Người giữ lại tinh hoa của nghề gốm vuốt tay

Sinh năm 1977, anh Phạm Ngọc Đạo có tuổi đời còn quá trẻ so với các nghệ nhân làng nghề thủ công truyền thống dọc một dải đồng bằng Bắc bộ thấm đẫm phù sa sông Hồng. Cũng không thể so sánh kinh nghiệm của anh với những người thợ khéo tay, những nghệ nhân đã được Nhà nước cấp bằng công nhận tại các làng Gốm như gốm Phù Làng, gốm Thổ Hà, gốm Hương Canh...mà đa phần trong số các làng nghề đó, ngày nay yếu tố “truyền thống” chỉ còn tồn tại ở trên... giấy hoặc trong kí ức của những người yêu mến tinh hoa vốn cổ. ấy thế mà với tuổi đời 28, anh Đạo đã “chơi trội” so với cả làng nghề Bát Tràng có truyền thống trăm năm: là người duy nhất của làng nghề "chuyên nghiệp" làm gốm vuốt tay.

Làm gốm từ…5 tuổi
Ông Phạm Ngọc Huy, thân sinh của anh Phạm Ngọc Đạo, xuất thân theo như ông tự nhận “ba đời làm công nhân Bát Tràng”, ông nội ông là ông đồ nho, bố ông, các bác, các chú xưa kia đều là thợ khéo của làng, nói về con trai mình bằng một hình ảnh như sau: Một hôm, nó ngồi nghịch đất. Chẳng hiểu nó xoay vần cái cục đất ra sao, mà lát sau, đã thấy vuốt thành một cái lọ gốm nhỏ. Nhưng vì đất nhão, mới 5 tuổi, chưa biết làm thế nào để cho miệng lọ gốm không bị chảy méo đi, cháu cứ đứng chỉ trỏ cái lọ gốm đang rụt cổ, và sau đó, thì nó… rụt cổ của mình lại. Lúc ấy, tôi mới hiểu cháu muốn nói gì. Thì ra, ngay từ bé Đạo đã bị khiếm thính. Khiếm thính, không nghe được ai nói gì, anh càng sinh ra ít nói. Ấy là do cuộc sống thời đó nghèo khổ quá, kinh tế quốc doanh chưa ai biết lấy nghề truyền thống nuôi nghề nuôi mình, nên hai đứa con trai ông Huy sinh ra đều ốm yếu, quặt quẹo. Anh Đạo bị ho hen, viêm phổi mà thành khuyết tật. Kể lại chuyện này, ông Huy thở dài như tự an ủi: Cũng may ông Trời không lấy mất hoàn toàn của ai thứ gì. Tôi hưởng được cái gen khéo tay của bố, hưởng luôn sự nghèo. Thì con trai tôi hưởng cái gen yêu nghề gốm, hưởng luôn sự…không nghe được. Mà hình như cũng nhờ vậy, những ồn ã của đời sống thị trường đã không chạm được vào nó, không làm phôi phai đi khao khát làm gốm truyền thống một cách thực sự trong lòng Đạo.
Là con cả trong nhà chỉ có hai anh em, anh Phạm Ngọc Đạo quả thật đã không mảy may để ý đến sự phát triển vượt trội của thị trường gốm công nghiệp, của sự thay đổi hàng ngày hàng giờ tại các lò gốm trong làng. Ngay em trai của Đạo không chịu được sức ép thị trường cũng đã bươn ra mở  cửa hàng riêng, làm gốm đúc khuôn thạch cao, khuôn lá, men bằng hoá chất nhập ngoại bất kì ai cũng pha chế được, sản phẩm cho ra hàng loạt giống nhau ít chịu rủi ro, hỏng xấu. Thứ gốm công nghiệp hàng loạt ấy giúp em trai Đạo, cũng như phần đông những người làm gốm Bát Tràng thời nay không chỉ sống được, mà còn sống đủ, phát đạt. Đạo thì khác, anh khăng khăng nhất mực: gốm chỉ là gốm khi vuốt tay. Bởi, với anh, tình yêu của người thợ làm gốm, tình yêu với đất đai và nghề chỉ được người thợ thể hiện khi anh ta trực tiếp lăn lưng ra xử lý nguyên vật liệu thô, để có được cái xương gốm, cốt gốm mang “bản sắc” của lò mình. Ngay trong việc xử lý men, các cụ ta xưa làm gì có thứ men pha sẵn màu sắc bóng nhoáng, xanh đỏ “chóng cả mặt” như thế kia. Men gốm Bát Tràng truyền thống là một trong những yếu tố làm nên tên tuổi làng nghề. Nó là thứ men được chế từ quặng, được tìm ra trong sự mê say và vất vả của người thợ ngày đêm giã quặng, đất đá, tinh lọc, pha chế, xử lý mà thành. Men Bát Tràng mộc mà sâu. Đậm màu, chân chất nhưng có duyên riêng. Nó như vẻ đẹp của đất đai, của phù sa sông Hồng ngời lên trong sự lặng im nhưng cuộn xiết giữa dòng chảy thời gian. Nó là hồn, là cốt của người dân làng gốm. Chưa hết, đôi tay của người thợ khi vuốt gốm trên bàn xoay còn phả cả tâm hồn, tinh tuý, sự nồng nhiệt và chăm chú của mình vào từng chi tiết, hoa văn, từng kiểu dáng, từng thớ vân. Người thợ có thực sự nhạy cảm, khéo léo, có hoa tay hay không, mỗi xương gốm sẽ là một lời mách bảo. Vậy thì làm sao tinh hoa của gốm có thể còn tồn tại khi thay vào tất cả những công đoạn tuy phức tạp, cầu kì, nhưng mới đích thực bản chất của thủ công truyền thống, là công nghệ, là máy nghiền men, là men pha sẵn, là cốt đúc khuôn?

 “Dở hơi” nhưng “giàu” truyền thống
Với triết lý như vậy, Đạo chấp nhận “lập dị”, chấp nhận “dở hơi” như lời nhiều người trong làng nhận xét, đồng nghĩa với chấp nhận nghèo. Ngày ngày, nhìn những hàng gốm bên cạnh sôi động đóng từng công -ten – nơ hàng xuất khâu, anh không hề sốt ruột. Cửa hàng gốm nhà anh vẫn bình thản, tự tại trong sự im vắng với một dòng chữ đề kiêu hãnh: gốm vuốt tay. Xưởng gốm nhà anh chỉ có mình anh vừa là thợ, vừa là chủ. Cũng có một vài thanh niên trong làng muốn học nghề vuốt gốm bằng tay như anh, thảng hoặc để chơi, để biết còn lại một tinh hoa truyền thống. Một vài người trong làng thỉnh thoảng vẫn ngồi vuốt gốm, loay hoay với cái bàn xoay, cho đỡ nhớ, cho đỡ quên một thời “thủ công”. Nhưng không ai dám sống với nó. Mà người ta cũng không sống nổi. Không ai vuốt nhanh một ngày 20-30 xương gốm đều tăm tắp như Đạo. Không ai đủ kiên nhẫn dính lưng vào bàn xoay và thọc tay vào đất bùn nhào nặn cho đến kì đôi bàn tay trở nên thô ráp, đỏ ửng, các kẽ tay dính đầy đất cát nữa. Cũng may, ông Huy rất ủng hộ con trai. Ông không chỉ ủng hộ bằng cách truyền cho con những kinh nghiệm của một người thợ 31 năm trong nghề gốm, mà còn cả tri thức của một người từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa chuyên ngành Hóa si-li-cát. Và cũng may vợ anh, chị Nguyễn Thị Trinh, người con gái có tuổi đời rất trẻ những đã sớm nhận ra đâu là giá trị chân chất của một làng nghề, đã không hề mè nheo chồng hay “nóng mặt” khi thấy nhà nhà “phất lên ầm ầm” với gốm công nghiệp. “Thực ra cũng không có gì là hy sinh to tát lắm. Em quen nhà em trong một cuộc trưng bày triễn lãm gốm. Khi thấy anh ấy trần lưng ra vuốt từng cốt gốm trên bàn xoay, mồ hôi nhỏ giọt trên từng thớ đất mà không hề nói một câu gì, em đã thấy cảm mến. Bén duyên nhau rồi, càng hiểu thêm tâm nguyện và ủng hộ anh ấy. Làng gốm Bát Tràng sẽ ra sao nếu rồi đây một mai đi những nước men, những kĩ thuật vuốt tay truyền thống?” – chị Trinh giải thích với chúng tôi như vậy.

 
 Đôi bàn tay say nghề của người thợ gốm

Bây giờ thì nhiều người trong làng gốm Bát Tràng đã thay đổi thái độ kì thị xưa kia, cho dù cửa hàng nhà Đạo vẫn nghèo và vắng khách. Vì thái độ sống chết với nghề của anh đã mang đến cho gia đình một vị thế riêng trong làng gốm. Nó giống như giữa một rừng công chúng mê nhạc pop, rock hiện đại, chợt nẩy ra một, hai người chăm chăm yêu quý chầu văn, ả đào, chèo…vậy. Tuy không nhiều người nhưng phàm một ai đã trót đem lòng mê thì đấy mới thực là mê đắm. Cho nên, đã có những du khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc nghe tiếng gốm Bát Tràng, lặn lội đến với làng nghề, giữa những bạt ngàn mẫu mã, màu sắc gốm, họ chỉ nhăm nhăm hỏi thương hiệu hàng “gốm vuốt tay”. Những nghệ sĩ “chịu chơi” như Lê Thiết Cương thì đến đây đặt thiết kế từng xương gốm để vẽ và tạo thành tác phẩm mỹ thuật. Hay những người mê đồ cổ nhưng không có tiền chơi cũng tìm đến nhà ông Huy, lắng nghe ông say sưa kể về thứ men ngọc, men da lươn, men rạn, men lam…, những công đoạn phục chế gốm cổ Bát Tràng, thỉnh thoảng, đặt anh Đạo làm cho một vài sản phẩm mang về chưng cho đỡ cơn “nghiền” đồ cổ. Vì vậy, có thể tìm thấy sự phong phú và đa dạng trong sáng tạo của Đạo không chỉ ở bình, lọ, mà còn là những bình vôi, bát điếu, những hình dáng con nghê, lợn… với nước men thời gian thăm thẳm. Người không sành chơi cũng có thể bị nhầm, bị lẫn.
Sao chép  vốn cổ với một tâm ý vừa học tập cha ông, vừa lưu giữ những cái đẹp xưa cũng là phương cách để giữ gìn truyền thống. Vì vậy, những phần thưởng mà chàng trai 28 tuổi của làng nghề đạt được như Bằng khen triễn lãm gốm sứ truyền thống Bát Tràng chào Seagames 22, Giải nhì hội thi Bàn tay vàng nghề gốm sứ 2004, bằng khen Tài năng trẻ làng nghề TP Hà Nội 2004 hay cuộc “Hành trình văn hóa” lên VTV3 trình diễn vuốt gốm… không làm anh hạnh phúc bằng một ánh mắt chiêm ngưỡng say sưa của du khách, của những người đến Bát Tràng để tìm vẻ đẹp đích thực của nghề thủ công. Đối với Đạo, giữ gìn những nét đẹp và tinh hoa của làng nghề không chỉ là bổn phận mà còn là đam mê không bao giờ nguội tắt, nó như cuộc hành trình khám phá và trở về với cội nguồn trong tinh thần của một đời người thợ gốm.

Lê Mỹ 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)