Một “bản đồ” nhỏ các chính điển Hi-La

Vấn đề khó khăn đối với chúng ta hiện nay khi đối diện kho kinh điển đồ sộ hàng ngàn năm của thế giới Hi-La là không có thời gian ôm đồm tất cả. Do vậy, chỉ có thể từ kho kinh điển (classics) ưu tiên chọn ra những chính điển (canon) không thể bỏ qua, nhất là trong những dự án dịch thuật khối tác phẩm này sang tiếng Việt, để dần dần có được một tủ sách kinh điển Hi-La tương đối cơ bản.


Một số tác phẩm kinh điển Hi-La đã được xuất bản ở Việt Nam: Iliad, Odyssey (Homer); Những cuộc chinh phạt của Alexandre đại đế (Arrian); Cộng hoà, Những ngày cuối đời của Socrates (Plato); Chính trị luận (Aristotle); Bàn về chính quyền (Cicero); Lịch sử chiến tranh Peloponnes (Thucydides).

Có thể nói rằng tất cả mọi thứ, từ chính trị, triết học, sử học, pháp luật, giáo dục, khoa học, toán học, nghệ thuật, kiến trúc, văn học, ngôn ngữ, và cả thể thao đều có gốc từ Hi Lạp cổ đại mà ra; đa số những ngôn ngữ châu Âu mang tính học thuật phần lớn cũng đều có gốc Hi Lạp và Latin. Chưa kể trong sách vở, báo chí và trên hiện trường chính trị ngày nay xuất hiện vô số những lối tu từ ‘điển tích’ lấy từ sử thi Homer, kịch nghệ và triết học Hi Lạp, văn chương Latin hay từ các hình mẫu như Caesar, Cirero, Hocare, Lucian, vv… mà nếu không đọc kinh điển Hi Lạp-La Mã (Greco-Roman) thì sẽ không thể nào hiểu sâu sắc được.

Cũng chỉ bằng cách thông qua những kinh điển Hi -La ta mới hiểu được tận gốc rễ những gì đã tạo thành nền tảng cho thế giới văn hóa phương Tây ngày nay. Hơn nữa, hiểu nền văn minh Hi-La cũng giúp ta nhìn ra sự song hành về phương thức tư tưởng và tôn giáo giữa những nền văn minh cổ đại Đông-Tây như triết gia Karl Jaspers đã nhìn ra và gọi là Thời Trục (Axial Age).

Vấn đề khó khăn đối với chúng ta hiện nay khi đối diện kho kinh điển đồ sộ hàng ngàn năm của thế giới Hi-La là không có thời gian ôm đồm tất cả. Do vậy, chỉ có thể từ kho kinh điển (classics) ưu tiên chọn ra những chính điển (canon) không thể bỏ qua, nhất là trong những dự án dịch thuật khối tác phẩm này sang tiếng Việt, để dần dần có được một tủ sách kinh điển Hi-La tương đối cơ bản.

Như vậy hẳn nhiên độc giả cần có một bản đồ nhỏ ‘trong lòng bàn tay’ về kinh điển hay chính điển Hi-La cần phải đọc. Dưới đây, để cho tiện, xin mượn cách phân loại sách kinh điển của Trung Hoa và Đông Á thành bốn bộ Kinh, Sử, Tử, Tập, áp dụng tương tự đối với kinh điển Hi-La.

KINH tức sách triết học, chính trị và đạo đức

Những tác phẩm Hi Lạp cổ đại của các triết gia bắt đầu từ thời tiền-Socrates như Heraclitus và Empedocles.

Môn đệ của Socrates là Plato (khoảng 427-347) sáng lập Trường Athena, tác phẩm có ảnh hưởng nhất của ông tới tư duy triết học, đạo đức và học thuyết chính trị là Cộng hòa (The Republic) viết vào khoảng năm 380 TCN. Tác phẩm Đối thoại (Dialogues) của Plato, viết theo thể đối thoại kiểu Socrates, cũng là những ghi chép duy nhất những lời dạy của Socrates.

Môn đệ của Plato là Aristotle (384-322 TCN), người sáng lập Trường Lyceum, thầy dạy của Alexander Đại đế, có tác phẩm bao gồm rất nhiều lĩnh vực. Ông đặt nền móng cho luận lí học và là ông tổ của Khoa học chính trị, cuốn Đạo đức học (Nichomachean Ethics/ hay Đạo đức học đề tặng Nichomachea) bàn về sự theo đuổi cái thiện tối hảo. Tác phẩm Chính trị luận (Politics) của ông có đóng góp quan trọng đối với khoa học chính trị, khảo sát những ‘hiến pháp’ của nhiều thành bang khác nhau của Hi Lạp, và liệt kê các loại chính quyền với những ưu điểm và nhược điểm.

Thời kì Hi Lạp hóa (Roman-era Greek), Đạo đức luận (Moralia) của học giả Hi Lạp Plutarch vào thế kỉ thứ nhất, gồm 78 luận văn và diễn thuyết, có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ châu Âu về sau (như Michel de Montaigne và chủ nghĩa Nhân văn Phục hưng và những triết gia thời Khai sáng). Triết gia, chính khách và biện giả vĩ đại Cicero của La Mã viết Bàn về chính quyền (On Government) đưa ra hình mẫu chính trị gia mẫu mực và chính quyền lí tưởng, Luận về bản tính của chư thần (On the Nature of the Gods) viết về triết-thần học của các triết gia Hi Lạp và La Mã. Hoàng đế Marcus Aurelius có cuốn Trầm tư (Meditations) vốn là bút kí tư tưởng về triết học Khắc kỉ và được ông xem như một nguồn hướng đạo sống. Triết gia Plotinus (205-270) người sáng lập trường phái Tân-Plato, triết học siêu hình có ảnh hưởng lớn nhất trong thời cổ đại hậu kì chỉ sau Plato và Aristotle, có tác phẩm Enneads gồm chín quyển, do môn đệ Porphyry kết tập và giới thiệu.

SỬ gồm sách về lịch sử và địa lí

Người Hi Lạp cống hiến những tác phẩm lịch sử đích thực và đầu tiên. ‘Ông tổ sử học’ Herodotus (thế kỉ thứ 5 TCN) là người đầu tiên dùng thuật ngữ ‘lịch sử’ (historiai). Tác phẩm vĩ đại của ông Lịch sử chiến tranh Hi Lạp-Ba Tư (History of the Persian wars) đã vượt xa thể loại biên niên sử: ông có quan nhãn quan rộng khi nhìn về mọi mặt, từ mặt nhân quả của chiến tranh, bài học rút ra từ lịch sử, thái độ khách quan và tôn trọng đối với những nền văn hóa khác biệt của các dân tộc. Không chỉ về chiến tranh, ông còn bàn về tôn giáo, gia đình, v.v… Ông cũng được coi là ông tổ của ngành nhân học văn hóa. Chủ đề chính trong sách của Herodotus là giá trị sống trong một xã hội tự do thay cho sống dưới ách chuyên chế, bất luận nó là một xã hội được tổ chức tốt và phồn vinh tới đâu đi nữa. Cuốn sách của Herodotus là một trong những nguồn mạch cho sự yêu chuộng tự do của phương Tây.

Quan trọng không kém, tác phẩm của một sử gia lớn khác là Thucydides, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, thuật lại cuộc chiến Peloponnesia kéo dài 27 năm giữa hai thành bang Athens và Sparta. Thucydides cho thấy có điều không ổn ngay cả những ở những nền dân chủ được thán phục nhất, như trong thời kì chiến tranh, thành bang Athens đã đầu hàng trước triết lí ‘mạnh được yếu thua’, khiến cho nhiều giá trị của xã hội này bị phá hủy.

Kế thừa Thucydides, Xenophon (học trò của Socrates) đã viết tác phẩm Hellennica về bảy năm cuối cùng của cuộc chiến Pelonoponesia, thời mà ông đã trải qua, và cuốn Anabasis kể lại như một nhân chứng về cuộc viễn chinh cùng với quân Sparta tới Ba Tư để giúp Cyrus Đại đế toan tính lấy lại đế quốc Ba Tư.

Sử học của thời La Mã tất nhiên thừa hưởng những mẫu mực Hi Lạp nhưng chủ yếu theo lối viết sử biên niên. Tacitus được xem là sử gia vĩ đại nhất của đế quốc La Mã, với văn phong Latin bậc thầy. Ông sống vào thế kỉ thứ nhất, thời sơ kì của đế chế La Mã khi nền cộng hòa bị thủ tiêu, câu nói nổi tiếng của Tacitus: ‘Nền cộng hòa càng mục ruỗng, nó càng có nhiều luật lệ’. Hai tác phẩm của ông về lịch sử La Mã, Biên niên sử (Annales) chép lại những biến cố xảy ra trong 54 năm, và Sử kí (Histories) từ năm 68-96, các sự kiện được ông ghi chép hết sức chân thật, kể cả những bất công và những tội ác của những nhân vật chính trị đương thời.

Sử gia Titus Livius viết bộ Lịch sử thành Rome (History of Rome) từ năm 27-9 TCN, gồm 142 quyển nhưng chỉ còn tồn tại 35 quyển, về sự hình thành Rome cho tới thời Augustus mà ông đang sống.

TỬ (bách gia chư tử) gồm các loại sách do các triết gia viết về thiên văn, toán học, khoa học

Vật lí học (Physics) của Aristotle là cuốn sách nền tảng của khoa học và triết học phương Tây. Ngoài ra Aristotle còn có cuốn Luận về các tầng trời (On the Heavens) về lí thuyết thiên văn và vũ trụ luận. Những nguyên lí cơ bản (Elements) của Euclid, bộ sách về toán học và hình học do ‘ông tổ của hình học’viết vào thế kỉ 3 TCN không những xây dựng hệ tiên đề cho hình học mà còn đặt nền móng cho sự phát triển tư duy luận lí và khoa học hiện đại.

Triết gia Lucretius (khoảng 55 TCN) viết Luận về bản chất vạn vật (On the Nature of Things) về lí thuyết nguyên tử vận hành vũ trụ.

Trong thế kỉ thứ nhất, triết gia và nhà khoa học tự nhiên Pliny Già (Pliny the Elder) viết cuốn bách khoa Lịch sử tự nhiên (Naturalis Historia) trở thành mẫu mực cho các loại bách khoa toàn thư.

TẬP gồm tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại, như thơ ca, văn xuôi, kịch, luận khảo

Khởi đầu với hai sử thi lớn thời Hi Lạp cổ đại: IliadOdyssey của Homer vào thế kỉ 8 TCN; và tiếp nối với Thần phổ (Theogony) và Công tác và thời nhật (Works and Days) của Hesiod; các vở bi kịch của Aeschylus như Prometheus; Oedipus của Sophocles; Medea của Euripides; hài kịch của Aristophanes.

Thế kỉ thứ 4-3 TCN, ra đời thể Tân Hài kịch của Menander, như Cô gái Samos; Truyện ngụ ngôn (Fables) của Aesop; Thi học (Poetics) của Aristotle; Tụng ca (Odes) của Pindar, nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất thời Hi Lạp cổ đại.

Thời kì Hi Lạp hóa, Cassius Longinus có Luận về cái trác tuyệt (On the Sublime) viết vào đầu thế kỉ thứ nhất, là tác phẩm kinh điển về mĩ học và phê bình văn học; Callimachus có Tụng ca và cách ngôn (Hymns and Epigrams); Plutarch có Những cuộc đời sóng đôi (Paralell Lives).

Các tác phẩm Trào phúng (Satires) nổi tiếng của Lucian ra đời vào thế kỉ thứ 2, ông cũng viết đủ mọi thể loại từ đối thoại hài hước, luận văn tu từ, cho tới những thể văn xuôi hư cấu. Tác phẩm của Lucian ảnh hưởng thâm sâu tới rất nhiều tác phẩm của các nhà văn lớn về sau, như Utopia của More, Gulliver du ký của Switf,v.v… cũng dự báo cho thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hiện đại.

Văn học Latin trong Thời đại Augustus (27 TCN-14 CN) có thể kể đến nhà thơ Virgil với Mục ca (Ecologues), Thơ đồng áng (Georgics) và Sử thi (Aeneid). Sau Virgil, nhà thơ đứng đầu thành Rome là Horace viết Tụng thi (Odes), và Nghệ thuật thơ ca (Art of Poetry) ảnh hưởng lớn tới những lí thuyết thơ sau này. Tác phẩm truyện thơ thần thoại Hóa thân (Metamorphoses), Nghệ thuật ái tình (The Art of Love) dạy về nghệ thuật yêu đương của nhà thơ Ovid có ảnh hưởng lớn tới tới thời Trung cổ và Phục hưng.

Hai cuốn tiểu thuyết Latin đầu tiên là Satyricon (khoảng năm 60) của Petronius, và Con lừa vàng (The Golden Ass) của Apuleius viết vào thế kỉ thứ 2.

Trong thời hoàng đế Nero thống trị, nhà viết kịch và triết gia Khắc kỉ Seneca viết nhiều đối thoại và thư từ về đạo đức sống, và những vở bi kịch của ông, như MedeaHercules Furens, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển nghệ thuật bi kịch của châu Âu.

Thời suy tàn của đế quốc La Mã vào thế kỉ thứ 5, tác phẩm Tự bạch (Confessions) của Thánh Augustine thành Hippo là cuốn tự truyện đầu tiên của phương Tây và luôn được liệt vào trong số kiệt tác văn học phương Tây.

*

Di sản của hai nền văn minh cổ điển Hi-La trở thành mẫu mực về sau, như trong thời Phục hưng (thế kỉ 15-17) , nó là khuôn mẫu cho các đế quốc châu Âu như Byzantine, Tây Ban Nha, Anh, rồi lại hồi sinh trong nghệ thuật và văn học Tân Cổ điển của kỉ nguyên Ánh sáng vào thế kỉ 18. Cho tới ngày nay, nó vẫn để lại những dấu ấn sâu sắc, chẳng hạn như trong tác phẩm văn học ảnh hưởng nhất thế kỉ 20 là Ulysses của James Joyce . Đây chính là điều mà nhà văn Edgar Allan Poe từng tán dương: ‘Vinh quang thay Hi Lạp, và hùng vĩ thay La Mã!” (“The glory that was Greece and the grandeur that was Rome”).

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)