Người kể chuyện của những hòa giải

Cuốn tiểu thuyết mới của Vĩnh Quyền, “Thương ngàn”, giống như một cuộc phiêu lưu mà trong đó, nhà văn đẩy lối viết đã tạo thành dấu ấn của mình vào những thử thách của một tình thế mới để những tư tưởng độc đáo về tự nhiên, về lịch sử và con người được hiện hình.

Trong Thương ngàn, Vĩnh Quyền đã rời không gian quen thuộc của mình để đưa toàn bộ câu chuyện bám theo cuộc phiêu lưu của nhân vật chính, một phiên dịch viên cho những dự án bảo tồn thiên nhiên, vào những cánh rừng Trường Sơn, giữa những người Kơ tu mà cuộc sống phụ thuộc vào rừng đang bị đe dọa. Huế, vốn rất quen thuộc trong văn chương của ông, chỉ còn là một hiện diện thoáng qua đủ cho một câu chuyện tình éo le và buồn bã.  Trong cuộc hành trình ấy, nhân vật – người kể chuyện sẽ nhìn thấy một thiên nhiên bị con người tàn phá, nhìn thấy những cánh rừng và những ngọn núi sụp đổ. Nhưng cũng trong cuộc hành trình ấy, anh ta sẽ tìm lại được những mảnh vỡ của một lịch sử đầy những đau thương và thù hận của một dân tộc “mà trong chiều dài lịch sử chịu nhiều cung bậc chia xé rồi hàn gắn rồi lại chia xé…” và đều là những “chia xé không đội trời chung kéo dài hàng chục, hàng trăm năm đã gây tạo nội thương đa cấp đa chiều sâu khuất”. Trong cuộc hành trình ấy, anh ta tìm thấy vẻ đẹp văn hóa của những người Kơ tu sống dưới tán rừng và cũng trong cuộc hành trình ấy, anh ta tìm thấy chính mình và ý nghĩa cuộc đời mình.  

Với Thương ngàn, cuộc hành trình vào rừng của nhân vật chính là một sự thay đổi điểm nhìn để tìm thấy những ý nghĩa mới cho những vấn đề đã cũ. Đó là một cuộc tìm kiếm mà ở điểm cuối không phải là những kĩ thuật hay những kết cấu nghệ thuật mới mẻ (thậm chí, nếu đã đọc Trong vô tận, có thể khẳng định, Thương ngàn được viết bằng những kĩ thuật đã làm nên “dấu ấn” Vĩnh Quyền) mà là những ý tưởng kết quả của suy tư được đẩy đến tận cùng.  Giống như Trong vô tận, Thương ngàn là một hư cấu giao thoa với những sự kiện thời sự: thảm họa thiên nhiên ở công trường nhà máy thủy điện Rào Trăng. Người kể chuyện – nhân chứng đã có một cách nhìn rất đặc biệt đối với sự kiện thời sự đó: tìm đến một “Rào Trăng tịch mịch” hậu thảm họa “để chiêm nghiệm, hình dung về những gì đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra, nơi này nơi kia trong cả nước” và “nhìn sâu vào những thảm họa gãy vỡ cân bằng thiên nhiên do tác động khai thác của con người”. Nhờ thế, anh ta thoát được những lối mòn trong suy nghĩ về tự nhiên. Như một sự sám hối, anh hiểu rằng cần phải trả thiên nhiên trở lại với chính bản chất tự nhiên của nó, một khác biệt về bản chất với con người. Chính vì vậy nên anh đã không đồng tình với việc coi thiên tai như là sự trả thù con người của tự nhiên. Anh “không muốn gán cảm tính hay thuộc tính của con người cho tự nhiên”. Đối với anh, tự nhiên tuyệt đối không thể là đối tượng để khai thác, dù là khai thác cảnh quan thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh. Khác với không ít người đam mê nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã “nhìn thế giới qua kính ngắm nhiều hơn mắt mình”, một nhân vật trong Thương ngàn đã bước vào rừng tay không, bỏ lại máy ảnh, để tìm lại “cơ hội kết nối thật sự giữa bản thân với cảnh giới kỳ diệu của tạo hóa”, “tạo thế cân bằng cho bản thân” và “bày tỏ lòng tôn trọng thế giới tự nhiên”. Nhiều người có thể cho đó là một sự cực đoan nhưng đó là một sự cực đoan cần thiết nếu thực sự con người muốn thiết lập lại sự cân bằng với thế giới tự nhiên.

Thương ngàn là một hư cấu giao thoa với những sự kiện thời sự: thảm họa thiên nhiên ở công trường nhà máy thủy điện Rào Trăng

Nếu theo dõi sự nghiệp văn chương của Vĩnh Quyền, có thể nhận thấy một điểm rất độc đáo: mỗi tác phẩm của ông thường được đan cài nhiều chủ đề khác nhau và những chủ đề đó thường có cả một tiến trình phát triển dọc theo nhiều tác phẩm. Những suy nghĩ về tự nhiên và quan hệ con người – tự nhiên đã xuất hiện ngay từ tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ. Chính vì vậy nên những suy tư của ông trong tiểu thuyết là những suy tư đã được trở đi trở lại trong suốt nghiệp viết và nhờ thế mà khác với những thứ thời thượng hời hợt khi viết về tự nhiên rất phổ biến hiện nay, coi thiên nhiên như một chốn nghỉ ngơi, một nơi mang lại cảm giác thoải mái cho con người mà trong đó người viết hiện ra như một khách du lịch tìm kiếm sự thỏa mãn ích kỉ, suy nghĩ về tự nhiên của Vĩnh Quyền là một thứ thay đổi triệt để tư duy về tự nhiên để con người phải nhìn tự nhiên như một cái gì mà mình lệ thuộc vào chứ không phải là một đối tượng để khai thác bằng bất cứ cách nào và phải được tuyệt đối tôn trọng. 

Và cũng giống như nhiều tác phẩm khác của Vĩnh Quyền, lịch sử luôn hiện diện trong những trang văn của ông. Đi vào rừng, người kể chuyện không chỉ tìm thấy những suy tư về tự nhiên mà còn tìm thấy cả những mảnh vỡ của lịch sử và vẻ đẹp của những con người sống dưới tán rừng. Trong một tình thế đầy éo le, những võ tướng Tây Sơn đã phải chọn rừng làm chốn nương náu để chạy trốn cuộc trả thù tàn khốc của vua Gia Long mới lên ngôi và nuôi hy vọng về sự nghiệp quang phục một triều đại anh hùng vắn số. Sự nghiệt ngã của hoàn cảnh đã buộc họ phải tan biến vào những người Kơ tu trong rừng già. Và ở đó họ đã được tiếp nhận và che chở. Trong tiểu thuyết của Vĩnh Quyền, những người “dân tộc thiểu số” không phải là những kẻ lạc hậu và “chậm phát triển”, đối tượng của một sự che chở và dạy dỗ. Họ là người chủ của thế giới dưới những tán rừng, những con người bao dung và hiếu khách. Giống như cuộc hành trình xuyên qua rừng để tìm thấy chân lí về tự nhiên, trong Thương ngàn, có một nỗ lực xuyên qua những phong tục nhiều khi vô cùng khốc liệt để thấy được “cái lí”, những giá trị văn hóa chi phối cuộc sống của những người sống dưới tán rừng. Dù là những cuộc “săn máu” hay sự sùng kính những khu rừng thiêng, dù là những bài “hát lí” hay những kiêng kị được tuân thủ nghiêm ngặt, tất cả đều thể hiện một sự tự trọng và triết lí hòa hợp với tự nhiên, một nhân cách cao thượng và những tình cảm nhân bản rất đỗi tinh tế.

suy nghĩ về tự nhiên của Vĩnh Quyền là một thứ thay đổi triệt để tư duy về tự nhiên để con người phải nhìn tự nhiên như một cái gì mà mình lệ thuộc vào chứ không phải là một đối tượng để khai thác bằng bất cứ cách nào và phải được tuyệt đối tôn trọng. 

Nếu nói theo cách của những lí thuyết gia điện ảnh của Làn sóng mới ở Pháp những năm 50 của thế kỉ trước thì Vĩnh Quyền xứng đáng được coi là một “l’auteur” (tác giả), người in dấu ấn cá tính của mình trên những sáng tạo và cũng tích lũy được một tập tác phẩm đủ để nói đến một dấu ấn. Từ những bước khởi đầu văn nghiệp, những truyện lịch sử Vầng trăng ban ngàyMạch nước trong, qua những tập truyện ngắn và bút kí như những chuẩn bị cho một cái gì dài hơi hơn, đến những tiểu thuyết được nhiều người biết đến nhất của ông, Mảnh vỡ của mảnh vỡTrong vô tận (cuốn sách quan trọng nhất để hiểu văn chương của ông), có thể nói đến một lối viết mà văn bản giống như một dòng sông được hợp bởi rất nhiều dòng truyện kể; một kết cấu đan cài rất nhiều loại văn bản, từ tin tức thời sự đến tiểu luận, kịch bản, khảo cứu; những chiều kích suy tư đa dạng từ lịch sử đến thân phận con người trong lịch sử; những cái tôi kiêu hãnh và cô độc dù đôi khi yếm thế; và những không gian trở đi trở lại, từ Đà Nẵng đến những ngôi biệt phủ Huế với những từ đường và những thư phòng bên sông Hương. Phong cách ấy được định hình ở Mảnh vỡ của mảnh vỡ, dù có phần cực đoan khi dòng truyện kể và số phận đôi khi tạo nên một sự bề bộn có phần thái quá. Đến Trong vô tận, phong cách đó tìm lại được một sự cân bằng và chừng mực. Và với Thương ngàn, dấu ấn đó lại được tái hiện trong một cấu trúc nghệ thuật tươi mới. 

Thương ngàn là một tiểu thuyết đầy những nỗi buồn đau và những “ký ức thương tổn”. Thậm chí, có cả dự cảm về một thế giới mà mỗi con người là một tiểu hành tinh trong một vũ trụ “nở rộng theo thời gian, ngày càng tối hơn, lạnh lẽo cô đơn hơn, mỗi hành tinh trở nên xa vắng hơn với những hành tinh khác từng cuốn hút nhau”. Trong thế giới ấy, con người phải đối diện với một quá khứ không thể thay đổi với những đau khổ không thể lãng quên và phải vượt qua nó bằng sự hòa giải và những hàn gắn, dù vô cùng khó khăn, không phải bằng cách hy sinh bản ngã mà bằng cách tìm lại vị trí tồn tại thực sự của chính mình, phù hợp với cái tôi đích thực của chính mình. Sau khi cứu người nghĩa sĩ Cần Vương, cô gái Kơ tu sẽ quay lại với rừng già, thế giới của chính mình. Sau những thế hệ tan biến vào rừng, hậu duệ của võ tướng Tây Sơn sẽ quay trở về đồng bằng, bước qua lời nguyền không phục vụ nhà Nguyễn vì một điều còn cao hơn mối thù dòng họ: số phận của quốc gia. Chính trong sự vượt qua để đạt đến một cái gì cao cả hơn cái tôi vị kỉ đã giúp cho nhân vật vượt qua được những thương tổn và những nỗi đau của quá khứ. Và ở ý nghĩa đó, Thương ngàn có thể coi là một truyện kể về một sự hòa giải, một sự hàn gắn của con người với thế giới vượt qua những “nội thương đa cấp đa chiều sâu khuất”. □

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)