Một nhu cầu nghiên cứu văn chương: Đối thoại văn hóa
Các nghiên cứu văn chương giờ đây lại có thể là một cắt nghĩa về chính trị, lịch sử và nhất là văn hóa, khác với trước đây chỉ chú mục hoàn toàn vào ‘nội dung - nghệ thuật’ tác phẩm như giáo án bài giảng phổ thông. Nói cách khác, một trong những nhu cầu nghiên cứu văn học chính là được trình bày một đối thoại văn hóa.
Tính chất dân chủ hóa văn hóa khiến người nghiên cứu phải thâu nạp, tích hợp cả các hiện tượng, vấn đề thường bị xem là nhỏ lẻ, manh mún hoặc phi văn chương theo quan niệm truyền thống để xây dựng lí lẽ, diễn giải của mình. |
Thực ra, xét ở phương diện tư tưởng thì lịch sử nghiên cứu – phê bình văn học hiện đại ở ta có lẽ là lịch sử của những đối thoại. Những nghiên cứu ra đời sau bao giờ cũng hướng tới đối thoại với công trình trước đó. Những chủ thể nghiên cứu trong những bối cảnh văn hóa khác nhau có xu hướng đi tìm những đối thoại với bối cảnh không cùng tính cách. Thời gian không quá đỗi bất công khi mà số lượng những công trình mang dáng dấp “của tin còn lại” đều xuất phát ít nhiều từ phẩm chất đối thoại cẩn trọng, tinh anh và nó cũng sẵn sàng thích nghi với sự thanh lọc qua đối thoại. Bởi đã có thực thể văn chương được nảy nở trong các khúc ngoặt lịch sử và văn hóa tuy liền kề nhưng có sự khác biệt sâu xa, từ văn hóa thực dân – phong kiến trước 1945, đến văn hóa xã hội chủ nghĩa, văn hóa đô thị miền Nam, văn hóa thời kì hội nhập quốc tế…, nên sẽ không ngạc nhiên nếu các kết quả văn học sử, phê bình văn học vẫn còn đó độ vênh lệch, khuyết thiếu hoặc nhầm lẫn nhất định. Chưa một ai và cũng chưa lấy gì đảm bảo rằng đã có và chỉ duy nhất một bảng hệ chuẩn mực đại diện cho tất cả những diễn biến sinh động, phức tạp của văn học hiện đại. Nhưng điều dĩ nhiên đúng khiến chúng ta nảy sinh cảm giác tin cậy là, chính trong hoạt động khoa học văn chương, luôn dự sẵn các kết luận, đáp số đưa ra chưa phải là hoàn tất và hẳn sẽ còn được xem xét lại, bổ sung, hoàn thiện dần thêm. Đấy không chỉ là thao tác nằm lòng mà còn như một động lực thúc đẩy sở học trong mỗi đương sự tham gia văn học.
2. Một thực tế khác là xã hội chúng ta hiện nay, cái lồng ấp sự trưởng thành của người trẻ như lâu nay vẫn nghĩ, đang có những không gian văn hóa mới và chúng khá gần gũi, tương thông ít nhiều với thế giới. Sẽ rất mất thời gian để có sự đồng đẳng văn hóa giữa các quốc gia/khu vực nhưng trước hết, các khác biệt sẽ ngày càng lộ rõ và càng đẩy các không gian văn hóa tiến đến đối thoại, tránh “đụng độ” (như luận điểm nổi tiếng của S. Huntington). Nhiều người đã lên tiếng và không hề thờ ơ trước tình trạng “đồng sàng dị mộng” của mỗi thế hệ trong một gia đình, một đơn vị/tổ chức xã hội, kể cả trong giới cầm bút. Định danh “văn chương 8x, 9x”, thoạt tiên tưởng rất mơ hồ, nhưng lại đẩy cao được đặc tính tâm thái thế hệ, một thế hệ đang ngấp nghé khoái cảm công dân toàn cầu với khả năng vươn tới hai-văn hóa, đa-văn hóa. Tình huống “quá độ” từ “đơn” sang “đa” này cũng không phải là ngoại lệ. Robert M. Young, nhà nghiên cứu nổi tiếng Hoa Kỳ, khi nói đến các trải nghiệm về văn hóa của mình, từng than phiền rằng, khi còn bé, ông chỉ hiểu ‘văn hóa’ là những gì mà giới giàu có đang làm – xem kịch, nghe nhạc giao hưởng, triển lãm nghệ thuật. Không ai nói với ông phim ảnh, nhạc jazz, thứ pop thô thiển hay áo xống thời trang cũng là văn hóa. Về sau, ông ý thức rằng, văn hóa không chỉ là những giá trị đã tồn tại mà còn là các lối/kiểu sống. Khái niệm không gian văn hóa (cultural space) của ông được mở rộng tối đa: Nhà cửa, láng giềng, trường học, góc phố, nhà máy, điệu disco, kịch dài tập, quán xá, chợ búa, nhà tù, khu mua sắm, văn phòng, nghề nghiệp, hội thảo hay nhóm nghiên cứu, cơ sở giáo dưỡng tâm thần hoặc tâm lí trị liệu, sòng bài, bể bơi, lớp yoga, phòng tập thể hình, quán bar đồng tính, rạp chiếu bóng,… nghĩa là bất cứ nơi đâu con người tụ hợp và hoạt động trong các cách liên kết với hoạt động thông thường, các giá trị và mối quan hệ xã hội2. Nhìn kĩ, các không gian này cũng đang lắp ghép nên đời sống tinh thần, cấu trúc xã hội Việt Nam. Tính chất dân chủ hóa văn hóa khiến người nghiên cứu phải thâu nạp, tích hợp cả các hiện tượng, vấn đề thường bị xem là nhỏ lẻ, manh mún hoặc phi văn chương theo quan niệm truyền thống để xây dựng lí lẽ, diễn giải của mình.
Tất nhiên, vấn đề trên còn gắn với một diễn biến khác: Khi xu hướng nghiên cứu văn học thuần túy tập trung vào văn bản có dấu hiệu chững lại (mà sự giảm “mốt” của thi pháp học là ví dụ) thì sự trỗi dậy của các cách thức tiếp cận ngoài văn bản là lối mở hấp dẫn. Những nghiên cứu như vậy thường khơi dậy hứng thú tìm kiếm các ngữ cảnh bao quanh văn chương, những tác nhân đã làm văn chương trở nên đa diện. Vì thế, các nghiên cứu văn chương giờ đây, đáng bàn luận nhất, lại có thể là một cắt nghĩa về chính trị, lịch sử và nhất là văn hóa, khác với trước đây chỉ chú mục hoàn toàn vào ‘nội dung – nghệ thuật’ tác phẩm như giáo án bài giảng phổ thông. Nói cách khác, một trong những nhu cầu nghiên cứu văn học chính là được trình bày một đối thoại văn hóa.
3. Nhưng lại vẫn muốn biết, phải thế nào để có đối thoại văn hóa thực sự? Hẳn những ý tưởng dưới đây, mà tôi có nhiều đồng cảm, là một kênh tham khảo cho câu trả lời: Những mặc định bất khả xâm phạm có thể được phơi mở và phi rào cản khám phá; Những thứ có vẻ ghê tởm có thể được nói lên và được nghe; Mọi người đều có thể mưu cầu/theo đuổi sự hiểu biết sâu rộng về sự đa bội và đối nghịch trong ý kiến và tư tưởng; Bằng việc lắng nghe tích cực và nói lên sự thực từ viễn cảnh của chính mình, mọi người có thể trải lòng quan điểm của mình về điều mình đã từng làm được; Ngay ở lúc có sự bất đồng và phản đối, thì tình thương và sự hiểu biết có thể thay thế thù ghét; Mọi người có sự khác biệt lớn lao có thể liên kết với nhau một cách thân thiện và tôn trọng…3 Khi các đối thoại được khởi phát với niềm tin và những nguyên tắc như vậy, thì, xét trong phạm vi phê bình – nghiên cứu văn chương, chúng ta hẳn xây dựng được một hàm lượng văn hóa đủ để điều hòa lời lẽ, tư duy.
—
1 Trần Ngọc Vương, “Một thế kỉ các khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam đối diện với thực tế” trong sách Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, H., NXB Tri thức, 2010, tr. 228
2 Xem thêm bài viết của Robert M. Young tại http://human-nature.com/mental/chap2.html
3 Tham khảo tại http://gray.intrasun.tcnj.edu/WWP/dialogue_culture.htm