Nadezhda von Meck – nàng thơ vô hình của Tchaikovsky

Alexander Poznansky hiện là một trong những học giả Tchaikovsky lỗi lạc và tích cực nhất trên thế giới. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử “Tchaikovsky: The Quest for the Inner Man” (Tchaikovsky: Cuộc tìm kiếm con người nội tâm, 1991), cuốn tài liệu nghiên cứu “Tchaikovsky’s Last Days” (Những ngày cuối cùng của Tchaikovsky, 1996) và đồng biên soạn 2 tập “Tchaikovsky Handbook” (Sổ tay Tchaikovsky, 2002).  Dưới đây là bài viết của ông về mối quan hệ giữa Tchaikovsky và phu nhân von Meck – nàng thơ vô hình của nhà soạn nhạc người Nga vĩ đại.

Đối với Tchaikovsky, 1877 là một năm định mệnh vì trong năm này ông đã bước vào các mối ràng buộc với phụ nữ nguy hại nhất cũng như hữu ích nhất với cuộc đời mình. Niềm mong mỏi “được giống như những người khác” (tức là chế ngự được nỗi khát khao hướng về các nam thanh niên của ông) đang lớn dần lên cũng như mong muốn làm vui lòng những người thân thuộc đã buộc ông phải đối mặt với vấn đề cần phải làm gì. Tàn phá và gần như hủy diệt ông chính là cuộc hôn nhân giao kết năm đó với một cựu sinh viên nhạc viện, Antonina Miliukova. Hữu ích và thậm chí là tốt lành cho ông là “tình bạn qua thư” lạ thường và thực tế là độc nhất vô nhị bắt đầu gần như cùng thời gian đó giữa ông và Nadezhda von Meck.
Không nghi ngờ gì rằng Nadezhda Filaretovna von Meck là một phụ nữ phi thường. Ngay cả trong tình trạng có thể là ngặt nghèo của “trào lưu Victoria“ kiểu Nga, bà đã phát triển được một nhân cách hoàn hảo cùng với một cuộc sống giàu nội tâm cho dù tính tình bà khá lập dị. Là con gái của Filaret Frolovskii, một địa chủ và cũng là người yêu nhạc, ở tuổi 16 bà đã tự ý kết hôn với Karl von Meck, một kĩ sư người Đức-Baltic lúc bấy giờ còn rất nghèo. Những năm tuổi trẻ của bà đã trôi qua trong khốn khó, điều khiến bà có thể cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của người khác. Thành công về tài chính nhanh đến chóng mặt của chồng bà, người đã trở thành một ông trùm đường sắt, đã biến họ thành triệu phú. Hai vợ chồng sinh hạ 18 con, nuôi được 11 đứa. Sau cái chết của Karl von Meck năm 1876, người vợ góa theo di chúc của chồng đã đảm nhiệm việc quản lý gia tài. Tất cả có vẻ như đủ để sống cả đời đối với một phụ nữ mạnh mẽ. Nhưng điều đó đã không làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa và tinh thần của Nadezhda von Meck.
Là một người nhân ái, bà đã bị thu hút mạnh mẽ vào đời sống văn hóa Nga. Tình bạn nổi tiếng của bà với Tchaikovsky chỉ là một ví dụ nổi bật nhất của sự cổ vũ kiên định mà bà dành cho các nghệ sĩ tài năng bao gồm cả Nikolai Rubinstein và Claude Debussy. Hơn Tchaikovsky 9 tuổi, bà là một người có kiến thức rộng. Bên cạnh tình yêu đến cuồng tín với âm nhạc, lĩnh vực mà bà đã nghiên cứu khá kĩ lưỡng, những lá thư của bà gửi Tchaikovsky đã bộc lộ kiến thức rộng lớn về văn hóa, lịch sử và triết học, sự tinh thông các ngoại ngữ cùng khả năng hiểu rõ giá trị các môn nghệ thuật thị giác. Ấn tượng bao quát từ mối quan hệ thư từ của họ gợi lên sự tương xứng về mặt đạo đức, tinh thần và trí tuệ của cả hai. Đối thoại trong các lá thư của họ được dẫn dắt trên quan hệ bình đẳng rõ rệt. Về phía Tchaikovsky, người ta không thấy có dấu hiệu nào dù là thoáng qua nhất của sự hạ mình. Khi ông tranh luận với “người bạn tốt nhất của mình” (như ông gọi bà), ông bày tỏ lời lẽ một cách trang nghiêm và say mê. Về phần các lá thư của bà, chúng không hề lộ ra dù chỉ mảy may màu mè quý tộc mà người ta thường thấy ở một nữ mạnh thường quân giàu có. Vậy rõ ràng là mối giao thiệp của họ là mối giao thiệp giữa những người đồng cảm. Mặc dù trong thái độ của bà có kha khá phần gợi cảm, bà hoàn toàn hài lòng với thỏa thuận ngầm giữa hai bên rằng sẽ không bao giờ gặp mặt nhau trong bất kỳ một tình huống nào. Bà nghĩ tới một vị thần ái tình ở nghĩa tình cảm hơn là ở nghĩa thể xác và vì vậy mối quan hệ kiểu Plato của bà với một nhà soạn nhạc lớn chắc hẳn đã làm thỏa mãn nhu cầu nội tâm quan trọng của bà. Ngược lại, người ta có thể phản biện lại rằng trải nghiệm đính ước về mặt tình cảm với Nadezhda von Meck đã tiên đoán trước, trong một kế hoạch cao thượng và quan trọng, lòng quyến luyến về sau của Tchaikovsky với cháu trai mình là Bob Davydov.
Và kết quả là bất kể mỗi cá nhân còn nhiều thiếu sót (cũng được phản ánh trong các lá thư), bất kể chứng suy nhược thần kinh là bình thường với cả hai (và là cái mà cả hai gọi là “tính ghét đời”), bất kể ngay cả “sự xa lánh và hoang mang rốt cuộc” giữa họ, tình bạn lâu dài của họ có lẽ là biểu trưng cho chương hấp dẫn nhất trong tiểu sử của Tchaikovsky. Bằng sự ủng hộ tài chính lớn lao của mình, Nadezhda von Meck đã tạo giúp cho nhà soạn nhạc hơn 13 năm sống tiện nghi (ông có thể rút khỏi vị trí giáo sư ở nhạc viện Moscow mà cho đến lúc đó vẫn là nguồn thu nhập chính của ông) và giúp ông có thể đắm mình hoàn toàn vào công việc sáng tác. Ngược lại, Tchaikovsky đã dành cho bà không chỉ bản Giao hưởng số 4, đề tặng “người bạn tốt nhất”; sự tin tưởng với đầy âu yếm và biết ơn làm tràn ngập lòng bà bằng nhiều an ủi và sướng vui (“một vị thần hộ mệnh chống lại điều mà tôi bất lực”) mà còn là một kiểu danh tiếng đời đời – không có nghiên cứu hay sự sáng tạo trở lại nào trong cuộc đời ông lại không được bà đánh giá cao.
Giao hưởng số 4 được nhắc đến lần đầu trong một lá thư gửi Nadezhda von Meck viết ngày 1 tháng 5 năm 1877 (*), trong đó nhà soạn nhạc tuyên bố rằng ông “đang chìm đắm trong một bản giao hưởng”, tác phẩm mà ông khởi thảo “từ hồi mùa đông”. Vào ngày 3 tháng 5, ông thông báo rằng ba chương đầu đã được phác thảo xong toàn bộ và rằng ông đã bắt đầu viết chương cuối cùng. Bản nháp của chương nhạc được viết xong vào cuối tháng 5. Mùa hè cùng năm, Tchaikovsky cũng bắt đầu soạn opera Evgene Onegin, nhưng hăng say sáng tạo của ông bị ngắt quãng do những sự kiện xảy ra ngay sau cuộc hôn nhân của ông. Nhà soạn nhạc và người vợ tỏ ra xung khắc trong mọi khía cạnh và mối quan hệ giữa họ chưa bao giờ là vợ chồng thực sự. Chỉ sau 20 ngày chung sống, ông bỏ vợ và trong một tháng rưỡi tiếp theo ông sống cùng chị gái mình tại điền trang của bà ở Kamenka, Ukraine. Sau khi quay trở về Moscow vào tháng 9, ông cắt đứt quan hệ hoàn toàn với vợ. Trong một tâm trạng sầu não, nhà soạn nhạc bất ngờ chạy trốn tới Saint Petersburg rồi sau đó ra nước ngoài và không bao giờ gặp lại vợ nữa.
 Thụy Sĩ chính là nơi Tchaikovsky định cư một thời gian để bình phục lại, là nơi ông tiếp tục soạn màn đầu vở opera trong khi vẫn tiếp tục làm việc với bản giao hưởng số 4. Giao hưởng này được hoàn thành và phối xong dàn nhạc trong tháng 11 và 12 rồi gửi về Nga.
 Bản thân phu nhân von Meck cũng chờ đợi buổi công diễn tác phẩm lần đầu dưới sự chỉ huy của Nikolai Rubinstein vào ngày 10 tháng 2 năm 1878 ở Moscow. Bà viết cho Tchaikovsky: “Thính giả rất đón nhận tác phẩm, đặc biệt là chương Scherzo. Có nhiều tràng pháo tay và vào cuối buổi diễn thính giả gọi tên ông, Rubinstein đã phải ra mặt.” (Bà rời buổi hòa nhạc trước khi Rubinstein xuất hiện.)
 Tuy vậy, phản ứng từ những người bạn và đồng nghiệp của Tchaikovsky lại trái ngược nhau. Chẳng hạn như Nikolai Rubinstein thì thích chương cuối trong khi Sergei Taneev viết cho tác giả về nó với một thái độ hoài nghi bộc trực. Không phải cho đến buổi công diễn thắng lợi ở Saint Petersburg ngày 25 tháng 11 năm 1878 dưới sự chỉ huy của Eduard Nápravník thì Giao hưởng số 4 mới được công nhận là một kiệt tác.
 Đặc biệt hiếm có ở độ phức tạp thuần thục, Giao hưởng số 4 minh chứng cho sự phát triển vững vàng lên đỉnh cao của tài năng Tchaikovsky. Tuy vậy chính độ phức tạp đó lại khiến khó có thể kết nối tác phẩm một cách quá trực tiếp với các kinh nghiệm đau đớn mà Tchaikovsky đã trải qua gần đấy. Các đặc trưng lớn của nó cho thấy bản giao hưởng đã được hình thành và phát triển trước khi xảy ra thảm họa hôn nhân mặc dù tác phẩm được phối dàn nhạc và sửa chữa sau đó. Mặc dù vậy, Tchaikovsky vẫn coi tác phẩm như một thành tựu phôi thai, hiện thân cho nỗi thống khổ tình cảm và sáng tạo của mùa thu đông trước.
 Trả lời thư của phu nhân von Meck vào ngày 17 tháng 2 năm 1878, Tchaikovsky thừa nhận: “Mùa đông trước tôi bị suy sụp nặng nề khi đang viết bản giao hưởng này và nó đóng vai trò như một tiếng vọng trung thành của những gì tôi nếm trải lúc đó. Nhưng nó đúng là một “tiếng vọng”. Dịch từ này sang một cụm từ rõ ràng và dễ hiểu thế nào nhỉ? – Tôi không thể, tôi không biết”.

Nadezhda von Meck và Rachmaninov

Trong cùng lá thư đó, Tchaikovsky dù sao cũng cố gắng trình bày chương trình của bản giao hưởng, mặc nhiên coi chủ đề chính của nó như sự bất khả thay đổi của định mệnh – “Cái ngăn cản sự thôi thúc hướng tới hạnh phúc trong việc đạt được mục tiêu của ai đó, cái đảm bảo một cách đố kị rằng sự thành công và bình yên không bao giờ trọn vẹn và sáng sủa, cái treo trên đầu người như một thanh gươm của Damocles và đầu độc tâm hồn một cách đều đều và liên tục. Nó bất khả chiến bại và anh sẽ không bao giờ khuất phục được nó.” Song đối với chương 4, ông lưu ý: “Nếu bà không tìm thấy lý do để vui trong con người mình, hãy nhìn những người khác. Hãy đi giữa những con người bình dị. Hãy xem họ có thể vui vẻ như thế nào, có thể hiến trọn mình cho những cảm xúc vui tươi như thế nào… Niềm vui ở đó, đơn giản mà mạnh mẽ. Vui với niềm vui của những người khác. Cuộc đời vẫn còn có thể chịu đựng được.”
 Trong câu cuối cùng này, Tchaikovsky tổng kết bài học tâm lý và sáng tạo rút ra từ giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời mình. Ngày 27 tháng 2, “người bạn tốt nhất” đáp lại một cách nồng nhiệt nhất: “Thật vui sướng biết bao khi tôi đọc lời diễn tả của ông về bản giao hưởng “của chúng ta”, bạn thân yêu, Petr Il’ich vô giá ơi! Tôi hạnh phúc làm sao khi thấy ở ông minh chứng hoàn hảo cho mẫu hình lý tưởng của tôi về một nhà soạn nhạc!” Bằng cách chấp nhận nỗi thống khổ của cá nhân mình, nỗi đau và tính tầm thường của thế giới, biến đổi nó thành một cái gì đó cao cả, Tchaikovsky đã thực sự vẽ trọn vẹn hình ảnh Lãng mạn của người nghệ sĩ mà bà vô cùng yêu mến.
NGỌC ANH dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)