Nghiên cứu sinh sản vô tính hậu Hwangate

Những tưởng vụ gian lận Hwang Woo-suk sẽ là hồi chuông báo tử đối với các nghiên cứu sinh sản vô sản nhưng tại Anh, Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới, cuộc chạy đua vẫn tiếp tục. Và dường như nó đang bước vào chặng nước rút.

Lật tẩy gian lận
Sau nhiều tuần làm việc, các thành viên Ban điều tra của Trường đại học Seoul đã khẳng định rằng nhà khoa học người Hàn Quốc Hwang Woo-suk đã gian lận các kết quả nghiên cứu của mình về sinh sản các tế bào gốc từ phôi người bằng phương pháp vô tính. Ít nhất 9 trong số 11 dòng tế bào mà ông đã tạo ra trong năm 2005 là đồ… chôm chỉa.
Các nghiên cứu của ông, công bố vào tháng 5.2005 đã được chào đón như một tiến bộ quan trọng bởi vì chúng dường như cho phép các khoa học sản xuất “theo đơn đặt hàng” các tế bào gốc tương thích với các gen của bất kỳ người nào đó. Điều này dẫn tới niềm hy vọng tìm ra các phương pháp điều trị mới đối với các bệnh hiện nay vẫn vô phương cứu chữa. Tuy đã từ chức vì xấu hổ nhưng Hwang vẫn khẳng định rằng ông đã thực sự tìm ra một kỹ thuật cho phép thu được các tế bào gốc từ phôi người, điều mà hiện nay rất nhiều người nghi ngờ. Các nhân viên điều tra vẫn tiếp tục xem xét các công trình nghiên cứu của ông, kể cả các bài báo đăng tải trước đó. Vụ xì-căng-đan này đã làm đảo lộn khung cảnh thế giới về nghiên cứu sinh sản vô tính. Tuy nhiên, rất nhiều nhà sinh học vẫn tin rằng tạo ra các tế bào người bằng phương pháp sinh sản vô tính chỉ là một vấn đề kỹ thuật một ngày nào đó sẽ được giải quyết, chứ không phải là một điều không thể về sinh học.

Trên thực tế, Hwang đã thông báo lần đầu tiên vào năm 2004 rằng nhóm nghiên cứu của ông đã thu  được các tế bào gốc phôi người bằng phương pháp vô tính. Tháng 5.2005, ông khẳng định trong một bài báo rằng đã cải thiện được rất nhiều kỹ thuật của mình. Hai bài báo, đều được công bố trên một tờ báo uy tín Science, đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng khoa học.
Tháng 11.2005, Hwang đã thừa nhận rằng ông đã sử dụng cho các nghiên cứu của mình các noãn bào của các nữ đồng nghiệp. Điều này đã bị giới khoa học phản đối kịch liệt vì quan điểm đạo đức nghề nghiệp. Cùng tháng này, hai trong số các cộng sự cũ của ông đã tỏ ra nghi ngờ về tính chính xác của các nghiên cứu của ông, tiết lộ cho mọi người biết rằng ông đã nói quá lên cái mà ông đã đạt được. Giữa tháng 12, Hwang thông báo rút lại bài báo của mình, nhưng vẫn khẳng định rằng nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra các tế bào gốc từ các phôi người bằng phương pháp vô tính, nhưng nhóm đã mắc một số sai sót ngoài mong muốn. Trước sự nghiêm trọng của vấn đề, trường Đại học Seoul đã đóng cửa phòng thí nghiệm của Hwang và mở một cuộc điều tra. Theo các kết luận nghiên cứu đầu tiên công bố ngày 23.12.2005, nhóm nghiên cứu của Hwang đã khiến người ta nhầm tưởng rằng nhóm đã thành công trong việc sinh sản vô tính các tế bào người. Các chuyên gia điều tra tuyên bố: “Các dữ liệu được đăng trên tờ Science năm 2005 là những thông tin sai và chỉ có thể được coi là một sự lắp ráp cố ý nhằm làm cho người ta tin vào sự tồn tại của 11 dòng tế bào gốc bằng cách dựa trên các kết quả của chỉ hai dòng”. Người ta còn biết rằng một số bức ảnh được sử dụng trong nghiên cứu này để chứng minh các tế bào gốc thu được từ các phôi người vô tính, cũng xuất hiện trong các nghiên cứu khác không có bất kỳ mối quan hệ nào với nghiên cứu của Hwang, trong đó chúng được chú thích là những bức ảnh chụp các tế bào được tạo ra không phải bằng kỹ thuật sinh sản vô tính! Các biên tập viên của tờ Science cho biết họ sẽ mở một cuộc điều tra về các bức ảnh này và về các yếu tố khác của bài báo. Hiện nghiên cứu sinh sản vô tính một con chó do nhóm của Hwang công bố năm 2005 cũng trở thành chủ đề của một cuộc điều tra của Trường đại học Seoul và tờ Nature, nơi các kết quả nghiên cứu được đăng tải.

10% số nhà khoa học của NIH dính gian lận
Trò gian lận của Hwang bị lật tẩy đang gây ra những tổn thất vô cùng to lớn cho nghiên cứu sinh sản vô tính nhằm mục đích chữa bệnh nói riêng và cho khoa học nói chung. Khoa học dựa trên một mối quan hệ niềm tin. Các chính phủ cung cấp tài chính cho các nhà nghiên cứu để họ sử dụng vốn một cách trung thực và mang lại các kết quả một cách đáng tự hào. Những người thẩm tra chịu trách nhiệm xác định tính chính xác của các bài báo xuất phát từ nguyên tắc rằng cái mà họ phán xét phải là phản ảnh trung thực của cái thực sự đã xảy ra. Khi không có niềm tin, thì toàn bộ khoa học có nguy cơ sụp đổ. Một số người sẽ nói rằng đó là một phản ứng thái quá và rằng người ta không thể đưa ra những dự liệu ảm đạm đến thế từ một trường hợp cá biệt.

Vậy mà đây lại không phải là một trường hợp cá biệt. Cách đây mới chỉ ba năm, Hendrik Schon đã bị khai trừ khỏi cộng đồng khoa học vì đã đưa ra các bằng chứng giả trong 17 bài báo vật lý. Năm nay, Viện Công nghệ Massachussets cũng vừa khai trừ nhà sinh vật học Luk Van Parijs sau khi ông này thừa nhận đã làm giả bằng chứng. Các nghi ngờ vẫn tồn tại liên quan đến ít nhất 3 trong số 40 bài báo mà ông đã công bố trong tám năm trở lại đây.
Chưa hết, đầu năm 2005, Brian Martinson và một vài đồng nghiệp của ông đã công bố trên tờ Nature một nghiên cứu nhằm vào 3.000 nhà nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institute of Health-NIH) cấp vốn. Họ đã phát hiện ra rằng ít nhất 10% trong số họ thừa nhận đã che giấu một số chi tiết trong phương pháp luận hoặc kết quả, đã chủ ý ghi tên mình vào các phát hiện do các nhà nghiên cứu khác thực hiện hoặc coi nhẹ một số quan sát hay dữ liệu bằng cách viện cớ rằng họ “chắc chắn” chúng là sai lầm.
Vậy phải làm gì bây giờ? Cần phải dành một ưu tiên lớn hơn cho đạo đức nghiên cứu, cả trong lĩnh vực đào tạo các nhà khoa học trẻ lẫn trong các phòng thí nghiệm. Brian Martinson cũng đã nhận thấy rằng, trong số các nhà khoa học trả lời cuộc điều tra của ông, 1 trên 8 người thừa nhận đã coi nhẹ tầm quan trọng của việc loại bỏ các sai lầm hay các cách hiểu đáng nghi ngờ các dữ liệu trong các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác. Đã đến lúc cần tăng cường sự kiểm tra tính chính xác của các bài báo khoa học. Đành rằng việc xác định của Hwang trên giấy không phải là việc dễ, nhưng các tổng biên tập của các tạp chí khoa học phải đòi hỏi các bằng chứng bổ sung, đặc biệt là trong trường hợp các bài báo công bố các tiến bộ cách mạng. Thật sai lầm khi tờ Nature chấp nhận bài báo của Hwang về Snuppy, con chó đầu tiên được sinh bằng phương pháp vô tính, mà không xem xét các dữ liệu ADN gốc.

Đi tìm phương án B
Trước những ý kiến phản đối sinh sản vô tính nhằm mục đích chữa bệnh, các nhà nghiên cứu đã phát triển hai phương pháp cho phép tạo ra các tế bào gốc mà không phải loại bỏ phôi, và như vậy tránh được những vấn đề về đạo đức.
Phương pháp đầu tiên là chuyển nhân đã qua biến đổi (altered nuclear transfert, hay ANT), thực chất là đưa vào trong một noãn một nhân đã bị biến đổi để tạo ra các tế bào không có khả năng tạo thành một phôi bình thường, nhưng có thể tạo ra các tế bào gốc phôi. Trong phương pháp thứ hai, các nhà nghiên cứu thu được một dòng các tế bào gốc phôi từ một tế bào lấy từ một phôi ở những cấp độ phát triển đầu tiên, đồng thời để cho các tế bào khác phát triển trong cơ thể của một con chuột nhắt sống.
Cho tới nay, cuộc tranh luận về các phương pháp này vẫn còn trên lý thuyết. Rudolf Jaenisch và Alexander Meissner của Viện Công nghệ Massachussets (MIT) đã muốn kiểm tra xem liệu có thể hoán chuyển phương pháp ANT vào trong thực tiễn hay không. Họ đã vô hiệu hóa chức năng của một gen có tên là cdx2 trong một tế bào biểu bì của một người cho và hợp nhất tế bào này với một noãn. Kỹ thuật này đã tạo ra các tế bào có khả năng tạo thành một dạng phôi sớm, gọi là blastocyte, và như vậy cho ra đời các tế bào gốc phôi, nhưng không có bất kỳ cơ hội nào để phát triển thành một cơ thể hoàn chỉnh. William Hurbut, bác sỹ của trường đại học Stanford, thành viên của Hội đồng đạo đức sinh học (Council of Bioethics) do tổng thống đương nhiệm G. Bush thành lập để nghiên cứu các vấn đề đạo đức sinh học, nhấn mạnh rằng không có cdx2, các tế bào không có được khả năng tổ chức cơ bản đáng để được gọi là “cơ thể sống”. Ông khẳng định: “Thật hợp lý khi khẳng định rằng các tế bào được sinh ra như vậy không phải là một cơ thể người”.
Một giải pháp khác là công trình của Robert Lanza và các đồng nghiệp của ông tại Advenced Cell Technology (ACT), một công ty công nghệ sinh học của Mỹ. Họ đã chứng tỏ rằng có thể lấy chỉ một tế bào trên một phôi sớm của chuột nhắt và tạo ra một dòng các tế bào gốc từ tế bào này. Công nghệ được các nhà khoa học sử dụng tương tự với kỹ thuật được sử dụng trong các chẩn đoán gien trước cấy ghép được thực hiện cho các ca sinh sản có hỗ trợ y học. Các nhà khoa học lấy một hoặc hai tế bào từ các phôi ở cấp độ sớm để phát hiện sự hiện diện của một số gien. Một phôi chỉ được cấy ghép nếu người ta chắc chắn rằng nó không chứa bất kỳ khiếm khuyết gien nào.
Nhóm ACT đã chứng tỏ rằng một tế bào duy nhất được lấy từ một phôi chuột nhắt gồm tám tế bào có thể sinh ra các dòng tế bào gốc phôi. Sau 125 lần thử nghiệm, nhóm của ông đã thu được 5 dòng tế bào gốc phôi. Ông đã chứng tỏ rằng các phôi được hình thành từ bảy tế bào đã có cơ hội sống sót sau khi được cấy vào tử cung của người mẹ mang thai ngang bằng với các phôi không được biến đổi gien (và như vậy là tám tế bào). Ông nghĩ rằng các trung tâm sinh sản có sự hỗ trợ của y học có thể sử dụng các kỹ thuật tương tự để thu được các dòng tế bào gốc phôi người trong khuôn khổ của các quy định luật pháp và các giới hạn đạo đức hiện hành.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng đặt ra rất nhiều vấn đề. Hiện người ta vẫn chưa biết, cả ở chuột nhắt lẫn ở người, tế bào được lấy từ phôi sớm có khả năng phát triển thành một cơ thể hoàn thiện hay không. Nếu điều đó xảy ra, thì kỹ thuật này cũng có khả năng loại bỏ một sự sống tiềm năng. Những người ủng hộ và những người phản đối hai phương pháp này đều thống nhất rằng giải pháp lý tưởng sẽ là tìm ra một cách tái lập trình một tế bào của biểu bì để biến đổi nó thành tế bào gốc phôi. George Daley, chuyên gia về tế bào gốc ở Bệnh viện Nhi Boston, tiên đoán rằng nhờ khả năng hiểu ngày càng sâu sắc các gien kiểm soát các tế bào gốc phôi, một phương pháp như vậy cuối cùng sẽ trở nên có thể sử dụng được. Ông kết luận: “Khi đó chúng tôi sẽ có một giải pháp kỹ thuật hợp lý”. Một phương pháp mà tất cả mọi người đều đồng ý.

Tinh trùng nữ và … trứng nam

Ý tưởng này xứng đáng cho dựng thành một bộ phim khoa học viễn tưởng: cho phép những người đồng tính luyến ái, những phụ nữ mãn kinh và những người đàn ông độc thân, như các thầy tu hay các giáo sỹ, có thể có con. Công nghệ cách mạng này đã được nghiên cứu từ hai năm nay. Giáo sư Harry Moore, của trường đại học Sheffield, đánh giá: “Sẽ cần phải chờ nhiều năm trước khi người ta có thể sử dụng nó cho con người, nhưng tôi thực sự kinh ngạc về những thành tựu đã đạt được”. Nhóm nghiên cứu của ông đã chứng tỏ rằng có thể sinh ra các tinh trùng bằng cách xử lý hóa học các tế bào gốc. Ông còn cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đang tiến hành sản xuất trứng”. Với kỹ thuật sinh sản vô tính, các nhà khoa học có thể tạo ra các tế bào gốc về mặt di truyền là đồng nhất với các tế bào gốc của những người vô sinh và, kể từ các tế bào này, sinh ra các tinh trùng để thụ tinh cho các trứng này. Tương tự, họ sẽ có thể sản sinh ra các trứng cho những người phụ nữ bị mãn kinh sớm.

                                              

Những cột mốc chính của sinh sản vô tính

1785: Bác sỹ ngoại khoa người Ailen John Hunter thực hiện ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên ở người.
1890: Robert Dickinson tiến hành bí mật các thử nghiệm với tinh dịch của những người tình nguyện cho. Nhà thờ đã kết tội các nghiên cứu này.
1944: John Rock và Miriam Menkin thực hiện ca thụ thai trong ống nghiệm một trứng người đầu tiên trên thế giới.
1973: Landrum Shettles tiến hành các thử nghiệm thụ tinh trong ống nghiệm tại Columbia Presbyterian Hospital, bang New York. Cấp trên của ông đã đóng cửa phòng khám và các bệnh nhân đã kiện bệnh viện.
1978: Các nghiên cứu của Robert Edward và của Patrick Steptoe đã thành công: em bé ống nghiệm đầu tiên chào đời, Louise Brown.
1990: Alan Handyside và nhóm nghiên cứu của ông thực hiện thành công ở phôi một chẩn đoán trước khi cấy ghép, cho phép tìm thấy một căn bệnh gắn với nhiễm sắc thể X.
1992: Lần thụ thai đầu tiên bằng phương pháp đưa tinh trùng trực tiếp vào trứng.
1997: Ra đời cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên được tạo ra từ phương pháp sinh sản vô tính. Con người bắt đầu đóng vai của Chúa.
1998: Các nhà nghiên cứu của trường đại học Wisconsin lần đầu tiên tạo ra được các tế bào gốc phôi, mở ra con đường cho sự sản xuất “theo nhu cầu” các mô cho cấy ghép.
Tháng 1.2002: Một nhóm nghiên cứu ở bang Texas thực hiện sinh sản vô tính lần đầu tiên một con mèo sau khi đã từ chối thực hiện làm một con chó vô tính.
Tháng 12.2005: Tại Mỹ và Italy, các nhà nghiên cứu thông báo rằng các thí nghiệm về sinh sản vô tính người đang được tiến hành. Tuy nhiên, đây chẳng qua chỉ là một trò đùa.
Tháng 10.2003: Tại Trung Quốc, các bác sỹ thông báo sự thụ thai đầu tiên bằng kỹ thuật “chuyển nhân”. Nhân của trứng của một nữ bệnh nhân vô sinh được cấy vào trong trứng đã được loại bỏ nhân của một phụ nữ khác. Phương pháp này rất giống với sinh sản vô tính đã vấp phải sự phản đối kịch liệt.
Tháng 12.2003: Các nhà nghiên cứu của bệnh viện nhi Boston tạo ra các tinh trùng từ các tế bào gốc và sử dụng chúng để tạo ra một phôi.
Tháng 2.2004: Các nhà khoa học Hàn Quốc tạo ra các tế bào gốc phôi từ một phôi người thu được bằng phương pháp sinh sản vô tính.
Tháng 3.2004: Một nhà nghiên cứu của trường đại học Harvard nuôi 17 dòng tế bào gốc lấy từ các phôi dư thừa được tạo ra từ các thụ thai trong ống nghiệm đã hoàn tất.
Tháng 4.2004: Một nhóm nghiên cứu người Nhật Bản thông báo sự ra đời của một con chuột nhắt không cần bố mà chỉ cần các trứng từ chuột mẹ. Đây là kỹ thuật tự  sản, một cơ chế sinh sản mà người ta từng cho rằng không thể thực hiện ở động vật có vú.
Tháng 6.2004: Các nhà nghiên cứu của một bệnh viện đa khoa Chicago tách 12 dòng tế bào gốc của các phôi người có chứa các bất thường về gien. Phát hiện này đã thúc đẩy nghiên cứu về các phương pháp chữa trị các loại bệnh di truyền.
Tháng 9.2004: Một phụ nữ người Bỉ cho ra đời một em bé sau khi được tiến hành tự ghép mô trứng được trữ lạnh từ trước. Đây là thực nghiệm đầu tiên thuộc loại này.
Tháng 1.2005: Một phụ nữ Rumani 66 tuổi sinh con. Bà là người phụ nữ già nhất sinh con.
Tháng 5.2005: Nhóm nghiên cứu người Hàn Quốc của tiến sỹ Hwang Woo-suk khẳng định đã sử dụng các phôi người bắt nguồn từ sinh sản vô tính để tạo ra các tế bào gốc theo nhu cầu của các bệnh nhân bị các loại bệnh khác nhau.
Tháng 8.2005: Các nhà nghiên cứu người Hàn Quốc khẳng định đã tạo ra được chó sinh sản vô tính đầu tiên.
Tháng 11.2005: Một ban điều tra của Hàn Quốc đã chứng minh rằng tiến sỹ Hwang Woo-suk gian lận các kết quả của mình và vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. 

Ngô Vũ

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)