Một tinh thần Baroque trong kiến trúc Việt Nam?

Tinh thần Baroque trong kiến trúc: phải chăng là nét đặc trưng nhất của kiến trúc Việt Nam (VN)? Sự cầu kỳ, rườm rà và hỗn hợp là một nét khá phổ biến trong các công trình kiến trúc hiện nay. Xu hướng chạy theo những hình thức mang ảnh hưởng cổ điển Châu Âu, với những chi tiết phô trương, mà nhiều người đánh giá là một vấn đề kinh niên của kiến trúc hiện đại VN, xét cho cùng có một sự tiếp nối.

Đó là truyền thống phóng túng và hình thức chủ nghĩa của kiến trúc VN. Trong phạm vi bài viết, từ Baroque ở đây được nhắc đến với ý nghĩa về tính sáng tạo, sự phóng túng, sự giàu có về ý tưởng và tính cách tân mạnh mẽ mà nó hàm chứa.

Ta hãy thử bàn xem, những đặc tính về mặt tổ chức không gian và thẩm mỹ kiến trúc cổ truyền vốn được các nhà chuyên môn đánh giá cao có phải thực sự có những hiệu quả xuất sắc như thế không?
Chúng ta cũng hãy thử so sánh xem khả năng phóng túng của những sản phẩm kiến trúc hiện nay so với những thời trước ra sao? Trước đây, khi với vật liệu và công nghệ hạn chế, những người xây dựng của một xã hội nông nghiệp cổ truyền đã có những thành tựu nhất định. Vậy thời nay, với tất cả điều kiện cần thiết để thay đổi cách thức xây dựng, nhất là trong một thế giới thông tin không giới hạn thế này, sự phóng túng của kiến trúc Việt Nam đã đi được đến đâu?
Chúng ta có thể thấy trong rất nhiều ngôi đình làng, mặc dù nhang nhác giống nhau, nhưng mỗi nơi những người thợ thủ công đã tạo tác những sản phẩm điêu khắc độc đáo, trên bức ván cốn, đầu bảy, đầu kèo, cho đến những đầu đao được chạm trổ kỳ khu với tất cả tâm tình. Nét phóng túng không chỉ nằm ở đề tài: hứng dừa, trai ghẹo gái tắm, cảnh hội hè phồn thực mà còn ở lối thể hiện dân dã, giản dị và nhất là hài hòa với tổng thể. Tiếng nói phồn thực hay hóm hỉnh nào cũng có mẫu số chung với tâm thức folklore của cộng đồng làng xã. Cho nên một mái đình hay cửa chùa có diêm dúa đến đâu cũng được không gian baroque của làng xã thu nhận và làm mềm những nét kỳ dị. Người xem không

Năng lực kiến trúc là một tiêu chí để đánh giá mức độ văn minh, bao gồm từ cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội đến thẩm mỹ trang trí. Những nét Baroque nửa mùa của ta là những nhộn nhịp vỏ bọc, bên trong là những khối tích nặng nề. Nghĩa là kiến trúc của ta chạy theo tinh thần Baroque nhưng ở khía cạnh hời hợt, bề nổi và phù phiếm, như một người non tay không chỉ huy được dàn nhạc với tầng tầng lớp lớp cấu trúc và tư tưởng bên dưới.

khó để thừa nhận vẻ cổ tích của những kiến trúc cổ được tiếp nhận từ không gian văn hóa cổ truyền, và ngược lại, những kiến trúc đó là những bảo tàng, những hình ảnh vật thể cho không gian làng xã. Tuy nhiên, với những gì còn lại cho đến ngày nay, chúng ta khó có thể nói kiến trúc cổ truyền của người Việt đậm yếu tố phóng túng. Nhất là khi so sánh với hệ thống di sản của các đất nước khác, hay như di sản kiến trúc Chăm ở Nam Trung Bộ, rõ ràng hình ảnh của kiến trúc Việt cổ truyền là sự thích nghi, sự dung hòa và gắn với thiên nhiên như một cách tồn tại. Chừng đó cũng cho thấy đây khó lòng là mảnh đất cho sự sáng tạo ở mức phóng túng và không phải là “niềm kinh dị” như những gì đến từ một đất nước Chiêm Thành phương Nam. Chúng ta hãy nói đến thời nay, khi người Việt đã có nhiều hơn trước những cơ hội để được phóng túng, thỏa mãn những giấc mơ Vũ Như Tô tội nghiệp.
Như chúng ta đều biết, kiến trúc là một ngành sáng tạo, và luôn luôn tìm cách đổi mới để thích nghi với những nhu cầu sinh hoạt của con người. Hơn nữa, với tư cách một ngành nghệ thuật, kiến trúc cũng cần có những khu vực ngẫu hứng và phóng túng của mình để làm động lực phát triển. Đặc tính phóng túng Baroque này nếu ở văn chương, mỹ thuật  dễ nhận ra, những dòng nghệ thuật mang tính đa thành này chứa những yếu tố có tính cách tân. Nhìn vào sự cầu kỳ, bồng bột và lan tràn của những hình thức kiến trúc “đặc dị” khắp nơi trên nước Việt Nam, liệu ta có thể xem đó như là một biểu hiện đẹp đẽ cho tinh thần Baroque kiểu Tân Phục Hưng không?
Câu trả lời là không. Sự phóng túng mang ngôn ngữ cách tân không thấy có, mà chỉ là những tiểu xảo trang trí rẻ tiền. Nếu các nghệ sĩ của các ngành nghệ thuật khác của VN đang thiếu khả năng tưởng tượng và phóng túng, thì kiến trúc sư cũng đồng cảnh ngộ. Sau nhiều năm gò mình trong những khuôn khổ và định chế cứng nhắc, lực lượng sáng tác bung ra trong cơn lốc xây dựng thời đầu tư mới. Như một cái vườn thiếu cày xới cẩn thận, những gì xâm nhập để mọc lên là những cỏ giả lắt nhắt, có hoa nhưng là hoa dại sinh sôi nảy nở trên mảnh vườn cằn cỗi. Điều đó có thể nói về cách thức tiếp nhận những nét kiến trúc bên ngoài, nhất là tâm lý và truyền thống nặng về rập khuôn, song lại dành nhiều công sức vào những cách chơi nho nhỏ, vụn vặt.
Nhìn vào kiến trúc cổ được xếp là đẹp như kiến trúc đình làng, những gì thú vị nhất là những nét thừa hưởng từ kết cấu có từ vùng bán sơn địa như nhà sàn, mái dốc lớn. Và mọi đình làng đẹp cũng không ra khỏi khuôn khổ ấy: năm hoặc bảy gian, một tầng, hết chữ đinh đến chữ công. Những phóng túng nếu có chỉ ở những trang trí điêu khắc nằm bên trong. Nhưng đó là câu chuyện của một nền kinh tế nông nghiệp và kỹ thuật xây dựng hạn hẹp. Còn bây giờ, sự phóng túng mà ta nói với ý nghĩa tích cực là mang yếu tố lãng mạn dường như đang thiếu ở kiến trúc Việt Nam ngày nay.
Chưa khi nào tinh thần phóng túng được thể hiện nhiều nhưng lại nửa vời như hiện nay. Hãy thử phân tích một ngôi nhà điển hình hiện nay. Một ngôi nhà ống lô phố kích thước 4x15m, xây bằng hệ khung cột, với 6 đến 8 cột xây hết đất, ba bề tường kín như bưng, có thể có một cái giếng trời ở giữa và như thế chồng lên 3-4 tầng giống một cái hộp diêm. Dường như chỉ còn phải tốn công cho mặt trước nên kết quả là mặt tiền này hội tụ những gì khéo léo và diêm dúa như một đồ án trang trí. Phóng túng ở đây nghĩa là gờ phào kiểu gì, hoa lá orot, cantouch, trán tường tam giác, cột Hi Lạp giả, có thể có thêm sư tử hí cầu, đại bàng đậu trái đất, nữ thần tự do cho đến mái đao đình làng. Những hình ảnh ở đây là những nét thu nhặt từ những nguồn ảnh hưởng bên ngoài, mang những yếu tố “mẫu” lặp đi lặp lại đến mức sáo rỗng. Gạt bỏ đi lớp mặt nạ trang trí đó, công trình kiến trúc của người Việt đầu thế kỷ 21 thiếu hẳn những cảm xúc lãng mạn và tinh tế. Con người Việt Nam những năm này thiếu một khả năng bay bổng cũng như vẫn chưa đủ nghiêm túc để thực hiện một nền kiến trúc vừa chứa đựng nền tảng công nghệ cho đến những đột phá về hình thức thể hiện.

 
Nhà ống Hà Nội

Chúng ta đều thấy những kiến trúc đẹp ở các thành phố như Hà Nội, Huế hay Hội An là do những thế hệ trước đã sắp đặt chúng trong không gian văn hoá đô thị. Chúng ta cũng thấy những ngôi chùa cổ đẹp là vì lý do gì. Những bài thơ đô thị như người ta nói đến ở đây là cái gì nếu không là vẻ lãng mạn, chất thơ và sự sáng tạo chứa đựng những nét phóng túng nhất định, dù có lặp lại nhưng trên hết, thấm một tinh thần và thái độ cảm xúc với cảnh quan. Chùa Thầy đẹp là nhờ bối cảnh non nước mà người xưa đã dày công nắn chỉnh, nhà thờ đá Phát Diệm đẹp là bởi người thực hiện, cha Sáu đã bỏ cả tâm huyết để tìm ra tiếng nói chung giữa loại hình tôn giáo ngoại lai với kết cấu và hình thức bản địa. Còn nhìn vào những kiến trúc mới, chúng ta thấy sao?
Sẽ có ai trong số chúng ta đi tìm chất thơ và lãng mạn của những thành phố thị xã mới mở, những khu đô thị mới?
Sự thật là một tâm trạng xơ cứng, một công việc hành chính hóa thiết kế không thể giấu vào đâu được. Sự phóng túng và lãng mạn dường như gặp phải một rào cản mà bản thân người thiết kế không hóa giải được. Ở mức cơ bản nhất, hệ thống duyệt đồ án và năng lực của chủ đầu tư là một giới hạn. Họ sẽ chấp nhận những phương án nào an toàn và có lãi nhất. Chủ đầu tư của ta chưa phải là những mạnh thường quân đúng nghĩa để theo đuổi những ý tưởng Baroque nhất. Những sự phóng túng bề ngoài hiện thời vẫn nặng tính trưởng giả. Mức hai, những người thiết kế của ta nằm trong môi trường xã hội chưa có sức sống văn hoá đủ cao để đọc được những tinh thần thời đại. Những trào lưu hiện đại du nhập vào VN không gặp được tần số của số đông. Kiến trúc sư VN mới chỉ làm được một cái vỏ bao bọc lấy một khuôn dạng cũ để thích nghi với nhu cầu của xã hội. Về mặt nghề nghiệp sáng tác, KTS VN có tài song không có nhiều điều kiện để mô hình hóa ý tưởng của mình lên mức lý luận. Xa hơn nữa, họ chưa dùng được những ý tưởng đó thuyết phục được cộng đồng. Le Corbusier hay Kenzo Tange làm được những ý tưởng khổng lồ và phóng túng nhất cũng là nhờ khả năng tiếp nhận của những nơi đặt hàng các KTS này. Những chủ đầu tư có học, nhìn nhận công việc của các kiến trúc sư lớn như những nhà lý luận xã hội, họ xác định được ngay khả năng hai bên đồng hành được đến đâu. Lúc đó bài toán xây dựng đã giải được một nửa. Cuối cùng, những xã hội cởi mở, táo bạo và ủng hộ sáng tạo là những mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng Baroque nhất. Xã hội như thế tất sinh ra những nhà sáng tạo của mình. Đúng là xã hội VN càng ngày càng cởi mở, song những gì mọc lên như cỏ dại lại cho thấy, xã hội đang có những giới hạn về cách sử dụng năng lực kiến trúc của mình.
Dĩ nhiên kiến trúc không chỉ có Baroque thì mới phóng túng, mới sáng tạo, mới cách tân. Nhưng nhìn ở khía cạnh nhộn nhịp và phong phú bên ngoài của bộ mặt kiến trúc hiện nay, tinh thần Baroque dường như cần được hiểu cho đến nơi. Nếu không, sẽ chỉ là những suy thoái về mặt năng lực kiến trúc, không chỉ ở phương diện hình thức mà còn ở trong tận nội dung. Thiếu một cách sáng tạo phóng túng, có thể chỉ khiến cho công trình quá công năng thuần túy, nhưng thiếu một cách nghĩ mang tinh thần Baroque, là thiếu hẳn một sức bật để ra được những công trình vượt lên khuôn mẫu tầm thường.

Nguyễn Trương Quý

Tác giả