Muốn hiện đại phải hiểu rõ truyền thống

Vấn đề dân tộc và hiện đại đã được bàn luận rất nhiều, song vẫn còn tồn tại nhiều những ý kiến trái chiều. Điều đó thể hiện rất rõ qua cuộc hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay” vừa được tổ chức. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với PGS. Trần Ngọc Vương về vấn đề này.

PGS. TS. Trần Ngọc Vương: Những mệnh đề phổ biến như “phải giữ truyền thống”, “phải giữ bản sắc” rồi thì “phát triển hiện đại mà không hòa tan”,…đã từng được rất nhiều người nói đến. Những mệnh đề đó, ai cũng thấy là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng trước hết là phải xác định cho đúng tính dân tộc và bản sắc dân tộc. Muốn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, trước hết, chúng ta phải biết bản sắc đó là gì. Không chỉ ra được nội hàm của cái gọi là bản sắc dân tộc chúng ta sẽ không biết giữ gìn và phát huy cái gì. Đó là vấn đề thứ nhất. Ở vế thứ hai, quá trình hiện đại hóa đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn và phát triển cái gì phù hợp với “thể trạng văn hóa dân tộc”. Giống như chúng ta bước vào một nhà ăn quốc tế với rất nhiều món ăn khác nhau. Có những món ăn vốn là đặc sắc của một cộng đồng nào đó nhưng lại là không thể hấp thụ được với những người thuộc cộng đồng khác. Cái thể trạng vốn có của mỗi người quy định rất nhiều việc tiếp nhận món ăn mới. Việc tiếp nhận thực đơn một cách “vô tội vạ” chắc chắn sẽ dẫn đến những biến dạng không lành mạnh về thể chất. Với việc tiếp thu văn hóa, điều đó sẽ càng trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Song từ ví dụ đơn giản đó, có thể thấy rằng, việc tiếp thu cái hiện đại bị quy định bởi chính những quán tính của cái truyền thống.

Vậy nên hiểu như thế nào về bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện đại hóa và và toàn cầu hóa như hiện nay, thưa PGS?
Bản sắc là cái được xác lập dần qua thời gian trong những điều kiện xác định, do tính chất ít giao lưu và khép kín tương đối, và dần hình thành nên những thuộc tính đủ để làm nên đặc trưng của nền văn hóa các cộng đồng, khả dĩ phân biệt nó với những cộng đồng khác. Trong văn hóa học hiện đại, người ta quan niệm bản sắc là rất phong phú, khác biệt và đa dạng đồng thời không nên so sánh với nhau về mức độ cao hay thấp. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sự phát triển lịch sử loài người, người ta cũng nhìn thấy một cộng đồng nào đó phát triển hơn, đi xa hơn, đồng thời mang tính chất tỏa sáng, gây ảnh hưởng với cộng đồng liên quan. Đó là một sự thực khách quan. Thế nhưng, lịch sử nhân loại không ghi nhận dân tộc nào là tiến bộ mãi, và đứng trên đỉnh cao hàng đầu mãi. Tương quan giữa giá trị vĩ đại của nền văn minh Hy La trong quá khứ và hiện trạng của đất nước Hy Lạp ngày nay có thể coi là một ví dụ tiêu biểu. Hơn nữa, lịch sử văn minh nhân loại đã chứng minh một hiện tượng khá phổ biến là những giá trị được “di thực”, “bứng trồng” có khi lại tạo thành những trung tâm mới, những bản sắc mới với trình độ phát triển cao hơn hẳn nơi khởi thủy của nó. Ở đây còn một khía cạnh nữa là, nếu ta cứ mãi tiếp thu những giá trị ta coi là hiện đại của một cộng đồng nào đó, sẽ có những cộng đồng khác sẽ phát triển nhanh hơn và đi xa hơn. Khi đó liệu bản thân chúng ta có một lần nữa trở nên lạc hậu hay không? Hơn nữa, nếu người ta cứ mãi đi bắt chước ai sẽ tạo ra những giá trị mới. Điều đó cho ta thấy những giá trị văn hóa, thành tựu truyền thống, bản sắc không phải là thứ xác lập một lần. Nó không thể bất biến qua thời gian, không thể giữ mãi giá trị vào thời kì đỉnh cao mà phải chấp nhận sự thử thách, bào mòn thậm chí tiêu biến nếu không có cách giữ gìn và phát huy.

Phải chăng, truyền thống, bản sắc được xác định theo cách đó đòi hỏi một quá trình chiêm nghiệm tích lũy chứng cớ, tư liệu và nghiền ngẫm nghiêm túc? Và nếu không cẩn thận việc tạo dựng văn hóa truyền thống sẽ tạo ra những giá trị giả, giá trị ảo?
Như một ước lệ khi nhắc đến bản sắc người ta thường nhắc đến những phẩm tính, những đức mục cộng đồng, những giá trị theo chiều hướng tích cực và tốt đẹp. Đừng quên rằng, ngay cả bản sắc cũng có cái tốt và cái xấu, cái hay và cái dở. Trong cái gọi là truyền thống (được hiểu là tất cả những gì đã hình thành và kết tinh tạo nên những quán tính lịch sử, áp lực lịch sử lên những giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển) cũng mang theo cả những mặt trái. Chúng ta cứ cố tình lờ đi những mặt trái của truyền thống, của bản sắc không có nghĩa là nó không tồn tại. Sức mạnh bản năng, quán tính của nó bị bỏ quên quá lâu sẽ càng lớn và có khi sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường. Lịch sử đã cho thấy những bi kịch lớn mà nguyên nhân của nó chính là cái bản năng và quán tính của lịch sử. Người Việt là những người thông minh vào loại bậc nhất trên thế giới, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách. Sự linh hoạt đó, trong những trường hợp cụ thể, có thể phát huy công dụng tối đa và đem đến những kết quả hoàn hảo. Nhưng sự linh hoạt đó lại không tạo ra được những tư duy mang tầm cao và tầm xa, những viễn kiến thực sự ở một xã hội tiểu nông như Việt Nam. Những sáng tạo của người Việt thường là rất nhỏ, cách tư duy của người Việt thường rất manh mún. Đó là lý do vì sao cho đến nay người Việt vẫn chưa thể có những tỉ phú ngang tầm thế giới, hay không thể phát triển được một hệ thống khoa học kỹ thuật mang tính chiến lược. Và người ta có thể tìm được vô vàn những ví dụ trong lịch sử để minh chứng cho điều này. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, người ta cũng đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều ước mơ hiện thực. Đặc biệt là từ thế hệ 7x đã có những tiếng nói thực sự đáng trân trọng. Khát vọng được làm chủ chính bản thân mình chứ không phải là một kẻ tôi tớ giàu có là một khát vọng đáng quý. Hay khát vọng về một “Thủ phủ café toàn cầu” là một khát vọng vừa có nét đẹp lãng mạn đồng thời cũng có những toan tính hiện thực khi biết huy động sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đặt vấn đề cạnh tranh và cạnh tranh được với thế giới đã là lành mạnh và phát triển rồi. Khi người ta đề nghị thay khẩu hiệu: “Người Việt dùng hàng Việt” bằng khẩu hiệu: “Hàng Việt phải phục vụ được cho dân Việt”, nghĩa là đã có ý thức đưa chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Và đó là trách nhiệm đặt ra đối với chính các doanh nghiệp, những doanh nhân làm ra các sản phẩm chứ không phải là trách nhiệm của người tiêu dùng. Cách suy nghĩ đó là tiến bộ và rất đáng được khuyến khích. Nói tất cả những điều đó để thấy rằng, để phát triển, để hiện đại, chúng ta bắt buộc phải tính đến tất cả những vấn đề căn bản nhất của tính cách và truyền thống dân tộc. 

Theo PGS, cần phải có những bước đi như thế nào để tính dân tộc không mâu thuẫn với tính hiện đại, đồng thời phát huy tối đa bản sắc dân tộc?

Như tôi đã nói, vấn đề giữ và bỏ, phát huy và sáng tạo khi tiếp thu thành tựu thế giới thì phải xem thể trạng của anh có thể tiếp thu được không. Đồng thời, bắt buộc phải tính đến việc những giá trị ngoại lai được tiếp thu sẽ phải liên kết với những giá trị, thành tựu cũ trong cấu trúc hữu cơ thống nhất như thế nào. Về mặt văn hóa cũng vậy. Người ta đưa ra những quy định nhiều khi rất cụ thể chi tiết nhưng võ đoán và không phù hợp với thực tế. Và chỉ cần một phản biện nôm na sẽ làm cho những quy định như vậy sụp đổ. Chẳng hạn như quy định về độ ngắn tiêu chuẩn cho những chiếc váy của các nữ ca sĩ biểu diễn trên sân khấu. Đó là lối tư duy theo lối tiểu nông, từng mảng miếng từng sự vụ, chứ không phải lối tư duy mang tính hoạch định chiến lược. Hay như việc chống lại văn hóa đồi trụy. Ngay khái niệm gốc thế nào là khiêu dâm, thế nào là đồi trụy cũng phải được lý thuyết hóa chắc chắn về mặt nhận thức. Đã có không ít người ngộ nhận một cách ngây thơ về những vấn đề cơ bản như vậy. Đó là các lỗ hổng lớn về văn hóa, một sự thiếu hụt nghiêm trọng về quan niệm cần phải được bổ sung. Đặc điểm của quá trình toàn cầu hóa, mà như nhiều người đã nói, là tạo nên một thế giới phẳng. Cũng thật khó để nói rằng, thế giới đã hoàn toàn phẳng nhưng tính chất phẳng của thế giới là có và chính cái phẳng đó là một thách thức cho những chủ thể điều hành các cộng đồng trong việc bảo vệ các giá trị và tính bản sắc. Toàn cầu hóa về mặt văn hóa  có thể diễn ra ở những chi tiết rất nhỏ, cũng có thể là những yếu tố mang tính hệ thống. Do đó, quá trình tiếp thu văn hóa cũng cần phải tùy vào vấn đề cụ thể, tùy vào quy mô, tính chất của đối tượng để bàn bạc về những giải pháp điều tiết và quản lý.

Nhiều người cho rằng, bản sắc dân tộc là phong phú, đa dạng và không nên đặt vào những thang bậc giá trị để so sánh cao hay thấp. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng quan niệm như vậy là chủ nghĩa tương đối văn hóa mang màu sắc chính trị để xoa dịu các cộng đồng kém phát triển. Ý kiến của PGS?
Trong thực tế không tránh được chuyện sắp xếp văn hóa theo các thang bậc giá trị. Cái mà theo tôi là sòng phẳng, khách quan hơn, đó là bàn về tiềm năng của sự phát triển. Trong lịch sử không có cộng đồng nào mãi mãi ở đỉnh cao của sự phát triển, cũng như không có cộng đồng nào mãi mãi ở dưới đáy. Bởi vì nếu cứ ở dưới thấp mãi, cộng đồng đó sẽ bị thoái hóa và tiêu biến vậy muốn tồn tại thì cộng đồng đó phải tìm cách để vươn lên. Chúng ta đang chứng kiến những quá trình cạnh tranh khốc liệt và nguy cơ xóa sổ về văn hóa của những cộng đồng nào đó là có thật. Chắc chắn là ở thời điểm hiện tại đã có những cộng đồng, tộc người không thể đưa ra bản sắc văn hóa của mình. Thử quan sát khu đô thị hóa mà cư dân ở đó về mặt nguồn gốc thuộc các cộng đồng tộc người khác nhau, có bản sắc truyền thống khác nhau nhưng một khi đã vào đô thị họ nhanh chóng trở nên “nhất trí đồng dạng”. Người Thái, người Tày, người Kinh khi cùng vào một khu dân cư dần dần sẽ giống nhau. Theo đó, nếu ta không cẩn thận, hiện đại hóa sẽ đe dọa quá trình bảo vệ nét bản sắc tộc người. Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong quá trình đô thị hóa cũng đã tính đến vấn đề này. Trong khi phát triển đô thị họ vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc của tộc người, nghĩa là họ bảo lưu tính chất đô thị nhưng là đô thị của tộc người. Trong các đô thị như vậy, có những yếu tố là hằng số chung nhưng cũng có những biến số, thể hiện qua kiến trúc, điêu khắc, tổ chức quy hoạch, không gian công cộng… Những chính quyền dân chủ và lành mạnh đều có nỗ lực bảo vệ sắc thái tộc người, sắc thái văn hóa trong quá trình đô thị hóa. Những China town, Little Sài Gòn,… là những ví dụ rất điển hình trên thế giới. Và chính quyền bản địa cũng nỗ lực hỗ trợ giúp đỡ để các cộng đồng giữ gìn sắc thái văn hóa của cộng đồng họ.
Tất cả những vấn đề đặt ra ấy, bắt buộc chúng ta cần phải có những cái nhìn viễn kiến và những quyết sách thích đáng về vấn đề dân tộc và hiện đại trong quá trình phát triển cũng như quá trình hội nhập giao lưu, toàn cầu hóa hiện nay.
Lê Văn Hiệp (thực hiện)

Tác giả