Một chỗ cho tiếng cười

“Có lẽ sứ mạng của những ai yêu nhân loại là làm cho con người cười nhạo chân lý, là làm cho chân lý bật cười, vì chân lý duy nhất là học cách giải thoát chúng ta khỏi sự điên cuồng đam mê chân lý.” Umberto Eco

Sự kiện những cây biếm họa của tờ Charlie Hebdo bị những kẻ khủng bố cực đoan bắn chết cách đây ít lâu, với nước Pháp là một cú sốc về quyền ngôn luận, xa hơn, là quyền tự do tư tưởng. Tiếng cười ở nước này được coi là một biểu hiện của đời sống ngôn luận tự do, một đặc sản của văn hóa, một giá trị của nền cộng hòa.

Vào thời điểm ấy, nhiều tờ báo tại Việt Nam lại đặt vấn đề theo hướng khác: chừng mực của tiếng cười cho phép đến đâu để không gây ra nguy hiểm chết người; nói khác đi, nên sử dụng quyền được cười như thế nào thì an toàn?

Dĩ nhiên, khi đặt ra loại câu hỏi trên, thì cái phạm trù bay bổng của tư tưởng và sáng tạo đã bị kéo dịch về trên bề mặt của một “bối cảnh” đặc thù, nơi mà mọi lối cười xem ra đều được tự kiểm, đắn đo kỹ lưỡng về hiệu ứng truyền bá, tính toán về biên độ tác động để không vượt [đường] biên cho phép, thậm chí, cười trong phạm vi hòa hợp với các chủ trương ngoại tại nào đó.

Trên hệ quy chiếu của tiếng cười, bản thân câu hỏi trên ném chúng ta vào một khung cảnh hài hước khác. Sự hài hước đau đớn khi con người trở nên dè dặt, rón rén, nghiêm trọng với việc cười; trở nên kém hài hước ngay cả trong ý nghĩ về sự cười.

Và đây là thực tế: sự xuống cấp của tiếng cười theo hướng nhạt nhẽo tầm phào thể hiện trên các sân khấu hài kịch trong nước, những phim sit-com1 trên truyền hình đến những bộ phim điện ảnh hài giải trí… có thể thấy rõ ràng đại chúng đang được dọn ra những món ăn tinh thần có tên cười không lý do, một kiểu hài mà chẳng có hài. Mà không chỉ trên phương diện văn hóa giải trí mà ngay trong đời sống báo chí, xuất bản, sinh hoạt văn nghệ chính thống cũng thế, tiếng cười phớ lớ đầy rẫy nhưng quyền lực của nó bị triệt tiêu hơn bao giờ hết.

Từ lâu, trên mặt báo thiếu vắng những tiếng cười – mặc dù vẫn còn đó những tờ báo măng-sét có gắn chữ “cười”, bên trong chúng được trình bày theo lối họa báo đầy hoạt náo, nhưng tất cả đang gánh những câu chuyện cao đạo, trịnh trọng nghiêm túc đến mức chỉ còn lại những tiếng cười phải đạo. Những quyển sách có đôi chút giễu nhại, trào lộng sẽ bị dè chừng, tấn công trong đời sống xuất bản. Trong khi ở vỉa hè, ở trên mạng, ở những ấn phẩm phi công khai, người ta gặp tiếng cười khinh bạc, đau đớn, mang trong nó nộ khí và phản kháng như thể từ lâu không được cười phá lên, không được cười vỡ òa trên thành quách ù lì của thực tại và cái bóng đầy dọa nạt của nó.

Đó cũng là những tiếng cười phơi bày cơ chế tự cân bằng, một sự giảm nhẹ cho những bi kịch đời sống, cười như một phương thức để giải thoát những ức chế nội tại do đời sống bị đè nén, dù chưa thực sự trở thành một lực công phá đủ mạnh mẽ để soi rọi mọi ngõ ngách thực tại, chưa phải là cách, mà nói như Umberto Eco trong Tên của đóa hồng, là làm cho chân lý bật cười: “Có lẽ sứ mạng của những ai yêu nhân loại là làm cho con người cười nhạo chân lý, là làm cho chân lý bật cười, vì chân lý duy nhất là học cách giải thoát chúng ta khỏi sự điên cuồng đam mê chân lý”. Có thể hiểu khái niệm “chân lý” trong trích dẫn trên là sự độc đoán. Sẽ khó lòng lột trần những “sự thật biết cười” khi mà sự thật kẻ cười còn phải thỏa hiệp để sống chung trong một cánh rừng đầy những biển báo cấm, đe dọa mọi bước chân thám hiểm lân la đến gần.

Trong bối cảnh đó, hài hước thay, đôi khi chính kẻ cười phải làm tròn vai của gã mê tín để sống chung (và mê cuồng) sự độc đoán, tự triệt tiêu mọi tham vọng phiêu lưu trong mình.

Tiếng cười thực sự mang trong nó một ý thức về sự ly khai, giải thoát, nên nếu từ bỏ khát vọng phiêu lưu, tham vọng giải thoát để tiếp tục nhận lấy sự an toàn của tình trạng đồng lõa, thì mọi thứ hài hước chỉ dừng lại ở những trò mua vui hoặc những bài thuốc trị liệu hay cân bằng nội tâm để sau đó chịu đựng hoàn cảnh, không hơn không kém.

Sự rón rén trong lãnh địa tiếng cười ấy dễ khiến chúng ta rơi vào tình trạng ủ dột trước thực tại. Chúng ta sử dụng tiếng cười như một phương tiện để lướt qua thực tại bi đát chứ không như một cứu cánh lạc quan để phá hủy và sáng tạo lại hướng đến tương lai.

Sự rón rén trong lãnh địa tiếng cười ấy dễ khiến chúng ta rơi vào tình trạng ủ dột trước thực tại. Chúng ta sử dụng tiếng cười như một phương tiện để lướt qua thực tại bi đát chứ không như một cứu cánh lạc quan để phá hủy và sáng tạo lại hướng đến tương lai. Đó là hình thái cười có màu sắc “sinh học” của những cô gái chỉ cần nhìn thấy Evguéni Pavlovitch nhếch môi là bật cười khoái trá, nhưng họ chẳng hiểu gì về các câu chuyện và chẳng có lý do gì để cười. Nhưng rồi đến lượt cái cười tiếp theo là của Evguéni Pavlovitch – anh cảm thấy buồn cười, anh cười toáng lên khi nhận ra các cô gái đang cười những thứ “hài mà chẳng có hài”. Milan Kundera cắt nghĩa tiếng cười của chàng Evguéni Pavlovitch trong Chàng ngốc của Dostoievski là “cái cười hiếm”, vì nó mang tính tự trào về một đời sống mà người ta cười không ra cười. Và tình thế thực tế bên ngoài tác phẩm của Dostoievski được Milan Kundera mô tả thế này: “Tôi ngồi trước màn hình vô tuyến; buổi truyền hình tôi đang thấy trên đó rất ồn ào, có những người dẫn chương trình, những diễn viên, những ngôi sao, những nhà văn, những ca sĩ, những người mẫu, những nghị sĩ, những vị Bộ trưởng, những bà vợ của các vị Bộ trưởng và hễ có bất kỳ một cái cớ gì đó là họ phản ứng bằng cách mở rộng mồm, phát ra những tiếng rất to, làm những cử chỉ quá đáng; nói cách khác, họ cười. Và tôi hình dung Evguéni Pavlovitch đột nhiên xuất hiện giữa đám người ấy và nhìn thấy cái cười chẳng có bất cứ lý do hài hước nào hết; thoạt tiên, anh hoảng hốt, nhưng rồi dần dần nguôi đi và, cuối cùng, cái hài mà chẳng có hài ấy khiến anh “bất ngờ phá lên cười”. Đến lúc ấy, những người cười, ít lâu trước đó đã nhìn anh một cách nghi ngại thấy yên tâm và đón nhận anh một cách ồn ào vào thế giới của những cái cười không có hài của họ, nơi chúng ta bị buộc phải sống.”2

Tiếng cười chẳng có bất cứ lý do hài hước nào hết, lối cười dễ dãi lây lan trong văn hóa đại chúng của một đời sống nhạt nhẽo, đến lúc sẽ trở thành đối tượng của một sự hài hước khác – sự tự trào, nếu chúng ta thấy mình trong cái đám đông của một thế giới mỗi người bị buộc phải sống đầy phi lý và mâu thuẫn. Một bước đi nữa để đi đến sự tự trào, phá vỡ hình thái độc đoán cũ kỹ, hẳn nhiên không dễ dàng, nó cũng cần một sự khước từ nào đó trong nhận thức, xa hơn, một sự phê phán.

Nhưng thường, cũng bi hài thay, chúng ta thích cái cơ chế cười tự nhiên nhất là để hòa nhập đám đông chứ hiếm khi mang nghĩa phê phán mặc dù đời sống trong khí quyển độc đoán của nó đang đặt ra vô số chuyện nực cười không chịu được.

Tình thế mà Milan Kundera dẫn giải từ cuốn Chàng ngốc khiến chúng ta liên tưởng tới một thực tại “khó xử” mà mỗi người đang “bị buộc phải sống”. Cái thực tại đó, hóa ra chẳng mới mẻ gì. Đầu thế kỷ XX, học giả Nguyễn Văn Vĩnh chẳng đã kể ra như một liệt kê “thói lạ” gần như tính cách dân tộc: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thẩy, không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày nghĩ ngợi…Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết nhời người ta mà đã gièm trước cái ý tưởng của người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.

Gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi tê môi để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng hì, khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì thì ai là không phải phát tức?”3

Cái cười của kèn cựa gièm pha, khinh thị, cay đắng, khỏa lấp không phải là bổn tính, mà là “tính cách có điều kiện”, được sinh ra từ quá nhiều tai ương và bi kịch của lịch sử, nó là cơ chế tự cân bằng hay giảm nhẹ những tổn thương, gia tăng ảo giác về vị thế bản thân trong những thất bại, rã rời trước đời sống – một dạng thức của thắng lợi tinh thần, tự huyễn tách mình khỏi thực tại chứ không bóc trần phê phán để đổi thay thực tại. Nói đúng hơn, đó là cái hài hợp hoàn cảnh, cái hài công cụ trong chừng mực phải đạo và cái hài “kiêu hãnh ôn hòa”. Tốt thôi. Nhưng sống lâu dần trong văn hóa đó, chúng ta quên nụ cười mình đang nghèo nàn và bạc nhược; chúng ta quên đời sống chung quanh thiếu vắng sự trào lộng để xử lý các tình huống vô vọng đến mức dù có vén môi mép lên vẫn chẳng thể nào khuây khỏa được; chúng ta quên rằng quyền lực của tiếng cười mạnh mẽ hơn thế rất nhiều và đó là thứ duy nhất có thể giúp ta vượt qua nỗi sợ hãi bị kiềm tỏa bởi những bàn tay sắt hữu hình và vô hình.

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, dân gian nói thế, và đúng thế, không hơn không kém. Và có đau đớn đòi đoạn đi nữa, thì cũng chuyển dịch cái sự phản kháng lên cao xanh, theo kiểu của cụ Nguyễn Công Trứ: “Ngồi buồn mà trách ông xanh/ Khi vui thì khóc buồn tênh lại cười”, phảng phất lối kiêu hãnh lánh đời của kẻ sĩ Trung Hoa xưa. Thế nên, trong tâm thế đó thì lộ trình đưa tiếng cười phóng khoáng đi sâu vào biên giới của tư tưởng hãy còn xa; điều đó tùy thuộc vào việc tích lũy khả năng tự phê phán của nền văn hóa.

Có lý khi Adrian Poole nhận định trong cuốn sách dẫn nhập bi kịch, rằng: “Không phải bi kịch nào cũng tìm được một chỗ cho tiếng cười”4.

——————————————

Chú thích:

1 Viết tắt của situation comedy (tạm dịch: hài kịch tình huống)

2 Milan Kundera, Cái hài mà chẳng có hài, tập tiểu luận “Một cuộc gặp gỡ”, Nguyên Ngọc dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2013.

3 Nguyễn Văn Vĩnh, Gì cũng cười, Đông dương tạp chí, 1914.

4 Adrian Poole, Bi kịch – dẫn nhập ngắn, Đinh Hồng Phúc dịch, NXB Tri thức, 2012.

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)