Người Chăm từ những cuộc ra đi
Hình ảnh người dân tộc quấn xà rông hay mặc váy trên những chuyến xe đò dọc ngang, xuôi ngược khắp Bắc - Trung - Nam, hoặc ngồi chồm hổm các chợ vỉa hè với giỏ xách đầy vải vóc hay thuốc nam dân tộc, đã trở thành quen thuộc trong mắt mọi người. Đó là người dân tộc Chăm với “những cuộc ra đi” của họ.
“[Họ] … sống đời Digan (…) Trong kí ức của dân tộc Chăm là những cuộc ra đi… Nay vẫn thế, mặc dù người Chăm đa số đã định cư, nhưng cái tính chất kiểu như Digan ấy vẫn cứ chảy trong đời sống người Chăm. Có đến khoảng 70% người Chăm An Giang sống bằng nghề buôn bán. Cứ sau tháng lễ ăn chay Ramadan, những gia đình Chăm lại khăn gói lên đường đi tứ xứ mua bán đủ thứ để mưu sinh.”
Ra đi, không phải chỉ Chăm An Giang không thôi, mà còn là Chăm Ninh Thuận. Người Chăm làng Phước Nhơn, An Nhơn, và… với “ciêt agha harơk lên vai đổ xô tìm đất lạ” đã in dấu chân mình không chừa trừ bất cứ vùng miền nào trên đất nước hình chữ S này. Cả những nơi xó xỉnh, hẻo lánh nhất.
Chăm là dân tộc phiêu lưu theo nghĩa mạnh nhất của từ này.
Ngay khi thành lập vương quốc vào thế kỉ thứ II sau Công nguyên, và suốt 17 thế kỉ tồn tại, dân tộc Chăm đã ghi được bao nhiêu kỷ lục độc đáo, lẫm liệt! Đầu thế kỉ thứ V, sử sách ghi nhận, Địch Chấn tức Gangaraja, là con Phạm Hồ Đật sau vài năm trị vì, nhường ngôi lại cho người cháu, để sang Ấn Độ. Đây là vị vua duy nhất của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo đã vượt đại dương sang bờ sông Hằng. Từ đó tạo tiền đề cho bao cuộc ra đi khác. Với rất nhiều mục đích khác.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, vở kịch “Long vương” của Champa lúc ấy có tên Lâm Ấp lưu lạc đến Nhật Bản, được người Nhật trích dịch chọn một phần dựng thành điệu múa “Long vương vũ”. Các học giả Nhật Bản thẩm định rằng: Điệu La Lăng vương không phải từ Trung Hoa truyền đến mà là nhạc của nước Lâm Ấp” (“Điệu múa Chăm lưu lạc trên đất Nhật”, Tagalau 9). Riêng kiến trúc và điêu khắc, sau những chuyến lang bạt kì hồ, người Chăm đã biết thâu thái từ nền kiến trúc của các nước láng giềng: Thái Lan, Khmer, Java, Indonesia… để sáng tạo nên nền kiến trúc kì vĩ của mình với rất nhiều phong cách khác nhau.
Không có những cuộc ra đi, thì sẽ không làm được bao công trình bất hủ kia.
Và, nếu không có những cuộc ra đi, thì người Chăm sẽ không làm nên nền kinh tế thị trường hàng đầu Đông Nam Á thời xưa ấy. Hình ảnh bà con Chăm ngồi chồm hổm chợ chiều hôm nay không gì khác hơn là phái sinh của cuộc thiên di buôn bán truyền đời từ ông bà. Những cuộc đi, xuyên đại dương, vượt lục địa để buôn bán, và buôn toàn mặt hàng “độc”.
“Cù lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Malaysia ngày nay) đến Canton (Quảng Châu – Trung Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng – Cù lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hóa… trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương” (Lâm Thị Mỹ Dung, “Cù lao Chàm, chiều dày lịch sử và văn hóa”, vntimes.com.vn, 1-2012).
Nước ngọt đối với thủy thủ đoàn và nhân công phục dịch trên tàu trong các cuộc viễn du vượt đại dương, là nhu yếu phẩm không thể thiếu. Trong khi đó, người Chăm là vua của giếng nước ngọt. Giếng vuông Chăm xây bằng gạch từng có mặt dọc miền duyên hải suốt giải đất miền Trung Việt Nam, hiện nay vẫn còn tồn tại như một ám ảnh. Ám ảnh trở thành một thứ huyền thoại. Giếng nằm sát bờ biển, và nhất là người Chăm biết cách tìm nguồn nước không bao giờ cạn. Ông bà Chăm khai thác tối đa nguồn tài nguyên vô tận đó để bán cho thương nhân và đoàn thuyền đi qua vương quốc.
Bên cạnh nước ngọt là trầm hương. Thứ thì hiếm thành quý, thứ thì vô cùng nhiều nhưng vẫn cứ… quý, mới lạ. Ông bà Chăm biết đâu là thế mạnh – yếu của mình để buôn bán. Thử dõi theo bước chân nhà sử học G. Maspéro qua công trình lỗi lạc của ông: Le Royaume du Champa – Vương quốc Champa (Van Dest, Paris, 1928).
… các tàu thuyền ngoại quốc phải mời nhân viên nhà vua lên tàu xem xét, khi hàng đến cảng (trang 29). Như vậy thì vấn đề hải quan, thuế má, hàng lậu, hàng quốc cấm, v.v… phải được đặt ra.
… vì người Champa có lợi trong việc buôn bán với Trung Quốc, năm 1438 ông lại phải gửi sứ bộ sang nhà Minh (trang 225). Sứ bộ ấy phải là nhà ngoại giao cỡ bự – ngoại trưởng phụ trách kinh tế, có thể nói thế.
… Chắc về thời Jaya Sinhavarman, Nicolođe Couti đi về phía Tây, tức một thành phố ở sát biển với tên gọi Champa, nơi có nhiều gỗ trầm, long não và vàng (trang 228).
Ở lịch sử xa xưa ấy, người Chăm buôn bán tất tần tật những gì có thể buôn bán được. Bán những gì mình có, và mua những gì mình không có. Hơn thế – “tìm mọi cách để mua”, nếu đó là mặt hàng không thể không có. Hãy nghe sử gia này kể:
… vua Trung Quốc tặng ngựa cho vua Champa. Và khi người Champa học được cách dùng ngựa vào trận chiến, vua Champa tìm mọi cách để mua cho kì được ngựa của Tàu, mặc dù ở đây ngựa là mặt hàng cấm xuất khẩu.
Và…
… người Chăm thuần voi để chuyên chở và chiến đấu. Ngà voi là thứ hàng buôn bán quan trọng; tê giác lại càng quan trọng hơn vì mang lại nhiều lợi nhuận hơn (trang 5).
Ông còn cho biết, lúc đó vương quốc Champa có chức quan “gọi là Seih Es-Suq, tức là “Tổng đại biểu của thị trường”, có Naqib giúp việc. Với “thủ lĩnh nội địa” đó, các phú thương do buôn bán mà giàu có, đã chiếm địa vị ưu thế: tên tuổi họ được khắc trên các bi ký. (trang 13).
Tổng đại biểu của thị trường thì có khác gì chức Bộ trưởng Kinh tế thời hiện đại đâu. Thường thì người ta khắc lên bi ký tên tuổi tiến sĩ hay các vị khoa bảng triều đình, ai lại khắc tên doanh nhân?! Vậy mà ông bà Chăm đã làm, và làm từ rất sớm.
Sở hữu chiều dài bờ biển với thương cảng tấp nập tàu ngoại quốc ra vào, các vương triều Champa đã xây dựng cơ cấu kinh tế đất nước dựa trên thương mại biển thuộc hàng đầu trong khu vực. Thế nhưng không phải vì thế mà ông bà chừa món “thương mại đất liền”.
Tạ Chí Đại Trường cho biết “Một tướng của Nguyễn Nộn là “phiên” Ma Lôi từng đi buôn bán xa, tận Ai Lao” (“Tù binh Chàm, Lực lượng sản xuất riêng biệt của Lý”, hopluu.net, 26-10-2008). Ma Lôi thuộc sắc dân Chàm, lại là Chăm trong đoàn tù binh của nhà Lý! Tù binh mà đã thế, nếu đang là công dân tự do tại quê nhà thì họ còn tung hoành dọc ngang thế nào nữa. Giai thoại còn cho rằng, địa danh “Ô Chợ Dừa” ở Hà Nội hôm nay có nguồn gốc từ Chăm. Tù binh Chăm ra Bắc, mong nguôi nỗi nhớ quê hương, đã mang dừa từ Quảng Nam, Bình Định ra Bắc trồng. Trồng và đem đi bán. Họ lập nên chợ – Ô Chợ Dừa – để bán dừa.
***
Người Chăm chưa bao giờ thiếu máu buôn bán, nếu không muốn nói là thừa thãi. Thừa, đến nỗi trường ca triết lí nổi tiếng nhất trong kho tàng văn chương cổ điển, người Chăm vẫn ban cho nó cái tên rất kì lạ: Thơ đi buôn Ariya nau ikak.
Thơ đi buôn (Inrasara, Văn học Chăm khái luận, NXB Tri thức, 2011) xem cuộc sống như là một chuyến buôn, một cư ngụ tạm bợ. Trần gian là cõi tạm cho lữ khách dừng chân trong chốc lát rồi phải ra đi biền biệt. Còn với người đàn ông Chăm, ngay cái nhà (sang) cũng chỉ là quán trọ. Ở đây, họ chỉ là urang parat (kẻ khác), kẻ ở thuê (urang dauk apah); hay nói như dân Minangkabau – người mượn (orang samando). Người Chăm không có ý niệm về người ta đều mang tiếng khóc ban đầu mà ra. Họ ca ngợi cái đến, cái ở lại, cái đi; nhất là họ ngợi ca thái độ ra đi của kẻ đã khăn gói lên đường làm chuyến buôn dài:
Klauh thun harei jang tơl
Su-on lo ka nưgar đih klak lisei
Năm hết ngày cũng đến
Nhớ quê nằm bỏ cơm.
Đây không phải là quê tôi, quê hương tôi là nơi khác kia. Vậy tôi làm giàu mà làm gì kia chứ? Chuyến buôn khởi thủy không vốn nên đừng mong có lãi ở chung cuộc. Vậy thì chớ sắm sửa của cải mang theo, vô ích. Của cải mất, ta cũng chẳng nghe. Người Chăm khát sống nhưng thèm chết. Sống hân hoan và chết vui vẻ. Cái chết là của mình, thuộc sở hữu của mình, một miền cố quận gợi đầy nhớ nhung, luôn vẫy gọi ta ở trước mặt. Là nhà buôn, bạn sẽ trở về lúc nào không biết, nhưng chắc chắn là trở về. Vậy hãy vui vẻ lên đường, vẫy tay giã từ trần-gian-quán-trọ, từ biệt người lạ người thân. Lên đường nhẹ nhõm, không tiếc nuối, không lo nghĩ cho trần gian. Câu cuối cùng của thi phẩm:
Kuw nau sang kuw min juk phik
Klauh thun ikak sang thei thei wơk
Ta về cố quận tình ơi
Cuộc buôn đã mãn, nhà ai nấy về.
Văn chương bác học đã vậy, dân gian cũng chẳng khác là bao. Bởi “Mưtai o thei ba drơp twei: Chết thì không ai mang của cải theo cả”, cho nên, người Chăm không đặt nặng ở việc làm giàu. Buôn, mà không muốn làm giàu, nghe nghịch lí làm sao ấy. Nhưng đó lại là điều có thật. Bởi với người Chăm, buôn bán không gì khác là chuyến phiêu lưu, “những cuộc ra đi” dài để rồi khi, “cuộc buôn đã mãn, nhà ai nấy về”.
Vĩnh viễn.