Người đàn bà vẽ

Không hiện thực, mà cũng không trừu tượng, hội họa của Phạm Tú Uyên là sự kết nối đan xen những tâm trạng, tình cảm, hay những suy tư, liên tưởng bất chợt của chị về bản thân và đời sống con người, mà từ đó hình thành nên một ngôn ngữ tạo hình có sắc thái riêng biệt, pha chút bí ẩn kỳ dị, rất rung động và giàu nữ tính. Đây đó là những khoảnh khắc thăng hoa, phiêu bồng vào cõi tâm linh siêu thực.

Uyên vẽ chủ yếu về phụ nữ, một phần trong đó chị gọi là Chân dung tự họa. Một số bức rất kỳ lạ, không rõ mặt người, xuất hiện như một sự thách đố: người đàn bà mang khuôn mặt “gương soi”, người đàn bà mang khuôn mặt “mảnh vá”, hoặc đơn giản hơn nữa, mang khuôn mặt “một đường chỉ”… Họa sĩ dường như muốn biến chân dung thành một thông điệp cô đọng nhất, hay một ý niệm có tính tượng trưng phổ quát về cuộc đời người đàn bà: những người thích làm dáng, soi gương, thích thêu thùa vá may, thích lụa là gấm vóc… Những người đàn bà chăm chỉ, tận tuỵ, mơ những giấc mơ hoa, song số phận không phải lúc nào cũng êm đềm chiều chuộng họ. Số phận thường đỏng đảnh như những mảnh vỡ nhiều màu ghép lại. Và người đàn bà trong tranh Uyên suốt đời tìm kiếm chính mình qua tấm gương soi, suốt đời chân chỉ vá víu những mảnh vỡ của cuộc đời qua từng năm tháng.


Chân dung tự họa

Trong tranh Uyên, khuôn mặt người đàn bà có thể bị ẩn khuất, hoặc nhoè đi, chung cho mọi thân phận, nhưng đôi bàn tay ngược lại được chị chú ý thể hiện với một tình cảm đặc biệt. Họa sĩ coi đôi bàn tay là vốn liếng quí báu nhất của người đàn bà: để làm lụng vá may, để múa hát trang điểm, để hờn giận yêu thương, và cũng để cầu nguyện, ban phát tình yêu như đức Phật.
Tín ngưỡng chính là một chủ đề không nhỏ trong tranh Uyên. Các bức tranh Hương trầm và Mắt Phật cho thấy họa sĩ có một niềm tin thành kính vào đạo Phật. Mắt Phật linh thiêng được chị phóng tưởng thành hàng ngàn con mắt lấp lánh như sao sa, lan toả và nghiệm ứng nơi nơi, khắp bầu trời, hoặc có khi mắt Phật xoay tròn như bánh xe luân hồi, hay như một thế lực đặc biệt trong vũ trụ.

 
Người đàn bà khóc

Là phụ nữ, rất yêu thích màu sắc và hoa văn, Uyên còn đặc biệt bị cuốn hút bởi hình ảnh những người phụ nữ miền núi trong trang phục rực rỡ, đặc sắc, suốt ngày thêu thùa vá may, không nghĩ gì đến bản thân, chìm đắm trong đường kim mũi chỉ. Đôi khi họa sĩ như muốn vẽ mình hóa thân vào đời sống của họ. Chị vẽ người đàn bà sống trong không gian của hoa văn, đi suốt cuộc đời trong hoa văn, nối mặt trời với mặt trăng bằng một sợi chỉ đỏ, rồi thêu cả bầu trời và thiên nhiên vào trong váy áo (Người phụ nữ miền núi thêu, Người phụ nữ miền núi khóc), hay chị vẽ những cô gái Dao đỏ đội khăn như đội cả mặt trời trên đầu (Cuốn khăn trùm đầu).
Nhìn chung, tranh của Uyên luôn chứa đựng một nỗi niềm, một tâm trạng, mà ẩn chứa trong đó là sự cô đơn, hy sinh của người phụ nữ. Tình cảm vợ chồng hay tình yêu đôi lứa được nhắc tới trong một bức tranh duy nhất có tên Vợ bộ đội. Một bố cục giản dị, song khá độc đáo, mang tính khái quát và gây xúc động đặc biệt. Hình ảnh anh bộ đội trẻ đầu đội mũ gắn sao đi bên cạnh người vợ trẻ đang thì xuân sắc, xinh đẹp như hoa. Họ trở về trong ký ức của một người đàn bà tóc trắng áo đen có tên là Vợ bộ đội. Hai màu đen- trắng là biểu tượng của tang tóc, đau thương và biệt ly. Bức tranh gợi nhớ đến chiến tranh, đến những hy sinh, mất mát lớn lao của con người trong cuộc chiến đó, đặc biệt là từ phía người phụ nữ.

 
Vợ bộ đội

Tranh của Uyên quyến rũ chính ở cái sự hoang đường hư hư thực thực, với những ý tưởng kỳ lạ, bất ngờ, có khi đơn giản, nhưng cũng có khi là ẩn dụ đa chiều, buộc người xem phải liên tưởng. Màu sắc tung tẩy, táo bạo, xuất phát từ bản năng, đôi khi có nhịp điệu trang trí uyển chuyển như ảnh hưởng từ lối trang trí thêu thùa hoa văn trên vải. Tất cả tạo nên một mỹ cảm riêng biệt mới lạ, giàu nữ tính. Và đó chính là tiếng nói nghệ thuật cất lên từ trái tim đa cảm của chị./.

Bùi Như Hương

Tác giả