MỘT PHẦN TRIỆU HY VỌNG

Nhưng thôi, cuộc sống là cuộc sống, như nó diễn ra, chứ đâu có như mình mong muốn hay suy diễn. Miễn sao, tôi có được, như mọi người, một phần triệu niềm hy vọng.

Nhờ một người bạn thân, tức là một người biết được ưu khuyết điểm của mình, mà tôi có được một phần triệu hy vọng sống sót trong trường hợp rớt xuống Thái Bình Dương. Bốn hoặc năm ngày mỗi tuần, lúc bảy giờ kém mười lăm sáng, chị gọi điện cho biết: “Tao đi đây” để tôi chuẩn bị, và năm phút sau chị có mặt ngay trước cửa chung cư của tôi để chở tôi tới một trung tâm phục hồi chức năng, mà dân ở đây gọi nôm na là “nhà thương bại liệt”. Xin nói ngay là cả hai đứa tôi không ai bại hay liệt. Chẳng qua là ở trong khuôn viên nhà thương có một cái hồ bơi, và chị bạn đưa tôi tới đó để dạy tôi bơi.
Tôi có hai lý do để học bơi: Một là, ý chí bám lấy niềm hy vọng sống còn, dù chỉ là một phần triệu. Trong thời đại khủng bố và không tặc này mà tôi nhắm chừng mỗi năm tôi phải đi máy bay vượt đại dương ít nhất bốn lần. Mỗi lần ngồi trên máy bay rồi là lại được hướng dẫn cứu hộ. Lệ là vậy, cho dù ai cũng tin là nếu đang ở độ cao ba bốn ngàn mét phía trên Thái Bình Dương mà máy bay gặp “sự cố” thì niềm hy vọng hạ cánh khẩn cấp an toàn chỉ có một phần trăm. Ví dụ máy bay hạ được cánh khẩn cấp xuống mặt biển thì  hy vọng thoát ra khỏi thân máy bay cũng chừng một phần ngàn. Và nếu thoát ra được máy bay để rơi tỏm xuống đại dương, thì dẫu biết bơi cũng chỉ có một phần triệu hy vọng… bơi vô bờ, hay bơi loanh quanh cho đến khi có người đến cứu. Mặc, hy vọng cũng như vàng ròng, một phần triệu hy vọng vẫn là hy vọng, có để mà thủ còn hơn không.
Lý do thứ hai là cần phải trấn áp nỗi sợ hãi… tuổi dậy thì. Nguyên là năm mười hai mười ba tuổi, tôi đã đi học bơi. Khi cô giáo đếm một hai ba cho học sinh nhảy ùm xuống nước, thì do bản năng sinh tồn, tất cả những đứa khác đều quơ quào quẫy đạp mọi cách để ngoi được lên mặt nước, riêng tôi xụi lơ chìm lĩm. Khi được vớt lên, cứu tỉnh, cô giáo hỏi tại sao vậy, tôi nói thấy nước sợ quá, xây xẩm mặt mày rồi không còn biết gì nữa. Cô giáo cho là tôi bị đau tim, không cho tôi học bơi nữa. Bác sĩ bảo chứng “đau tim” của tôi khi qua tuổi dậy thì sẽ tự khỏi. Có lẽ vậy. Nhưng chứng sợ nước thì đến tuổi hồi xuân sao mà vẫn còn. Chị bạn tôi nói: “Cách duy nhất cho hết sợ nước là cứ nhảy vào nước”. Tôi đành nhảy! Lóp ngóp lặn hụp suốt một tháng, uống bao nhiêu nước hồ bơi (khiến tiêu chảy dài dài), rốt cuộc tôi biết bơi.
Khoái ơi là khoái! Sáng sáng đi ngang qua hoa viên của nhà thương bại liệt, thấy những người đang điều dưỡng ở đó, già trẻ nam nữ gầy béo có đủ, tập đi từng bước chậm rãi, khó khăn, đầy nhẫn nại. Có người run run tựa vào gậy chống nhích từng gót chân, di chuyển được chừng hai tấc phải đứng lại thở. Có người bám vào thanh ngang trong nhà tập, mỗi lần cố nhấc chân lên, gương mặt cau lại như cố nén nhịn một cơn đau thấu óc. Có người thử bước một mình, cẩn thận, chăm chú, gồng cả người lên, miệng méo đi, vừa nhấc chân lên đã lảo đảo, nhưng khi gương giữ thăng bằng và đặt được chân tới trước, kể như đã đi được một bước, mặt mày bỗng bừng sáng rạng rỡ, cái miệng méo bỗng tròn lại thành một nụ cười hạnh phúc như trẻ con. Ngay cả người còn ngồi xe lăn, vẫn cố gắng vươn cổ hít thở khí trời.
Hỏi ra nguyên nhân bại liệt thì vô số: bẩm sinh, bệnh tật, tai biến, tai nạn. Đâu có ai muốn, mà đâu phải không muốn là tránh được đâu! Thấy người ta sẵn sàng đánh đổi bất cứ của cải gì, kiên trì bất kể thời gian bao lâu, nỗ lực bất kể gian khó nào, chỉ để lại được đi đứng trên đôi chân của mình, tôi thực sự cảm phục và nhập tâm bài học “tập đi” để quyết chí tập bơi. Thấy mấy đứa mười mấy hăm mấy tuổi bắt đầu học cùng lúc với mình mà sau ba bốn buổi học đã bơi như nhái, trong khi mình cứ lụp chụp ôm phao, tôi tự an ủi: “tụi nó trẻ, xương cốt dẻo dai, sức lực dồi dào. Mình già rồi làm sao bì kịp”. Nhưng mà mình “già” sao bằng bà Hường tám chục tuổi đang tập đi trên kia? Mỗi ngày bà chỉ phấn đấu đạt chỉ tiêu “đi thêm một bước nữa”. Với tốc độ gần ba phút một bước, bà đi chậm hơn con giun đất bò song song. Nhưng bà vẫn gạt những cánh tay con cháu đưa ra lăm le chực đỡ để tự mình bước đi. Một đứa cháu của bà than (có lẽ nó ngán ngẫm vai trò biệt phái chăm sóc bà cố): “Bà cứ ngồi xe cháu đẩy cho khỏe, đi làm gì cho khổ”. Nhưng bà cứ tập đi. Một phần triệu hy vọng vẫn là hy vọng.
Bây giờ tôi đã có thể bơi hai chục lần chiều dài hồ bơi mỗi buổi, xen kẻ những lúc tạm nghỉ nói chuyện tào lao với các bạn bơi. Chị Thảo đi bơi theo lời khuyên của bác sĩ. Trước đây chị được chẩn đoán bệnh ung thư, tây y bó tay, chị tự trị bệnh bằng cách ăn gạo lứt muối mè suốt bảy năm. Tình trạng chị hiện nay là cột sống đau, một chân hơi liệt, mỗi ngày chị đi vật lý trị liệu và đi bơi. Người ta bơi sãi sấp rồi sãi ngữa, bơi ếch rồi bơi bướm, lại còn bày cho nhau bơi nghệ thuật nữa chứ. Chị cũng kiên trì, ai bày gì làm nấy, cười hỉ hả khi làm trật, cười ha ha khi được khen có tiến bộ. Chị Thu thì vừa ung thư vừa bệnh tim. Chị Phụng từng bị nhồi máu cơ tim. Còn chị này bị bệnh huyết áp, chị kia bị cột sống, chị nọ bị teo cơ (!) Rồi các chị hỏi lại tôi bị bệnh gì? Tôi nghĩ một lúc rồi nói hồi mười hai tuổi có (làm bộ) đau tim, bây giờ sao không thấy bệnh gì nữa. Trời ơi, sao may mắn vậy? Sao sung sướng vậy?
Hóa ra hạnh phúc của mình phải có người hét vào mặt mình mới nhận ra. Mỗi khi vươn tay quạt nước, ngóc đầu lên thở, nhìn thấy trời xanh mây trắng trên cao, tôi cảm nhận được cái khoan khoái của buồng phổi đầy khí trở lại, cái lâng lâng của cơ thể nhẹ lướt đi trong nước, cái mát rười rượi của nước mơn man làn da mình. Rồi khi ngụp đầu xuống nước, thấy bóng nắng lung linh nhảy múa dưới đáy hồ lát gạch men xanh, và qua làn nước trong thấy những thân thể khác đang bơi như cá chung quanh mình. Mình thử bơi theo người phía trước, thử né qua một bên, rồi thử vượt qua, rồi trồi lên ở đích đến, ngoái nhìn “tiền bối” còn phải đạp nước vài cái nữa, lòng rộn rã niềm vui hết sức trẻ con “Tui thắng nhe!” Ủa, có ai tranh đua gì đâu mà thắng với thua? Những tiếng cười lan trên mặt nước sao mà vui vậy?
Bơi xong, gội đầu tắm táp lại, rồi ngồi yên sau xe gắn máy cho chị bạn chở về, tóc ướt xõa cho gió Sài Gòn thổi khô. Nắng lên rồi, xe cộ trên đường đông đúc, hàng quán bên đường đều đã mở hàng, có chị gánh chè đi bán rong mời ăn sáng bằng một nụ cười dễ thương. Một ngàn đồng xôi bắp, hai ngàn đồng chè thập cẩm, có cái ghế đẩu cho khách ngồi dưới tán râm mát của cây điệp. Nhẩm tính gánh xôi chè của chị lời được bao nhiêu. Chị nói cũng đắp đỗi qua ngày, chứ nhiều hơn thì gánh không nổi, mà có lời nhiều hơn cũng không làm giàu nổi bằng nghề này. Chỉ biết vái Trời Phật cho trúng số độc đắc mới may ra đổi đời. Mua một tấm vé số thì có được một phần triệu hy vọng trúng độc đắc không? Chị cứ mua, một phần triệu hy vọng vẫn là hy vọng.
Rồi nắng lên gay gắt, đường phố khói bụi mịt mù, tiếng còi xe, tíêng máy nổ, tiếng rú ga, tiếng người réo gọi… đầu óc mỗi lúc một căng theo cái nóng hừng hực ban trưa. Chi bạn đã vội vã đến trường với năm tiết dạy ngày hôm đó, rồi chấm bài, họp tổ bộ môn, tập văn nghệ, về nhà còn phải lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, thăm viếng người này người nọ ở gần, thư từ, điện thọai người ở xa. Như một giáo viên bình thường, như một phụ nữ bình thường, như một người dân bình thường. Có khác chăng là chị có một mối tình không bao giờ kết thúc, một người yêu đeo đẳng mười mấy năm. Chị yêu một triệu mà được đáp lại có một thôi. Nhưng người còn đó ta còn đây, một phần triệu hy vọng vẫn là hy vọng.
Tôi về nhà, mở máy tính, cái cửa sổ nhỏ xinh xinh mở ra một thế giới bao la phức tạp. Thêm một vụ nổ bom tự sát ở Iraq, con số lính Mỹ chết ở đó đã lên đến hai ngàn. Không thấy đưa tin con số chính xác bao nhiêu người Iraq đã chết, thương tật, ly tán gia đình, tan hoang nhà cửa, cụt đứt tương lai. Thêm một hội nghị quốc tế cao cấp, các lãnh đạo quốc gia trình diễn những gương mặt tươi cười trước ống kính của các hệ thống truyền thông quốc tế, tuyên bố này nọ, kêu gọi nọ kia, rồi ký kết, rồi cam kết, để rồi vàng vọt lên giá, dầu hỏa tiếp tục khủng hoảng, cúm gà sắp thành đại dịch cho người.
Tôi chưa kịp ngắt đường kết nối với mạng thế giới internet thì đã nghe ầm ầm ngoài cửa sổ. Mây đen bỗng nhiên kéo tới mịt mù, sấm sét chớp nháng liên tục, rồi mưa đổ ào ào. Dân Sài Gòn dẫu quen thói bất thường của thời tiết vẫn trở tay không kịp. Đang chạy xe giữa đường phải vội tấp vô lề khoác vội áo ny lông, rồi hối hả giành đường về nhà hay đi tới chốn cho lẹ. Ai cũng gấp thành ra ai cũng kẹt trong giòng xe cuồn cuộn đổ về ngã tư, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy. Tiếng rú ga, tiếng máy nổ, tiếng còi xe, tiếng người réo gọi… lẫn trong tiếng sấm đùng đùng và tiếng mưa xối xuống rào rào. Và tiếng điện thọai reo. Ban biên tập đòi bài. Gấp. Tôi mới viết tới đây, lòng còn ngỗn ngang, chưa biết kết luận thế nào. Nhưng thôi, cuộc sống là cuộc sống, như nó diễn ra, chứ đâu có như mình mong muốn hay suy diễn. Miễn sao, tôi có được, như mọi người, một phần triệu niềm hy vọng.

Lý Lan 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)