Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu tư duy?
Bất cứ ai từng học một ngôn ngữ thứ hai cũng đều có một phát hiện đầy phấn khích (nhưng phần nào cũng bất ổn): Khi chuyển đổi giữa các ngôn ngữ, chúng ta có thể cảm thấy như thể mình đang bước từ thế giới này sang thế giới khác. Dường như, mỗi ngôn ngữ lại buộc chúng ta phải nói theo một cách nhất định và nhìn mọi thứ theo một góc độ riêng biệt. Nhưng đây phải chăng là một ảo giác? Liệu mỗi ngôn ngữ có thực sự thể hiện chính xác một cách nhìn nhận khác về thế giới, hay thậm chí là định hình những mô thức tư duy đặc thù cho những người nói ngôn ngữ đó không?
Trong bối cảnh học thuật hiện đại, những câu hỏi như vậy sẽ được xem xét dưới góc độ của ‘thuyết tương đối ngôn ngữ’ hoặc ‘giả thuyết Sapir-Whorf’. Các nghiên cứu ngày nay tập trung tìm cách diễn đạt lại những câu hỏi này bằng những thuật ngữ chặt chẽ và có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Nhưng không phải bây giờ người ta mới quan tâm đến chủ đề này, những suy nghĩ về mối liên kết giữa ngôn ngữ, tư duy và thế giới quan đã có một lịch sử dài, trải qua nhiều kỷ nguyên tri thức khác nhau.
Nghĩ về thuyết tương đối ngôn ngữ là một công việc mạo hiểm – bởi nó có thể đảo lộn hiểu biết của chúng ta về bản chất ngôn ngữ của con người. Thuyết tương đối ngôn ngữ cho phép ngôn ngữ là một động lực trong việc định hình suy nghĩ của chúng ta. Hơn thế nữa, nếu ta chấp nhận có sự khác nhau căn bản giữa các ngôn ngữ và những thế giới quan mà chúng tạo ra, chúng ta sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về sự hình thành nhân tính chung của loài người. Phải chăng có những khoảng cách lớn không thể vượt qua trong cách suy nghĩ và nhận thức giữa những người nói những ngôn ngữ khác nhau?
Cội rễ của thuyết tương đối ngôn ngữ có thể truy nguyên xa tới thời kỳ Triết học Khai sáng, từ cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 18. Những cuộc thảo luận trong thời kỳ Khai sáng thường được mô tả bằng thuật ngữ ‘tinh hoa’ của một ngôn ngữ – le génie de la langue. Thuật ngữ này dùng để chỉ đặc trưng của một ngôn ngữ và sự độc đáo này được xem như là một phần của tâm lý dân tộc của những người nói ngôn ngữ đó.
Theo Herder, ngôn ngữ của con người xuất phát từ khả năng “chiêm nghiệm” (besonnenheit) tuyệt vời của con người, khả năng nhận thức và suy tư về chính suy nghĩ của mình. Truyền từ đời này qua đời khác, các ngôn ngữ và thế giới quan mà chúng phản ánh ngày càng một khác biệt.
Một định nghĩa rõ ràng hơn về điều này đến vào năm 1772 với cuốn Treatise on the Origin of Language (Luận về Nguồn gốc Ngôn ngữ) của nhà thơ, nhà triết học Đức Johann Gottfried von Herder (1744-1803). Theo Herder, ngôn ngữ của con người xuất phát từ khả năng “chiêm nghiệm” (besonnenheit) tuyệt vời của con người, khả năng nhận thức và suy tư về chính suy nghĩ của mình. Khi phát minh ra từ ngữ nào đó, ta chiêm nghiệm về những thuộc tính của những thứ mà ta đặt tên, và chọn những thuộc tính nổi bật nhất. Các dân tộc khác nhau sẽ tập trung vào các thuộc tính khác nhau, do đó, mỗi ngôn ngữ với hình thức đặc trưng riêng sẽ ghi lại một góc nhìn khác nhau một chút về thế giới. Truyền từ đời này qua đời khác, các ngôn ngữ và thế giới quan mà chúng phản ánh ngày càng một khác biệt. Để hiểu được góc nhìn độc đáo của mỗi ngôn ngữ, chúng ta phải truy nguyên hình thái của từ về tận nguồn gốc từ nguyên của chúng.
Dòng tư tưởng của Herder được Wilhelm von Humboldt (1767-1835) tiếp nối và đưa vào một cách khéo léo trong một lý thuyết rộng hơn về ngôn ngữ và văn học. Humboldt ủng hộ quan điểm cho rằng ngôn ngữ không chỉ phản ánh một thế giới quan cụ thể mà còn tích cực tham gia vào việc định hình nó: “Ngôn ngữ,” ông viết, “là cơ quan tạo lập của tư duy”. Tuy nhiên, mối quan hệ mà ông hình dung không chỉ là một chiều mà là biện chứng. Giữa ngôn ngữ và tư duy vốn có một vòng lặp vô tận: tư duy định hình nên từ ngữ, và từ ngữ định hình nên tư duy. Lý thuyết của ông không chỉ giới hạn ở từng từ riêng lẻ mà quan trọng hơn là các cấu trúc ngữ pháp thể hiện trong các ngôn ngữ trên thế giới. Nhưng theo Humboldt, ngay cả việc nghiên cứu ngữ pháp mới chỉ là bước khởi đầu cho một nghiên cứu thực sự. Ngữ pháp và từ vựng chỉ đại diện cho “bộ xương chết” của một ngôn ngữ. Để nắm bắt được tính cách của nó, để thấy được “cấu trúc sống” của nó, chúng ta phải đi sâu vào bối cảnh văn hóa của ngôn ngữ đó – cách dùng ngôn ngữ đó của những người viết và nói xuất chúng nhất.
Tuy nhiên, sau Humboldt, những người kế tục ông vào thế kỷ 19 lại tập trung vào việc phát triển các phân loại ngôn ngữ xoay quanh các đặc điểm ngữ pháp của chúng. Mục tiêu thường được mô tả là xác định “hình thái bên trong” của mỗi ngôn ngữ. “Hình thái bên trong” là một thuật ngữ được Humboldt sử dụng để chỉ cấu trúc và tổ chức cơ bản của một ngôn ngữ, trái ngược với “hình thức bên ngoài”, tức các đặc điểm có thể cảm nhận được từ bên ngoài của từ ngữ, ngữ pháp và hệ thống âm thanh.
Phiên bản nổi bật nhất của khái niệm “hình thái bên trong” đến từ Heymann Steinthal (1823-1999). Hình thái bên trong là trọng tâm của hệ thống phân loại ngôn ngữ của Steinthal. Còn phân loại ngôn ngữ của ông lại là trọng tâm của khái niệm Völkerpsychologie của ông, tức là “tâm lý học của các dân tộc”. Mục tiêu quan trọng nhất của Völkerpsychologie là mô tả tinh thần chung của mỗi dân tộc. Steinthal tin rằng “hình thức bên trong” của một ngôn ngữ là cửa sổ hoàn hảo để nhìn vào tư duy, tâm hồn của quốc gia đó.
Trong suốt thế kỷ 19 ở châu Âu, việc nói về tư duy, tâm hồn quốc gia và đặc điểm của ngôn ngữ dần trở nên lỗi thời trong nghiên cứu ngôn ngữ học. Trong thời kỳ này, ngữ pháp so sánh-lịch sử mới là thứ thời thượng. Đây là cách tiếp cận so sánh hình thái từ và ngữ pháp giữa các ngôn ngữ nhằm sơ đồ hóa sự biến đổi của các ngôn ngữ đó trong lịch sử và xác định mối quan hệ giữa chúng. Chẳng hạn cách tiếp cận này cho chúng ta biết tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha đều có nguồn gốc từ tiếng Latinh; rằng có thể truy nguyên tiếng Hindi-Urdu, tiếng Bengal và tiếng Punjab từ tiếng Phạn; và tất cả các ngôn ngữ này, cùng với nhiều ngôn ngữ khác được nói theo truyền thống từ Tây Âu đến Bắc Ấn Độ, đều là một phần của hệ ngôn ngữ Ấn-Âu mở rộng. Người ta giả định rằng tổ tiên của hệ ngôn ngữ này, ngôn ngữ Ấn – Âu nguyên thủy, đã bị thất truyền nhưng các thành tố về từ vựng, ngữ pháp, âm thanh của nó vẫn lẩn khuất trong các ngôn ngữ sau này. Quan trọng là, đó đều là những thứ thuộc về “hình thức bên ngoài” của ngôn ngữ. Những nhà ngôn ngữ học nghiên cứu về hình thức bên ngoài này thì dường như lại quay lưng lại với hình thái bên trong của Humboldt. Nói một cách lạc quan thì họ cho rằng, việc nắm bắt đặc trưng của ngôn ngữ và mối liên hệ của chúng với tư duy và văn hóa là nhiệm vụ của tương lai xa vời. Còn nói một cách bi quan thì họ cho rằng đó chỉ là những suy đoán vô bổ.
Nhưng bên kia bờ Đại Tây Dương, các câu hỏi về tâm trí và ngôn ngữ lại được chấp nhận rộng rãi trong ngành nhân học chịu ảnh hưởng từ Humboldt. Franz Boas (1858-1942), “cha đẻ” của nhân học Mỹ, đã bắt tay vào biên soạn một bộ tài liệu toàn diện về các ngôn ngữ bản địa ở Bắc Mỹ trong bộ sách nhiều tập Handbook of American Indian Languages (Sổ tay về ngôn ngữ của người bản địa Mỹ) của mình, với tập đầu tiên xuất hiện vào năm 1911. Các mô tả ngữ pháp trong bộ sách của Boas được dựa “hoàn toàn vào hình thức bên trong của mỗi ngôn ngữ”. “Nói cách khác,” Boas giải thích, “ngữ pháp như là sản phẩm mà một người thổ dân Indian thông minh định hình tư duy của mình bằng cách phân tích hình thức ngôn ngữ của họ”.
Không có “sự khác biệt đáng kể về chủng tộc” trong suy nghĩ giữa các loài người, và không có mối liên hệ trực tiếp giữa văn hóa và ngôn ngữ. Do đó, không thể suy ra các giai đoạn tiến hóa giả định từ cấu trúc ngôn ngữ. (Edward Sapir)
Nhưng Boas lại bị giằng xé bởi sự mâu thuẫn phát sinh từ học thuyết về mối liên hệ giữa tâm trí và ngôn ngữ. Diễn ngôn thế kỷ 19 về sự khác biệt giữa các dân tộc thường toàn dựa vào giả định về thứ bậc của loài người. Người ta tin rằng các dân tộc hiện diện trên thế giới đang ở các giai đoạn tiến hóa khác nhau về xã hội và văn hóa – và nguyên do nằm ở sự khác biệt về nhận thức. Ở đỉnh cao của hệ thống phân cấp là con người châu Âu thế kỷ 19, đã bành trướng quyền lực trí tuệ của mình trên khắp địa cầu, trong khi ở đáy hệ thống là các dân tộc bản địa trên thế giới, thường bị cho là mắc kẹt trong thời mông muội vĩnh cửu của nhân loại hoặc đã suy thoái từ một trạng thái ‘văn minh’ trước đó.
Các quan điểm thì không đồng nhất: có nhiều mô hình khác nhau về sự tiến hóa xã hội, văn hóa và nhận thức của con người trong thời kỳ này. Nhưng ngay cả những nhân vật như Humboldt, Steinthal và Gabelentz, những người tôn vinh sự đa dạng của loài người và ca ngợi sự độc đáo của mỗi ngôn ngữ, cũng thiên vị một số ngôn ngữ hơn những ngôn ngữ khác. Steinthal lập luận rằng các ngôn ngữ của người Mỹ bản địa thực ra không có “hình thức bên trong”. Các cấu trúc phức tạp không thể phủ nhận, đã được chứng thực, trong ngữ pháp của họ chỉ là sự kết hợp lộn xộn của các nguyên liệu mang tính khái niệm cụ thể mà không có cấu trúc hình thức cơ bản nào.
Những khác biệt giữa các ngôn ngữ, theo Chomsky, chỉ là những ảo ảnh, những biến thể bên ngoài, trên cùng một hệ thống cơ bản được tạo ra bởi một khả năng ngôn ngữ bẩm sinh mà tất cả con người đều có.
Boas phản bác lại những mô hình định kiến đó. Ông thực ra cũng đồng tình với họ về những khiếm khuyết trong các ngôn ngữ bản địa, nhưng ông từ chối coi đó là chỉ số của sự phát triển trí tuệ. Boas thừa nhận rằng nhiều ngôn ngữ châu Mỹ thiếu các thuật ngữ trừu tượng và các con số cực lớn, nhưng điều này không phải vì những người nói ngôn ngữ này không có khả năng nắm bắt các khái niệm như vậy. Chỉ đơn giản là họ chưa bao giờ cần phải nói chuyện bằng các thuật ngữ trừu tượng hay đếm đến những con số cao hơn, nên họ chưa có dịp tạo ra các hình thức như vậy trong ngôn ngữ của mình. Nếu nhu cầu này xuất hiện, ngôn ngữ của họ sẽ sớm thích nghi.
Quan điểm của Boas chủ yếu được truyền cảm hứng từ các bài học của người hướng dẫn trước đây của ông ở Berlin, nhà dân tộc học Adolf Bastian (1826-1905). Bastian ủng hộ nguyên tắc về ‘sự thống nhất tâm lý của loài người’, ý tưởng rằng tất cả con người, bất kể nguồn gốc hay điều kiện văn hóa hiện tại như thế nào, cũng đều có cùng năng lực và nhận thức về mặt tinh thần. Về cơ bản, trí tuệ của con người là như nhau ở mọi nơi.
***
“Giả thuyết Sapir-Whorf” trong thời hiện đại về nhiều mặt là sự tiếp nối của các cuộc tranh luận thế kỷ 19. Edward Sapir (1884-1939) và học trò của ông, Benjamin Lee Whorf (1897-1941), là những người kế thừa truyền thống Humboldt. Sapir đã đắm chìm trong nghiên cứu ngôn ngữ Đức: luận văn thạc sĩ của ông là về Treatise on the Origin of Language của Herder. Ông cũng là một trong những học trò tài năng và tận tâm nhất của Boas, và tiếp tục các quan điểm của thầy mình. “Ngôn ngữ và các lối suy nghĩ của chúng ta là không thể tách rời,” Sapir viết vào năm 1921, “về một nghĩa nào đó, chúng là một và giống nhau”. Nhưng, giống như Boas, ông nhấn mạnh rằng không có “sự khác biệt đáng kể về chủng tộc” trong suy nghĩ giữa các loài người, và không có mối liên hệ trực tiếp giữa văn hóa và ngôn ngữ. Do đó, không thể suy ra các giai đoạn tiến hóa giả định từ cấu trúc ngôn ngữ.
Mặc dù cả Sapir lẫn Whorf đều không bao giờ đưa ra bất kỳ giả thuyết cụ thể và có thể kiểm chứng nào về ảnh hưởng của ngôn ngữ đối với tư duy, họ chắc chắn đã hình dung những hiệu ứng như vậy. Vào năm 1929, Sapir đã viết, đại ý rằng, cách con người nghe, nói và trải nghiệm ra sao phụ thuộc vào thói quen ngôn ngữ của cộng đồng. Thói quen ngôn ngữ đó đã định hướng cách họ lựa chọn và diễn giải về thế giới.
***
Vào giữa thế kỷ 20, đã chẳng còn nhiều mối quan tâm đến sự đa dạng nói chung. Trong việc theo đuổi ‘ngữ pháp phổ quát’, Noam Chomsky (1928-) đã cố gắng tái lập một kiểu sự thống nhất tâm lý của loài người. Những khác biệt giữa các ngôn ngữ, theo Chomsky, chỉ là những ảo ảnh, những biến thể bên ngoài, trên cùng một hệ thống cơ bản được tạo ra bởi một khả năng ngôn ngữ bẩm sinh mà tất cả con người đều có. Theo bước chân của Chomsky, quan điểm này được chấp nhận trong hầu hết các địa hạt nghiên cứu học thuật duy trì sự phân biệt tỉ mỉ giữa ngôn ngữ và tư duy cho đến cuối thế kỷ 20.
Nhưng thuyết tương đối ngôn ngữ không chịu bị giũ bỏ. Các nhà ngôn ngữ học và tâm lý học không thể phớt lờ những câu hỏi này đã đưa thuyết tương đối trở lại với dòng chính của học thuật và mang lại những kết quả vững chắc. Ví dụ, trong các công trình nghiên cứu tiên tiến hiện nay, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số ngôn ngữ có thể cho phép người nói khai mở những giác quan mà tất cả mọi người đều có nhưng vẫn chưa gọi tên chúng. Trong tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác, vị trí không gian thường được mô tả theo các thuật ngữ đặt người nói làm trung tâm. Nếu một con ruồi đậu lên chân tôi, tôi có thể nói: ‘Một con ruồi đã đậu lên phía bên phải chân tôi.’ Phải là một thuật ngữ không gian hướng cá thể, định hướng các đối tượng trong thế giới theo một trục trái-phải tưởng tượng được chiếu từ cơ thể của tôi.
Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất chúng ta có thể hình dung không gian. Trong ngôn ngữ Gurindji ở phía Bắc nước Úc – như trong nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới – các vị trí thường được mô tả bằng các phương hướng chính Bắc, Nam, Đông và Tây. Giả sử tôi đang ngồi sao cho chân phải của tôi hướng về phía Tây, câu tương đương trong Gurindji sẽ là: ‘Karlarnimpalnginyi nyawama wurturrjima, walngin ngayinyja wurturrjila.’ Dịch theo nghĩa đen: ‘Đây là phần phía trên, hướng Tây, bên ngoài (chân của tôi). Con ruồi đã đậu ở đây trên chân tôi.’ Nếu tôi quay lại và đối mặt với hướng ngược lại, con ruồi vẫn – theo thuật ngữ hướng cá thể – nằm ở bên phải chân tôi, nhưng một người nói Gurindji sẽ chỉ ra rằng – theo phương hướng chính – con ruồi hiện đang ở phía Đông của chân tôi. Trong khi trục trái-phải riêng tư của tôi có thể tận tụy chạy theo di chuyển của tôi, Trái đất sẽ luôn đứng yên.
Các phương hướng chính không phải là điều xa lạ trong tiếng Anh, nhưng chúng thường chỉ được sử dụng khi nói về hệ thống địa lý. Ngược lại, trong ngôn ngữ Gurindji, ngay cả các phần của cơ thể người nói cũng được định vị trong một hệ tọa độ toàn cầu. Hầu hết các người nói tiếng Anh sẽ gặp khó khăn ngay cả khi xác định các phương hướng chính mà không có sự trợ giúp của la bàn. Người nói Gurindji làm điều đó như thế nào? Dường như họ dựa vào một số dấu hiệu từ môi trường, chủ yếu là quỹ đạo của Mặt trời trên bầu trời. Nhưng sinh lý thần kinh của con người cũng nhạy cảm với từ trường của Trái đất: não người phản ứng theo nhiều cách đo được đối với các từ trường xung quanh. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đều là la bàn. Người nói tiếng Anh phần lớn không nhận thức rõ về điều này, mặc dù hoạt động não của họ thay đổi khi các từ trường xung quanh bị thay đổi dưới các điều kiện thí nghiệm. Các thí nghiệm gần đây của nhà ngôn ngữ học người Úc Felicity Meakins và các cộng sự đã chỉ ra rằng một số người nói Gurindji có thể báo cáo đầy tin cậy về các sự thay đổi trong các từ trường xung quanh.
Thói quen sử dụng các phương hướng chính của người nói Gurindji dường như đã mở rộng khả năng cảm nhận của họ. Ít nhất một số người nói Gurindji có thể cảm nhận được từ trường của Trái đất một cách có ý thức. Nhưng liệu người nói tiếng Anh và người nói Gurindji có sống trong những ‘thế giới khác biệt’, như Sapir đã nói không? Việc có độ nhạy cảm cao hơn với một số đặc điểm của môi trường vẫn có vẻ như chưa đạt đến các thế giới quan toàn diện và không thể so sánh của Humboldt.
Đây có lẽ là nguồn gốc chính của nỗi hoài nghi dai dẳng về thuyết tương đối ngôn ngữ trong nhiều địa hạt học thuật. Chúng ta bắt đầu với một cảm giác, rằng ngôn ngữ của chúng ta hình thành thế giới của mình. Nhưng để đánh giá tính đúng đắn của tuyên bố này, các nhà khoa học muốn có một giả thuyết – một tuyên bố chặt chẽ, có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm, về cách mà ngôn ngữ hình thành thế giới của chúng ta. Nhưng làm như vậy có nghĩa là chuyển những cảm xúc sâu thẳm trong lòng chúng ta thành đối tượng nghiên cứu tách biệt và xa lạ để người ta có thể quan sát và phân tích bên ngoài. Điều đó chắc chắn sẽ làm mất đi tính toàn vẹn và nguyên thủy của cảm xúc ban đầu.
Liệu điều này có nghĩa là nghiên cứu của các thế kỷ trước không còn chỗ đứng trong thế giới ngày nay, hoặc ngược lại, rằng khoa học hiện đại đơn giản là không thể thấu hiểu được những chiều sâu triết học mà các công trình trước đây đã khám phá? Các nghiên cứu của quá khứ và hiện tại thì bổ sung cho nhau. Những công trình của các học giả trước đây – bất kể nó mới chỉ là suy đoán và không hoàn hảo thế nào – cũng không thể phủ nhận là đã nắm bắt được phần nào trải nghiệm của con người và có thể cung cấp thông tin cho các nghiên cứu của các học giả hiện nay. Ngược lại, các giả thuyết và thí nghiệm của các nhà ngôn ngữ học và tâm lý học hiện đại cung cấp một góc nhìn khác – được hình thành bởi quan điểm khoa học của thời đại chúng ta – về những câu hỏi lâu dài liên quan đến mối liên hệ giữa tâm trí và ngôn ngữ. Dù thế nào, chúng ta chỉ có thể hiểu được các câu hỏi nếu biết được các bối cảnh đã nuôi dưỡng nó.□
Tuệ Tâm dịch
Tia Sáng lược và biên tập lại
Bản gốc: https://aeon.co/essays/does-language-mirror-the-mind-an-intellectual-history