Một nhầm lẫn “hậu hiện đại”

“Từ "hậu hiện đại" (postmodern) xuất hiện lần đầu trong cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại (La Condition Postmoderne) của Jean-Francois Lyotard”. Bài viết “Góp chuyện hậu hiện đại” của Trịnh Lữ đăng tạp chí Tia Sáng số 19 (5.10.2008) mở đầu như vậy. Bài này là tham luận đọc tại hội thảo khoa học “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” do Viện Mỹ thuật và Trường đại học Mỹ thuật tổ chức cuối tháng 9. Tôi là người dịch cuốn sách nói trên của J-F. Lyotard ra tiếng Việt, ở đó nhà triết học Pháp này không hề nói ông là người đầu tiên đề ra cái từ “postmodern”. Vì quả thực cái từ đó không phải do ông nghĩ ra.

Theo nhà nghiên cứu Nga sống ở Mỹ Mikhail Epstein trong sách “Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Nga: văn học và lý thuyết” (M. 2000) thì xuất xứ của hai từ “hậu hiện đại” và “chủ nghĩa hậu hiện đại” là như sau.

Thuật ngữ “chủ nghĩa hậu hiện đại” được coi xuất hiện lần đầu là ở cuốn sách Die Krisis der europäischen Kultur (1917) của nhà triết học Đức Rudolf Pannwitz (1881-1969) để biểu thị chủ nghĩa hư vô trong văn hóa thế kỷ XX. Năm 1934 thuật ngữ này được nhà phê bình Tây Ban Nha Federico de Onis (1888-1966) dùng trong sách Antología de la Poesía Española e Hispanoamericana (1882–1933) để chỉ phản ứng hồi ấy đang tăng lên chống lại chủ nghĩa hiện đại đầu thế kỷ. Năm 1939 ra đời cuốn sách của nhà thần học Anh Bernard Iddings Bell Religion for Living: A Book for Postmodernists, trong đó từ “chủ nghĩa hậu hiện đại” biểu thị phản ứng chống lại chủ nghĩa thế tục hiện đại và sự mở đầu một cao trào tôn giáo mới. Trong bộ sách nhiều tập Study of History của Arnold Toynbee (1889-1975), ở tập 5 ra năm 1939, từ “chủ nghĩa hậu hiện đại” là để chỉ thời kỳ xuất hiện xã hội đại chúng sau thế chiến I.

Trong các nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã đưa lại ý nghĩa chính cho thuật ngữ này trong khoảng hai thập niên 1960-1970, phải kể đến Irving Howe (Mass Society and Post-Modern Fiction, 1970), Ihab Hassan (The Dismemberment of Orpheus: Toward a Postmodern Literature 1971). Trong kiến trúc những nhánh quan trọng nhất trên đường tới chủ nghĩa hậu hiện đại là các sách của Jane Jacobs (The Death and Life of Great American Cities, 1961), Robert Venturi (Complexity and Contradiction in Architecture, 1966) và Charles Jencks (The Language of Postmodern Architecture, 1977). Nền móng của triết học hậu hiện đại là các công trình của các nhà triết học Pháp: Michel Foucault (Les Mots et les choses. Une archéologie des sciences humaines, 1966), Jacques Derrida (De la grammatologie, 1967), Gilles Deleuze và Félix Guattari (L’Anti-Œdipe – Capitalisme et schizophrénie, 1972), Jean Baudrillard (L’Échange symbolique et la mort, 1976), Jean-Francois Lyotard (La condition postmoderne:  rapport sur le savoir, 1979), cũng như của nhà triết học Mỹ Richard Rorty (Philosophy and Mirror of Nature, 1979).

Tài liệu khoa học về chủ nghĩa hậu hiện đại ngày càng nhiều và khó bao quát được hết. Tính đến cuối năm 1998, trong các thư viện ở Mỹ, đã có 3579 cuốn sách mà tên gọi có từ “postmodernism”, lại thêm 2666 cuốn ở nhan đề có từ “postmodern”. Cùng năm đó sách bán ra có 421 cuốn viết về chủ nghĩa hậu hiện đại và 833 cuốn viết về hậu hiện đại bằng tiếng Anh.

Lại theo Simon Malpas, giảng viên văn học Anh tại đại học Edinburg, trong sách “The postmodern” (N.Y. Routledge, 2005)  thì như một cách thức suy nghĩ về thế giới hiện đại, đã có rất nhiều định nghĩa được đưa ra cho “postmodern”. Đó là:

Một hệ thống mỹ học mới (I. Hassan “The Dismemberment of Orpheus: Toward a Postmodern Literature” 1971; “The postmodern turn: Essays in postmodern theory and culture, 1987),

Một trạng thái nào đó (J-F. Lyotard “Le condition postmoderne”, 1979; D. Haraway “Simians, cyborgs and women: The reinvention of nature”, 1990),

Văn hóa (S. Connor “Postmodernist culture: an ỉntoduction to theories of the contemporary”, 1997),

Một chủ điểm văn hóa (F. Jameson “Postmodernism or cultural logic of late capitalism”, 1991),

Những khuynh hướng trong nghệ thuật dùng hình thức nhại để trình bày phản ánh (L. Hutcheon “The poetics of postmodernism: history, theory, fiction”, 1988; “The politics of postmodernism”, 2002),

Một mệnh lệnh đạo đức hay chính trị (Z. Bauman “Postmodern ethics”, 1993; “Life fragments: essays in postmodern morality”, 1995),

Thời gian, khi loài người đạt tới sự “cáo chung lịch sử” (J. Baudrillard “L’illusion de la fin ou la grève des événements”, 1994; F. Fukuyama “The end of history and the last man”, 1992; G. Vattimo “La fine della modernità”, 1985),

– “Một chân trời mới của kinh nghiệm văn hóa, triết học và chính trị của loài người” (E. Laclau “Politics and the limits of modernity”, 1988),

Một sự đánh lừa (T. Eagleton “The illusion of postmodernism”, 1996),

Một phong trào chính trị phản động (A. Callinicos “Against postmodernism: a Marxist critique”, 1989),

Một sai lầm ngu ngốc (C. Norris “What’s wrong with postmodernism: Critical theory and the ends of phylosophy”, 1990; “The truth about postmodernism”; 1993).

 Nhân một nhầm lẫn “hậu hiện đại”, tôi trích lục sách ngõ hầu để bạn đọc  biết thêm những thông tin cần thiết quanh “postmodern”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)