Một tình yêu không thể kìm giữ*

Vi Thuỳ Linh thường đi rất xa cái khởi đầu của mỗi tuỳ bút. Đi rất xa mà không ra ngoài. Nó vẫn ở trong vùng cảm xúc, vùng tư duy, thậm chí là đề tài chị lựa chọn. Điều quan trọng nhất là cuối cùng nó lại trở về nơi chốn mà chị ra đi, hay có lẽ chính xác hơn là nơi chị tìm đến.

Sao lại buồn lúc Xuân đang đẹp?

Đấy là câu hỏi trong một tuỳ bút của Vi Thuỳ Linh. Có thể những gì tôi đang cảm, đang trôi lãng đãng trong đó lại chẳng dính líu, ăn nhập gì với câu hỏi ấy. Sao lại hỏi vậy? Mà sao tôi lấy câu hỏi ấy cho sự mở đầu bài viết này? Chỉ biết, ngay khi đọc vào câu này, tôi vô tình chạm chiếc chuông đồng nhỏ bỏ quên đâu đó trong ngôi nhà của mình mờ tối. Tiếng chuông vang lên, mong manh và như không bao giờ tắt. Và tôi dừng lại ở đó, trong mờ tối của những ký ức, lắng nghe những thứ quen thuộc, thân thương đã bỏ mình đi xa từ lúc nào không rõ, hoặc những thứ đó vẫn ở quanh mình, nhìn ngắm mình, lắng nghe mình nhưng không lên tiếng, giờ trở về. Trở về giống hơi ấm của một người thân yêu đi đâu đó lâu rồi và bất chợt từ bên ngoài gió lạnh bước vào ngôi nhà. Nó làm ta xúc động đôi khi đến tức ngực.

Sao lại buồn lúc Xuân đang đẹp?

Về mặt ngữ pháp, đây là câu hỏi. Nhưng thực sự đấy là tinh thần của Vi Thuỳ Linh trong toàn bộ cuốn sách. Tôi thấy vậy. Tôi thấy vậy bởi xuyên suốt những tác phẩm trong tập tuỳ bút thứ hai này là hương vị và hình ảnh của những vẻ đẹp đời sống của xứ sở chúng ta. Có không ít vẻ đẹp đã biến mất, có thể đã bị giết chết; có những vẻ đẹp vẫn hiển hiện, song không ít người đã bước qua không hề ngoái lại, có những vẻ đẹp đã lùi sâu vào những góc khuất như một sự lánh xa con người. Và Vi Thuỳ Linh, một nhân vật của thời hiện đại kêu lên trong ngỡ ngàng như chỉ chị mới phát hiện ra những vẻ đẹp đó, kêu lên trong buồn bã và nuối tiếc bởi chị nhận ra những vẻ đẹp đó đang rời xa. Tiếng kêu ấy của chị kéo tôi chìm vào những hương vị cố hương của những món ăn Việt nơi xứ người, lang thang dọc những vòm cây Hà Nội không bao giờ hết xanh và dứt tiếng thì thào, bâng khuâng với những ngày tháng Tư náo nức, xa xôi, mơ hồ, trôi như không còn nhớ đường về trên cánh đồng sực nức hương ngũ cốc và đất đai của tháng Mười, lòng khôn cầm khi trở lại một vùng quê như Cẩm Giàng, đa đoan với mùa Thu mà chị chợt tìm thấy ở Sài Gòn – thành phố phương Nam náo nhiệt đầy nắng… cùng với những gương mặt người trong đó, lặng lẽ và thơm thảo như không thể tách rời.

Đêm “Linh – Hộ chiếu tâm hồn” do Vi Thùy Linh viết kịch bản và lời dẫn sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội tối 6/3 với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Thu Hà, Lê Thiện Tùng cùng ca sĩ opéra Vành Khuyên, NSND quan họ Nguyễn Thuý Hường và các liền chị liền anh đến từ Bắc Ninh…

Tất cả những thơ mộng, đắm đuối và da diết kia được viết bằng nhịp văn dào dạt, mê đắm, nhiều lúc vô định; vẫn rành mạch, đan quyện, đầy chi tiết. Nhiều đoạn như là một bài thơ. Nó phải như thế và không thể khác. Có người nghĩ chị làm thơ trong nhiều tuỳ bút của mình. Chị không làm thơ những lúc ấy. Chị là người quan sát đời sống và bị đời sống làm cho kinh ngạc cuốn đi không thể chối từ, không thể cưỡng lại được. Đấy không chỉ là thực tại những – gì – nhìn – thấy, còn là những gì đã có, đang mất đi hoặc mất hẳn mà chị ước mong gặp lại. Đấy là vẻ đẹp mộng mơ khắc khoải vẫn biểu lộ bằng xúc cảm chân thật – một nhận diện bản nguyên ViLi. Đời sống đúng nghĩa của nó chính là bản chất của thi ca. Đời sống chỉ có một, còn văn bản về nó thì rất nhiều và khác nhau. Khi trong con người ta có một văn bản tương tự thì ta đọc được văn bản của đời sống. Nếu trong con người Vi Thuỳ Linh không có văn bản của những hương vị cố hương, của những vòm cây, của những cánh đồng, của những vùng quê, của những nhân tính… thì chị sẽ không tìm thấy văn bản ấy trong đời sống mà chị sống.

Tôi thực sự đã lần theo con đường mà Vi Thuỳ Linh trở về miền quê Cẩm Giàng của nhà văn Thạch Lam, quả thực, chị đã làm miền quê ấy hiện ra hay nói cách khác là trở về trọn vẹn. Bao phong vị cổ xưa của thiên nhiên và của người đã sống lại tựa giấc mộng, tựa như tôi ngồi trên chuyến tàu thời gian ngược về thuở trước và tìm lại vùng quê ấy. Mọi thứ còn y nguyên, không một thay đổi. Không một đổi thay trong những giọng nói ấy, trên những gương mặt người xưa ấy, không một đổi thay trong màu nắng ấy, không đổi thay dù chỉ một chút nơi màu hoa độ ấy. Nó quả thực đẹp đến nao lòng và nguyên vẹn. Nó là sự thật nhuốm đầy màu sắc phi lý.

Tất cả những hương vị ấy, những nắng mưa ấy, những xanh mướt ấy, những cây ấy, hoa ấy… luôn luôn hiện ra cùng với những nhân vật của chúng: Con người. Đó là những con người mà chúng ta có thể vẫn gặp thường ngày. Có một đặc điểm riêng hấp dẫn của tuỳ bút Vi Thuỳ Linh là sự gắn kết. Hình như từ “gắn kết” không lột tả được sự thật này. Nó từ một ngôi nhà này dẫn đến ngôi nhà khác, từ một vùng đất này dẫn đến vùng đất khác, từ hoa dẫn đến người, từ người dẫn đến cây, đến sông, đến một hồ nước và rồi lại đến người… Không phải tuỳ bút, đó là sự gợi mở khôn cùng, đó là sự mê man và đó là tình yêu không kìm giữ của chị.

Vi Thuỳ Linh thường đi rất xa cái khởi đầu của mỗi tuỳ bút. Đi rất xa mà không ra ngoài. Nó vẫn ở trong vùng cảm xúc, vùng tư duy, thậm chí là đề tài chị lựa chọn. Điều quan trọng nhất là cuối cùng nó lại trở về nơi chốn mà chị ra đi, hay có lẽ chính xác hơn là nơi chị tìm đến. Điều này đúng với thể loại tuỳ bút. Thể loại không quan trọng. Nó đúng là con người chị, đúng hơn nó là đời sống. Ví như nó là tháng Mười và nó chứa đựng trong đó những con người sống trong tháng Mười ấy.

Và  tháng Mười ấy không chỉ là tháng Mười của thời gian, nó là tháng Mười của số phận và lịch sử. Bởi thế, nó sống và nó có được quyền lực bắt ta phải quay lại, cho dù nó đã trôi đi và làm cho ta thấy nó đang hiện hữu sống động ở trong và ngoài ta, cho dù ta đang sống trong tháng Mười Một.

Thị xã Hà Đông, một ngày cuối tháng Mười nguyệt lịch

* Lời tựa cho tập tùy bút “Hộ chiếu tâm hồn” của Vi Thùy Linh do NXB Kim Đồng ấn hành tháng 2/2014

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)