Ngựa Tết phiêu lưu qua ô cửa

Những ý nghĩ xa xăm chốc chốc lại lóe lên, bay lượn trêu ngươi, và bạn bị buộc vào chơi trò đuổi bắt những ý nghĩ đó trong khu vườn nay tạm là của mình. Trật tự không nằm trong việc lóe lên những ý nghĩ xa xăm này. Trật tự nằm ở trong việc bạn chơi trò đuổi bắt chúng.


“ai tư duy, ai tồn tại? ” — tranh Adla, cảm hứng phóng tác từ tác phẩm của Vũ Cao Đàm.

Bạn mỏi bước.

Trưa hè đổ lửa, hay đêm thu man mác. Chiều đông giá mướt, hoặc sáng xuân tinh tươm.

Chợt bạn tìm thấy một khu vườn, để chơi thả hồn.

Những ý nghĩ xa xăm chốc chốc lại lóe lên, bay lượn trêu ngươi, và bạn bị buộc vào chơi trò đuổi bắt những ý nghĩ đó trong khu vườn nay tạm là của mình. Trật tự không nằm trong việc lóe lên những ý nghĩ xa xăm này. Trật tự nằm ở trong việc bạn chơi trò đuổi bắt chúng.

Chuỗi ngày Tết cổ truyền là một khu vườn được cuộc đời tặng cho bạn để chơi thả hồn. Cuộc chơi “lim dim, tỉnh thức, về thần” của chú ngựa Tết qua ô cửa.

 

tư duy, hiện hữu

 

Ông Descartes có nói “Cogito ergo sum” – “Tôi tư duy, cho nên, tôi hiện hữu”. Điều kiện của mệnh đề này đã bao gồm “cái tôi”, mà cái tôi có được là một kết quả rất phức tạp của tiến hóa. “Cái tôi” có được là do sự tồn tại của một ý thức, hơn thế nữa, ý thức ấy ý thức được về chính nó, tự-ý-thức.

Vậy nên, câu nói “tôi tư duy, cho nên, tôi hiện hữu” là một sự trùng lắp dài dòng. Khi đã “có” cái tôi, tất nhiên là “tôi hiện hữu”.

Thế nhưng, một chủ thể ý thức không phải lúc nào cũng ở chế độ bật công tắc cái chức năng tự-ý-thức, và khi đó thì cái-tôi của chủ thể ý thức đó lại như không tồn tại. Một người phải trải qua một cơn mê dài, đặc biệt là qua hàng chục ngày ở chế độ được gây mê nhân tạo trong bệnh viện chẳng hạn, người đó có ý thức nhưng không hẳn có “cái tôi chủ động”. Trong giấc mơ liên miên không kiểm soát được đó, các kí ức của chủ tâm thức tranh nhau nhảy lên sân khấu để hiện hữu, mà “cái tôi” thì thực tình lại không hẳn hiện hữu. Nhưng giấc mơ liên miên không kiểm soát được đó có thể làm hiện hình ra cả “ cái tôi ” ở trong nó, điều làm cho tình hình phức tạp thêm lên. Ta có thể gọi đó là “cái tôi thụ động ”.

Vậy nên mệnh đề “Cogito ergo sum” cũng có ý nghĩa nếu như ta phát biểu lại là “Tôi tư duy, cho nên, tôi tồn tại chủ động”.

Nào, chúng ta thử gắng vui chơi tí chút cuộc chơi “Tôi tư duy, cho nên, tôi tồn tại chủ động” này nhé.

 

nguyên tố luận

 

Loài Homo Sapiens sau khi đã phát hiện ra “tôi tồn tại”, họ bắt đầu tư duy về “(tôi tồn tại nhưng mà) tôi từ đâu ra?”, điều đó sẽ phải dẫn họ đi đến có khái niệm về “cái-từ-đâu-ra”, được đặt tên như là “Tự-Nhiên”, như là “Vũ-Trụ”. Khi quan sát thấy các vật thể “lớn hơn” luôn luôn được cấu tạo từ những thành phần nhỏ hơn, suy nghĩ xa thêm hơn, người ta tự hỏi, vậy thì Vũ-Trụ phải được cấu tạo từ “những thành phần gốc rễ rốt cùng nào ”.

Quan niệm thuộc loại đầu tiên có được là “thuyết nguyên tố”, “những thành phần gốc rễ cơ bản đầu tiên” mà vẫn trực cảm được (bằng các giác quan). Từ các quan sát giản đơn, tư duy qui nạp-khái quát cho người ta qui giản vạn vật về vài nguyên tố, ví dụ như “nước, khí, lửa, đất..”. Điều quan yếu ở đây là mỗi “nguyên tố” này không thể được tạo ra từ các nguyên tố khác, được co giãn về (các) nguyên tố khác. Đây chính là gốc rễ của ý niệm về đa nguyên luận. Các nguyên tố này có thể tự do kết hợp nhau mà làm nên vạn vật. Sự vật một khi bị phân rã hoàn toàn thì sẽ lại trở về thành ra các nguyên tố gốc rễ, tự do.

Gần gụi nhất với suy nghĩ cổ truyền của người Việt, là thuyết nguyên tố luận “ngũ hành” của người Trung Hoa, cho rằng vạn vật có gốc rễ từ năm nguyên tố “kim loại, gỗ, nước, lửa, đất”.


Với âm nhạc, sự im lặng, độ dài các nốt, nhịp điệu, âm điệu, âm lượng, sự vận động tiến triển của dãy các cấu trúc hòa âm ẩn kín ở “ đằng sau dãy các nốt của giai điệu ”.. chúng là những thứ rộng lớn hơn, ở “bên ngoài” bản thân các nốt nhạc. Ảnh: Tranh Composition VII của họa sĩ người Nga Wassily Kandinsky, một bức trong chuỗi bảy Composition của ông về sự kì diệu của âm nhạc.

Khi một quan niệm được sủng ái, người ta có xu hướng chuyển nó từ chế độ “giả thuyết” thành ra “tín điều”. Con số 5 trong ý niệm “năm nguyên tố” dần dà trở thành huyền bí, được cực đoan hóa. Người ta cố áp con số 5 này vào trong mọi hiện tượng, từ “bếp núc ngũ hành” (dao, thớt, nước, lửa, nồi-đất..); chuyển sang đến “y học ngũ tạng” –  năm bộ phận cơ thể (tâm can tì phế thận); chuyển tới quan hệ xã hội “ngũ thường” (vua-tôi, bố-con, vợ-chồng, anh-em, bè bạn); rồi chuyển tiếp đến “âm nhạc ngũ âm” bất chấp việc tai người có thể và cần nghe được tới ít nhất là 12 cung âm (thậm chí 24 cung âm hoặc hơn nữa tùy theo khả năng, và/hoặc theo cảm thụ thẩm mỹ) – trước khi các cung âm này được lặp lại ở tần số âm cao gấp đôi hoặc thấp hơn một nửa (ta có các nốt nhạc “cùng tên gọi” ở độ cao (tần số âm thanh) n*2 hoặc 1/(2*n), n là số tự nhiên {1,2,3..}); rồi chuyển tận đến “ngũ hành vũ trụ” với các “sao” (thực ra là những hành tinh, nhưng không đầy đủ, của Mặt trời), chúng cũng được gọi tên là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ (“kim loại, gỗ, nước, lửa, đất”). Người ta đã có tín giáo thần học ngũ hành bất khả luận tranh, để rồi chỉ cứ việc đem nó ra mà giải thích nhồi nhét tất cả mọi chuyện.

Chuyện trò thêm ở đây.

“Bếp núc ngũ hành” thời nọ chưa biết đến đồ làm bếp silicone như “nguyên tố chất dẻo” thật là vô cùng phổ biến hiện thời, cùng những lò vi sóng, bếp điện, bếp từ như “ nguyên tố điện ”. Cơ thể mà chỉ có năm tạng thật thôi, thì người ta đỡ phải lo biết bao nhiêu là thứ bệnh ở những cơ quan đoàn thể khác trên mình. “Khách hàng là Thượng đế ” bữa nay thì không còn lần biết được là thuộc loại “thường nào”, “lục thường?”.

“Nhạc năm âm” (các cung-nốt tương đương “do, sol, re, la, mi”) là một thể nhạc có nét đẹp riêng mà nhiều nền văn minh âm nhạc khác nhau, không riêng gì Trung Hoa, đã phát triển và lưu hành. Như mọi cuộc chơi, việc sử dụng các quy chế “ tự hạn chế ” tạo nên các thách đố của cuộc chơi, làm nên cuộc chơi có sắc thái riêng. Ví dụ như trong môn bóng đá thì người chơi không được dùng tay chơi bóng sống ngoại trừ một cầu thủ đặc biệt là thủ môn khi anh ta ở trong khu cấm địa 16.50m của bên sân mình và trái bóng không phải do cầu thủ của đội mình đá bằng chân về cho mình. Thế nhưng một cuộc chơi đừng là duy nhất có thể, bóng đá không phải là món chơi duy nhất, cũng như “ nhạc năm âm ” không phải là thang nhạc duy nhất.1

Tuy nhiên điều thú vị là “nguyên tố luận” cũng là gốc rễ cho ý niệm về đa nguyên luận: các nguyên tố không thể bị quy giản về nhau hoàn toàn để rút cùng bị quy giản chỉ về một nguyên tố, “nhất nguyên”. Nếu lý tưởng “nhất nguyên tố” thắng thế trong âm nhạc, người ta sẽ có dòng nhạc chỉ có một nốt nhạc với các tần số gấp đôi hoặc một nửa, nghĩa là chỉ có nốt “..sòl, sol, sól..”. Đời sống xã hội nhìn rộng ra cũng như thế, nếu như lý tưởng nhất nguyên “làm vua” được trị vì thì sẽ chỉ có hỗn chiến triền miên, không có người nghệ sĩ-thợ gốm đỉnh cao.

 

nguyên tử luận

 

Homo Sapiens không dừng thỏa mãn chỉ với thuyết nguyên tố luận.

Người ta bắt đầu hình dung rằng “các nguyên tố trực cảm được” có thể được cấu thành từ những phần tử rất nhỏ bé hơn, siêu nhỏ bé, “nhỏ bé tới hạn” — không phân chia nhỏ bé hơn được nữa, không trực cảm được bằng các giác quan, những “ nguyên tử ”. Các nguyên tử chúng “giống nhau” nhưng được liên kết với nhau bằng những cấu trúc khác nhau. Chính là tập hợp các nguyên tử với những cấu trúc khác nhau ấy làm nên vạn vật khác nhau trực cảm được.


Toàn bộ hệ sinh thái của Trái đất là một hệ thống mà con người sống bám vào nó, không phải là cứ cướp bóc tàn tệ nó muốn ra sao thì ra. Ảnh: Tranh Ban đêm: cây đỏ của họa sĩ người Hà Lan Piet Mondrian. 

Vậy thì các sự vật của thế giới này về bản thể là những “nguyên tử” siêu bé nhỏ tới hạn giống tựa như nhau (có giới hạn đứt đoạn, không “vô cùng” bé nhỏ), và chúng được cấu trúc theo những cách khác nhau. Các sự vật cũng có thể bị phân rã khi các cấu trúc liên kết giữa chúng bị vỡ hoặc bị biến đổi để rồi vật thể này trở thành vật thể khác. Nên hiểu rằng ý niệm “nguyên tử” ở đây là ý niệm triết học, siêu vật lý, chứ không phải là khái niệm “nguyên tử vật lý học” đã được gán cho một thực thể vật lý đã cố định trong khoa học vật lý học ngày nay.

Quan niệm “nguyên tử luận” này một mặt có tính giả thuyết áp chế về “nguyên tử”, nhưng mặt khác lại mở đường cho quan niệm quan trọng về cấu trúc và sau đó là hệ thống. Nó thúc đẩy người ta suy nghĩ về những thứ “không trực cảm được” nhưng “ tri hiểu được ”. Ngày nay chúng ta biết rằng phải trả tiền rất đắt cho một ông chỉ đạo đội bóng đá vì ông ấy phụ trách các cấu trúc “không trực cảm được” giữa các cầu thủ để làm nên sức mạnh đầy biến hóa của một đội bóng. Các cuộc cải cách đời sống xã hội cũng như vậy, các cấu trúc tốt chứ không chỉ các “nguyên tử tốt”. Rồi với âm nhạc, sự im lặng, độ dài các nốt, nhịp điệu, âm điệu, âm lượng, sự vận động tiến triển của dãy các cấu trúc hòa âm ẩn kín ở “ đằng sau dãy các nốt của giai điệu ”.. . chúng là những thứ rộng lớn hơn, ở “bên ngoài” bản thân các nốt nhạc.

Nguyên tử luận chắp cánh thúc đẩy con người “nhìn xa hơn, nhìn sâu hơn, nhìn rộng hơn” đến những “hiện thực” mà các giác quan không thể trực cảm được: tính đứt đoạn, cấu trúc, tương quan, biến dạng, biến đổi..

 

hệ thống luận

 

Homo Sapiens rồi cũng không thỏa mãn chỉ với nguyên tố luận, nguyên tử luận.

Họ bắt đầu chú ý đến những tập hợp đại thể cùng sự tiến hóa của chúng trong tương tác với “môi trường”.

Tại sao có Xuân Hạ Thu Đông nối vòng nhau? Thuyết “Giời sinh ra thế” bẩm sinh trong tinh thần tuy rằng có tính năng an thần siêu tốt, nhưng khi được dùng mãi thì cũng sinh ra bức bách ức chế làm điên đầu nhau. Cứ phải sống mãi với những người lúc nào cũng tranh thủ lên lớp mình rằng “Giời sinh ra thế” để tự trói mình thì rồi thế nào cũng đến lúc phải “cho nhau biết tay”, như nền tiếu lâm Việt đã từng hành sự.

Dần dà người ta hiểu ra phần nào rằng Mặt trời, Trái đất cùng Mặt trăng của nó, một số hành tinh anh-chị-em của Trái đất, chúng là một hệ thống, gọi tên là Hệ Mặt trời. Chúng có cơ chế vận hành nội tại, từ đó người ta vẽ được chính xác lịch trình vận động của chúng. Chúng lại nằm trong môi trường của mình – các hệ thống lớn hơn. Bọn sinh vật trên Trái đất cũng thế, chúng là các hệ thống đang tồn tại, tiến hóa, hay đang bị suy diệt.. Con người cũng không có gì là thần thánh lắm, hiện tại họ mà lơ mơ không đeo khẩu trang, không rửa tay kĩ càng là dễ bị bọn virus Covid-19 xơi liền – vì con người và virus Codvid-19 cả hai cùng tham gia trong một hệ thống sinh thái. Toàn bộ hệ sinh thái của Trái đất cũng vậy, nó là một hệ thống mà con người sống bám vào nó, không phải là cứ cướp bóc tàn tệ nó muốn ra sao thì ra.. nếu không muốn chính con người-vật kí sinh phải ra tóp. Đời sống xã hội của loài người càng ngày càng tiến hóa nhanh, nhanh đến nỗi các thỏa thuận của đời sống đã có luôn luôn bị giằng xé rách nát, cần được chăm dưỡng, thay đổi, cải cách.

Cải cách đời sống là điều khó khăn, và căng thẳng.

Các qui tắc sinh hoạt của đời sống về bản chất là sự tích tụ hàng ngàn năm của các thỏa hiệp lê thê “đất lề quê thói”, ở đâu cũng như thế cả.

Ngó sang xứ sở của Liên bang America với nhiều lĩnh vực siêu hiện đại đang ngấp nghé xuất khẩu đời sống Homo Sapiens ra ngoài vũ trụ, thế mà họ vẫn đang phải sinh hoạt trên nhiều thỏa hiệp mục nát có từ hàng trăm năm trước. Cuộc bầu cử tổng thống 2020 (chưa xong hẳn khi những dòng “mực” này đang được chảy ra trên thềm 2021!) cho thấy bóng dáng của những vị đại cử tri bằng xương bằng thịt hẳn hoi vẫn cưỡi ngựa (sắt nhựa caosu) lên thủ đô để “bầu thay mặt” dân chúng của xứ họ! — những vị đại cử tri bằng xương bằng thịt này có thể bầu theo ý chí của dân chúng đã bỏ phiếu mà họ thay mặt, nhưng cũng có thể bầu phản lại ý chí của người dân mà họ đại diện! Xứ USA rõ ràng cần phải làm một cuộc cải cách hệ thống bầu cử, trước hết là xóa bỏ đám đại cử tri bằng xương bằng thịt – bản thân kết quả bầu cử của một bang là tự đủ xác định “số phiếu đại cử tri” rồi; tiếp đến tốt hơn nữa thì là thiết lập nền bầu cử trực tiếp để xóa sạch các kẽ nứt vỡ của một hệ thống bầu cử cũ rích lạc hậu từ hàng trăm năm: thế nhưng, “đất lề quê thói” luôn luôn gắn liền với những quyền và những lợi của các nhóm dân cư khác nhau, của các nhóm chính khách khác nhau, cả một mớ bòng bong ngột ngạt. Về hệ thống bầu cử này, người dân xứ sở USA thật cần một cuộc chơi “lim dim, tỉnh thức, về thần” của chú ngựa Tết qua ô cửa năm nay biết bao nhiêu, thay vì loay hoay mãi với trò chơi cũ đã mục nát.

Hệ thống luận đòi hỏi tư duy và hành động về vận hành hệ thống, tiến hóa hệ thống, chứ không phải loay hay mãi chỉnh sửa các bộ phận chắp vá.

***

Mỗi bước đi căn bản trong lịch sử của tư duy đều có ý nghĩa của nó để mà chiêm nghiệm. Nguyên tố luận, nguyên tử luận, hệ thống luận, chúng là những thiền án thú vị, là thức ăn thòm thèm cho chú ngựa Tết.

Lấy ví dụ.

Mỗi cá nhân con người tự do của hôm nay cũng đều là một “ nguyên tố ”, có nhân cách độc đáo, riêng tư, thiêng liêng và không thể bị quy giản về đơn thuần một thứ gì khác, là một nền tảng tận cùng của quyền làm người. Mỗi con người không phải là một robot sinh học được sản xuất đại trà. Đời sống hiện đại được xây dựng dần lên từ “ nền tảng nguyên tố ” của quyền làm người bất khả xâm phạm ấy.

Ở một góc độ khác, mỗi cá nhân lại cũng là một nguyên tử, ví dụ như trong vấn đề phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19. Các nguyên tắc của “giãn cách xã hội”, đeo khẩu trang, rửa tay khử trùng.. hoạt động hoàn toàn trên các cấu trúc xã hội mà khi đó cá nhân được mờ đi chỉ như những “ vật mang quan hệ ”, những “nguyên tử”.

Và mỗi con người là cũng là cả một hệ thống phức hợp nội tại mênh mông, sống và vận hành trong các hệ thống môi trường tự nhiên và xã hội rộng lớn hơn bao bọc họ.

***

Nói về chuyện người, bao giờ cũng là dễ hơn là nói về chuyện mình. Cuộc chơi “lim dim, tỉnh thức, về thần” của chú ngựa Tết qua ô cửa năm nay của người xứ ta là gì?

Ồ, đấy là thứ mà mỗi người chúng ta nên tự thưởng chơi cho mình khi có chuỗi ngày Xuân nhâm nhi ly trà này. Chả ai nên làm hộ ai, và cũng không ai làm hộ ai được ạ.□

——

(1) xem thêm “ Cần bao nhiêu nốt, để chơi nhạc? ” tại https://nuocdenchan.wordpress.com/2014/05/30/can-bao-nhieu-not-de-choi-nhac/

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)