Một Việt Nam đa lịch sử (Bài 1: Từ sử chí Nho gia đến sử chí Marxist)

Những gì của Việt Nam đã hiện ra dưới sử bút trong suốt thế kỷ XX là một lịch sử thống nhất- xuyên suốt- thường hằng. Những cái đơn nhất- thống nhất có tính xuyên suốt thường hằng ấy, vẫn có những góc nhìn khác nhau, những giọng nói khác nhau. Đó là những lịch sử được tạo nên bởi giọng nói của người Việt ở đồng bằng bắc bộ. Trong thời quân chủ, đó là giọng của các nhà Nho. Trong thời Pháp thuộc đó là giọng nói nhiều màu sắc của những người bị quăng quật giữa “mưa Âu gió Á”. Trong thời hiện đại, đó là giọng của những sử gia Marxist. Dù với giọng nào thì họ cũng phát ngôn bằng những tiếng nói riêng, tạo nên sự đa thanh, đa tuyến của lịch sử đất nước.


 Tranh vẽ Trận Bạch Đằng năm 1288 của Lê Năng Hiển. 

Nho giáo có hẳn một hệ thống lý thuyết và các thủ pháp chuyên biệt cho việc chép sử. Thực hành sử chí ở Việt Nam trong suốt ngàn năm quân chủ là các thực hành chính trị của Nho gia. Từ Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Hy, Phạm Công Trứ đến các sử gia triều Nguyễn, họ đều là những người ăn lộc triều đình mà chép sử quốc gia. Sử gia (nhà chép sử) thực ra vẫn chỉ là một loại nghề nghiệp ăn lương theo vị trí việc làm, là một loại bề tôi thay mặt vua để bàn đến sử nước nhà, nên họ mới tự xưng mình là “sử thần” (bề tôi chép sử). Hệ hình tư tưởng Nho gia khuôn định rõ tư duy chép sử, quan niệm chép sử và phương pháp chép sử. Công việc của Nho sử là “dĩ sử chứng kinh” (lấy sử để chứng minh cho kinh điển), lấy thực tiễn để gọt cho vừa với mô hình đạo đức chính trị của mình. Nên các triều sau chép lại sử các triều trước là để làm gương cho chính trị đương thời, nên mới có chữ “sử kính”. Lịch sử Nho gia cơ bản là lịch sử chính trị. Nên việc chép sử chú trọng vào tuyến tính của các triều đại. Lịch sử là sự truyền thừa quyền lực từ gia tộc này đến gia tộc khác: Khúc-Ngô- Đinh- Tiền Lê- Lý- Trần- Hồ- Lê sơ- Mạc- Lê trung hưng (Trịnh – Nguyễn), và Nguyễn. Nhưng vì củng cố tính chính thống của nền chính trị Nho giáo, sử thần buộc phải lựa chọn Ngô hoặc Đinh- hai nhà xưng vương xưng đế đầu tiên, để làm tiền lệ cho sự tồn tại của mình. Ngô Sĩ Liên thậm chí kéo dài lịch sử bằng cách nối thêm phả hệ Hồng Bàng, dù khéo léo đặt vào “ngoại kỷ” (phần bên ngoài của Nho sử), nhưng cũng đã hình dung thể chế chính trị theo mô hình Nho giáo: Hùng/ Lạc Vương với các Lạc tướng, Lạc hầu, con trưởng, con thứ, và các công chúa. Các hệ vấn đề mà sử chí Nho giáo quan tâm gồm: xưng vương xưng đế, lập triều nghi, phẩm phục, sắp đặt bách quan, chế độ giáo dục khoa cử, công tích đánh Nam dẹp Bắc, … Trong khi chép sử, thì các sử thần cũng phải thay mặt vua để bình luận bao biếm, khen chê các việc đời vua trước, để vừa làm gương, vừa để ca ngợi tính ưu trội của đương triều. Lối chép sử này không chỉ riêng Nho giáo mà còn tồn tại đến các sử gia sau này.


Tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, Nguyễn Sáng vẽ năm 1963. Nguồn: https://www.asiabankersclub.com/

Sau năm 1945, khi lịch sử thay đổi, các sử gia đã được trang bị các hệ thống tư tưởng mới: chủ nghĩa quốc dân (nationalism), chủ nghĩa giống nòi (racism), chủ nghĩa ái quốc (patriotism), chủ nghĩa đế quốc (imperialism), thuyết tiến hóa xã hội (social Darwinism)… và đặc biệt là Marxism ở miền Bắc và chủ nghĩa tư bản (capitalism) và ở miền Nam. Chủ nghĩa quốc dân đã thay thế, thậm chí “đoạt thai hoán cốt” khái niệm cũ của Nho giáo. “Văn hóa” không còn chỉ nền “văn trị giáo hóa” của Nho, mà để dịch chữ “culture”. “Văn minh” từ khái niệm mô tả “thể chế chính trị theo mô hình lý tưởng Đường Ngu Nghiêu Thuấn” hoặc gần hơn Đường – Tống – Minh-Thanh, nay đã được dùng để chỉ “trình độ phát triển của khoa học kĩ thuật” (civilization). Quốc gia của Nho là để chỉ “cái gia tộc cầm quyền trong nước” và “cái thể chế chính trị do một họ cai trị”, nay được dùng để dịch “nation” với nội hàm một cộng đồng cư dân cộng cư trong cùng một địa vực, có chung hoạt động kinh tế, chung ngôn ngữ, chung văn hóa, chung lịch sử.1 “Quốc sử” vốn là lịch sử của bang quốc, nay mang nghĩa là “national history”. “Tổ quốc” không còn là “đất nước của tổ tiên của một dòng họ” mà được dịch cho từ “patrie”. Hàng loạt khái niệm mới nảy sinh theo, như: quốc dân, quốc quyền, dân quyền, quốc hồn, quốc túy, quốc ngữ,… Lý thuyết của Marxism phần nào đã bao hàm các thành tố của chủ nghĩa quốc dân, nhưng “nation” thì được dịch thành “dân tộc”. Khái niệm “dân tộc Việt Nam” xuất hiện lần đầu năm 1920 dưới ngòi bút của Trần Trọng Kim sau đó được dùng rộng rãi trong suốt thế kỷ XX đến nay nhưng dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx. Lý luận của Chủ nghĩa Marx cho rằng “dân tộc” là một sản phẩm của tư bản chủ nghĩa, nó chỉ có thể tồn tại trên cơ sở quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa thời cận đại, chứ không thể có một dân tộc trong thời đại phong kiến. Đẩy đi xa hơn, theo Stalin, có hai loại dân tộc đó là: “dân tộc tư sản” và “dân tộc xã hội chủ nghĩa”. Trong những năm 1960-1980, khái niệm “dân tộc xã hội chủ nghĩa” được sử dụng song song với “dân tộc Việt Nam”, đó là một biểu hiện cho tình trạng ý thức hệ song đôi: vừa Marxism vừa nationalism. Còn từ 1990, sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô- Đông Âu sụp đổ, khái niệm “dân tộc xã hội chủ nghĩa” đã dần lùi vào hậu trường, thay vào đó khái niệm “dân tộc Việt Nam” dần trở thành từ khóa số một của đời sống tư tưởng. Vẫn là ý thức hệ song đôi ấy, nhưng “chân trụ chịu lực” đã chuyển dần sang chủ nghĩa quốc dân. Thực tế lịch sử cho thấy, kể từ Nguyễn Ái Quốc cho đến nay, nationalism và Marxism là một lựa chọn lịch sử quan trọng để tạo nên Việt Nam hiện tại, và đó cũng là hai hạt nhân chính cho sự vận hành của sử chí thời hiện đại.


Tranh vẽ quân Pháp tấn công thành Hưng Hóa năm 1884. Nguồn: wikipekia.

Sự phát triển lớn mạnh và rộng khắp của những nhà sử học Marxist ở Việt Nam khiến cho các dòng sử chí được triển khai theo nhiều phương diện của lý thuyết này. Từ sau năm 1945, các nhà sử học đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam theo hệ hình tư tưởng Marxist- Leninist, thậm chí cả Stalinist và Maoist. Nhiều thế hệ học giả đã cố gắng chứng minh lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam với các vấn đề cơ bản như: công xã, bộ tộc, sở hữu ruộng đất, công cụ sản xuất, phương thức sản xuất, vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp… Nhiều sử gia đã bỏ công đi tìm minh chứng Việt Nam từng có chế độ chiếm hữu nô lệ, nhưng công việc này không đem lại kết quả như ý muốn. Tức là lịch sử Việt Nam được viết ra dưới mô hình của hình thái kinh tế xã hội, với các giai đoạn: công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và cộng sản. Trong đó, cộng sản là mô hình phát triển nhất cần hướng đến. Bằng lý thuyết này, các chính trị gia và các sử gia xác định rằng, Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một nhà nước nửa phong kiến nửa thực dân/ tư bản, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu chính là đánh đổ các tàn tích phong kiến và chế độ của chủ nghĩa tư bản/ thực dân. Nhiệm vụ kép phải thực hiện là tiến tới thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng giải phóng giai cấp, tiến tới xây dựng xã hội chủ nghĩa, xa hơn nữa là chủ nghĩa cộng sản. Để thực thi nhiệm vụ này, Việt Nam đã lựa chọn mô hình cách mạng là tăng cường đấu tranh giai cấp, và mở rộng cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, đánh đuổi đế quốc- thực dân và “các bè lũ tay sai”. Phương pháp này kế thừa quan niệm “Bạo lực là bà đỡ” của K. Marx2. Để tiếp tục phát huy tinh thần chiến đấu, thì lý thuyết về bạo lực cách mạng cần có những tiền lệ lịch sử. Đây chính là lý do lịch sử Việt Nam được viết ra trong suốt thế kỷ XX như là một lịch sử của chiến tranh. Hàng chục chuyên luận, hàng ngàn bài nghiên cứu đã viết về đề tài này: chiến tranh dựng nước, chiến tranh vệ quốc, chiến tranh chống giặc ngoại xâm, chiến tranh chống nội chiến, khởi nghĩa nông dân, chiến tranh nhân dân, chiến tranh mở nước…  Những lịch sử ấy được viết ra để nối kết ngàn năm với hiện tại, để chứng minh Việt Nam có một truyền thống anh hùng cách mạng, một truyền thống bất khuất trước mọi kẻ thù. Truyền thống ấy là sức mạnh của dân tộc, được thơ ca nhạc họa hình dung là “bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” để “một tiếng nói chung: chỉ một con đường”. Cái đích đến là hòa bình, là độc lập dân tộc, dù phải băng qua khói lửa chiến trường. Như thế, Việt Nam đã được phác họa như là lịch sử của chiến tranh, đó là một tuyến chủ đạo của dòng chảy lịch sử với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là chủ nghĩa yêu nước. Những hình dung này cho thấy hệ tư tưởng đã ảnh hưởng như thế nào đến những ghi chép lịch sử, và cách tái lập lịch sử. □

(còn tiếp)

1 Tran Trong Duong, From Confucianism to Nationalism: Fictive Kinship and the Making of Vietnamese, Asian Studies, VIII (XXIV), 2 (2020), pp.165-183.

2 Nguyên văn bản dịch: “bạo lực là bà đỡ của một xã hội cũ đang thai nghén một chế độ mới. Bản thân bạo lực là một tiềm lực kinh tế”( C.Mác và Ph.Ăng Ghen Toàn tập (tập 23), Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội,1993, tr. 1043.)

Đón đọc những kỳ sau: Bài 2: Những dòng bút sử chiến tranh, Bài 3: Lịch sử của người Việt, Bài 4: Lịch sử của người đồng bằng bắc bộ, Bài 5: Lịch sử của người chiến thắng, Bài 6: Lịch sử của đàn ông, Bài 7: Lịch sử của người lớn…

Lịch sử Việt Nam là đa chiều kích, giống như cuộc sống vậy. Nhưng cái lịch sử được chép lại, được tái lập dưới ngòi bút của các sử gia thường có xu hướng đơn tuyến để cho giản dị và dễ đạt được những mục đích mà người ta muốn hướng đến. Lịch sử hay việc chép sử là công cụ trong tay những người cầm quyền, những người chiến thắng, những người nắm kinh tế và những người có vị thế trong xã hội. Ngay từ khi lịch sử được chép lại, nó đã bị chi phối bởi quyền lực, đã bị lựa chọn, bị cắt xén, bị nhào nặn, bì bào nhẵn cho phẳng phiu, cho hợp logic với tư tưởng hiện dụng, và nhu cầu của người đương thời.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)