Một đại sĩ phu

LTS: Nhân kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-2007), xin giới thiệu với bạn đọc thân thế, sự nghiệp của cụ Nguyễn Hữu Cầu (1879-1946)- một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục

Nguyễn Hữu Cầu (Giản Thạch) sinh năm 1879 tại làng Trung Tự, Huyện Hoàn Long, đã nhẹ nhàng thanh thản ra đi ngày 13-7 vừa qua trong tình quyến luyến của đông đảo con cháu, trước sự kính trọng của bạn hữu và nỗi tiếc thương của các cựu học viên trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi ông từng giảng dạy suốt gần ba năm trời.
Một gương mặt sĩ phu cao cả và trong sáng đã ra đi, gương mặt của một nhà yêu nước vĩ đại, một trí tuệ kiên cường, uyên bác và sáng tạo đã chiến đấu suốt đời vì nền độc lập của Việt Nam.
Đậu Cử nhân khoa Bính Ngọ (1906) tại trường thi Nam Định, ông từ chối các chức quan để dành toàn tâm cho nghiệp bút, nổi bật là việc biên dịch các Tân thư Trung văn. Làm thơ về cố quốc Việt Nam và những quang vinh của quê hương, ông không ngừng tìm kiếm trong quá khứ xa xăm một truyền thống và các bài học cho ngày mai. Làm thơ về những thuở huy hoàng xưa kia và các hy vọng tương lai, ông là thi sĩ của lý tưởng Việt Nam, của tất cả những ai tự gánh trách nhiệm giành lại độc lập cho đất nước.
Vào thời kỳ ấy, từ năm 1905 đến năm 1914, toàn bộ nền văn học bí mật được viết bằng chữ Hán hoặc Quốc ngữ đều có tính chính trị, mọi nghiên cứu, mọi khảo luận đều như chuẩn bị cho cuộc chiến du kích. Văn phú là phúng dụ, thơ ca thì bóng gió, tiểu thuyết và kịch nói dạy luân lý; người ta không mấy để ý đến nghệ thuật nhưng những nhà phê bình đã khêu gợi và kêu gọi khởi nghĩa; những sử gia và văn sĩ là người chủ xướng. Đó là họ đã dường mong một cuộc cách mạng sẽ lôi cuốn trong cùng bầu nhiệt huyết toàn bộ nhân dân với 25 triệu tâm hồn đang sôi lên những khát vọng và tình cảm giống nhau, biến sự tuyên truyền lúc ấy còn là bề nổi sẽ trở thành hành động và sẽ cho mọi người biết rằng đã từng có một tổ quốc.
Nguyễn Hữu Cầu nói: “Tôi cảm thấy cố quốc rung động trong tim mình…”. Thông qua những núi đồi và dòng sông trong thơ ca của ông, dù không xuất bản nhưng được nhiều bạn hữu và học trò thuộc lòng, Nguyễn Hữu Cầu đánh thức dậy các vị thánh thần xưa kia của đất nước. Và trên phế tích của những thành đô đã hoang tàn như Cổ Loa, Đại La hay Hoa Lư, thơ ông làm sống lại nguồn gốc con Rồng cháu Tiên cũng như phẩm giá và dũng khí của tổ tông, khơi dậy những truyền thuyết bị chôn vùi từ bao thế kỷ trong các mộ táng của Việt Nam, dưới các miếu đền của Bắc Bộ, và ông đã tái hiện như thế lịch sử lâu đời của dân tộc mình.
Nguyễn Hữu Cầu từng nói: “Hôm qua trẻ trung nay thoắt đã già 4.000 tuổi, dân tộc này hiện đang thiếu một lý tưởng, tức là đức tin vào truyền thống của Tổ quốc và ý thức khách quan về sứ mệnh của mình trong lịch sử và văn minh Đông Dương- đức tin hoặc ý thức mà tự sẽ dựng nên một dân tộc của tương lai”. Ông không nói ta phải làm được những sự nghiệp vĩ đại như các bậc tiền bối, ông chỉ nói rằng khi có các bậc tiền bối đã từng như thế thì ta cũng hãy phải làm đại sự.
Nhưng Nguyễn Hữu Cầu không chỉ mong Việt Nam mạnh về vật chất mà ông còn mong cho mạnh về trí tuệ: bên trên những gì đã đạt trong sự nghiệp tinh thần phải là phẩm cách và phải như dấu ấn của riêng mình. Ông thường nói với môn sinh: “Nền tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìm giữ trong lĩnh vực tinh thần. Chính bằng nghệ thuật và khoa học mà các dân tộc trở nên bất diệt. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình như một dân tộc. Phải làm sao thông qua nghiên cứu ngôn ngữ mà nghiên cứu dân tộc và làm sao in sâu như khắc trong lòng mình tính cách Việt thuần khiết. Hiện nay chúng ta quá Tây, quá Tàu rồi, chúng ta là bọn giáo điều chiết trung, chúng ta là kẻ xã hội chủ nghĩa chuyên quyền: chúng ta cần phải là người Việt…”
Khi một trong các môn sinh của mình xin được dịch sang văn xuôi tiếng Việt vài bài thơ chữ Hán của thầy, Nguyễn Hữu Cầu trả lời rằng bản dịch sang văn xuôi vẫn là trung gian duy nhất xác đáng giúp cho có thể tiếp cận việc nghiên cứu một  nhà thơ viết bằng ngôn ngữ mà ta biết, nhưng nói luôn luôn lạnh lẽo và ít thỏa mãn biết bao, dù vọng tưởng chính xác đến đâu! Dĩ nhiên nó phản ánh các từ, các ý, các hình ảnh; nhưng có một việc thì không thể: đó là hình thái, nhịp điệu, sự hài hòa, và điều ấy phải chăng là nét độc đáo của chính thi ca? Chỉ một công cụ là câu thơ mới có thể cho phép truyền cảm được những thứ đó. Nhưng để thử một ý định như vậy thì tự mình phải là thi sĩ, và đấy là khó khăn to lớn mà nhiều người không vượt nổi…
Bị đày đi Côn Đảo năm 1918 chỉ vì đã chu cấp cho các học sinh Việt Nam sang Trung Quốc và Nhật Bản du học, Nguyễn Hữu Cầu không ngừng đấu tranh dũng cảm chống lại chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là phản đối việc một số người Pháp chiếm đoạt đất đai gây thiệt hại cho nông dân Việt Nam. Người ta biết rằng tình trạng ruộng đất của Bắc Bộ và Trung Bộ thời ấy không được rõ ràng do thiếu hoàn toàn các văn tự sở hữu theo ý nghĩa mà người Pháp gán cho từ này. Văn tự của người Việt không phải lúc nào cũng cho biết diện tích và chỉ viết rất đại khái về các ranh giới của thửa đất. Cho rằng “không hoàn chỉnh trong khâu soạn lập và dễ bị giả mạo nên văn tự kiểu này không có gì làm bảo đảm!”, chính quyền “bảo hộ” không hề đếm xỉa bất cứ điều gì và đã cấp nhiều ruộng đất cho các thực dân hoặc quan chức người Pháp. Chính vì thế mà các địa sản lớn đã lan rộng đáng kể trong những năm Pháp chiếm đóng, nhất là sau năm 1900. Tiếp theo số tài sản khác thường của nhiều quan chức hoặc tay sai Pháp mà công việc “bảo hộ” không làm quên đi sự chăm lo cho tư lợi cá nhân, mối ưu đãi của chính quyền thực dân đã giúp họ chiếm được các đồn điền mênh mông mà một mình sự tham ô của họ còn chưa thể đủ để làm lớn thêm diện tích…
“Đó là một sai lầm”, Nguyễn Hữu Cầu nói trong phiên xét xử mình năm 1916, “khi tin rằng sức mạnh làm được mọi điều- dù là sức mạnh quân sự, pháp luật, tiền bạc hoặc bất cứ phương tiện nào khác, không cần tranh luận- đó là một sai lầm mà nhiều người Pháp các ngươi thường dễ dàng mắc phải…”.
Trước một dũng khí điềm tĩnh như thế, ta phải tự nhắc nhủ rằng nếu như Nguyễn Hữu Cầu đã mất quá sớm đối với gia quyến, bạn hữu và môn sinh của mình, nếu như ông đã để tất cả chúng ta ở lại với nỗi lòng đau thương, ông đã không rời bỏ mảnh đất này khi chưa hoàn thành định mệnh tinh thần lớn lao. Tiếng tăm của ông đã đến mức không cần lớn hơn nữa: ông đã cống hiến nhiều hơn nghĩa vụ của một sĩ phu và ái quốc. Ông đã mệt mỏi, mong được nghỉ ngơi, nhẹ nhàng đối diện cái chết mang lại cho mình sự tĩnh lặng và bình an.
Hà Nội 27-9-2006, Nguyễn Chí Công cẩn dịch
Báo “Le Peuple” ngày 4-8-1946

Nguyễn Văn Tố

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)