Một khởi đầu khiêm tốn nhưng tốt đẹp
NSND Đặng Thái Sơn cho rằng Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ nhất có tầm vóc khiêm tốn, nhưng được tổ chức chu đáo, nghiêm túc, là một khởi đầu tốt đẹp cho các cuộc thi sau này.
Với tư cách Chủ tịch danh dự Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ nhất, NSND Đặng Thái Sơn đã trả lời phỏng vấn của báo chí sau khi cuộc thi kết thúc. Dưới đây là tóm lược cuộc phỏng vấn:
Ông đánh giá thí sinh Việt Nam như thế nào so với thí sinh quốc tế?
Tôi là Chủ tịch danh dự, không chấm thi từ đầu đến cuối mà chỉ ngồi ngày thi cuối cùng của bảng C nên khó có cái nhìn toàn diện. Theo tôi, ở bảng C, thí sinh Việt Nam không thua thí sinh quốc tế nhiều về trình độ chuyên nghiệp. Cái mà ta thua họ là ở sự chuẩn bị cho những chặng đường xa – nếu thí sinh nước ngoài có đường hướng rành mạch, cứ thế mà tiến thì ở thí sinh của chúng ta vẫn là sự xoay trở vào phút chót.
Còn theo những gì tôi được các giám khảo khác truyền đạt lại thì thí sinh bảng B là yếu nhất trong ba bảng.
Kết quả cuộc thi piano quốc tế lần thứ nhất Bảng A (từ 10-13 tuổi): Bảng B (14-17 tuổi): Bảng C (từ 18-25 tuổi): |
Chúng tôi nghe nói ông chính là người đã vận động một số thí sinh đến với cuộc thi, có đúng không thưa ông?
Mỗi concours thường được quảng cáo ít nhất từ 9 tháng đến một năm trước đó, trong khi cuộc thi của chúng ta chỉ có bốn tháng, những người giỏi đã có lịch biểu diễn, thi đấu hết cả rồi (thế giới hiện có hơn 600 cuộc thi piano quốc tế), nên tôi phải tham gia vận động thí sinh cùng một số thầy ở Học viện Âm nhạc. Các em ở khoa piano vì vậy vẫn nói đùa tôi “Chú Sơn cõng rắn cắn gà nhà”.
Thành phần quốc tế của cuộc thi năm nay, dù không phải cao siêu, cũng chưa hẳn là “quốc tế” – nói chính xác là cuộc thi khu vực – nhưng chuyên nghiệp, bởi vậy đây là cơ hội tốt để các tài năng trong nước giao lưu, so sánh mình với những người bạn đồng lứa.
Vậy theo ông cuộc thi của chúng ta nằm ở đâu trong số hơn 600 cuộc thi piano quốc tế?
Người ta đánh giá một concours tùy thuộc vào thành phần giám khảo, thí sinh, giải thưởng và đặc biệt là mức độ mà concours có thể “bốc” sự nghiệp của họ lên sau khi đoạt giải: họ sẽ có cơ hội chơi với những dàn nhạc nào, được hãng nào ghi âm. Tuy nhiên, ngay cả người giành giải nhất những cuộc thi danh tiếng nhất cũng không phải là người chơi piano giỏi nhất thế giới. Concours chỉ là nơi phát hiện tài năng, cho anh một khởi đầu thuận lợi, còn anh thật sự là ai thì cần cả chặng đường dài sau này để trả lời.
Chúng ta không thể so sánh cuộc thi của mình với những cuộc thi thứ hạng cao trên thế giới, nhưng có thể yên tâm nó không nằm ở dưới đáy. Cuộc thi đã được tổ chức nghiêm túc, công bằng, chu đáo. Đối với thí sinh bảng C, các em phải có phần biểu diễn cùng dàn nhạc, trong khi như tôi biết, một nửa các cuộc thi piano quốc tế trên thế giới không đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao như vậy.
Ngoài các vấn đề chuyên môn thì ông thấy có điều gì đặc biệt về cuộc này?
Cuộc thi hoàn toàn do các doanh nhân tài trợ, và theo tôi đây một thay đổi lớn. Có thể nói không có Techcombank thì không có concours lần này.
Về kinh tế chúng ta có rất nhiều tin vui, nhiều chuyện để có thể khoe, trong khi đời sống tinh thần tôi thấy dường như chưa được chú trọng. Mà càng có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật thì đời sống vật chất và tinh thần mới càng cân bằng.
Ông nghĩ gì về việc đào tạo piano hiện nay ở Việt Nam?
“Phần cứng” của chúng ta bây giờ đã cực kỳ rồi – trường lớp đàng hoàng, đàn cho sinh viên tập cũng là loại tốt. Vấn đề ở “phần mềm” là giáo trình giảng dạy còn ảnh hưởng nhiều từ chương trình học của Liên Xô, trong khi thế giới bây giờ có nhiều luồng khác nhau, phát triển rất nhanh. Học đàn một thầy một trò trong bốn bức tường thì không giải quyết được gì. Chúng ta còn thiếu một đời sống âm nhạc, một môi trường âm nhạc thật sự. Tức là chúng ta cần mở các workshop, trại hè âm nhạc, festival âm nhạc, và cả những cuộc thi quốc tế như thế này – chỉ có như vậy đời sống âm nhạc mới rộ lên được