Người đáng trọng

(Nghĩ về bài Một đại sĩ phu của cụ Nguyễn Văn Tố)

Tên tuổi cụ Cử Đông Tác Nguyễn Hữu Cầu không được các cơ quan truyền thông nhắc nhở đến ù tai.
Cụ không phải là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử.
Là một người lớn lên trong các phòng đọc sách và nhiều năm giao du với cổ nhân, tôi có một tật khó sửa: tật kính nhi viễn chi với các nhân vật kiệt xuất.
Ai đó đã có một nhận xét rất thú vị:
– Các bậc vĩ nhân ít nhiều đều vi phạm luật đất đai đương thời: họ ăn tốn diện tích quá
Cụ Cử Đông Tác rõ ràng không phải là một vĩ nhân.
Khiêm tốn và gần gũi với chúng ta hơn, cụ là một nhân vật đáng trọng.
Cụ là một trong những người sáng lập ra tổ chức văn hóa yêu nước đầu tiên của lớp sĩ phu (bây giờ gọi là trí thức) tiến bộ của Việt Nam: Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Do mắc tội yêu nước và yêu văn hóa, cụ được Nhà nước Pháp văn minh cho đi tù và sau đó lưu đày ra Côn Đảo.
Bất chấp tất cả mọi sự đàn áp của một chế độ thực dân hà khắc, nhà Nho bình thường này đã sống cuộc đời can đảm và khó khăn của một sĩ phu yêu nước, trọn đời giữ vững khí tiết của một trí thức sạch, nhìn lên không xấu hổ với cha ông, nhìn xuống không xấu hổ với hậu thế.
Bài khóc cụ Nguyễn Hữu Cầu của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, một  nhà trí thức đáng trọng khác đã hy sinh trong những ngày đầu của cuộc toàn dân kháng chiến, là một bài tưởng niệm xuất sắc về nhân cách một sĩ phu.
Tôi chỉ tiếc đôi chút về tính từ “grande” trong bài “Une grande figure de lettré’ (không phải vì sai mà vì nó hơi “sẵn” quá).
Khi các hậu duệ của cụ Nguyễn Hữu Cầu đề nghị tôi xem lại bản dịch khá trung thành của Nguyễn Chí Công, tôi “liều” một đề nghị chỉnh sửa nhỏ, chẳng biết dịch giả có vui lòng chấp nhận không. Tôi đề nghị sửa cụm từ “Một đại sĩ phu” thành “Một sĩ phu đáng trọng”.
Một người bạn đáng trọng khác của cụ Nguyễn Hữu Cầu là nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phó Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Việt Nam non trẻ. Tôi xin dẫn ra đây trọn vẹn câu đối vĩnh biệt của cụ Phó Chủ tịch nước với người bạn thường dân của mình:
“Quân diệc quy tự Côn Đảo thiên nhiên học hiệu đường, bễ nhục sinh bi, lão bệnh bất vong thân hậu quốc.
Ngã bất liệu vi Trịnh Ngũ yết hậu thi Tể tướng, tiều kha kỷ lạn, dịch kỳ phiên tác cục trung nhân”.
Những cữ nặng đó làm vinh dự cả người viết lẫn người nhận.
Cụ Nguyễn Hữu Cầu!
Hôm nay tưởng nhớ cụ trước bàn thờ Tổ quốc đông vui có thêm nhiều gương mặt mới lận đận từ những vùng sâu vùng xa về xum họp, như các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Thượng Chi Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Bạch Thái Bưởi… tôi xin phép thắp một nén hương cho tất cả những người con hiếu thảo đáng trọng đã tạo nên trọng lượng của hai chữ Việt Nam
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2006

Chú thích ảnh: Nhân dịp kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-2007), Nhà XB Lý luận chính trị ấn hành tác phẩm Nguyễn Hữu Cầu- Chí sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục, do GS Chương Thâu và Hồ Anh Hải biên soạn.

Lê Đạt

Tác giả