Nghệ thuật vị gì?

Vào tháng mười 2006, tác phẩm của Arno Breker được trưng bày ở Schleswig – Holstei – Haus (Schverin). Tên tuổi và tác phẩm của Breker từ cả nửa thế kỉ nay vẫn là một đề tài cấm kị trong đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước này. Vì thế mà việc trưng bày lại các tác phẩm của ông dù không lôi cuốn sự chú ý của đám đông nhưng vẫn là một sự kiện nóng bỏng. Tham gia vào sự kiện này có nhiều nghệ sĩ và chuyên gia danh tiếng. Chủ tịch Hội họa sĩ kí họa Ðức thẳng thừng tuyên bố bãi bỏ cuộc triển lãm tác phẩm của mình dự định sẽ được tổ chức ở chính nơi đang trưng bày tác phẩm của Breker, bởi vì, theo ông, đứng tên cùng với Breker ở nơi nào cũng là điều điếm nhục.

Nhưng các nhà tổ chức và nhiều nghệ sĩ khác thì muốn bước qua lời nguyền. Günter Grass, giải Nobel Văn chương, người đã tham dự sâu sắc vào sự phán xét lịch sử Ðức thời phát xít qua tác phẩm của mình như Cái trống thiếc (Dương Tường dịch) ủng hộ tích cực việc cho xuất hiện trở lại của các tác phẩm của Breker. Michel Friedman, người Do Thái, nhà báo nổi tiếng trong vai dẫn chương trình Lịch sử của kênh truyền hình Nhà nước ZDF tại Ðức, tuyên bố: Tiểu sử của Breker là một trong những chìa khoá có thể giúp chúng ta đóng lại sự khủng khiếp.
Breker là ai?
Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai! Câu cách ngôn thường rất đúng này không dễ áp dụng trong trường hợp Breker.

Salvador Dali: Breker là nhà điêu khắc lớn nhất của thế kỉ 20.
Ralf Giordano: Hãy quẳng cái thứ đó (tác phẩm của Breker) ra khỏi sân vận động Olimpia (Berlin). Nó chỉ bộc lộ cái như thể là biểu tượng về cách hành xử của nước Ðức với quá khứ phát xít của đất nước này

Bạn của Breker, có những nghệ sĩ tạo nên gương mặt văn hóa của thế kỉ hai mươi vừa qua, như những Salvador Dali, Jean Cocteau. Nhưng Hitler, tên đồ tể của không chỉ một dân tộc cũng là bạn của ông. Ông đã đứng bên cạnh Hittler trong bộ quân phục quốc xã, giữa Paris sụp đổ. Bằng vào những hợp đồng tuyên truyền cho chế độ phát xít từ Hitler, Breker có thể coi là người đồng hành cùng phát xít Ðức. Nhiều tác phẩm của ông bộc lộ sức mạnh tuyên truyền mãnh liệt cho chế độ độc tài toàn trị.
Lịch sử nghệ thuật Ðức nói chung dưới thời phát xít còn quá nhiều vùng mờ với các nhà nghiên cứu. Breker là một nghi vấn lịch sử, là một vùng mờ như thế.
Có rất nhiều điều người ta nói về ông cho đến giờ vẫn không thể nào kiểm chứng. Ðã có nhà khoa học mong tìm ra sự thật cuộc đời Breker ngoài những điều tưởng chừng đã biết về ông. Nhưng, sự thật, nếu đã phải tìm thì bao giờ cũng khó. Không ai có thể khẳng định trị giá thật của những hợp đồng Breker nhận từ chính quyền phát xít ngày đó. (Ðồn rằng lên tới hàng triệu Mark). Cũng không có câu trả lời chính xác về việc Breker tận dụng vị thế được sủng ái của mình trong thời phát xít để cứu người. Nhưng trong danh sách nạn nhân bị chính quyền phát xít truy đuổi và đã được Breker cứu sống có những tên tuổi cực kì nổi tiếng, đơn cử như Picasso. Ðại sứ đầu tiên của Ðức tại Pháp sau chiến tranh thế giới thứ hai, người sáng lập nhà xuất bản Suhrkamp danh tiếng của Ðức, từng khẳng định trước tòa án công cứu tử của Breker với ông và gia đình ông trong thời quốc xã. Nếu không có hành động cứu người kể trên có lẽ cổ ông dám lủng lẳng trên một cái dây thừng khi chiến tranh kết thúc lắm. Thực tế thì ông chỉ phải lĩnh án phạt 100 Mark, hoàn toàn mang tính tượng trưng.
Duy điều này là thật: Breker, nhà điêu khắc được coi là lớn nhất thế kỉ đã qua như nhận định của Dali, đã bị xếp hạng là kẻ tòng phạm của phát xít. Có biết bao nhiêu điều có thể kể về cuộc đời lạ lùng của ông. Từ cuộc đời sóng gió, tràn ngập ánh sáng và bóng tối lịch sử đó có thể có bao nhiêu cách lí giải, phê phán hoặc biện minh. Song trong thực tế, Breker, cuộc đời và sự nghiệp, đã là một vấn đề nhạy cảm, đến mức trở thành điều húy kị. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, có tới 90 % tác phẩm của Breker bị phá hủy. Phần còn lại nằm im lìm trong sưu tập của gia đình, không cách nào tới được với công chúng, bởi vì các bảo tàng từ chối trưng bày. Người ta không lớn tiếng về các tượng Hitler do ông thực hiện đã đành, người ta quay mặt trước toàn bộ tác phẩm của Breker trong khi vẫn có cái nhìn khoan thứ, kính trọng với nhiều nghệ sĩ khác đã sống và sáng tạo thời phát xít. Với các chuyên gia và nhà nghiên cứu nghệ thuật, trước vấn đề Breker, im lặng thì đơn giản và dễ dàng hơn.
Có thể đem triển lãm những tác phẩm chưa bị hủy diệt (còn lại chỉ chừng 10%) của Breker không? Đây là câu hỏi được đặt đi đặt lại thời gian qua. Trong nhiều năm qua, mấy lần triển lãm tác phẩm của Breker bị phế bỏ vì trùng với những ngày có các sự kiện lịch sử này khác. Bên nói có bên nói không, bên ủng hộ cũng như bên chống đối việc trưng bày lại tác phẩm của Breker đều có tiếng nói của những nghệ sĩ đáng kính về danh tiếng và đạo đức.
Breker đã khuất từ lâu, nhưng cuộc đời nghệ thuật từ đỉnh cao xuống vực sâu nhờ/vì chiến tranh phát xít của ông như vậy vẫn mãi mãi bị phủ bóng thời kì u ám nhất trong lịch sử hiện đại Ðức, cái thời khiến bao người Ðức có lương tri phải cúi mặt mà đi vì mặc cảm dân tộc.
Cuộc đời vừa chói lòa vừa ảm đạm của Breker cung cấp cho người hôm nay một cái nhìn không chỉ về lịch sử đã qua, mà còn là về người nghệ sĩ, dù chọn lựa thế đứng nào giữa thời buổi đó, vẫn không thể vì ý thức vị nghệ thuật mà quên đi số phận con người. Nghệ thuật không thể nhân danh chính nó mà khoan thứ cho cường bạo áp chế lên con người, càng không thể biến mình thành tiếng hát ca cường bạo. Tài càng cao, trách nhiệm trước cuộc đời này càng nặng nề.
Là một thiên tài, lẽ nào Breker lại thiếu khả năng rùng mình trước lịch sử. Lịch sử dân tộc ông đã đóng khung cuộc đời ông. Không trong quy mô thông thường dành cho con người bình thường, mà trong quy mô khôn lường dành cho nghệ sĩ. Breker không thể trông mong vào sự thể tất, lòng bao dung của triệu triệu hồn ma, khi ông đã cống hiến tài năng tuyệt đỉnh của mình cho Hitler và cho lí tưởng chống nhân loại của bọn quốc xã.

Tác giả