màu sắc. Bà không hề có những nốt cao chói lọi và những màn chạy nốt thể hiện kỹ thuật coloratura siêu đẳng như Beverly Sills hay Joan Sutherland nhưng bà vẫn thành công trong opera bel canto là nhờ vào sự linh hoạt trong giọng hát của mình, hầu như không gặp phải bất cứ khó khăn gì trong việc chuyển giọng từ thấp lên cao và ngược lại. Điểm đặc biệt của Caballé là khả năng điều khiển hơi thở tuyệt vời, giúp bà thể hiện có được khả năng legato vô tận với những nốt pianissimo nhẹ nhàng, thanh thoát, mong manh nhưng không bao giờ đứt đoạn. Bà cũng sở hữu một gu thẩm mĩ độc đáo, tinh tế giúp các màn thể hiện của mình trở nên khác biệt. Bất chấp với vẻ ngoài “ngoại cỡ”, Caballé hầu như không có diễn xuất đáng kể nào trên sân khấu nhưng chỉ với giọng hát thiên thần của mình, bà cũng có thể chinh phục ngay cả những vị khán giả khó tính nhất. Năm 1969, Caballé hát Elisabeth (Don Carlo, Verdi) tại Arena di Verona bên cạnh Plácido Domingo và Piero Cappuccilli. Bà đã phải trình diễn trên đôi nạng do bị thương ở chân trước đó và căn bệnh viêm tĩnh mạch thêm trầm trọng. Trong nốt Si ở lần xuất hiện cuối cùng của mình, bà đã kéo dài tới hơn 20 ô nhịp, khiến khán giả phấn khích tột độ. Đó là một trong điểm đặc trưng nhất trong giọng hát của Caballé mà hiếm có một ca sĩ nào có thể so sánh được. Thường được so sánh với Callas, và được chính Callas coi là người kế tục mình trong những vở opera bel canto tuy Caballé thiếu đi những khoảnh khắc bùng nổ và khả năng diễn xuất nhưng bù lại là một giọng hát với vẻ đẹp tuyệt vời và nền tảng kỹ thuật xuất sắc. Không nhiều ca sĩ vĩ đại được người hâm mộ đặt cho những biệt danh. Nếu như Callas là La Divina – Thiên thần, Sutherland là La Stupenda – Điều tuyệt diệu thì Caballé là La Superba – Vẻ lộng lẫy. Một sự tri ân xứng đáng dành cho soprano vĩ đại. Bản thân nhận xét về giọng hát của mình, Caballé cho biết: “Bạn thấy đấy, Chúa đã ban phước cho tôi, tôi không biết phải nói thế nào, một âm thanh tuyệt vời. Tôi cố gắng để hát trong Salome một cách phàm tục nhất nhưng nó vẫn bật ra một cách ngọt ngào. Bạn biết không, như một khuôn mặt đẹp, bạn có thể làm bất cứ điều gì với nó, nhưng nó vẫn cứ đẹp”.

“Bạn thấy đấy, Chúa đã ban phước cho tôi, tôi không biết phải nói thế nào, một âm thanh tuyệt vời. Tôi cố gắng để hát trong Salome một cách phàm tục nhất nhưng nó vẫn bật ra một cách ngọt ngào. Bạn biết không, như một khuôn mặt đẹp, bạn có thể làm bất cứ điều gì với nó, nhưng nó vẫn cứ đẹp”. (Montserrat Caballé)

Vượt khỏi biên giới cổ điển

Thập niên 1970 có lẽ là giai đoạn bận rộn nhất trong sự nghiệp của Caballé. Bà liên tục biểu diễn và thu âm. Ngày 24/2/1970, Caballé có được một vai chính thức đầu tiên tại La Scala và vẫn là trong Lucrezia Borgia. Ngày 23/2/1972, bà lần đầu ra mắt Covent Garden trong vai Violetta cùng với Nicolai Gedda và Peter Glossop. Buổi trình diễn mà chính Caballé đánh giá là tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình diễn ra tại sân khấu ngoài trời của liên hoan Orange, Pháp với vai chính trong Norma cùng với Jon Vickers vào năm 1974. Chương trình này đã được thu hình lại và phát hành trên DVD. Tháng 9/1974, bà phải trải qua một cuộc phẫu thuật để lấy khối u lành tính ra khỏi bụng và chỉ trở lại sân khấu vào đầu năm 1975.

Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Caballé cũng nổi tiếng về việc hủy bỏ lịch biểu diễn vào phút cuối hay bị chê trách vì có thái độ của một ngôi sao đỏng đảnh. Việc mời bà cộng tác thậm chí từng được ví như việc tham gia một canh bạc. Thậm chí đã có lần đang hát trên sân khấu, bà đã bỏ dở giữa chừng, đi vào trong cánh gà và rồi sau khoảng năm phút lại quay trở lại. Bào chữa cho việc này, bà giải thích: “Bạn chưa bao giờ nghe về những thành công rực rỡ. bạn luôn luôn nghe thấy những lần hủy bỏ – đó là vì những vụ phẫu thuật lớn. Đầu gối của tôi năm 1969, ung thư năm 1974, phẫu thuật thận vào năm 1976 và 1982. Tôi không hủy bỏ vì nóng tính. Tôi có tất cả bảy lần phẫu thuật. Tôi có khối u. Tôi có hai đứa con. Bạn không thể đứng dậy và hát một ngày ngay sau những điều đó”. Bất chấp những điều đó, khán giả vẫn luôn yêu quý Caballé và dành cho bà những tình cảm trìu mến nhất.

Năm 1987, một sự kiện diễn ra khiến tên tuổi của Caballé càng trở nên nổi tiếng, vượt ra khỏi biên giới của nhạc cổ điển. Freddie Mercury của ban nhạc Queen, một người rất hâm mộ Caballé, coi giọng hát của bà là “hay nhất thế giới”, đề nghị hợp tác với bà trong bài hát Barcelona và sau đó mở rộng thành một album, nhân dịp thế vận hội mùa hè sẽ được tổ chức tại thành phố quê hương Caballé vào năm 1992. Album trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, được William Livingstone nhận xét trên Stereo Review: “Sự kết hợp gần như chặt chẽ giữa rock và opera, tám bài hát thu hút những màn trình diễn nhiệt tình của cả hai ngôi sao”.

Spanish Opera Soprano Montserrat Caballé (Photo by Catherine Cabrol/Kipa/Sygma via Getty Images)

Sau sự qua đời của Mercury, Caballé dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động từ thiện, trở thành Đại sứ thiện chí của UNESCO và tổ chức một quỹ nhằm giúp trẻ em nghèo khó tại Barcelona. Chưa bao giờ tuyên bố nghỉ hưu, giọng hát của bà vẫn còn rất tuyệt vời khi bà đã ngoài 70 tuổi, khi những đồng nghiệp cùng thời hầu hết đã giã từ sự nghiệp. Caballé vẫn thêm vào danh mục biểu diễn của mình những vở opera mới như Cléopâtre (Jules Massenet) hay Henry VIII (Camille Saint-Saëns). Ngoài ra, bà vẫn hát trong các recital, chủ yếu là các bài hát Tây Ban Nha và trích đoạn zarzuela và opera. Bạn diễn của Caballé ban đầu là chồng mình và sau đó là cô con gái, cũng mang tên Montserrat. Trong cuộc đời mình, Caballé đã giành được vô số giải thưởng và danh hiệu nhưng bà trân trọng nhất giải Grand Prix dành cho đĩa nhạc zarzuela của mình: “Tôi đã nhận được nhiều giải thưởng, nhưng tôi tự hào nhất về những giải thưởng dành cho âm nhạc của đất nước tôi. Điều đó thực sự khiến tôi tràn ngập niềm vui”.

Bất chấp việc sức khỏe ngày càng trở nên xấu đi (ngày 10/12/2012 bà từng bị đột quỵ khi đang biểu diễn tại Yekaterinburg), Caballé vẫn tiếp tục các chương trình biểu diễn của mình. Tháng 9/2018, Caballé phải vào bệnh viện de Sant Pau, Barcelona vì vấn đề liên quan tới túi mật. Bà qua đời tại đây vào ngày 6/10/2018 ở tuổi 85. Nhà vua Tây Ban Nha đã ví Caballé là “người phụ nữ vĩ đại của opera, huyền thoại của văn hóa toàn cầu, người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất” và rằng “tính cách và giọng hát vô song của bà sẽ đi cùng chúng ta mãi mãi”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết “một đại sứ vĩ đại của đất nước chúng tôi đã qua đời”. Còn đồng nghiệp, người bạn diễn thân thiết Carreras thì chia sẻ: “Trong tất cả các soprano mà tôi đã nghe trực tiếp, tôi chưa bao giờ nghe thấy ai như Montserrat. Bà có thể làm mọi thứ từ những vở opera bel canto thuần túy nhất cho đến Tristan und Isolde và Wagner”.

Rất ít giọng ca có thể so sánh với bà, nó nổi tiếng nhẹ nhàng, lung linh, có độ trong suốt thanh tao và mềm mại không gì sánh được. Trong toàn bộ lịch sử thanh nhạc, chỉ duy nhất La Superba – Montserrat Caballé.□

Nguồn tham khảo

https://www.nytimes.com/2018/10/06/obituaries/montserrat-Caballé-dead.html

https://www.theguardian.com/music/2018/oct/07/montserrat-Caballé-obituary

https://www.independent.co.uk/news/obituaries/montserrat-Caballé-dead-opera-singer-freddie-mercury-dies-barcelona-queen-a8574131.html

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)