Một nội lực văn hóa cần cho sự phát triển

Cho đến nay, việc xác định bản sắc văn hóa dân tộc về mặt lý thuyết chung cũng như vận dụng vào văn hóa Việt Nam, nói cho thật nghiêm túc vẫn còn có nhiều khó khăn chưa giải quyết được.  

Ta vẫn thường tự hào về bề dày 4.000 năm lịch sử. Dường như giữa các cộng đồng quốc gia dân tộc đang tồn tại trên mặt đất ngày nay thì số lượng các quốc gia dân tộc có bề dày lịch sử như vậy quả cũng không nhiều. Vâng, thời lượng vài ba thiên niên kỷ đủ cho phép nói đến một sức sống trường tồn, một thứ bản lĩnh, vô số kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm, cũng cần nói và được quyền nói tới một phương thức, một cách tồn tại nào đó riêng biệt. So với những quốc gia, những dân tộc hoặc đến rồi đi khỏi mặt đất này như một ảo ảnh lịch sử hay một khoảng khắc lóe sáng ngắn ngủi, mà những thực thể như vậy xuất hiện quá nhiều – thì chúng ta đang cầm giữ một đại hạnh.

Tự hào về bề dày lịch sử là một niềm tự hào chính đáng. Tuy rằng ở điểm này, con số trên dưới 4.000 năm của một cộng đồng văn hóa – lịch sử của một tộc người còn cần phải được biện minh, lập luận, giải trình, chính xác hóa. Nhưng cũng chưa sao. Vài nghìn năm cũng đủ cho một trường kỳ lịch sử. Bởi nếu ngoái ra bốn biển năm châu, vào thời điểm hiện nay mà suy toán, các cộng đồng quốc gia dân tộc có bốn chữ số tính tuổi trước số thập phân cũng đâu đã quá nhiều?

Nhưng cái mà ta phải tự nhắc mình trong quỹ đạo này lại là một điều khác, một cái gì tương tự như một vấn nạn lịch sử. Tục ngữ đã từng tổng kết: “Đa thọ tắc đa nhục”. Mà con người ta, cá nhân hay cộng đồng, thì đến lúc nào đó, nếu “đã không biết sống là vui” thì “tấm thân nào biết thiệt thòi là thương”. Lại cũng rất thường xảy ra là tính đơn vị sinh học của mỗi một thân phận cá nhân dễ dàng tạo ra mâu thuẫn, lắm tình huống là đối lập quyết liệt, với vận mệnh của cộng đồng gắn bó trực tiếp với cá nhân đó. Ta đang nỗ lực phấn đấu để thu hẹp phạm vi tác động của mâu thuẫn này, tiến dần tới chỗ thanh toán nó. Nhưng thời mở cửa, thời kinh tế thị trường này thì việc giải quyết mâu thuẫn ấy trở nên khó khăn gấp bội.

I

Nếu nhìn bao quát toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại, sẽ không khó khăn gì nhận ra rằng trong toàn bộ tiến trình ấy, không có một quốc gia dân tộc, một đế chế hay một khu vực văn hóa – văn minh nào chỉ liên tục phát triển mà không có những bước thăng trầm, suy thoái, đình đốn. Thậm chí có cả những nền văn minh lớn bị diệt vong. Thực tế đó đã dẫn đến sự khái quát của Hêgel rằng mỗi nguyên lý tinh thần khi triển khai vào lịch sử lựa chọn một dân tộc đại diện cho nó, và sau này Engels có hiệu chỉnh lại cách diễn đạt rằng mỗi thời đại có một nguyên lý tinh thần và có một dân tộc đại diện. Bắt đầu từ thời Phục Hưng, chủ nghĩa tư bản đã dần dần chiến thắng ở hành loạt các quốc gia Âu – Mỹ và từ cuối thế kỷ XVIII đã bắt đầu một hiện tượng đặc biệt: Sự nô dịch dân tộc dưới tên gọi chủ nghĩa thực dân.

Ở khu vực châu Á lần lượt các quốc gia lớn nhỏ theo nhau rơi vào trạng thái suy vong và chủ nghĩa đế quốc đã tiến hành công cuộc thực dân hóa hầu khắp lãnh thổ của châu lục lớn mạnh vào bậc nhất này trong lịch sử. Từ giữa thế kỷ XIX, “gió Tây” đã cuồng nộ thổi trên xứ sở của các nền văn hóa, văn minh tối cổ và từng đạt tới những đỉnh cao rực rỡ như Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Cận Đông…

Nhưng rồi nói như Lão Tử: “Mưa lớn không hết buổi sáng, gió to không hết cả ngày”, phải tới và đã tới thời điểm cáo chung của chủ nghĩa thực dân và sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa. Hàng loạt các quốc gia châu Á thức tỉnh, gấp rút vượt lên để trở thành các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Sau Nhật Bản ở khu vực châu Á đã xuất hiện hàng loạt các nước công nghiệp mới (NIC), với những thành tựu kinh tế được goi là huyền thoại, chuyện thần kỳ…

Hoàn toàn chưa xa cái thời chủ nghĩa thực dân hả hê tuyên bố sự chiến thắng về quân sự, chính trị, kinh tế. Và điều tôi muốn đặc biệt lưu ý là ở thời kỳ đó (cách đây chừng trên dưới một thế kỷ), trong hầu khắp các nước bị xâm lược ở khu vực này, một nhận định hầu như phổ biến và thống trị trong cả giới trí thức thượng lưu, cả trong dân chúng: trong thế cạnh tranh sinh tồn, ưu thắng liệt bại ấy, phương Tây đã chứng minh tính hơn hẳn về mọi phương diện so với phương Đông bảo thủ, lạc hậu.

Thế rồi giải thích những kỳ tích của Nhật Bản và các “đại long” – “tiểu long” châu Á các nhà Đông phương học đã xướng lên luận điểm về việc các nước đó sử dụng lại một cách có phê phán nhưng đặc biệt có hiệu quả những thành tựu, những kinh nghiệm, và cả những lý luận đã từng tồn tại vài nghìn năm trong lịch sử của họ. Riêng ở các nước trong phạm vi chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Hán truyền thống Nho giáo lại được đánh giá lại như một đòn bẩy có tác động nhiều chiều của quá trình hiện đại hóa. Luận điểm này được hưởng ứng sốt sắng đến bất ngờ ở nhiều nước, kể cả cấp Nhà nước, chính phủ lẫn các giới xã hội, các tổ chức đoàn thể.

Ta chứng kiến một nghịch lý mang tầm thế kỷ: vô số lời cáo buộc gay gắt đối với Nho giáo vẫn còn đó, tươi rói, hùng hồn, thống thiết và tràn trề nhiệt huyết.

Mà chẳng riêng đối với Nho giáo. Cả học thuyết Lão Trang và lý thuyết Pháp trị, cả thần đạo và tinh thần võ sĩ đạo, cả Thiền và Yoga, Kông-phu và dưỡng sinh, khí công… cũng lần hồi thu hút sự quan tâm sâu sắc của nhiều bộ phận dân cư trong thế giới từng là thế giới kỹ trị. Những nhận định lạc quan, những mảng màu tươi sáng đã được vẽ lên phía tương lai của một khu vực châu Á – Thái Bình Dương ở ngưỡng cửa của thế kỷ XXI. Thế nhưng vẫn cần tỉnh táo trước nghịch lý vừa đề cập đó, để không bị lú lẫn, huyễn hoặc hay mất phương hướng, bi quan.

Câu hỏi lớn về giá trị của các truyền thống lịch sử: truyền thống khu vực hay truyền thống dân tộc, truyền thống quốc gia hay truyền thống địa phương, truyền thống trên bình diện nhận thức hay trên bình diện tổ chức, quản lý, điều hành…đều cần được tỉnh táo đáng giá có trách nhiệm. Tính tất yếu lạnh lùng vẫn tồn tại đó: dẫn vẫn còn nghèo, nước vẫn chưa mạnh, bị hạ nhục và rửa được hận chưa đủ đảm bảo cho tương lai vẹn toàn

II

Cho đến nay, việc xác định bản sắc văn hóa dân tộc về mặt lý thuyết chung cũng như vận dụng vào văn hóa Việt Nam, nói cho thật nghiêm túc vẫn còn có nhiều khó khăn chưa giải quyết được. Nhiều thức giả băn khoăn và thành thực tự vấn về việc nêu lên những bản sắc độc đáo, đặc biệt nào đó cho người Việt Nam. Nói người Việt Nam yêu nước thiết tha, có tinh thần dân tộc cao rõ là không ai phủ nhận. Nhưng nghĩ lại, ai dám lớn tiếng nói về một cư dân khác, một cộng đồng khác là yêu nước kém thiết tha, tinh thần dân tộc mờ nhạt? Có một ước lệ văn hóa học trên những phương diện này: chưa ai làm thao tác so sánh! Cũng vậy, nếu nói người Việt Nam cần cù, dũng cảm, thông minh, giàu tinh thần sáng tạo…theo lối từ hiện tượng có thực mà quy vào bản chất, thì chắc chính những người khẳng định về dân tộc Việt Nam theo cách đó cũng chẳng dám nói khác về bất kỳ một dân tộc nào.

Cũng có những toan tính tìm kiếm bản sắc dân tộc theo cách khác. Chẳng hạn, có thể xác định một cơ tầng văn hóa Đông Nam Á cổ đại trên một địa vực rộng lớn hơn nhiều bao gồm cả lưu vực sông Dương Tử trở xuống phía Nam. Rồi bằng những thao tác biến hóa trên chữ nghĩa, biến vùng Nam Trung Quốc thành Bách Việt, thành Âu Lạc, từ đó thành Việt Nam. Một cách nghiêm khắc thì lối ngoại suy kiểu đó chỉ xứng đáng một sự nhạo báng không hơn không kém.

III

Truyền thống, nhất là truyền thống văn hóa, không được tạo ra một lần cho tất cả. Cũng không phải những gì được tạo ra trong lịch sử đều trở thành truyền thống. Cái hiện tại qua chọn lọc đào thải, sẽ gửi một phần số phận của nó vào tương lai, làm nên truyền thống cũng phải được hiểu như một quá trình.

Cố GS Trần Đình Hượu, trong một bài viết súc tích mà tôi biết là kết quả của một “khổ nạn đích lịch trình” đã lưu ý chúng ta về điều đó. Ông viết: “Văn hóa theo nghĩa rộng nhất thì có từ xã hội nguyên thủy. Nhưng phải trải qua một thời gian lâu dài để bản lĩnh sáng tạo của con người được nâng cao, khi con người thoát khỏi cuộc sống mông muội, ý thức được ngoại cảnh, tích lũy được tri thức về nó, những kinh nghiệm chế ngự, tổ chức đấu tranh làm chủ nó, tạo ra sự khác biệt về thiên hướng và trình độ giữa các cộng đồng người, nhất là sự phân hóa dẫn đến sự hình thành các dân tộc, đủ sức định hình một hướng phát triển khi có hệ tư tưởng, nền văn học nghệ thuật, những nhân vật văn hóa, tức là khi tạo được một cái “vốn” văn hóa riêng cho cộng đồng người đó thì mới có thể bắt đầu nói đến đặc sắc dân tộc của văn hóa…cho đến thời cận đại, hiện đại, văn hóa phát triển có quy mô thế giới, văn hóa các dân tộc thâm nhập vào nhau. Cho nên tìm dáng vẻ dân tộc trong văn hóa hiện đại không những là khó, và đồng thời ở một số mặt nào đó, nhiều khi sắc thái dân tộc không phải là cái nên đặc biệt hoan nghênh”(2). 

Trong tình hình “giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hóa của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật…Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hóa nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nên văn hóa” (sđd, tr.240), thì không có gì đáng ngạc nhiên khi nghe GS Phan Ngọc tâm sự: “Là người thức nhận, tôi đã hoài công phí bao năm tìm một cái gì thuần túy Việt Nam, chỉ có một gốc mà tìm không được. Xin các bạn đừng bắt chước tôi”(3). Rồi ông xác định “nước Việt Nam không phải là Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa để cấp được những yếu tố tạo nên văn hóa thế giới. Nhưng nó ở ngã ba đường của các nền văn hóa, trong một trăm năm nay theo các văn hóa Pháp Mỹ, xã hội chủ nghĩa, hậu công nghiệp trong khi có sẵn một nội lực hùng mạnh chống sự đồng hóa, cho nên người Việt là bậc thầy về nghệ thuật bricolage” (sđd, tr. 108 -109).

Chúng tôi dừng lại bàn sâu hơn ở điểm này.

IV

Trong một lần trao đổi về đặc điểm của sự tiếp thu văn hóa từ bên ngoài vào nước ta với giáo sư Hà Văn Tấn, tôi đã chia sẻ ở ông ý tưởng về việc người Việt không tiếp nhận bất cứ một học thuyết nào nguyên trạng, mà thường là “cấu trúc lại”. Nhưng cũng chính thuật ngữ “cấu trúc lại” này lại khiến tôi băn khoăn. Nếu đối chiếu các học thuyết triết học, tư tưởng hay tôn giáo lớn nào đã từng du nhập vào Việt Nam, đều có thể thấy không chỉ việc cấu trúc lại, mà cụ thể hơn, là đều bị đơn giản hóa, lắm lúc là đơn giản hóa đến mức lạ lùng. Lại có thể đồng tình với GS Phan Ngọc “Nhưng họ – người Nhật – đáng sợ vì biết từ bỏ con đường cũ, chuyển toàn bộ tài năng và nghị lực về con đường kinh tế…Cách bricolage của họ biểu hiện một sự thâm nhập vào kỹ thuật. Con cách bricolage của ta vẫn dựa trên chất liệu dân dã, biện pháp thủ công” (Phan Ngọc, sđd, tr.110).

Đến với cái mới nhanh và ứng phó linh hoạt trước mọi tình huống – dường như đặc điểm đó trong ứng xử của người Việt đã được hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam thừa nhận. Nhưng một khi không đổ máu do không có tâm lý kiền thành tôn giáo mà cũng không chịu đổ mực để bàn mọi chuyện cho ra lẽ, thì cách gạt bỏ mọi cấu trúc phức tạp, mọi sự xa lạ, khó hiểu, diệu vợi nữa lại đồng thời có nghĩa gạt bỏ mọi thành tựu đỉnh cao, tự loại bỏ khỏi mình khả năng chinh phục được các đỉnh cao.

Mà không chiếm lĩnh được đỉnh cao, nghĩa là không tạo được bước đột phá cho công cuộc hiện đại hóa, không thể nở mày nở mặt trong thế giới hiện đại, một thế giới đã trở nên vô cùng phức tạp so với thời đại trước kia trong quá khứ.

Trong mọi bình diện của văn hóa, cái cần nhất cho người Việt Nam hiện đại, theo ý tôi, chính là năng lực chấp nhận mọi tình huống phức tạp của thực tiễn lẫn mọi sự gian nan của tư duy lý luận, khắc phục được bệnh đơn giản hóa vấn đề mà không đánh mất tính linh hoạt, nhạy bén và khả năng thấu thị, viễn kiến. Chung sống được, mà là cảm nhận được hạnh phúc, với cái dị kỷ, chính là một nhu cầu cấp bách để tiến lên, để trưởng thành.

 Hà Nội 1996

—-

(1) Kim Định. Cơ cấu Việt Nho. Nguồn Sáng xuất bản, Sài Gòn, 1973.

(2) Trần Đình Hượu – Bài Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc. In trong Đến hiện đại từ truyền thống. Nxb Văn hóa & Thông tin. (tái bản), H. 1996, tr.235 – 236.
(3) Phan Ngọc – Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới. Nxb Văn hóa & Thông tin, H. 1994, tr. 108

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)