Ngợi ca con chữ
Chữ viết có thể làm nền tảng cho muôn vàn sáng tạo văn minh để lại cho con người, cho văn minh nhân loại. Tôi yêu mến và trân trọng chữ viết. Tôi muốn được ngợi ca chữ viết bằng những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Chữ viết chỉ là một công cụ của con người, nó vô hồn, chữ viết được con người sáng tạo ra và sử dụng nó. Chữ viết sẽ chỉ có ý nghĩa, có linh hồn khi được sử dụng bởi người dùng nó vào mục đích, ý nghĩa cụ thể, bởi tài năng, sáng tạo, bởi tâm hồn của người sử dụng nó mà tạo nên muôn ngàn sự khác nhau, những con chữ có thể viết nên sự xấu xa, âm mưu, độc ác, lòng thiện, tình yêu, chân lý, khám phá, sự sáng tạo. Những con chữ có thể khiến con người hiểu biết hơn, văn minh hơn v.v…
Và đúng là yêu mến nét chữ cũng chính là yêu mến những con người cụ thể đã dùng công cụ “Những con chữ” để đưa tâm hồn của mình vào, thổi cho “Những con chữ” vô hồn thành những câu viết có sức mạnh và tạo thành mọi vẻ nét văn hóa của từng người và họ đã đóng góp tâm hồn, tài năng, tình cảm, sáng tạo, mục đích ý nghĩa của mình, đóng góp cái riêng của họ vào cái chung của văn hóa dân tộc, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác tiếp nối.
Từ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh đến những thế hệ về sau.
Ở triển lãm “Dòng Chảy 5: Những con chữ” * lần này tôi đã chọn chữ viết tay của 55 nhà văn, nhà thơ, những người tôi đã được biết họ, được đọc tác phẩm của họ và yêu mến, trân trọng những sáng tác của họ như: Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Nguyễn Bính, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Lưu Quang Vũ, Vi Thùy Linh, Tô Hoài, Phạm Tiến Duật, Đào Trọng Khánh, Thụy Kha, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Nguyên Bảy, Ý Nhi, Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Thị Ngọc Tư, Phùng Quán, Chữ cổ trên lá buông v.v…
Khi đi tìm và xin chữ, và khi cho chữ vào tranh, tôi cảm nhận được tình cảm mỗi người qua nét chữ của họ. Có những lúc hình ảnh của họ hiện lên rõ mồn một trong lòng tôi. Hình ảnh của cha tôi, nhà văn Kim Lân, của bác Nguyên Hồng, người đã cùng với bố tôi đưa mẹ tôi đi sinh ra tôi.
Bác Nguyễn Công Hoan đã đưa tôi đi thi vào lớp học đầu tiên trong đời.
Bác Nguyễn Huy Tưởng, một con người hiền hậu mà khi bác mất đi, tôi đã khóc không biết bao nhiêu nước mắt.
Dân tộc
|
Bác Nguyễn Tuân, người mà lúc nào hoa bố tôi trồng nở đẹp, bố lại bảo tôi “con mang nhánh hoa này đến cho bác Tuân”…
Mỗi người một tính cách, một cá tính, mạnh mẽ, lý trí dịu dàng, quyết liệt, sôi nổi, lãng mạn. Nhưng tất cả đều hiện lên một nét chung, đó là lòng nhân ái, yêu thương con người.
—