Ngày Tết, gói quà

Quà cáp, hóa ra trước hết, và trên hết, không phải là nợ tiền nhau, là cúng tiền nhau, là dạy nhau năng lực hối lộ sau này. Mà là sáng kiến, là tìm tòi, là sự quan tâm chi tiết đến những rung cảm nhỏ bé, kín đáo, riêng tư của mỗi con người cụ thể xung quanh mình. Là gây dựng niềm vui cùng nhau, cho nhau.

Lâu rồi, trong một dịp sang một nước bạn, bây giờ nước nào chả là nước bạn, tôi rơi tõm đúng vào thời khắc của giáp Tết Noel.

Anh Tất, người bạn quen, thấy tôi bơ vơ, ngơ ngác, lại không phải là nai vàng… Anh rủ tôi đến dự Tết Noel ở một gia đình người thân quen. Ngại, và lo đủ đường. Mình vừa ngơ, vừa nghèo… Nhưng được mời nhiệt tình quá. Chưa kể cái văn hóa người Việt trong tôi, nói “không”, hay nói “có”, làm gì có được cái nghĩa 100% bao giờ đâu. “Không”, hay “có” của người Việt trong tôi là để hoãn binh, để rồi loay hoay tiếp…

Cuối cùng tôi lại nhận được cả điện thoại trực tiếp của chủ nhà nọ, qua máy nói của anh Tất. Tôi hiểu lõm bõm, đại để “đến đi, vui lắm, thật lòng”. Giọng nói của anh chủ nhà rõ ràng là nói ra được nhiều hơn bản thân lời nói. Chúng tôi chuẩn bị đôi chút, rồi sớm hôm sau lên đường.

Con tàu chạy một mạch, êm ắng, lừ đừ, trong đất trời trắng tuyết. Cốc nước trên bàn trước mặt tôi thỉnh thoảng sủi lên tí chút bong bóng, nhưng không sóng sánh. Nhìn xuống đường cao tốc phía dưới kia, hội xe pháo đang đua nhau, thế mà kì, tàu của mình vượt họ cứ như không, như mình đang ở trong một thế giới khác. Anh Tất đoán ra câu hỏi trong đầu tôi, bảo “nom thế thôi, tàu mình đang chạy ít ra cũng phải trên hai trăm rưởi cây số một giờ”. Không gian tuyết xốp xáp ngoài kia là cả một cái phòng cách âm khổng lồ, tôi đã cảm nhận ra sự êm đềm cổ tích đó hồi sáng sớm nay khi đi bộ đến nhà ga, một thực tế khoa học, chứ không phải là tưởng tượng.

Đúng giờ, chi li tới phút, anh bạn giục tôi ra cửa, phải sẵn sàng ngay như lính biệt kích nhảy dù. Thế thật. Vừa đặt chân xuống được bờ ke nhà ga xong, con tàu đã rời bánh. Sự chi li tốc độ này rõ ràng hạn chế cái cơ hội rình mò đùa cợt mọi lúc của con người Việt trong tôi. Chưa kịp định thần, thì một nụ cười nhẹ nhàng, một vòng tay ấm áp đã chào đón chúng tôi. “Jean, hân hạnh!” Vừa chào hỏi, chúng tôi vừa ra lấy xe của Jean. Băng qua khu rừng nhỏ, về đến cửa nhà, chị vợ Christelle, cô bé Sophie, cậu bé Thomas diện ngất trời nồng nhiệt chào đón chúng tôi, sự nồng nhiệt làm tan giá ngay mọi e ngại “gây phí thì giờ”, để kéo xộc chúng tôi vào ngay cuộc lễ Tết bề bộn của gia đình.

Giờ thì tôi mới tỉnh ra, ngôi nhà của Christelle và Jean là một nhà bảo tàng văn hóa thế giới! Các đồ dùng, tranh, tượng, kỉ vật phần lớn được mua chở về từ những chuyến ở, chuyến đi từ bao nhiêu miền đất xứ sở khác nhau. Ngay cả chiếc bàn nặng chịch ở phòng khách này cũng đã chu du từ miền đảo viễn đông về! Nhiều kỉ vật, cùng những kỉ niệm của đời sống xứ Việt hóa ra chẳng xa lạ với gia đình này. Nhưng đấy là cả nhiều pho truyện dài, thật dài khác…

—-

Chiều về, sau khi đã dã ngoại thưởng thức đôi chút khí lạnh nhưng ngọt ngào tinh khiết, chúng tôi vào bữa ăn tối Noel thiêng liêng, chuyện trò, đùa bợt. Bọn trẻ thì cứ chốc chốc lại liếc mắt hoài đến gốc cành thông lớn dựng ở cạnh lò sưởi đang đỏ củi. Số lượng các gói quà to nhỏ lóng lánh ở chỗ đấy vừa gây phấn khích, vừa thỉnh thoảng làm tôi thoáng chút lo âu.

Rồi cũng đến lúc bọn trẻ chợt reo ầm lên. Bố mẹ chúng đã đồng ý, rằng phút mở quà đã đến!

Hóa ra có hai loại quà. Loại “riêng tư”, và loại “công cộng”.

Loại “riêng tư” được đi trước.

Tôi thì mải lo nghĩ về giá trị của các món quà, nhất là trong một gia đình khá giả như thế này, còn câu chuyện thì lại đang được triển khai theo một hướng khác hẳn.

Quà cáp được chuẩn bị nhiều nhất, kĩ nhất, cho nhiều người nhất, hóa ra là quà cáp của hai cô cậu bé! Của cô Sophie, và của cậu Thomas.

Jean loay hoay mở gói quà to tướng của Thomas. Năm lần mở, mỗi hộp carton lại chứa một hộp carton nhỏ hơn nữa ở bên trong… Cuối cùng… chỉ là một tờ giấy con, ghi những chỉ dẫn nơi giấu quà trong nhà, nhưng bằng phép đố toán học. Jean gãi đầu, đếm ngón tay, đo bước chân… đi lùng khắp nhà, mãi không thấy ra.

Christelle mở bảy hộp quà lớn. Rốt cục năm hộp nọ, mỗi hộp chứa một cái chén con. Hộp thứ sáu là cái ấm trà. Hộp thứ bảy là cái khay nhỏ cho bộ ấm chén… Christelle nghiện trà xanh! Món quà trà Việt của anh Tất sau đó vừa khéo gặp gỡ bộ ấm trà của lũ nhỏ, được chị nhiệt thành tán thưởng!

Tôi được tặng mấy món quà vui vẻ xinh xắn… Và một món quà đặc biệt trong một cái hộp to đùng: trong đấy có mỗi một mẩu giấy viết về “cái lợi của việc hút thuốc lá”, với chữ kí của cả nhà! Chà, mọi người đã kịp điều tra ra cả cái thói hút thuốc lá của tôi rồi! Sau này tôi bỏ được thuốc lá, không biết có hiệu ứng của mẩu giấy này không?

Ngôi nhà rộn rã tiếng cười, tiếng xé giấy quà. Chú chó «Tôt» quá hưng phấn, lăn lộn khắp nơi, cuối cùng nằm im gặm món quà cái xương nhựa. Cô mèo «Tard» cũng mon men lăn vần đồ khắp chốn, cuối cùng yên tâm nằm ườn ra divan lim dim ngủ với món quà cái nơ đỏ xíu được đính vòng quanh cổ.

Về phần mình, tôi đã yểm sẵn mấy cái phong bì con con đựng ít tiền, để cộm ở trong túi, khéo tính toán mãi, sao cho đừng đắt quá, mà cũng đừng keo kiệt bủn xỉn quá, một bài toán thật hiểm hóc. Lúc này tôi bỗng chợt thấy mình đã nghèo, lại còn loay hoay xôi thịt. Tôi khéo léo ra góc nhà rút chúng ra, cất tống hết vào ba lô.

Tôi tặng chung cả nhà một cái tranh thêu cảnh đất nước mình, mọi người vui vẻ thích thú ngắm nghía. Nhưng tôi cũng chợt hiểu ra rằng món quà của tôi nó chung chung quá, nó thiếu sự tìm tòi quan tâm đến từng con người cụ thể tinh tế, rõ ràng là tôi không có ý tứ tìm hiểu gì về mỗi người trong nhà trước đó. Tôi tự thấy tôi mòn vẹt, sáo rỗng, thay vì cứ tưởng mình những là minh triết phương Đông của khỉ. Món quà của tôi kể ra chỉ chấp nhận được, thông cảm được, một khi tôi đã ở tầm lãnh tụ của một xứ sở nào đó, của một siêu cường chẳng hạn, đang dở bận trăm công nghìn việc gì đấy…

Nửa tiếng đồng hồ tặng quà nhau, mà vẫn chưa xong! Jean cuối cùng cũng đã tái xuất, mạng nhện dính đầy đầu. Jean tìm ra cái bức tranh anh vẽ Thomas từ ngày cậu còn bé tí, bức vẽ dở dang, ở trong hầm nhà, bức tranh mà anh đã từng kể mãi với Thomas mà không còn biết nó nằm ở đâu, còn Thomas thì mãi không biết đó là câu chuyện thật, hay câu chuyện hư. Jean ôm dừ Thomas vào lòng trong cái nhìn ướt mắt của cả nhà.

Cả nhà mở rượu Champagne, và chuyển sang trò chơi “quà công cộng”. Quà công cộng là đủ các thứ linh tinh ngộ nghĩnh, phần lớn là những thứ đồ ẩm ương trong nhà chui lẩn ở đâu, nay được gói ghém tinh tươm lại, buộc nơ ở trên. Mỗi người được phát một cần câu, và câu quà theo lượt, trúng gì được nấy, trong tiếng cười ngất ngây.

Quà cáp, hóa ra trước hết, và trên hết, không phải là nợ tiền nhau, là cúng tiền nhau, là dạy nhau năng lực hối lộ sau này. Mà là sáng kiến, là tìm tòi, là sự quan tâm chi tiết đến những rung cảm nhỏ bé, kín đáo, riêng tư của mỗi con người cụ thể xung quanh mình. Là gây dựng niềm vui cùng nhau, cho nhau.

Và với cây đàn guitar, suốt đêm chúng tôi lục lọi từ trí nhớ ra đủ các loại bài hát đông tây kim cổ, hát hò với nhau giục anh Mặt Trời thức dậy.

—-

Sau bữa ăn trưa hôm sau, anh Tất và tôi bịn rịn hôn chào Sophie, Thomas, chị Christelle, cả chú chó Tôt, và cô mèo Tard, để ra về. Chia sẻ với nhau mấy chục tiếng đồng hồ, mà lòng cảm thông nay đã đọng lại thành vô biên.

Ra đến bờ ke nhà ga, Jean dặn chúng tôi phải đứng đúng vạch sơn đã vẽ cửa lên xuống cho số của toa tàu đã in trên vé của chúng tôi. “Đây là bến phụ, tàu chỉ dừng đúng một phút thôi”. Con tàu cao tốc vào ke, đây rồi, cửa tàu soạt nhẹ mở. Đúng là chính xác tới phút giây và tới centimètre! Chúng tôi ôm hôn Jean thật nhanh, trèo vụt lên tàu, và hình bóng Jean thân thương đã từ từ ngược toa tàu trôi về phía xa…

 

 

 

 

Tác giả