Người giao sữa: Cuộc “tề tựu” của những văn hào

Có gì trong văn chương Ireland đương đại? Ireland, “miền đất của những nhà thơ và những huyền thoại, của những kẻ mộng mơ và người nổi loạn”, một miền đất quá bé nhỏ nhưng có quá nhiều những văn hào. Và sau những Stoker, Wilde, Swift, Shaw, Yeats, Beckett, Joyce, văn chương Ireland đương đại có ai?


Anna Burns nhận giải thưởng Man Booker cho cuốn Milkman (Người giao sữa). Nguồn: The Economist.

Câu trả lời là những người phụ nữ. Năm 2007, Anne Enright giành giải Man Booker cho cuốn The Gathering (đã từng xuất bản ở Việt Nam với bản dịch Họp mặt). 11 năm sau, năm 2018, Anna Burns lại nhận giải thưởng Man Booker cho cuốn Milkman (Người giao sữa). Dầu cho Burns nói rằng bà chưa từng đọc Beckett trước khi viết cuốn tiểu thuyết này, khi đọc nó, ta vẫn thấy trong lối văn chương thể nghiệm thách đố tưởng chừng hoàn toàn nguyên bản ấy, vẫn phảng phất một cái chạm nhẹ của Beckett. Và không chỉ Beckett, có cả Stoker, có cả Joyce, thậm chí là một chút của Swift ở đó. 

Câu chuyện mở đầu một cách rất quyết đoán mà cũng rất mơ hồ: “Ngày ai Ai Đó McAi Đó kê súng vào ngực mà gọi tôi là đồ đĩ thõa rồi dọa bắn cũng là ngày người giao sữa chết.” Hành động thì trực diện, danh tính thì ẩn khuất. Và sự lập lờ ấy theo mãi từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết, trong dòng suy nghĩ bất tận của một cô gái mười tám tuổi mà cuộc sống đảo lộn từ một ngày, khi đang rảo bước trên đường và đọc cuốn Ivanhoe, thì Người giao sữa xuất hiện, một kẻ dường như biết tất tật về cô, ngỏ ý cho cô đi nhờ. Không có nhân vật nào có tên, họ chỉ được ghim hờ vào một nghề nghiệp hay một biệt hiệu hay một mối quan hệ với nhau: chị hai, chị ba, anh rể ba, mẹ, bạn trai hờ, đứa con gái hạ độc, em của đứa con gái hạ độc, bếp trưởng, mẹ thằng bé hạt nhân, bạn-lâu-năm-nhất, ngay cả khi có tên thì cũng là một cái tên vô định hình, Ai Đó McAi Đó. Có lẽ là thế, con người không bao giờ được nhìn nhận như một bản ngã tách biệt hay độc lập, chúng ta chỉ là cái chúng ta làm, cái mà người khác nghĩ về chúng ta, hoặc là một ai đó trong tương quan với ai đó khác, bị phân loại trong một mạng lưới rối như tơ vò của xã hội người.

Tính mập mờ trong câu chuyện nơi thành phố không tên khiến ta hoài niệm về Samuel Beckett, bậc thầy của sự mập mờ. Như chúng ta không bao giờ biết rốt cuộc thì Godot là ai, là Chúa (God) hay một thương gia giàu có hay ai đó khác, chúng ta cũng không thể minh xác thân phận của Người giao sữa. Burns tung ra những manh mối để ta đoán biết và hình dung về người đó, nhưng luôn luôn, y xuất hiện bất thình lình, hành tung khó lường và lảng vảng như một bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện. Chỉ có một điều chắc chắn, một người giao sữa luôn có nhiều ý nghĩa hơn một người giao sữa. 

Bởi sữa không bao giờ chỉ là sữa, đó là một ẩn dụ từ thời Kinh Thánh, từ thời Thượng Đế giao ước với Abraham về vùng đất hứa Canaan nơi sữa chảy tràn. Sữa là tặng vật của Chúa, là báu vật của người mẹ, là vỏ bọc của sự ngây thơ, thanh khiết. Khi nhân vật của cố tài tử James Dean trong Rebel without a cause (Nổi loạn không lí do) tu một chai sữa và cầm chai sữa ấy lăn lăn lên gương mặt u buồn thì nó không chỉ bởi cậu ta đang khát, mà nó bắt lấy phút giây giằng co giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành – cái ranh giới nơi cậu ta đang bấp bênh trên đó. Khi nhân vật Alex trong A clockwork Orange (Đồng hồ da cam) uống một ly sữa trắng thì nó không chỉ bởi cậu ta thích uống sữa, mà nó tạo nên một hình ảnh quái đản của tên tội phạm vị thành niên nghiện ngập bạo lực và tình dục nhưng lại nhấm nháp thứ đồ uống của đứa trẻ con. Và Alfred Hitchcock thì nhất định không sử dụng ly sữa làm phương tiện đầu độc trong Suspicion (Nghi vấn) chỉ vì ông không còn đạo cụ nào khác. Có lẽ ông muốn châm biếm rằng, chúng ta luôn bị đầu độc bởi chính sự ngây thơ của mình.

Điện ảnh thì như vậy, còn trong văn chương, chí ít đã có Stephen King viết về một người giao sữa – thứ thức uống bắt đầu ngày mời tinh khôi – nhưng anh ta luôn bỏ vào đó những “điều bất ngờ”: như một con nhền nhện hay độc dược.

Trong Người giao sữa của Anne Burns có hai người giao sữa, một người giao sữa thực và một Người Giao Sữa viết hoa – những “hắn không giao sữa cho ai cả. Hắn không nhận đặt hàng sữa. Hắn chẳng liên quan gì đến sữa.” Nói cách khác, hắn là một Người giao sữa ẩn dụ. Và nếu hắn không phải một người giao sữa nhưng vẫn được gọi là một người giao sữa thay vì một người giao báo hay một người thợ hàn, thì chỉ bởi vì hắn là sự chuyển thể và sự giễu cợt những ý niệm về sữa: Người giao sữa là kẻ đe dọa, kẻ quấy rối, kẻ lẻn vào cuộc đời của cô thiếu nữ không tên, còn về phần cô gái, dù cả câu chuyện không hề thấy cô uống sữa lấy một lần, nhưng sự xuất hiện của một Người giao sữa đã khởi điểm thời khắc cái kén tuổi thơ đã rạn, và cô buộc phải chui ra khỏi lớp màng bọc ấy để đối diện với sự trưởng thành.

Đến đây, ta lại tìm thấy Bram Stoker trong áng tiểu thuyết của Burns, bởi nếu như bá tước ma cà rồng Dracula hút máu những thiếu nữ và theo một cách nào đó, tước đoạt tuổi xuân từ họ, thì ở đây, sự rình rập đeo bám của Người giao sữa đã xô cô gái không tên ra khỏi vùng ngây thơ của tuổi thiếu thời, và cô ngã vào một phiên chợ cuộc sống nơi những thứ được bày biện là lời đồn bóng gió, sự bất tín, sự tẩy chay, sự ngờ vực, sự hiểu lầm, tội ác không căn nguyên, sự chia bè kéo cánh, sự nhiễu nhương của một thể chế đang lung lay trước cuộc đổ bộ của những phong trào ở bên kia thế giới. Và giây phút cô đồng ý bước lên chiếc xe của Người giao sữa, nó cũng là giây phút cô bước vào tòa lâu đài của Dracula, chấp nhận một cú cắn kết liễu tuổi thơ.

Nhưng, Burns kể một câu chuyện Dracula kinh dị mà không gây khiếp hãi. Bà chọc phá nó và biến miền đất quỷ thành một thứ có vẻ gì đó đáng sợ một cách nực cười. Không nực cười sao được khi mà ở đó, một người đem theo thuốc nổ đi khắp thành phố còn đỡ chướng tai gai mắt hơn là một cô gái vừa đi bộ quanh hồ vừa đọc Jane Eyre! Burns châm biếm nhưng không cay nghiệt. Cuộc dấn thân của cô gái mười tám tuổi vào cái xã hội không thể nào hiểu được xung quanh cô phảng phất cuộc lưu lạc của Gulliver đến thế giới Lilliput xa lạ, cả Gulliver và cả cô gái mười tám tuổi của Burns mới đầu đều không thể cắt nghĩa những gì đang xảy ra, họ bị khớp trước sự vận hành kỳ cục phi lý của những thông lệ. Một quả trứng bị đập vỡ ở đầu nào thì có gì quan trọng? Nhưng nó là nguồn gốc của mâu thuẫn chính trị tại Lilliput. Đọc Jane Eyre thì có gì bất thường đâu? Thế mà nó là nguyên nhân khiến một cô gái mười tám tuổi bị kỳ thị, quay lưng và ái ngại.

Rồi cú chốt hạ của Anna Burns, bà đem trí tuệ châm biếm sâu cay kiểu Swift, đem phúng dụ ma cà rồng kiểu Stoker, đem tính mập mờ nước đôi kiểu Beckett nhào vào làm một, nhúng chung trong một dung môi là kỹ thuật dòng ý thức rất Joyce (hãy tưởng tượng nếu bốn nhà văn ấy châu đầu vào viết cùng một tiểu thuyết, có lẽ nó sẽ có dáng dấp như cuốn tiểu thuyết này). Và nói cho cùng thì, mọi rắc rối của cô gái mười tám tuổi đều xuất phát từ những cuộc đi bộ của cô, mà ai là người đi bộ nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học nếu không phải là Leopold Bloom của Joyce, người xuống phố và đi quanh Dublin vào ngày 16/6/1904?

Một người giao sữa không bao giờ chỉ là một người giao sữa. Một chuyến bộ hành thì chẳng bao giờ chỉ là một chuyến bộ hành.□

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)