Nghệ sĩ Bạch Dương và duyên nghiệp Ca trù

Lần đầu tôi gặp chị Bạch Dương ở quán trà Tự Nhiên Hương cách đây hơn 4 năm, khi chị đi cùng nghệ sĩ ca trù Kim Đức, vì quý cậu chủ quán trẻ mê cổ nhạc mà hát một điệu Gửi thư. Thời gian đó, bà Kim Đức đang dạy chị Bạch Dương điệu hát này, lần hát ở quán cũng coi như là một lần thị phạm cho cô học trò của mình nhập tâm. Sau buổi đó có người đã bảo với tôi hóa ra bà Kim Đức đã tìm được học trò để truyền nghề được hơn một năm rồi. Mới kể đó mà đã gần 5 năm, cả một công trình học tập đã nên công quả. Năm vừa rồi chị Bạch Dương đã cắp phách theo thầy biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội trong đêm Ca trù toàn quốc. Chỉ một tiếng róc phách đã đủ khiến những quan viên sành sỏi phải gật gù. Lâu lắm mới được nghe lại tiếng phách đúng lề lối của giáo phường đệ nhất.

Thương chồng em phải “lầm than”
Người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không bao giờ thể nghĩ một ngày nào đó Bạch Dương lại có thể cầm sênh, gõ phách hát Ca trù, loại hình âm nhạc khó nhất trong các thể loại nhạc cổ truyền, đồng thời lại “trái tông” hoàn toàn với phong cách “Tây”của chị Dương. Sinh ra trên đất Nga nên chị có tên Bạch Dương. Ngày nhỏ chị học tiếng Nga, chơi guitar, lớn lên học Đại học Ngoại ngữ rồi Đại học Ngoại thương và học thêm cả tiếng Anh, nhảy đầm. Dương nhảy đẹp đến nỗi đã từng đạt giải Đôi giày vàng. Có lẽ, cái ít chất “tây” nhất của chị là tài nấu ăn ngon, mê nấu ăn và có những bí quyết nấu cỗ cổ truyền được thừa hưởng từ bà ngoại – một phụ nữ của đất Hà Thành cổ xưa.
Năm 28 tuổi chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Hải, một đồng nghiệp cùng cơ quan, cán bộ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Anh Hải lại ngược hẳn với vợ: thích trồng địa lan và mê Chèo. Hồi nhỏ cứ nghe chỗ nào diễn Chèo, anh lại dành dụm tiền mua vé đến xem. Có gia đình, thi thoảng anh rủ vợ đi xem cùng, vì chiều chồng nên chị cũng theo xem cho biết. Sau này, dần dần tiếp xúc với các nghệ nhân trứ danh của làng Chèo một thuở như nghệ sĩ Diễm Lộc với vai Súy Vân nổi tiếng, nghệ sĩ hề chèo Mạnh Tuấn, nghệ sĩ Chu Văn Thức, nhà nghiên cứu Hoàng Kiều, chị Dương mới hiểu cái hay của Chèo. Chị quyết tâm học đàn Nguyệt của NSƯT Đặng Công Hưng trong Nhà hát Chèo TW để có thể dạo một vài bài cho chồng hát ở nhà.


Bạch Dương và con gái Diệu Thảo bên nghệ sĩ Kim Đức

Khi thấy di sản của các cụ đang dần mai một, anh chị bàn nhau xin một khoản tài trợ của nước ngoài mời các nghệ nhân Chèo dựng lại hai vở Súy Vân và Lưu Bình Dương Lễ. Hai vợ chồng cứ hết thời gian làm việc hành chính, về nhà lo cho hai con rồi lại đèo nhau vào khu văn công Mai Dịch, xem và quay hình tư liệu trong mỗi buổi tập của các cụ, sau đó về cùng xem lại như một niềm yêu thích. Đến nỗi hai bé con của anh chị, cậu anh mới lên 6 cô em mới lên 4 mà thuộc hầu hết cả vở Súy Vân, đặc biệt hơn là cô bé Thảo, con gái chị còn đập nhịp Chèo rất chuẩn. Chính bé là chiếc cầu nối sau này cho chị Bạch Dương học được Ca trù của Nghệ sĩ Kim Đức.
Có lần nhỡ tay xóa mất cảnh nghệ sĩ Diễm Lộc xuất thần trong cảnh Súy Vân nghe tin Kim Nham thi đỗ trở về, chị khóc suốt mấy ngày. Dù sau đó nghệ sĩ Diễm Lộc đã an ủi và diễn lại cho quay nhưng bây giờ kể lại, chị vẫn còn tiếc mãi.
Năm 1998, một lần đi dự buổi sinh hoạt văn nghệ của người bạn, chị Bạch Dương và anh Hải gặp nghệ sĩ Ca trù Kim Đức. Được nghe bà hát, chị Dương mê luôn giọng hát và cả sự sang trọng trong phẩm chất và nhân cách toát ra từ nghệ sĩ Kim Đức. Sau lần ấy, hai vợ chồng anh chị có thêm một địa chỉ văn hóa để thi thoảng qua lại, hỏi thăm sức khỏe cụ.
Trong một lần đến thăm nghệ sĩ, bé Thảo 4 tuổi, con gái anh chị “dám” cầm mõ đánh nhịp cho bà hát, rồi đóng cả vai mụ Quán trong vở Súy Vân cho bà xem. Thấy có năng khiếu nghệ sĩ Kim Đức vui mừng nhận truyền nghề Ca trù, đó cũng là mong muốn của anh chị vì “thấy nghề của cụ quý quá, hay quá, sang trọng quá” muốn giữ lại. Nhưng Thảo lúc ấy còn bé quá, chữ chưa biết nên khó có thể nhớ được những câu thơ chữ Hán trúc trắc kia, thế là nghệ sĩ Kim Đức và anh chị chọn ra một giải pháp: Chị Dương sẽ học Ca trù để dạy cho bé Thảo sau này.
Từ giữ nhiệm vụ bắc cầu cho con gái, dần dà chị Dương được nghệ sĩ Kim Đức nhận làm học trò và truyền hẳn nghề. Càng học càng mê đến nỗi trên xe ô tô của chị luôn thường trực băng Ca trù của nghệ sĩ Kim Đức. Mê đến nỗi, anh Hải từ trước đến giờ nghĩ “Ca trù là một cái gì khó quá, bác học quá mình không thể tiếp cận nổi” thì bây giờ học đàn đáy để “về nhà làm kép ôm đàn cho em”.
Chuyện xửa chuyện xưa và chuyện bây giờ
Bây giờ chị Bạch Dương giữ trách nhiệm làm Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại của Công ty TSC trực thuộc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam. Anh Hải công tác tại Ban Quan hệ Quốc Tế  thuộc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Song tiếng phách, tiếng đàn lúc nào cũng vang lên ở căn nhà 973 đường Hồng Hà. Chị Dương đã học Ca trù được 7 năm kể từ năm 2000. Được nghệ sĩ Kim Đức truyền lại hết bài bản, những nét tinh tế, hoa mĩ của nghệ thuật Ca trù nhưng chị vẫn cứ muốn học nữa: “Càng học càng thấy Ca trù khó, càng thấy Ca trù hay và đẹp, càng thấy Ca trù quý, thấy bà vẫn còn quá nhiều thứ để mình cần phải học, bà là cả một kho nghệ thuật vô cùng quý giá, mình tiếc quá vì không được gặp bà sớm hơn”.
Giờ đi bất cứ nơi đâu, nghệ sĩ Kim Đức đều giới thiệu chị Dương là con gái cụ. Có chương trình biểu diễn, chị Dương lại tất tả lo lắng cho cụ, từng viên thuốc để đảm bảo sức khỏe, mỗi nếp áo nhung phẳng phiu, chuỗi hạt sáng bóng để mỗi lúc nghệ thuật Ca trù qua nghệ sĩ Kim Đức và học trò xuất hiện trước công chúng là một lần sự sang trọng, bác học và đài các của nghệ thuật này được khán giả tri âm, tri tâm một cách trọn vẹn từng chi tiết.
Có đêm dạo Tết, tôi lang thang trên đường Hà Nội với cảm giác lâng lâng sau tiếng róc phách cuối cùng kết bài Thiên Thai mà chị vừa ngừng. Trời chớm sang xuân, mát mẻ đến thế, dìu dặt đến thế, non tơ đến thế, trong người lúc đó ai chả muốn làm một anh Lưu Thần, một anh Nguyễn Triệu để vén đám mây lành mà hỏi chủ nhân của động đào nguyên.
Có lẽ cho đến bây giờ tôi vẫn chưa được nghe lại một khúc Thiên Thai trọn vẹn mà hay đến thế.
Cũng là “duyên tình cờ” của kẻ trần phút gặp nhạc tiên?

Thần Anh

Tác giả