Nathan Milstein: Nỗi ám ảnh hoàn hảo

Trong sự nghiệp kéo dài tới 72 năm, Nathan Milstein luôn thể hiện một tài năng vượt trội, sự điềm tĩnh quý phái, cân bằng và mạch lạc, không bao giờ có những cảm xúc thái quá, những phẩm chất khiến ông được mệnh danh là “hoàng tử của cây đàn violin”.

“Ông có thể là nghệ sĩ vĩ cầm gần như hoàn hảo bậc nhất trong thời đại của mình” Harold C. Schonberg.

Từ nước Nga ra sân khấu thế giới

Nathan Milstein sinh ngày 31/12/1903 tại Odessa trong một gia đình Do Thái trung lưu không hoạt động âm nhạc. Cậu là người con thứ tư trong tổng số bảy đứa trẻ. Khi còn nhỏ, Nathan hoàn toàn không bộc lộ mình có năng khiếu âm nhạc hay yêu thích cây đàn violin. Năm 1911, khi 7 tuổi, Nathan được bố mẹ cho học violin, nhưng với mục đích là để đứa con của mình bớt nghịch ngợm. Tuy nhiên, sau khi tham dự một buổi biểu diễn ngoài trời của Jascha Heifetz với khoảng 8.000 người tham dự, cậu bé đã quyết định trở thành một nghệ sĩ violin. Nathan đã theo học với nhà sư phạm nổi tiếng Pyotr Stolyarsky, người sau này cũng là thầy giáo của một nghệ sĩ vĩ đại cũng sinh ra tại Odessa là David Oistrakh. Cậu bé nhanh chóng trở thành người nổi bật nhất trong số bạn bè cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ, Nathan đã phát triển một tư duy rất độc lập, không chịu sự chi phối từ các giáo viên của mình. Cậu đã giữ lại tính cách này trong cuộc sống trưởng thành của mình, đặc biệt khi làm việc với các nhạc trưởng. Tháng 8/1915, khi chỉ mới 11 tuổi tài năng của Nathan đã phát triển đến nỗi cậu được biểu diễn bản violin concerto của Alexander Glazunov dưới sự chỉ huy của chính nhà soạn nhạc trong chuỗi chương trình kỷ niệm 50 năm ngày sinh của ông. Milstein sau này hồi tưởng lại trong cuốn tự truyện Từ nước Nga đến phương Tây (với sự cộng tác của Solomon Volkov): “Tại buổi tổng duyệt, tôi đã chơi một thứ gì đó ở đầu bản concerto theo cách của riêng tôi. Rõ ràng tôi là một cậu bé cứng đầu – sự hiện diện của nhà soạn nhạc không làm tôi sợ hãi. Glazunov nhìn xuống tôi qua chiếc kính không gọng của ông ấy và thì thầm, “Cậu không thích cách tôi viết nó sao”? Sau đó tôi đã chơi theo cách của ông ấy, nhưng khi buổi tập kết thúc, Glazunov quay sang tôi và nói: “Hãy chơi theo cách cậu muốn”! Bởi vì, ông ấy thấy rằng phiên bản của tôi hay hơn”. Nathan đã trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều lời mời biểu diễn.

Năm 1916, Stolyarsky đã giới thiệu cậu học trò tài năng của mình với Auer, người từng là thầy của những tài năng chói sáng khác là Mischa Elman và Heifetz. Auer đã chấp nhận để Nathan theo học với mình tại Nhạc viện Saint Petersburg (nay là Nhạc viện Rimsky-Korsakov). Milstein nhớ lại: “Mọi cậu bé có ước mơ chơi giỏi hơn những cậu bé khác đều muốn đến học với Auer. Ông ấy là một người rất tài năng và là một giáo viên giỏi. Tôi đến nhạc viện hai lần một tuần để tham gia các lớp học. Tôi chơi mỗi buổi học với bốn mươi hay năm mươi người ngồi nghe. Trong lớp học có hai cây đàn piano và một nghệ sĩ piano đệm cho chúng tôi. Khi Auer bị ốm, ông ấy sẽ bảo tôi đến nhà”. 

Tuy nhiên, thời gian Auer dạy Nathan không quá dài. Khi cuộc Cách mạng tháng hai (tháng 3/1917) nổ ra, Auer đã rời khỏi nước Nga vào tháng 6/1917. Nathan không cho rằng mình học được nhiều điều từ Auer: “Tôi không cảm thấy rằng Auer có ảnh hưởng lớn đến tôi”. Bản thân Auer cũng không nhắc đến tên Milstein trong cuốn tự truyện của mình. Việc học của Nathan cũng chấm dứt tại đây. Ở tuổi 13, cậu bé bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình. Năm 1921, Milstein lưu diễn tại Kyiv. Tại đây anh đã gặp Vladimir Horowitz và em gái Regina. Họ mời Milstein tới uống trà tại nhà mình. Milstein cho biết: “Tôi đến uống trà và ở lại đó trong ba năm”. Horowitz và Milstein đã trở thành những người bạn thân thiết nhất của nhau và thường xuyên biểu diễn chung. Ủy viên văn hóa Liên Xô Anatoly Lunacharsky đã gọi Milstein và Horowitz là “Những đứa con của Cách mạng”. Họ được yêu cầu đi biểu diễn trên khắp liên bang Xô viết, mang lại một nguồn thu nhập dồi dào mà họ thường chia sẻ với những người kém may mắn hơn “Chúng tôi đã đưa nó cho những người ăn xin ngồi ở mọi góc phố. Họ sớm biết chúng tôi và chờ đợi tiền của chúng tôi”. Josef Szigeti trong chuyến thăm đầu tiên đến Liên Xô vào năm 1924, đã được Nadine, con gái của Auer mời tới nhà chơi và nghe một chàng trai trẻ có năng khiếu tuyệt vời biểu diễn. Szigeti trao đổi với Milstein rằng châu Âu đang chờ đợi những nghệ sĩ tài ba như vậy. Và cơ hội đến với Milstein không lâu sau đó.


Nhiều nghệ sĩ coi Milstein, cùng với Fritz Kreisler và Oistrkah, là người đặt ra các tiêu chuẩn trình diễn violin.

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Milstein đến vào năm 1925 khi nhà lãnh đạo Leon Trotsky cho phép anh và Horowitz ra nước ngoài biểu diễn “cho họ thấy chúng tôi quan tâm đến nghệ thuật như thế nào”. Lúc ra đi, anh không ngờ mình sẽ rời xa quê hương mãi mãi: “Khi đó tôi không biết rằng mình sẽ không bao giờ quay trở lại. Tôi không chạy trốn. Tôi rời đi với hộ chiếu Liên Xô và không bao giờ trở lại”. 

Milstein bắt đầu công việc của một nghệ sĩ chân chính, tìm kiếm các cơ hội của mình mà không hề có bất kỳ sự hậu thuẫn nào. Với tài năng của mình, anh đã biểu diễn liên tục tại các thành phố lớn tại châu Âu, cộng tác với nhiều nhạc trưởng nổi tiếng như Willem Mengelberg, Wilhelm Furtwängler hay Hans Knappertsbusch. Thậm chí anh đã có chuyến đi tới tận Nam Mỹ xa xôi, chơi 56 buổi hòa nhạc, thường là hai buổi trong một ngày. Hồi tưởng lại giai đoạn này, Milstein cho biết: “Đó là một cuộc sống rất tốt. Vào cuối buổi chiều, chúng tôi sẽ chơi bài và đôi khi dành cả ngày trên núi, trở về khách sạn nửa giờ trước buổi biểu diễn. Chúng tôi không bao giờ lo lắng về màn trình diễn. Thường tôi sẽ không ăn trưa nếu diễn vào buổi tối”. Milstein, Horowitz và Gregor Piatigorsky, người đã chạy trốn khỏi nước Nga từ năm 1921 có quãng thời gian dài chơi tam tấu cùng nhau. 

Mùa hè năm 1926, Milstein gặp Eugène Ysaÿe tại Paris và ngỏ ý muốn được học với ông. Ysaÿe trả lời: “Cậu chơi Paganini hay, Bach cũng vậy. Cậu còn muốn gì nữa”? Tuy nhiên, họ ở bên nhau trong vài tháng. Milstein thực tế không học được gì với Ysaÿe: “Tôi đến với Ysaÿe vào năm 1926 nhưng ông ấy không bao giờ để ý đến tôi. Tôi phải tự suy nghĩ”. Điều đọng lại với anh có lẽ chỉ là niềm cảm hứng của Ysaÿe. Ngày 29/11/1929, Milstein lần đầu tiên tới Mỹ và có buổi ra mắt tại đây cùng Philadelphia Orchestra dưới sự chỉ huy của Leopold Stokowski trong violin concerto của Glazunov. Evening Bulletin đã bình luận về màn trình diễn của anh: “Một nghệ sĩ Nga trẻ tuổi, tóc sẫm màu có khả năng tạo ra điều kì diệu trên cây đàn violin và bên trên và vượt ra ngoài kỹ thuật tuyệt vời của anh ấy là một bộ óc xuất chúng nhào nặn âm nhạc thành một tổng thể mạch lạc và cân bằng”. 


Âm nhạc phải được đưa vào cuộc sống thông qua các ngón tay, khối óc, đôi tai, trái tim và kinh nghiệm của một nghệ sĩ biểu diễn, những người nhất thiết phải thể hiện được bản thân mình cũng như nhà soạn nhạc. Milstein

Một sự nghiệp lẫy lừng

Ngày 23/1/1930, anh ra mắt khán giả New York trong một buổi biểu diễn violin concerto của Johannes Brahms cùng New York Philharmonic và nhạc trưởng Bernardino Molinari tại Carnegie Hall. Tháng 11/1932, Milstein ra mắt khán giả Anh tại Queen’s Hall, London trong violin concerto của Brahms và Peter Ilyich Tchaikovsky dưới sự chỉ huy của Malcolm Sargent. Times đã ca ngợi: “Hoàn toàn không bỏ sót một nốt nhạc nào trong violin concerto của Brahms. Các đoạn cantilena rõ ràng, những nốt nhạc kép như tiếng organ và các quãng tám hoàn hảo trong chương cuối cho thấy anh ấy là một nghệ sĩ vĩ cầm ở đẳng cấp rất cao. Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng mình đã lắng nghe Milstein nhiều hơn Brahms và trong khi anh ấy chơi cadenza của mình, chúng tôi tự hỏi liệu anh ấy có quên hết về Brahms hay không”. 

Milstein đã định cư tại Mỹ. Những buổi trình diễn của Milstein đã trở thành một sự  kiện trong đời sống âm nhạc nơi đây. Ông nhập quốc tịch Mỹ vào năm 1943 và kết hôn ba năm sau đó với Therese Kaufman. Họ có một cô con gái, được đặt tên là Maria Bernadette. Năm 1945, Milstein mua được cây đàn 1716 “Goldman” Stradivari” mà ông sẽ biểu diễn trên đó trong suốt phần đời còn lại của mình. Milstein đã đặt lại tên cây đàn là “Maria Teresa” để vinh danh vợ và con gái ông. Cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc, Milstein sống chủ yếu tại London và Paris, theo nguyện vọng của vợ và con gái. Milstein từng nói rằng những phẩm chất mà một nghệ sĩ cần có là khí chất, nhân cách và bản lĩnh. Về mặt âm nhạc, Milstein là một người theo chủ nghĩa cổ điển, nhấn mạnh sự cân đối của những câu nhạc và sự đơn giản của cấu trúc. So sánh cách diễn giải của ông với các nghệ sĩ violin khác cho thấy Milstein ưu tiên những đoạn nhạc dài hơn là chú trọng đến thay đổi nhỏ của tâm trạng hoặc màu sắc. Người bạn thân Piatigorsky cho biết rằng dù hiếm khi thấy Milstein rời xa cây đàn violin nhưng chưa bao giờ thấy ông chơi các thang âm hay etude luyện ngón. Milstein cũng không nói quá nhiều về quá trình luyện tập của mình hay cách mà ông có thể sở hữu được một nền tảng kỹ thuật tuyệt vời: “Tôi có được kỹ thuật khi mới 7 tuổi”. 

Milstein để lại nhiều bản thu âm nhiều giá trị.

Danh mục biểu diễn của Milstein bao gồm hầu hết các tác phẩm tiêu chuẩn dành cho violin (có lẽ ngoại trừ violin concerto của JeanSibelius mà Milstein nghĩ rằng nó được dành cho Heifetz) và hiếm khi chệch hướng khỏi chúng. Ông cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của thế kỷ 20 tìm đến với những tác phẩm dành cho violin độc tấu của Johann Sebastian Bach. Milstein giải thích các sonata và partita của Bach bằng một thứ ngôn ngữ chân thành và giản dị. Harold C. Schonberg đã nhận xét về những phẩm chất của Milstein “Milstein có thể kết hợp mọi thứ lại với nhau phù hợp theo cách mà rất ít nghệ sĩ violin cùng thời với ông làm được”. Joseph Fuchs, nghệ sĩ violin và nhà sư phạm kỳ cựu người Mỹ, nói rằng ông đã quan sát thấy một số thay đổi đáng kể trong cách chơi của Milstein trong suốt 50 năm họ là bạn của nhau. Nhịp độ của ông Milstein nhanh hơn khi ông còn trẻ, nhưng khi già đi, ông chơi chậm lại. Nhưng có một điều mà Milstein luôn có, đó là cách xử lý tự nhiên, không gò bó: “Có một sự khác biệt giữa sự trôi chảy và kỹ thuật. Nhiều nghệ sĩ violin có sự trôi chảy. Kỹ thuật bao gồm tất cả, sử dụng ngón tay, vĩ và mọi thứ khác. Milstein là một kỹ thuật viên tuyệt vời. Một lý do khiến ông ấy có thể chơi rất hay ở độ tuổi cao như vậy là do phong cách hoàn toàn tự nhiên của ông. Ông không bao giờ gượng ép nhạc cụ của mình, không bao giờ để cơ bắp lâm vào những vị trí căng thẳng hay khó xử. Và là một nhạc sĩ, ông không bao giờ đứng yên. Ông luôn thử nghiệm, thay đổi, tìm tòi. Ông ấy không bao giờ ngừng làm việc”. 

Milstein hiểu được rằng âm nhạc phải được đưa vào cuộc sống thông qua các ngón tay, khối óc, đôi tai, trái tim và kinh nghiệm của một nghệ sĩ biểu diễn, những người nhất thiết phải thể hiện được bản thân mình cũng như nhà soạn nhạc.

Đi về giữa hai bên bờ Đại Tây Dương, Milstein có một lịch biểu diễn và thu âm dày đặc với hầu hết các dàn nhạc và nhạc trưởng nổi tiếng nhất trên thế giới. Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, ông thực hiện khoảng 50 buổi hòa nhạc một năm. Milstein chưa bao giờ biểu diễn một tác phẩm hai lần giống nhau. Milstein luôn có những thay đổi, theo hướng mà ông nghĩ là hợp lý và cần thiết, ví dụ như âm nhạc của Bach: “Tôi đã chơi các bản sonata của Bach cách đây 20 năm… nhưng cách tiếp cận ít ngẫu hứng hơn, biểu diễn nhiều hơn. Bây giờ tôi biết rằng Bach luôn luôn ngẫu hứng”. Dù rằng không coi trọng quá trình học tập với Auer nhưng ít nhất Milstein cũng học được một điều từ huyền thoại này, đó là: “Đừng luyện tập với ngón tay của bạn. Hãy thực hành với cái đầu của bạn”. Milstein có quan điểm vững chắc về quá khứ và mối quan hệ của nó với âm nhạc hiện tại: “Không phải tất cả mọi người đến xem hòa nhạc đều dành cho âm nhạc, đó là một dịp gặp gỡ mang tính xã hội nhiều hơn. Vào thế kỷ 18 và 19, họ nghe nhạc bởi vì họ yêu thích và hiểu nó. Lấy ví dụ như Beethoven – ông đến nhà mọi người để chơi tứ tấu, đó là cách âm nhạc được viết ra. Khi bạn có một nhân vật tinh hoa, bạn có một tấm gương cho những ai ngưỡng mộ người cung cấp các tác phẩm nghệ thuật. Tất cả những kho tàng nghệ thuật mà chúng ta ngưỡng mộ ngày nay đều do những người này mang lại: các giáo hoàng, dòng họ Medici. Nếu không có họ, chúng tôi sẽ không biết chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ.”.

Milstein dường như bị việc chơi đàn hoàn hảo ám ảnh, luôn cố gắng chơi những đoạn đòi hỏi trình độ điêu luyện sao cho thật rõ ràng. Ông cũng được biết đến với tư cách một nhà soạn nhạc, trong đó nổi tiếng nhất là Paganiniana, một tập hợp các biến tấu về nhiều chủ đề khác nhau từ các tác phẩm của Niccolò Paganini cũng như tự biên soạn các cadenza để biểu diễn.

Luôn lảng tránh hào quang

Ngoài công việc biểu diễn, Milstein còn tham gia giảng dạy các lớp master class tại Julliard school. Những nghệ sĩ danh tiếng từng theo học với Milstein là Erick Friedman và Salvatore Accardo. Lausanne, Thụy Sĩ. Phong cách giảng dạy của ông gần gũi và hòa đồng với các sinh viên, trái ngược lại vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc của Heifetz khiến học sinh sợ hãi. Sau khi Heifetz giã từ sự nghiệp vào năm 1972, Milstein là học trò duy nhất của Auer còn biểu diễn. Mặc dù là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng ông không quá để ý đến danh vọng và lảng tránh những ánh hào quang. Milstein đã từ chối chuyến lưu diễn vòng quanh nước Mỹ vốn định tổ chức để kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt của ông tại đây, ông cho biết: “Tôi không ăn mừng bất cứ điều gì. Cho dù là 10 hay 50 năm, điều đó không quan trọng. Tôi chơi nhạc… chỉ vì điều đó mang lại cho tôi niềm vui vì tôi đã chơi từ rất lâu và không ai bắt tôi vì điều đó”. Ông cũng trả lời Los Angeles Times khi được hỏi liệu tuổi tác có làm giảm kỹ năng của những người đã theo đuổi sự nghiệp violin đầy gian khổ hay không: “Khi bạn già đi, nếu bạn vẫn thích làm công việc đó thì không có lý do gì bạn không thể làm được”. Tháng 6/1986, Milstein biểu diễn tại Stockholm. Toàn bộ chương trình đã được thu âm lại, trong đó có violin sonata số 9 “Kreutzer” của Ludwig van Beethoven. Đây chính là đĩa nhạc cuối cùng của ông. Ngày 4/11/1987, cùng New York Philharmonic và nhạc trưởng Erich Leinsdorg, Milstein đã biểu diễn trong violin concerto của Beethoven. Thật không may, chỉ sau đó ít lâu ông bị ngã, gãy tay trái và không thể chơi đàn được nữa. Và đó đã trở thành lần cuối cùng ông xuất hiện trước khán giả. Sự nghiệp của Milstein lẽ ra còn có thể kéo dài hơn vì chất lượng nghệ thuật của ông trong những màn trình diễn trước đó vẫn còn rất tuyệt vời. Ông vẫn tiếp tục giảng dạy và chuyển soạn một số tác phẩm cho violin. Milstein qua đời tại London vào ngày 21/12/1992, chỉ ít ngày trước sinh nhật lần thứ 89 của mình vì một cơn đau tim.

Không có gì phải bàn cãi về vị trí cao quý của Milstein trong danh sách các nghệ sĩ violin vĩ đại của thế kỷ 20. Glenn Dicterow, concertmaster của New York Philharmonic, đại diện cho thế hệ các nghệ sĩ coi Milstein, cùng với Fritz Kreisler và Oistrkah là người đã đặt ra các tiêu chuẩn trình diễn violin: “Milstein là một nghệ sĩ violin hoàn hảo. Bạn nghe ông chơi ba nốt nhạc và nhận biết được ngay ai đang chơi. Đó là lối chơi thuần khiết, gọn gàng, trung thực, không có bất kỳ vấn đề gì về kỹ thuật. Ông ấy đã đặt ra một tiêu chuẩn mà ngày nay không ai có thể chạm tới. Ông có lối chơi điêu luyện, trôi chảy đáng kinh ngạc. Và nghe ông luôn cảm thấy rất tự nhiên. Tôi không biết nghệ sĩ violin nào khác trong lịch sử chơi với sự an toàn như vậy ở độ tuổi đã cao. Ông ấy là nguồn cảm hứng to lớn đối với tôi. Ông là thần tượng của tôi”. 

Với Milstein, violin dường như chưa bao giờ rời xa ông (có giai thoại cho rằng, ngay cả khi cạo râu, cây đàn violin cũng được ông để ngay sát mình). Ở Milstein không hề tồn tại một cảm xúc giả tạo nào. Tất cả những diễn giải của ông đều được ghi dấu ấn bằng một giai điệu ngọt ngào, thuần khiết, những đoạn nhạc du dương và một cảm nhận sắc sảo về cấu trúc âm nhạc.□

Nguồn:

https://www.nytimes.com/1992/12/22/arts/nathan-milstein-dies-at-88-an-exalted-violin-virtuoso.html
https://www.independent.co.uk/news/people/obituary-nathan-milstein-1565231.html
https://www.washingtonpost.com/archive/local/1992/12/22/nathan-milstein-violin-virtuoso-dies-at-89/7acd8eb0-3e3f-4fed-8c77-b8e8f496967b

Bài đăng Tia Sáng số 9/2025

Tác giả

(Visited 213 times, 1 visits today)