Nghệ thuật đương đại Trung Quốc

Gần đây, một loạt những tên tuổi sáng giá của Trung Quốc đã liên tiếp xuất hiện trong những triển lãm nghệ thuật quốc tế lớn, trong các gallery uy tín và các cuộc đấu giá nổi tiếng trên thế giới, tạo nên một làn sóng sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đương đại Trung Quốc trên khắp các thị trư¬ờng nghệ thuật lớn như¬ Châu Âu, Châu Mỹ, Hồng Kông, Singapore...

Có thể nói sự cởi mở hơn về chính trị và sự chuyển biến trong ý thức hệ của Trung Quốc đã là tác nhân khơi nguồn cho sự nở rộ của nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Quá trình phát triển và diễn biến này được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất từ sau năm 1979 đến 1989:

 

Đây là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu mở cửa hội nhập với thế giới. Điều này được thể hiện qua các sáng tác, trào lưu nghệ thuật cũng như qua thái độ ứng xử và phản ứng của chính phủ trước các trào lưu nghệ thuật đương đại này.
Đề tài chính mà các nghệ sỹ giai đoạn này đề cập tới đó là các vấn đề của cách mạng văn hóa. Có những phong trào xuất hiện với cái tên “những bức tranh có sẹo” hay “nghệ thuật của những người bị tổn thương” với nhiều tác phẩm thể hiện một tâm trạng thất vọng và vỡ mộng của giới trẻ, những người cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi.
Đến giữa những năm 1980, sự nở rộ của nghệ thuật tiền phong đã cho ra đời “phong trào 85”, mục đích của họ không nhằm tạo ra hình thức biểu đạt mới mà chỉ muốn góp những hoạt động nghệ thuật của mình như một phần trong sự thay đổi của xã hội.
 
Một trong những tác phẩm đáng ghi nhận nhất là tác phẩm sắp đặt “Cuốn sách trời” của Xu Bing. Cho đến giờ, Xu Bing vẫn là người tiên phong trong trào lưu nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Tác phẩm của ông được làm từ 4000 ký tự vô nghĩa của Tiếng Hán. Ông khắc chúng vào những con triện theo kiểu Nhà Tống (thế kỷ 11) sau đó bày tác phẩm của mình dưới dạng tranh trục. Ông đã làm việc này trong 3 năm từ 1987 đến 1991 với một công việc nhàm chán là ngồi khắc dấu, nó giống như việc ngồi cầu nguyện vào mỗi buổi sáng, quá trình làm là quan trọng hơn kết quả. Tác phẩm như một đài tưởng niệm với một ý nghĩa rất sâu sa.
 
Một tác giả nữa của giai đoạn này cũng phải kể đến là Huang Yong Ping với tác phẩm sắp đặt “Máy giặt”. Ông đã bỏ 2 cuốn sách viết về nghệ thuật Trung Quốc rất có giá trị vào máy giặt và bấm máy trong vòng 2 phút. Sau đó, để ra thành từng đống hỗn độn trên mặt bàn. Một tác phẩm đề cập đến những vấn đề về giá trị.
Có thể thấy các tác phẩm của các nghệ sỹ tiên phong thời kỳ này luôn đề cập tới sự giằng xé, đấu tranh cũng như sự xung đột về hệ tư tưởng và khái niệm về giá trị. Thái độ phản ứng của chính quyền đối với những hoạt động nghệ thuật này thường không mấy tích cực, rất nhiều cuộc triển lãm và buổi trình diễn đã bị đóng cửa, bắt bớ, tra hỏi.

Giai đoạn thứ hai từ năm 1989 đến nay:
 

Thời gian này trong xã hội Trung Quốc tự phổ biến một quan niệm “Hãy kiếm tiền và không hỏi gì hết”. Về phía các nghệ sỹ cũng được tự do hơn đặc biệt là sau năm 1992. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, sức ép của nền kinh tế thị trường đã mang lại cho các nghệ sỹ đương đại những chủ đề mới như sự khát khao làm giàu nhanh chóng, sự cạnh tranh khốc liệt, sự ngăn cách giàu nghèo… Rất nhiều đề tài cũng như hình thức nghệ thuật thể nghiệm mới được phát triển rầm rộ như ảnh khái niệm, ảnh sắp đặt, video art, trình diễn…
           
Sau một thời gian dài bị đóng cửa, các triển lãm nghệ thuật đương đại đã được chính phủ quan tâm trở lại. Hơn nữa các nghệ sỹ Trung Quốc giờ đây có nhiều tác phẩm đã gây được nhiều sự chú ý trên thế giới, giá tranh của họ liên tục tăng cao trên các gallery và các nhà đấu giá nổi tiếng thế giới. Theo thời báo NewYork tháng 1 năm 2007, danh sách các họa sỹ đạt kỷ lục đấu giá tranh liên tục gia tăng. Trong đó, có những nghệ sỹ nổi tiếng về bán tranh với giá hàng triệu USD một bức như Zhang Xiao Gang, Fang Li Jun, Yue Min Jun, Zeng Fan Zhi, Wang guang Yi, Zeng Hao…

Trong giai đoạn này, các nghệ sỹ trẻ- những con người đại diện cho một thế hệ Trung Hoa mới không còn chịu ảnh hưởng nặng nề của chính trị trong quá khứ. Xiong Xi Qiu là một gương mặt nghệ sỹ trẻ tiêu biểu. Cô sinh năm 1979 nhưng đã trở nên nổi tiếng với các sêri tranh như “cosmo girl”, “super girls”… với phong cách pop art trẻ trung. Cô đã phản ánh đời sống cũng như những giấc mơ của giới trẻ Trung Quốc ngày nay -một thế hệ thích ăn Mc Donald, KFC, thích mặc đồ hiệu, du lịch cuối tuần và sở hữu xe hơi BMW.
Có thể thấy những thành quả của nghệ thuật đương đại Trung Quốc có được ngoài yếu tố tài năng cũng như bản lĩnh của người nghệ sỹ thì cũng không thể phủ nhận được vai trò mang tính quyết định của các chính sách của Nhà nước.

Nguyễn Thế Sơn

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)