Ngày sách Israel: “Vén màn” trí tuệ Do Thái

Lần đầu tiên, sách của các tác giả Do Thái và về dân tộc Do Thái được xuất bản tại Việt Nam thời gian gần đây đã tụ hội trong Ngày sách Israel do Omega Plus, AlphaBooks phối hợp với Đại sứ quán Israel tổ chức tại Phố Sách Hà Nội hôm 16/7.


Tặng sách “Con đường thoát hạn” cho một số đại biểu tại lễ khai mạc Ngày sách Israel, Phố Sách Hà Nội sáng 16/7. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Từ nhiều thế kỷ nay, người Do Thái, một sắc tộc tôn giáo có nguồn gốc từ Israel, chưa bao giờ ngừng đóng góp cho thế giới những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, khoa học – công nghệ và nghệ thuật. Như một điều tất yếu, những cuốn sách trưng bày tại Ngày sách Israel thể hiện mối quan tâm lớn của giới xuất bản và người đọc Việt Nam với câu hỏi, trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Do Thái đến từ đâu. Bằng chứng là có đến ¾ trong số gần 50 đầu sách trưng bày trực tiếp viết về chủ đề bí mật-bí quyết kinh doanh, triết lý sống và phương pháp nuôi dạy con của người Do Thái. Trong số đó, có cả tác phẩm Câu chuyện Do Thái của tác giả người Việt Đặng Hoàng Xa, vẽ nên bức tranh lịch sử bi thương nhưng cũng đầy quả cảm của dân tộc Do Thái với những con người khao khát truy cầu những ý nghĩa lớn lao của cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh loạt sách tạm gọi là “vén màn” trí tuệ Do Thái chiếm số lượng áp đảo, vẫn có thể tìm thấy ở Ngày hội một số tác phẩm hư cấu và phi hư cấu khác của các tác giả lớn người Do Thái như Franz Kafka, Thomas Friedman hay Henry Kissinger.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AlphaBooks và Omega Plus, nơi xuất bản các cuốn sách Tiểu sử David Ben Gurion, Trí tuệ Do Thái, Câu chuyện Do Thái, Quốc gia khởi nghiệp…, cho biết, mảng sách này khá thành công về mặt phát hành, như Trí tuệ Do Thái đã phát hành 20 nghìn bản hay Quốc gia khởi nghiệp đã phát hành 70 nghìn bản, với sự đặt hàng của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. “Israel là dân tộc nổi tiếng về tri thức. Nhiều nhà xuất bản đã nỗ lực đưa những cuốn sách của Israel tới Việt Nam như một cách để độc giả tiếp cận nhiều hơn với tri thức của người Do Thái, từ đó có thể áp dụng và phát triển đất nước của chúng ta,” ông nói.

Cũng ngay tại lễ khai mạc Ngày sách, Omega Plus cam kết tặng cuốn “Con đường thoát hạn” cho tất cả lãnh đạo các Sở Tài nguyên – Môi trường trong cả nước. Đây là cuốn sách được viết bởi doanh nhân, luật sư, nhà hoạt động xã hội Seth M. Siegel nhằm lý giải vì sao Israel trở thành quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới, mặc dù hơn 60% diện tích là sa mạc và chỉ khoảng 2% là diện tích mặt nước. Cuốn sách được đánh giá là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho những nhà hoạch định chính sách về quản lý nguồn nước và cho những chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực phát triển, đầu tư.


Phó đại sứ Israel Doron Lebovich (thứ hai từ trái sang) và Phó GS.TS Đinh Ngọc Bảo (thứ ba từ trái sang) tại tọa đàm về cuốn sách “Sapiens – Lược sử về loài người” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, sáng 16/7. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Tuy nhiên, hoạt động được trông đợi nhất tại Ngày hội chính là lễ ra mắt và tọa đàm về cuốn sách khám phá khoa học best seller Sapiens – Lược sử về loài người của nhà nghiên cứu lịch sử người Israel Yuval Harari, với sự tham gia của hai diễn giả: Phó GS.TS Đinh Ngọc Bảo, chuyên gia về Lịch sử thế giới và cổ sử, và Phó đại sứ Israel Doron Lebovich.

Cuốn sách tập trung vào quá trình tiến hóa của loài người kể từ 70 nghìn năm cách ngày nay, thời điểm mà theo tác giả loài người bắt đầu hình thành một cấu trúc tinh vi gọi là văn hóa.

Hai diễn giả đã thảo luận những nội dung lớn của cuốn sách như cách phân kỳ lịch sử loài người theo ba cuộc cách mạng: Cách mạng Nhận thức, Cách mạng Nông nghiệp, và Cách mạng Công nghiệp; những làn sóng tuyệt chủng do ba cuộc cách mạng nói trên gây ra; những cơ chế liên kết con người (tiền tệ – quyền lực chính trị – tôn giáo); mối quan hệ giữa sinh học và lịch sử (với nghĩa là “quá trình phát triển văn hóa”); và nhất là về câu hỏi được trở đi trở lại nhiều lần trong cuốn sách: Khi đã thống trị trái đất nhờ sự “tinh khôn” vượt trội của mình, Sapiens có hạnh phúc hơn không?

Phó đại sứ Israel Doron Lebovich, người lần đầu đọc cuốn sách vào năm 2012, khi còn là sinh viên Đại học Hebrew, cho biết: “Sau khi được xuất bản bằng tiếng Hebrew vào năm 2011, cuốn sách nhanh chóng trở thành hiện tượng tại Israel và đã được dịch ra 46 ngôn ngữ trên thế giới. Điều đặc biệt là nhiều người thuộc mọi tầng lớp đã đọc và khen ngợi cuốn sách. Chúng tôi có nhiều hội thảo và hội nghị nói về cuốn sách. Ngay cả ở bảo tàng, chúng tôi cũng trưng bày hiện vật dựa trên ý tưởng của cuốn sách.”

Về câu hỏi xuyên suốt tác phẩm rằng liệu người “tinh khôn” ngày nay có cảm thấy hạnh phúc hơn so với người cổ đại không, ông Lebovich chia sẻ, bản thân ông đã phỏng vấn tác giả và câu trả lời, theo tác giả, là “rất phức tạp”. “Tác giả cho rằng con người sống trước thế kỷ 18 có cuộc sống kém hơn so với tổ tiên: làm việc nhiều hơn, vất vả hơn, trong khi tổ tiên làm ít hơn nhưng vẫn có đủ thức ăn. Sau thế kỷ 18, chúng ta có cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, khiến con người ngày nay cảm thấy rất hạnh phúc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề này,” ông Lebovich thuật lại lời tác giả.

Được biết, cuốn sách thứ hai của Harari, Homo Deus: A Brief History of Tomorrow, đã được một đơn vị xuất bản ở Việt Nam mua bản quyền và xuất bản trong thời gian tới.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)