Ngày hội của muông thú

Chỉ được xuất bản toàn bộ sau khi Camille Saint-Saëns (1935 -1921) qua đời nhưng tổ khúc Ngày hội của muông thú lại trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cùng với các tác phẩm Peter và chó sói của Prokofiev và Hướng dẫn về dàn nhạc cho người trẻ của Britten, tổ khúc này cũng là tác phẩm được các em nhỏ và giáo viên dạy nhạc ưa thích nhất.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác và giảng dạy của mình, Saint-Saëns đã thích thú viết hoặc ứng biến các tác phẩm nhại lại một cách hài hước tạo ra sự vui vẻ cho một sáng tác hay phong cách âm nhạc nào đó. Tại trường Niedermeyer, nơi ông dạy những nhạc sĩ trẻ người Pháp sáng giá nhất, ông vẫn thường tránh những bài học nhàm chán bằng cách hướng dẫn học trò nhại lại theo phong cách này. Saint-Saëns soạn tổ khúc Le Carnaval des Animaux (Ngày hội của muông thú) vào tháng 2/1886 trong kỳ nghỉ ở một ngôi làng nhỏ thuộc nước Áo. Tác phẩm được viết cho nhóm hòa tấu gồm flute, clarinet, 2 piano, harmonica kính (ngày nay được thay bằng glockenspiel), xylophone, 2 violin, viola, cello và contrabass.

Lúc sinh thời Saint-Saëns chỉ có một buổi trình diễn nhỏ toàn bộ tổ khúc dành cho nhóm bạn thân, trong đó có Franz Liszt. Ngoại trừ khúc nhạc Thiên nga, Saint-Saëns không cho phép xuất bản Ngày hội của muông thú khi ông còn sống, bởi ông sợ rằng nó sẽ vượt trên các tác phẩm nghiêm túc hơn của ông. Hơn nữa, một năm trước đó, việc viết một tác phẩm dí dỏm và khá đơn giản là Wedding Cake (Chiếc bánh cưới) đã khiến ông bị mang tiếng là tác giả “nhạc nhẹ”. Toàn bộ tổ khúc Ngày hội của muông thú chỉ được xuất bản sau khi Saint-Saëns qua đời theo di chúc của ông và trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc người Pháp. Cùng với các tác phẩm Peter và chó sói của Prokofiev và Hướng dẫn về dàn nhạc cho người trẻ của Britten, Ngày hội của muông thú cũng là tác phẩm được các em nhỏ và giáo viên dạy nhạc ưa thích nhất.

Tổ khúc Ngày hội của muông thú gồm 14 khúc nhạc, trong đó các loài động vật được mô tả đặc trưng một cách rất sáng tạo. Sau này, nhà thơ Mỹ Frederic Ogden Nash, người nổi tiếng với các câu thơ vui nhộn và đầy hàm ý, đã viết một tập thơ hài hước tương ứng với mỗi khúc nhạc của tổ khúc và những câu thơ dí dỏm này thường được ngâm lên trong các buổi trình diễn tổ khúc.

1. Introduction và Hành khúc hoàng gia của sư tử

Phần introduction bắt đầu bằng 2 piano chơi tremolo đậm nét, các đàn dây tham gia vào bằng một chủ đề trang nghiêm. Sau đó piano trình bày một chủ đề hành khúc trong suốt phần còn lại của chương nhạc. Các đàn dây trình bày giai điệu và đàn piano thỉnh thoảng chạy những quãng tám thấp hoặc ostinato cao. Chương nhạc kết thúc bằng một nốt fortissimo ở tất cả các nhạc cụ.

Giới thiệu
Camille Saint-Saëns
Rất lấy làm phiền
Khi bị mọi người
Gọi là Saint-Saens.
Vì tên ông chẳng thể phát âm,
Ông trách cứ loài người,
Nên ông quay sang dùng sáo
Và máy đếm nhịp để ngợi ca loài khác,
Im lặng nào – ông bắt đầu chào
Những loài có vây, lông vũ, lông mao.
Sư tử
Sư tử là vua của muôn loài,
Và là chồng của sư tử cái.
Linh dương và những con nó xơi tái
Gọi nó là tôn ông, điện hạ.
Ở châu Phi nơi thảo nguyên, rừng rậm
Có những con hâm mộ tiếng nó gầm,
Nhưng tôi nghĩ bất cứ nơi nào
Sư tử ở thì tôi không muốn ở.
 
2. Gà mái và gà trống
Có sự tham gia của các đàn dây (trừ double-bass), hai piano và clarinet. Chương nhạc này gợi nên hình ảnh một đàn gà với những tiếng gáy, tiếng mổ hạt. Clarinet chơi những đoạn solo âm lượng nhỏ khi các nhạc cụ còn lại tạm nghỉ.
Gà trống và gà mái
Gà trống là tên du côn om sòm,
Cúc-cù-cu là cuộc đấu tiếng.
Lũ gà mái trong ổ giương mắt,
Nó bỏ qua, huýt gọi mái tơ cơ.
 
3. Những con lừa; những con thú nhanh nhẹn
Các con vật được mô tả ở đây rõ ràng là đang chạy và hình ảnh được gợi nên bằng chuyển động lên xuống nhanh nhẹn luống cuống không ngớt của cả hai piano chơi các gam quãng tám.
Con lừa hoang
Đã bao giờ bạn nghe tiếng lừa hoang,
Mà các chuyên gia gọi là lừa rừng Trung Á?
Tiếng nó kêu như tiếng cười của bé ngốc
Hay tiếng nhạc công jazz chơi hòa âm,
Nhưng đừng có chế nhạo lừa hoang,
Nó hô hố cũng theo cách thức
Như thỏ thẻ giọng và đỏ mặt thẹn ở con gái
Nàng lừa hoang đáp lại tiếng chàng lừa.
 
4. Những con rùa
Một chương nhạc hơi trào phúng mở đầu bằng piano rồi các đàn dây thể hiện một cách chậm rãi đến khó chịu điệu “Can-Can” nổi tiếng trích từ operetta Orphée aux Enfers (Orphée ở địa ngục) của Offenbach.
Con rùa
Hãy đến đội đầu tôi vòng nguyệt quế,
Tôi hiểu rằng rùa vẫn là rùa,
Hãy khắc tên tôi lên bia đá ngàn đời,
Tôi hiểu rằng rùa vẫn là rùa,
 

Tôi hiểu nỗi tuyệt vọng tột cùng,
Tôi cược cho người thắng thỏ rừng thi chạy
Tôi cũng biết giờ đây tôi nghèo túng
Vì quá sai lầm, thật rùa, thật rùa.
 
5. Con voi
Đây là bức tranh biếm họa hoàn hảo về một con voi. Double-bass ậm ừ trên nền nhịp valse của piano. Giống như chương “Những con rùa”, chương nhạc này khá hài hước – chất liệu chủ đề được lấy từ nhạc nền cho vở kịch Giấc mộng đêm hè của Felix Mendelssohn và Dance of the Silphs (Vũ khúc Silphs) của Hector Berlioz. Cả hai chủ đề ban đầu đều được viết cho những nhạc cụ giọng cao (flute và những nhạc cụ gỗ khác, violin), trò đùa của Saint-Saëns là chuyển nó sang cho nhạc cụ có giọng thấp và nặng nề hơn trong dàn nhạc là double-bass.
Con voi
Những con voi là người bạn có ích,
Trang bị bằng cả mũi và đuôi,
Chúng có bộ da bị nhậy cắn nhăn nheo,
Răng mọc thò ra ngoài lộn xộn,
Nếu bạn nghĩ rằng voi lố bịch,
Có thể bạn chưa thấy mũi tê giác bao giờ.
 
6. Những con kăng-gu-ru
Có sự tham gia của hai piano. Những cú nhảy quãng cách nhanh nhẹn và duyên dáng trên đàn phím miêu tả những con kăng-gu-ru.
Kăng-gu-ru
Kăng-gu-ru có thể nhảy rất siêu,
Nó phải nhảy vì người ăn thịt nó,
Tôi không ăn được thịt kăng-gu-ru,
Nhưng nhiều thổ dân Úc thì có,
Những người có bum-mơ-rang và sách dạy nấu,
Thì khoái bánh nhân thịt nó hơn.
 
7. Bể cá
Đây là một trong những chương giàu tính âm nhạc nhất. Flute rồi đến các đàn dây (trừ double-bass) chơi giai điệu trên nền âm thanh gợn sóng lăn tăn được piano và glass harmonica thể hiện.
Bể cá
Một số là săn sắt,
Một số là cá voi,
Người thích lúm đồng tiền,
Cá thì thích vảy đẹp,
Một số cá mảnh dẻ
Một số cá tròn mình,
Chúng chẳng bị cảm lạnh
Cũng chẳng chết đuối đâu,
Nhưng mọi bà bán cá
Lo cho cá của mình,
Loài ta gọi “người cá”
Cá gọi “cá mình người”.
 
8. Những nhân vật với đôi tai dài
Đây là chương ít tính trữ tình nhất trong tác phẩm. Hai đàn violin luân phiên nhau tạo nên những tiếng rít cao chói tai và những nốt thấp rì rầm khó có thể nghe ra giai điệu.
Những con la
Trong thế giới loài la
Làm gì có luật lệ
(Trong thế giới loài la, ha ha
Làm gì có luật lệ)
 
9. Chim cu ở sâu trong rừng
Hai piano chơi những hợp âm rộng mềm mại trong khi clarinet chơi ostinato hai nốt Đô và La giáng lặp đi lặp lại, bắt chước tiếng kêu của một tổ chim cu.
Chim cu gáy hoang
Lũ cu gáy sống đời sống hoang toàng,
Chúng lơ là trách nhiệm chồng và vợ,
Vì thế chúng làm mất thể diện
Mọi cuộc hôn nhân khác của người.
 
10. Chuồng chim
Các đàn dây giọng cao đảm nhận bè đệm, tạo ra tiếng rì rầm như tiếng động trong rừng, cello và double-bass chơi điểm nhịp dẫn vào hầu hết các ô nhịp. Flute đóng vai trò tiếng chim với giai điệu trill trải rộng trong tầm âm của nó. Hai piano thi thoảng tạo ra những tiếng chát chúa hay trill của những con chim khác. Chương nhạc kết thúc một cách lặng lẽ sau một tiếng vút cao của flute.
Những con chim
Puccini thuộc La-tinh, Wagner thuộc Giéc-manh,
Những con chim mãi thuộc philharmonic,
Các sân ngoại ô và cảnh thôn dã
Đầy những “Chị em nhà Andrew” chim. (*1)
Chim chiền chiện hót một đoản khúc chim,
Bài “Đường tới Mandalay” do quạ hát,
Chim sơn ca hát một bài hát ru,
Chim mòng biển hát bài ca mòng biển,
Dân chăn cừu ở Arcadia nghe thứ đó
Trước khi radio được phát minh.
 
11. Những nghệ sĩ piano
Saint-Saëns để chính các nghệ sĩ piano mô phỏng những giờ tập gam của họ bằng một đoạn trải ra như bài thực hành đàn phím chán ngắt.
Những nghệ sĩ piano
Một số khẳng định những nghệ sĩ là người,
Và trích dẫn trường hợp của Truman.
Saint-Saëns thì đứng về phe kia,
Coi họ là một band xoàng xĩnh,
“Họ là tai họa và là khỉ không đuôi
Thay vì là con người” – ông nói.
 

12. Những hóa thạch
Ở đây Saint-Saëns đã bắt chước sáng tác của chính mình, bản Danse Macabre (Vũ khúc ma quỷ). Xylophone được sử dụng nhiều để gợi nên hình ảnh những bộ xương đang nhảy múa va đập vào nhau lách cách. Các chủ đề âm nhạc trong Danse Macabre cũng được trích dẫn; xylophone chơi phần lớn giai điệu và được piano và clarinet thay phiên. Bè piano ở đây đặc biệt khó với các quãng tám. Có thể nghe thấy các đoạn giai điệu trong ca khúc thiếu nhi Twinkle Twinkle Little Star và aria Una Voce Poco Fa trích từ opera Il Barbiere di Siviglia của Rossini.
Những hóa thạch
Ở viện bảo tàng lúc nửa đêm,
Những hóa thạch tụ tập khiêu vũ,
Không có saxophone hay trống,
Chỉ có tiếng lách cách xương khô,
Lăn lộp cộp theo vòng thảnh thơi
Những điệu polka và mazurka ma mút,
Khủng long ăn cỏ và thằn lằn ngón cánh
Hát hợp xướng thời tiền sử linh thiêng
Ở giữa đám chè chén đến là vui
Tôi gặp cái nhìn một tiểu hóa thạch,
“Niềm vui tuyệt chủng” – nó nháy mắt ra hiệu.
“Hãy làm thế giới buồn phấn chấn lên”.
 
13. Thiên nga
 Đây là khúc nhạc nổi tiếng nhất trong tổ khúc, thường được sử dụng để phô diễn kĩ năng trình tấu của nghệ sĩ cello. Giai điệu được cello chơi trên nền hòa âm của hai đàn piano. Một piano thể hiện tiếng mặt nước lao xao, một piano thể hiện tiếng sóng cuồn cuộn.
Thiên nga được viết tặng nghệ sĩ cello Charles-Joseph Lebouc đang về già, người nổi tiếng vì nghệ thuật trình diễn. Saint-Saëns đã hứa soạn một tác phẩm solo dành cho nghệ sĩ này nhiều năm trước nhưng ông đã trì hoãn dự định đó. Đến thời điểm Saint-Saëns soạn Ngày hội của muông thú, Lebouc đã trở thành một đề tài bông đùa trong giới trình diễn đàn dây vì tuổi tác đã khiến ông trình diễn tồi đi. Một lần, ông đã trình diễn Thiên nga với vẻ êm ái cao độ khiến những đồng nghiệp chơi cello phải chú ý tới sự kỹ lưỡng trong cách chơi của ông.
Thiên nga
Thiên nga vừa ngồi vừa bơi được,
Đội mũ miện chỉ vì kiêu thôi mà,
Soi gương đi, soi gương lại rồi ca:
“Ta chưa từng nghe về Pavlova.”
Trong đoạn thơ tương ứng với khúc nhạc Thiên nga, Frederic Ogden Nash có nhắc đến nữ diễn viên ballet huyền thoại người Nga Anna Pavlova, người đã cộng tác với biên đạo múa Michel Fokine để sáng tạo ra một vũ điệu ballet solo nổi tiếng có tên La Mort du Cygne (Cái chết của thiên nga). Kịch bản ballet này được dựa theo một bài thơ của Alfred Tennyson mà Michel Fokine đọc được còn nhạc nền chính là Thiên nga của Saint-Saëns. Ballet Cái chết của thiên nga được Anna Pavlova trình diễn lần đầu năm 1905.

14. Finale
Có sự tham gia của tất cả các nhạc cụ. Phần Finale mở đầu bằng những nốt chạy tremolo ở đàn piano như trong phần Introduction. Những nhạc cụ hơi, harmonica và xylophone mau chóng tiếp viện. Dàn dây tạo nên sự căng thẳng bằng những nốt thấp dẫn vào phần glissando của piano, rồi tạm dừng trước khi giai điệu chính sôi động được trình bày. Mặc dù giai điệu khá đơn giản nhưng những hòa âm đệm theo được trang hoàng theo phong cách sáng tác cho piano của tác giả, những gam chói lọi, những nốt vuốt (glissando) và nốt láy (trill). Nhiều chương nhạc trước được trích dẫn tại đây: Introduction, Những con lừa, Gà mái và kăng-gu-ru. Tác phẩm kết thúc bằng một nhóm hợp âm Đô trưởng mạnh mẽ.
 Grand Finale
Giờ ta đã đến phần Grand Finale,
Về vũ hội hóa trang loài vật,
Những tiếng ồn mới trên biển và đất,
Phát ra từ band nhóm tài năng,
Mọi đàn dây vặn xoắn đặc trưng,
Mô phỏng cho những loài sinh vật,
Mọi kèn đồng như càu nhàu phụng phịu
Bằng cách thổi ra tiếng ồm ồm
Vượt hẳn Barnum & Bailey và Ringling rồi. (*2)
Saint Saëns làm nên điều kỳ diệu.
 ———
Chú thích:
(*1) The Andrews Sisters là tên một nhóm hợp ca ở Minnesota, Hoa Kỳ.
(*2) Phineas Taylor Barnum là một ông bầu Mỹ nổi tiếng, người thành lập ra các gánh xiếc Ringling Bros và Barnum & Bailey.
         
 Ngọc Anh   tổng hợp và dịch thơ

Tác giả